Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN DÂN TỘC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 194/2004/QĐ-UBDT | Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP , ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ-CP , ngày 16/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 749/2004/QĐ-TTg ngày 01/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập 3 cơ quan thường trực khu vực của Uỷ ban Dân tộc;
Theo đề nghị của Trưởng Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
1. Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long là tổ chức tương đương cấp Vụ của Uỷ ban Dân tộc, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Uỷ ban Dân tộc trên địa bàn các tỉnh: Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long có trụ sở đặt tại Thành phố Cần Thơ, có con dấu riêng, là đơn vị dự toán cấp III và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.
3. Nhiệm vụ:
a. Theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công tác dân tộc trên phạm vi địa bàn phụ trách; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, ngành, địa phương giải quyết những vấn đề cấp thiết có liên quan đến dân tộc trên địa bàn;
b. Đảm bảo đầy đủ các báo cáo tổng hợp định kỳ tháng, quý, năm và các báo cáo đột xuất gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban theo quy định của Uỷ ban Dân tộc;
c. Tổng hợp các thông tin, những kiến nghị và vướng mắc của các cơ quan địa phương tại địa bàn khu vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Uỷ ban để báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban xem xét, chỉ đạo, giải quyết;
d. Nghiên cứu, đề xuất lên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban và các đơn vị thuộc Uỷ ban Dân tộc các chủ trương, biện pháp chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về dân tộc;
e. Phối hợp với các cơ quan làm công tác dân tộc địa phương trên địa bàn phụ trách hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau đây thuộc phạm vi quản lý của Uỷ ban Dân tộc;
* Về quyền dùng tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; phát triển giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ dân tộc thiểu số và chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, công bằng xã hội giữa các dân tộc, chống mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc;
* Thực hiện các đề tài nghiên cứu, các dự án mô hình thí điểm, các chính sách ưu đãi ở vùng có điều kiện khó khăn được Uỷ ban giao;
* Tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động đấu tranh đập tan các luận điệu phản cách mạng, xuyên tạc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc xảy ra trên địa bàn;
* Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện công tác định canh, định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được phân công phụ trách;
* Tham gia cùng địa phương xây dựng, phát hiện những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu là người dân tộc thiểu số có uy tín làm hạt nhân trong phong trào giữ gìn trật tự xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và an ninh;
* Tham gia thẩm định các chương trình, dự án đầu tư có liên quan trên địa bàn được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban giao;
* Phối hợp với Vụ Tổ chức Cán bộ theo dõi, tổng hợp tình hình đội ngũ cán bộ, công chức dân tộc thiểu số của 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trên địa bàn được phân công do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban giao;
* Thực hiện công tác thống kê, tổng hợp thông tin về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn được phân công;
* Chuẩn bị nội dung, kế hoạch, đảm bảo các điều kiện để Lãnh đạo Uỷ ban Dân tộc, các đoàn công tác của Uỷ ban đến làm việc với các tỉnh trên địa bàn phụ trách;
* Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban giao.
Điều 2. Cơ cấu tổ chức
1. Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long có Trưởng Cơ quan thường trực (tương đương Vụ trưởng) gọi tắt là Trưởng Cơ quan, các Phó Trưởng Cơ quan thường trực (tương đương Phó Vụ trưởng) và các cán bộ, công chức.
2. Trưởng cơ quan do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban bổ nhiệm và miễn nhiệm, Trưởng cơ quan chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban và trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý, sử dụng cán bộ, người lao động và các hoạt động của cơ quan thường trực.
a. Trưởng cơ quan thường trực có nhiệm vụ:
- Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác tháng, quý, năm. Chủ trì tổ chức sơ kết, tổng kết công tác quý, năm và các chuyên đề của Cơ quan thường trực. Gửi đầy đủ các báo cáo theo quy định của Uỷ ban Dân tộc;
- Xây dựng kế hoạch tài chính hàng năm của cơ quan, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban phê duyệt. Quản lý, sử dụng và quyết toán tài chính với Uỷ ban Dân tộc theo quy định của nhà nước;
- Quản lý, phân công nhiệm vụ, giao việc, kiểm tra và nhận xét, đánh giá việc chấp hành nội quy và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức trong cơ quan. Quản lý tài sản của đơn vị do Uỷ ban giao; đề xuất việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc biên chế của đơn vị trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban xem xét, quyết định;
- Trưởng cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Uỷ ban xây dựng quy chế hoạt động của cơ quan, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban phê duyệt.
b. Quyền hạn của Trưởng Cơ quan thường trực:
Khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban uỷ quyền, thay mặt Uỷ ban Dân tộc tham dự các cuộc họp do các Bộ, ngành tổ chức tại khu vực. Chịu trách nhiệm nắm tình hình và báo cáo về Uỷ ban kết luận của các cuộc họp về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc khi không có đại diện của Uỷ ban tham dự;
c. Phó Trưởng Cơ quan là người giúp Trưởng Cơ quan thường trực, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng Cơ quan. Phó Trưởng Cơ quan chịu trách nhiệm trong từng lĩnh vực công tác do Trưởng cơ quan phân công.
3. Cơ cấu tổ chức của Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long gồm có:
- Phòng Tổng hợp;
- Phòng Chính sách - Pháp luật;
- Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị..
Điều 3. Cơ chế quan hệ công tác của Cơ quan thường trực
1. Đối với Uỷ ban nhân dân tỉnh:
Theo sự uỷ quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc, truyền đạt ý kiến hoặc nội dung các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Dân tộc; đồng thời ghi nhận và tập hợp các ý kiến kiến nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban xem xét, quyết định.
2. Đối với Ban Dân tộc tỉnh:
Là cơ quan hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cấp trên đối với Ban Dân tộc tỉnh; đồng thời có nhiệm vụ phối hợp công tác với Ban Dân tộc các tỉnh trên địa bàn phụ trách.
3. Đối với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:
- Thực hiện những nội dung nhiệm vụ có tính phối hợp khi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc giao;
- Chủ động phối hợp với các bộ phận chuyên môn của Ban Chỉ đạo để thu thập và cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý nhà nước về dân tộc trong khu vực;
- Khi được Trưởng Ban Chỉ đạo mời, Trưởng Cơ quan thường trực được tham dự các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, sau đó phải có văn bản báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban về nội dung chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo.
4. Đối với Uỷ ban Dân tộc:
a. Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long là cơ quan của Uỷ ban Dân tộc chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc. Phải thực hiện đầy đủ các yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban quy định.
b. Quan hệ giữa Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long với các đơn vị khác trực thuộc Uỷ ban Dân tộc là quan hệ phối hợp ngang.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Uỷ ban, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Trưởng Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thủ trưởng các Vụ, đơn vị trực thuộc Uỷ ban chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC |
- 1Quyết định 749/2004/QĐ-TTg về việc thành lập 3 cơ quan thường trực khu vực của ủy ban Dân tộc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
- 3Nghị định 51/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc
Quyết định 194/2004/QĐ-UBDT quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cơ quan thường trực khu vực đồng bằng sông Cửu Long do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành
- Số hiệu: 194/2004/QĐ-UBDT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/08/2004
- Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
- Người ký: Ksor Phước
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 30
- Ngày hiệu lực: 10/08/2004
- Ngày hết hiệu lực: 17/12/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra