Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 195/2006/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 08 tháng 8 năm 2006 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC ĐẾN NĂM 2010 CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động Giáo dục, Y tế, Văn hóa và Thể dục thể thao;
Căn cứ Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”;
Căn cứ Quyết định số 20/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/6/2005 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt đề án “Quy hoạch phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 2005-2010”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 637/SGD&ĐT-VP ngày 26/06/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án xã hội hóa Giáo dục đến năm 2010 của tỉnh Bình Dương gồm những nội dung sau đây:
I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VỀ XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC:
- Thực hiện xã hội hoá giáo dục nhằm phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, đồng thời tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được hưởng thụ thành quả giáo dục ở mức độ ngày càng cao.
- Đẩy mạnh xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi thành viên trong xã hội học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ phổ cập giáo dục phổ thông, tạo điều kiện cho việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức và khả năng thích ứng với thị trường lao động.
- Thực hiện chủ trương chuyển các cơ sở giáo dục công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính, thực hiện hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi, thường xuyên nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục.
- Những vùng kinh tế phát triển, ngân sách không chi cho giáo dục mầm non, tập trung chi cho những vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, vùng sâu, vùng xa. Có lộ trình thích hợp chuyển các cơ sở giáo dục bán công sang loại hình ngoài công lập. Tiến tới không duy trì các cơ sở giáo dục bán công.
- Đa dạng hóa các loại hình giáo dục, khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập với hai hình thức dân lập và tư thục.
- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc giám sát các hoạt động xã hội hoá giáo dục.
- Xã hội hoá giáo dục phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đảm bảo thống nhất quản lý của nhà nước, giữ vững vai trò nồng cốt của các trường công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân.
II. MỤC TIÊU VÀ ĐỊNH HƯỚNG CỦA XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC:
1. Mục tiêu:
Huy động sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, làm cho mọi người, mọi tổ chức đều được đóng góp để phát triển giáo dục cũng như được hưởng thụ những thành quả của giáo dục ngày càng cao.
Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội, mọi cá nhân, tập thể về vị trí, vai trò quan trọng của xã hội hóa giáo dục, xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Tổ chức, phối hợp và quản lý tốt hơn các loại hình giáo dục chính quy, không chính quy, công lập, ngoài công lập, các nguồn tài chính từ Nhà nước và từ nhân dân để mở rộng hợp lý quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Định hướng:
Thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/04/2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, Nhà nước tiếp tục tăng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục. Bảo đảm kinh phí cho công tác phổ cập; tập trung đầu tư các vùng trọng điểm, đào tạo nguồn nhân lực, các vùng kinh tế khó khăn. Huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức kinh tế - xã hội và cá nhân để phát triển giáo dục - đào tạo. Tăng cường mối quan hệ của nhà trường với gia đình và xã hội, huy động nguồn lực trong toàn ngành, toàn xã hội vào việc giáo dục toàn diện. Có cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích và quy định trách nhiệm của các ngành, các địa phương, các tổ chức kinh tế - xã hội và người sử dụng lao động tham gia xây dựng trường, hỗ trợ kinh phí cho người học, thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo và giám sát các hoạt động giáo dục.
Có chính sách trợ cấp học phí hoặc học bổng cho học sinh giáo dục phổ cập, cho người học là đối tượng chính sách, những người ở vùng khó khăn, những người nghèo và những người học xuất sắc không phân biệt học ở trường công lập hay ngoài công lập.
Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập, chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình ngoài công lập. Hạn chế mở thêm các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Không duy trì cơ sở bán công, từng bước chuyển sang tư thục hoặc dân lập ở các nơi có điều kiện.
Khuyến khích việc hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục - đào tạo có chất lượng cao, có uy tín. Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của mọi người, mọi nơi, mọi trình độ và mọi lứa tuổi.
Từng bước chuyển các cơ sở giáo dục công lập và các trường ở thị xã, thị trấn có điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên.
Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân đóng góp kinh phí, đất đai để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
III. NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ CỦA XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC:
1. Đối với giáo dục Mầm non:
* Kế hoạch phát triển đến 2010:
- Số trẻ Mẫu giáo: 34.000 cháu
- Số trẻ Nhà trẻ: 7.000 cháu
* Chỉ tiêu định hướng đến năm 2010:
80% cháu nhà trẻ ra lớp loại hình ngoài công lập (khoảng 6.359 cháu). Hiện nay, số trẻ nhà trẻ ngoài công lập là 2.108 cháu. Như vậy số cháu thu nhận thêm ngoài công lập đến 2010 khoảng 4.251 cháu.
70% cháu mẫu giáo học ở các trường ngoài công lập (khoảng 23.275 cháu). Hiện nay số trẻ mẫu giáo ngoài công lập là 6.073 cháu. Như vậy số cháu thu nhận thêm ngoài công lập đến năm 2010 khoảng 17.202 cháu.
Lộ trình phát triển trường Tư thục và tự chủ tài chính (xem phụ lục số 01 đính kèm)
2. Đối với Giáo dục Phổ thông
a) Tiểu học:
Năm học 2006 - 2007: Chuyển Trường Tiểu học dân lập Trí Nhân (thị xã) thành trường tư thục, với quy mô 220 học sinh.
Năm học 2007 - 2008: Chuyển hoặc phát triển thêm 01 trường tiểu học tư thục ở thị xã và phát triển quy mô Trường Tiểu học tư thục Trí Nhân, tổng số học sinh 550/71.570 học sinh (kế hoạch), chiếm tỷ lệ 0,77%.
Năm học 2008 - 2009: Chuyển hoặc phát triển thêm 01 trường tiểu học tư thục huyện Dĩ An. Nâng tổng số lên 03 trường tư thục với số lượng học sinh 900/73.243 học sinh (kế hoạch), chiếm tỷ lệ 1,23%.
Năm học 2009 - 2010: Chuyển hoặc thêm trường tư thục ở huyện Thuận An. Nâng tổng số lên 04 trường tư thục, với số lượng học sinh 1.200/74.657 học sinh (kế hoạch), chiếm tỷ lệ 1,6%.
Lộ trình phát triển đến năm 2010 (xem phụ lục số 02 đính kèm)
b) Trung học cơ sở:
- Năm học 2008 - 2009: dự kiến chuyển 02 trường trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một và huyện Dĩ An, thành trường Trung học cơ sở tự chủ tài chính một phần với 1.800 /55.565 học sinh, chiếm tỷ lệ: 3,2%.
- Năm 2009 - 2010: tiếp tục phát triển 02 trường Trung học cơ sở tự chủ tài chính, với số học sinh dự kiến tăng lên 2.100 /51.786 học sinh, chiếm tỷ lệ: 4,0%.
c) Trung học phổ thông:
- Năm học 2006 - 2007:
Tiếp tục duy trì 02 trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Đình Chiểu và bán công Dĩ An với số học sinh 2.600 /29.634 học sinh, tỷ lệ: 8,8%.
- Năm học 2007 - 2008:
+ Chuyển 02 trường Trung học phổ thông bán công Nguyễn Đình Chiểu và bán công Dĩ An sang loại hình trường công lập tự chủ tài chính một phần, phần kinh phí thiếu được nhà nước hỗ trợ.
+ Tiếp tục chuyển thêm 02 trường công lập ở huyện Thuận An và thị xã Thủ Dầu Một sang loại hình trường tự chủ tài chính một phần, tổng số học sinh 4.500 /29.518 học sinh, tỷ lệ: 15,24%.
- Năm học 2008 - 2009:
+ Tiếp tục phát triển 02 trường tự chủ tài chính một phần ở năm học trước và chuyển 01 trường ở huyện Thuận An sang loại hình tự chủ tài chính (hoặc tư thục).
+ Kêu gọi đầu tư để chuyển 02 trường tự chủ tài chính ở thị xã Thủ Dầu Một và Dĩ An sang trường tư thục, với tổng số học sinh sẽ tăng lên là: 7.200 /28.092 học sinh, tỷ lệ: 25,63%.
- Năm học 2009 - 2010:
+ Tiếp tục duy trì 03 trường tự chủ tài chính ở năm học trước và 02 trường tư thục ở năm học trước.
+ Tiếp tục kêu gọi đầu tư thêm 03 trường tư thục ở thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An và huyện Bến Cát, và 01 trường Trung học quốc tế trong khu Liên hợp - Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị. Đến năm 2010 sẽ có 03 trường tự chủ tài chính và 06 trường Trung học phổ thông tư thục, với số học sinh là 10.750 học sinh/26.829, tỷ lệ 40,1%.
Lộ trình phát triển đến năm 2010 (xem phụ lục số 03 đính kèm)
3. Giáo dục chuyên nghiệp:
a) Đối với trung học chuyên nghiệp:
- Tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới các trường đào tạo bậc trung học chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của tỉnh.
- Có cơ chế, chính sách thiết thực nhằm khuyến khích việc đầu tư thành lập các trường trung cấp chuyên nghiệp dân lập, tư thục ở các huyện Dĩ An, Thuận An, Bến Cát phục vụ cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho các khu công nghiệp.
- Khuyến khích các hình thức trường trung cấp chuyên nghiệp chuyên ngành kỹ thuật, công nghiệp, cơ khí, dịch vụ.
- Phấn đấu đến 2010 nâng tỷ lệ học sinh trung học chuyên nghiệp được đào tạo ở hệ ngoài công lập khoảng 30%, với hệ thống trường công lập và ngoài công lập như sau:
* Các trường Trung học chuyên nghiệp công lập:
· 03 trường Trung học chuyên nghiệp: Trung học Kinh tế, Kỹ thuật, Trung học Văn hóa nghệ thuật.
* Các trường Trung học chuyên nghiệp ngoài công lập:
· 01 Trường Trung học dân lập Kỹ thuật công nghệ cao Hương Việt
b) Đối với trường cao đẳng, đại học:
- Chỉ đạo, theo dõi tạo điều kiện cho các trường trung học chuyên nghiệp về đội ngũ, cơ sở vật chất, đất đai để phát triển thành trường cao đẳng.
- Có cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân mở các trường cao đẳng ngoài công lập.
- Khuyến khích các hình thức trường cao đẳng ngoài công lập ở các loại hình đào tạo chuyên ngành kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ.
- Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ sinh viên được đào tạo ngoài công lập khoảng 40%, với hệ thống trường Cao đẳng, Đại học công lập và ngoài công lập sau đây:
* Các trường Đại học, Cao đẳng công lập:
· 01 trường Đại học Tổng hợp Bình Dương (phát triển từ trường Cao đẳng Sư phạm lên).
· Trường Cao đẳng Y Dược khu vực miền Đông (phát triển từ Trung học Y tế lên).
· 01 Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (phát triển từ Trung học Nông lâm lên).
* Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập:
· 01 Đại học Dân lập Bình Dương thành Đại học Tư thục Bình Dương.
· 01 Cao đẳng Dân lập Kinh tế và Kỹ thuật thành Đại học Hưng Đạo.
Lộ trình phát triển đến năm 2010 (xem phụ lục số 04 đính kèm).
4. Giáo dục thường xuyên:
- Phát triển các Trung tâm giáo dục thường xuyên, xây dựng cơ sở vật chất các Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở các huyện, thị xã.
- Phát triển các lớp bổ túc văn hoá trong cộng đồng dân cư, các công ty, xí nghiệp, vùng sâu, vùng xa, mở các lớp học cho công nhân, người dân lao động.
- Đảm bảo mỗi Trung tâm Giáo dục thường xuyên đều có 01 cơ sở Ngoại Ngữ, Tin học để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên và người lao động.
- Liên kết với trường Đại học trong khu vực mở các lớp đào tạo chuyên tu, tại chức, từ xa,… nhất là các ngành nghề phục vụ cho các khu công nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật; tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động, phổ biến kiến thức khoa học giúp nông dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất tại các Trung tâm Học tập cộng đồng phường, xã.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 37/CT-CT ngày 9/8/2004 của UBND tỉnh về việc “Tăng cường xây dựng xã hội học tập theo hình thức giáo dục không chính quy trên địa bàn toàn tỉnh”. Phấn đấu từ nay đến 2010, chỉ tiêu cho mỗi huyện, thị hàng năm thành lập mới từ 02 đến 03 Trung tâm Học tập cộng đồng, cụ thể:
+ 2005 - 2006: 15 Trung tâm
+ 2006 - 2007: 20 Trung tâm
+ 2007 - 2008: 20 Trung tâm
+ 2008 - 2009: 15 Trung tâm
+ 2009 - 2010: 12 Trung tâm
Đến 2010, toàn tỉnh có 89/89 Trung tâm Học tập cộng đồng, đạt 100%.
IV. CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về xã hội hoá giáo dục để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.
Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hóa giáo dục để các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa giáo dục.
2. Khuyến khích các cơ sở thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển giáo dục. Khuyến khích và thực hiện hỗ trợ ban đầu có thời hạn của nhà nước cho các cơ sở công lập chuyển sang loại hình ngoài công lập.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục công lập hợp tác, liên kết với các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân trong việc xây dựng cơ sở vật chất; các cơ sở ngoài công lập được huy động vốn để đầu tư phát triển cơ sở vật chất và hoàn trả theo thoả thuận.
Các địa phương có kế hoạch và quy hoạch đất đai, thực hiện công khai hoá, đơn giản hoá thủ tục thuê đất, giao đất để thực hiện chủ trương của Chính phủ như ưu tiên dành đất cho các trường học công lập và ngoài công lập; Thực hiện việc miễn thuế sử dụng đất, thuê đất đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận.
Thực hiện bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập về thi đua, khen thưởng, về công nhận danh hiệu Nhà nước, về đào tạo bồi dưỡng, tiếp nhận, thuyên chuyển cán bộ từ khu vực công lập sang ngoài công lập và ngược lại theo đúng quy định Nhà nước.
Xây dựng kế hoạch, chính sách vay vốn để các nhà đầu tư thuận lợi. Đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thực hiện Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
3. Đổi mới quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính.
Thực hiện đầy đủ quyền tự chủ và trách nhiệm, mặt khác bảo đảm quyền sở hữu và vai trò của đại diện chủ sở hữu trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Tăng cường thực hiện dân chủ trong giáo dục và đào tạo, thực hiện cải cách hành chính trong việc thành lập các cơ sở giáo dục: công khai rộng rãi quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục; tạo cơ hội cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập được tiếp cận nguồn tài chính của Nhà nước trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh nâng cao chất lượng giáo dục.
Thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng giáo dục các cấp, của Ban đại diện Cha mẹ học sinh, vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tham gia vào quá trình xã hội hoá.
Thực hiện các quy định về kiểm định chất lượng đào tạo ở các trường công lập và ngoài công lập, về kiểm tra, đánh giá, về quản lý tài chính, tài sản.
4. Phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập.
Khuyến khích mở các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực thị trường lao động đang có nhu cầu lớn.
Thực hiện chính sách hỗ trợ Nhà nước đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các lĩnh vực về đầu tư, miễn giảm các loại thuế, chính sách đối với người dạy, người học.
5. Tăng cường nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước.
Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư; động viên các khoản đóng góp tự nguyện, từ thiện cho giáo dục; mở rộng các quỹ khuyến học; khuyến khích cá nhân và tập thể đầu tư mở thêm trường tư thục.
Nhằm thực hiện các giải pháp trên có hiệu quả, ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh và các bộ, ngành ban hành các văn bản pháp quy để thực hiện chuyển đổi cơ chế, chính sách các loại hình giáo dục từ công lập sang loại hình dân lập, tư thục.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC XÃ HỘI HOÁ GIÁO DỤC:
1. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo:
a) Chủ trì và phối hợp với các sở, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển xã hội hóa giáo dục; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả báo cáo định kỳ theo yêu cầu của UBND tỉnh.
b) Thành lập Ban chỉ đạo phát triển xã hội hoá ngành giáo dục và đào tạo để chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện Đề án Quy hạch phát triển xã hội hóa giáo dục trong toàn tỉnh.
c) Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành thực hiện việc huy động nguồn vốn để thực hiện xã hội hóa giáo dục: thực hiện chính sách thuê đất với giá ưu đãi cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập; hướng dẫn về phân phối các quỹ và thu nhập trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập; các quy định về kiểm tra, đánh giá, báo cáo tài chính trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
d) Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan thực hiện mô hình cơ cấu tổ chức, cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục; chế độ chính sách xã hội phù hợp với các chủ trương xã hội hoá và thực hiện việc chuyển đổi cơ sở giáo dục công lập sang loại hình dân lập và tư thục theo lộ trình của Nhà nước.
e) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thực hiện khuyến khích và thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, quy hoạch đất đai, kế hoạch sử dụng đất ở các xã, phường, thị trấn nhằm bảo đảm quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học.
2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã:
a) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục của địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện xã hội hóa giáo dục phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước, với thẩm quyền và điều kiện của địa phương; tìm mọi biện pháp huy động các nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục.
b) Xây dựng cơ chế chính sách và điều hành thực hiện xã hội hóa giáo dục ở địa phương phù hợp với chủ trương của nhà nước về khuyến khích xã hội hóa giáo dục, đặc biệt ưu đãi về đất đai, thuế, chế độ đối với nhà giáo, khung mức học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc địa phương quản lý.
c) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, chế độ khuyến khích xã hội hóa giáo dục, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, tiêu cực, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
3. Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong ngành:
Thực hiện nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách quy định của Nhà nước về xã hội hóa giáo dục; nâng cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tuân thủ các mục tiêu hoạt động đã được quy định trong Điều lệ trường học; không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã Thủ Dầu Một, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Quyết định 17/2014/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 2Quyết định 1686/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch thực hiện “Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 3Quyết định 423/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2016" do tỉnh Bình Định ban hành
- 1Quyết định 20/2005/QĐ-BGD&ĐT phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển xã hội hoá giáo dục giai đoạn 2005 - 2010" do của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2Quyết định 112/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Giáo dục 2005
- 4Nghị định 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
- 5Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP về việc đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao do Chính Phủ ban hành
- 7Quyết định 17/2014/QĐ-UBND về cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020
- 8Quyết định 1686/QĐ-UBND năm 2014 Kế hoạch thực hiện “Đề án xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 9Quyết định 423/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Đề án "Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2016" do tỉnh Bình Định ban hành
Quyết định 195/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xã hội hóa Giáo dục đến năm 2010 của tỉnh Bình Dương
- Số hiệu: 195/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/08/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
- Người ký: Nguyễn Văn Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra