Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1930/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 04 năm 2013 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của hệ thống chính trị Thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 191/TTr-SNV ngày 25 tháng 3 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình nhánh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệu trưởng Trường Cán bộ thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
CHƯƠNG TRÌNH NHÁNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1930/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)
Căn cứ Quyết định số 22/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015;
Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của thành phố như sau:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thành phố, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, có phẩm chất đạo đức; nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước; có năng lực, trình độ giải quyết các vấn đề thực tiễn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố đến năm 2015 và các giai đoạn tiếp theo.
- Bảo đảm 100% cán bộ đương nhiệm, các chức danh lãnh đạo, quản lý các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội đạt trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn quy định đối với từng loại chức danh cán bộ.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập từ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên có trình độ đại học chuyên ngành, quản lý, chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhận; có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, sử dụng thông thạo tin học trong công việc. Riêng đối với cán bộ, công chức khối quản lý nhà nước phải qua đào tạo trung cấp quản lý nhà nước trở lên.
- Đến năm 2015 có 100% cán bộ chủ chốt cơ sở phường - xã, thị trấn (Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Trưởng, Phó các đoàn thể phường - xã, thị, trấn) dưới 50 tuổi có trình độ đại học, cao cấp lý luận chính trị - hành chính (trong đó có 50% cán bộ dưới 40 tuổi). Đối với công chức công tác chuyên môn ở phường - xã, thị trấn, có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên phù hợp với công việc đảm nhận, trung cấp quản lý nhà nước, trung cấp lý luận chính trị trở lên.
- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi các cấp, các ngành, gắn với việc luân chuyển về cơ sở (phường - xã, thị trấn, doanh nghiệp) để đào tạo toàn diện. Phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới đạt và vượt quy định của Trung ương; đồng thời thực hiện tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo 100 cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.
1. Đào tạo, bồi dưỡng trong nước:
a) Kiến thức chung:
Giai đoạn 2011 - 2015 tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 47.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức về lý luận chính trị; kiến thức quản lý Nhà nước (chương trình bồi dưỡng Chuyên viên cao cấp, Chuyên viên chính, chuyên viên); giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân; kiến thức khác: bồi dưỡng ngắn hạn về pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, kiến thức hành chính Nhà nước, Hội nhập quốc tế, cải cách hành chính, chính quyền điện tử, thương mại điện tử....
b) Kiến thức và kỹ năng chuyên ngành cụ thể cho từng chức danh:
Giai đoạn 2011 - 2015 tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 27.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, thừa hành và chuyên môn các chức danh: ngân hàng, tài chính, nội vụ, ngoại vụ, giao thông vận tải, xây dựng, thống kê, thanh tra, quy hoạch kiến trúc, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, quản lý dự án, đấu thầu, giám sát thi công công trình, văn thư lưu trữ, bồi dưỡng xã viên hợp tác xã, quản lý nhà nước về hội - quỹ, nghiệp vụ công tác đảng; cán bộ, công chức cấp xã (Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn và các chức danh chuyên môn).
c) Trình độ ngoại ngữ, tin học, điện tử:
- Đào tạo trình độ ngoại ngữ (thông thạo nghe, nói, đọc, viết) cho cán bộ, công chức, viên chức các ngành có quan hệ giao tiếp thường xuyên với người nước ngoài hoặc ở lĩnh vực nghiên cứu như: ngoại giao, du lịch, ngân hàng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, các dự án đầu tư có vốn nước ngoài, vốn ODA, viện nghiên cứu... thông qua các chương trình tài trợ học bổng ở nước ngoài. Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo cho khoảng 3.000 cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm đào tạo tiếng Anh cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố và cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố, Bộ đội Biên phòng thành phố).
- Đào tạo kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử... phục vụ cho việc vận hành, quản lý, khai thác các chương trình phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực giao thông vận tải, các tuyến metro, đường thủy, hầm ngầm, cầu vượt trên cao... Dự kiến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng 40 người (kết hợp đào tạo trong nước và nước ngoài).
d) Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, cán bộ nguồn, sinh viên, công nhân dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 là 300 người.
2. Đào tạo ở nước ngoài:
- Tiếp tục thu hút cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi, có triển vọng và năng lực thực tiễn tham gia Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ theo các chuyên ngành về quản lý và khoa học, kỹ thuật tại các nước (như: Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Úc, Newzealand, Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc...), trong đó tập trung vào các lĩnh vực: quản lý - quy hoạch đô thị, quản lý hạ tầng giao thông, quản lý thị trường tài chính, chứng khoán, quản lý môi trường, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, vật liệu mới, xây dựng,...
- Chương trình đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học kết hợp đào tạo trong nước và ở nước ngoài gồm các chuyên ngành: sinh học phân tử động - thực vật; di truyền chọn tạo giống cây trồng; vaccin, protein tái tổng hợp; công nghệ sinh học môi trường; công nghệ vi sinh; công nghệ sinh học thủy sản... Ưu tiên cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo ở các nước có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực công nghệ sinh học.
- Phối hợp cử cán bộ, công chức, viên chức dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo chỉ tiêu của Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương.
- Thực hiện chương trình bồi dưỡng tiếng Anh cho cán bộ chủ chốt diện Thành ủy quản lý hiện đang công tác tại các sở - ban - ngành, quận - huyện và cán bộ quy hoạch, nguồn của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu giao tiếp tiếng Anh phục vụ công tác chuyên môn. Dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 cử đi đào tạo 250 cán bộ, công chức, viên chức;
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ kỹ năng về hoạch định và xây dựng chính sách tại Singapore, Nhật Bản và một số chương trình được tài trợ học bổng của nước ngoài (như Fulbright của Hoa Kỳ, Chevening của Anh, học bổng của Ấn Độ, Thụy Điển, chính sách công của Singapore...) dự kiến cử đi đào tạo khoảng 450 cán bộ, công chức, viên chức;
- Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, bảo dưỡng hệ thống Metro, các tuyến đường cao tốc, đường sắt đô thị (Monorail, Tramway) và dưới lòng đất (hầm Thủ Thiêm). Dự kiến giai đoạn 2011 - 2015 cử đi đào tạo, bồi dưỡng 620 cán bộ, công chức, viên chức;
- Bồi dưỡng theo chuyên đề tại nước ngoài cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố.
1. Xây dựng quy hoạch tổng thể công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức:
- Khảo sát xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013 - 2015 trên cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác của từng đơn vị, xác định cụ thể từng đối tượng đào tạo, tránh đào tạo trùng lắp, dàn trải.
- Cán bộ, công chức trước khi được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc các chức danh, vị trí công tác phải được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh; khi luân chuyển cán bộ hoặc điều động theo yêu cầu công tác phải được đào tạo bổ sung cho phù hợp. Cán bộ dự bị hoặc sinh viên trong diện cán bộ nguồn, sau khi tốt nghiệp cần được bổ nhiệm đúng chức danh, sau thời gian tập sự, nếu không phát huy thì phải bố trí lại ở vị trí phù hợp.
2. Về nội dung, chương trình đào tạo:
- Tổ chức biên soạn tài liệu theo nội dung quy định trong chương trình khung phù hợp với tình hình của địa phương và đối tượng được đào tạo theo chức danh, vị trí việc làm;
- Các chương trình đào tạo phải ngắn gọn, thiết thực, linh hoạt, hội nhập; lý thuyết với thực hành phải phù hợp, quan tâm các kỹ năng lãnh đạo, quản lý ngành, thao tác công việc, bài tập tình huống và kinh nghiệm xử lý công việc. Chương trình đào tạo có tính liên thông, không trùng lắp.
3. Về hình thức, phương pháp đào tạo:
a) Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng:
- Đào tạo, bồi dưỡng với hình thức tập trung, tại chức, bán tập trung, tập huấn, kết hợp vừa đào tạo trong nước với tham quan, học tập kinh nghiệm ở ngoài nước.
- Thực hiện chế độ đào tạo theo tín chỉ, học phần phù hợp với từng loại hình và chuyên ngành đào tạo.
- Cá nhân tự học tập (nhà nước không cấp kinh phí), sau khi xuất trình bằng cấp tốt nghiệp, nếu phù hợp với yêu cầu của cơ quan, đơn vị, sẽ xem xét thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định.
- Bồi dưỡng và tổ chức thi hoặc công nhận trình độ, học vị cho những người có công trình sáng tạo, hữu ích cao cho địa phương, đất nước như các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người chế tạo ra máy móc thiết bị...
b) Quy trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức:
- Thực hiện tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức công khai, mang tính cạnh tranh; bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện phù hợp với chuyên ngành, vị trí công tác cần tuyển, tránh tình trạng tuyển dụng không đúng chuyên ngành sau đó phải đưa đi đào tạo lại.
- Thực hiện việc đào tạo cán bộ qua thực tiễn công tác tại cơ sở.
- Đẩy mạnh công tác tạo nguồn, quy hoạch cán bộ dài hạn; kết hợp đào tạo và đào tạo bổ sung với công tác luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức phát triển toàn diện, từng bước nâng cao trình độ về mọi mặt.
c) Xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên kiêm nhiệm đủ năng lực, trình độ và có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng trên nhiều lĩnh vực. Sử dụng cán bộ giảng dạy là Việt kiều hoặc người nước ngoài ở một số lĩnh vực, chuyên ngành phù hợp.
4. Về liên kết và liên thông trong đào tạo, bồi dưỡng:
- Liên kết, phối hợp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng liên quận - huyện hoặc khu vực để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.
- Đề xuất, kiến nghị nâng cấp Trường Cán bộ thành phố thành Trường Đại học Chính trị - Hành chính thành phố để đáp ứng nhu cầu đào tạo của thành phố.
- Khuyến khích các cơ sở đào tạo của các Bộ, ngành và địa phương đóng trên địa bàn thành phố tăng cường liên kết đào tạo trong nước hoặc phối hợp liên kết với các trường của nước ngoài đào tạo công vụ phù hợp,
Dự kiến tổng kinh phí ngân sách thực hiện chương trình là: 602.890.000.000 (Sáu trăm lẻ hai tỷ tám trăm chín mươi triệu đồng). Phần còn lại từ các nguồn: do đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng; các chương trình học bổng, dự án tài trợ; cá nhân tự túc... Trong đó:
- Năm 2011: đã thực hiện là 95.527.048.024 đồng (trong đó: nguồn của Thành ủy là 84.290.074.424 đồng; nguồn của Ủy ban nhân dân thành phố là 11.236.973.600 đồng);
- Năm 2012: đã được giao kinh phí 106.390.000.000 đồng (trong đó: nguồn của Thành ủy là 93.000.000.000 đồng; nguồn của Ủy ban nhân dân thành phố là 13.390.000.000 đồng);
- Năm 2013: dự kiến khoảng 133.656.000.000 đồng (trong đó nguồn của Thành ủy khoảng hơn 60 tỷ đồng);
- Năm 2014: dự kiến khoảng 133.656.000.000 đồng (trong đó nguồn của Thành ủy khoảng hơn 60 tỷ đồng);
- Năm 2015: dự kiến khoảng 133.656.000.000 đồng (trong đó nguồn của Thành ủy khoảng hơn 60 tỷ đồng).
Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách thành phố, sẽ có đề xuất kinh phí cụ thể trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm:
- Chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và Trường Cán bộ thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015).
- Tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt kế hoạch hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy chế, quy trình chặt chẽ xét, chọn và cử cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự toán hàng năm theo kế hoạch được duyệt, thực hiện các thủ tục cấp phát và quyết toán kinh phí theo quy định.
- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; tiến hành sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chương trình theo quy định.
2. Ban Tổ chức Thành ủy:
- Tổ chức triển khai kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2011 - 2015) khối Đảng, đoàn thể; phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu trình Thường trực Thành ủy xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm của khối Đảng, đoàn thể và các đối tượng theo chức năng do Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.
- Xây dựng kế hoạch triển khai đào tạo lý luận chính trị (cử nhân, cao cấp) và kiến thức, kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí công tác; Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.
- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu chế độ, chính sách thu hút nhân tài hoặc người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao vào làm việc trong hệ thống chính trị góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
- Tổng hợp kết quả thực hiện chương trình của khối Đảng, đoàn thể gửi Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo sơ kết, tổng kết chung Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của thành phố.
3. Trường Cán bộ thành phố:
- Phối hợp Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Thành ủy xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, biên soạn tài liệu và tổ chức giảng dạy phù hợp với nội dung kế hoạch.
- Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị thành phố hàng năm phù hợp với kế hoạch chung của thành phố.
- Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giảng dạy nhà trường để đảm bảo chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.
- Tích cực, chủ động tham mưu Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cấp Trường Cán bộ thành phố thành Trường Đại học Chính trị - Hành chính thành phố.
4. Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố:
Chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành, bảo dưỡng hệ thống Metro, các tuyến đường cao tốc, đường sắt đô thị và dưới lòng đất; đào tạo kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử, các chuyên ngành về hệ thống giao thông, đường sắt đô thị... gửi Sở Nội vụ tổng hợp; phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả theo định kỳ.
5. Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố:
Chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm về đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học; phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả theo định kỳ.
6. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, cấp kinh phí thực hiện chương trình kế hoạch này.
- Hướng dẫn Sở Nội vụ và các cơ quan, đơn vị liên quan thanh quyết toán kinh phí theo quy định.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan bố trí nguồn vốn thực hiện chương trình.
8. Các Sở - ngành; Ủy ban nhân dân quận - huyện:
- Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện sát với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
- Phối hợp với Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan chọn, cử và quản lý cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình kế hoạch này.
- Tiếp nhận và bố trí cán bộ, công chức sau đào tạo theo nhu cầu và phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
- Thực hiện báo cáo sơ kết, tổng kết và đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết (đính kèm phụ lục)./.
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ CỦA THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Kèm theo Quyết định số 1930/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
Đơn vị tính: đồng
STT | Nhóm ngành, lĩnh vực, nội dung đào tạo, bồi dưỡng | Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng | Đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011-2015 |
| ||||||
Số lớp | Số lượt học viên | Nguồn kinh phí | Ghi chú | |||||||
Tổng số | Trong nước | Nước ngoài | Kết hợp vừa trong nước vừa nước ngoài | Ngân sách | Khác | |||||
| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
1 | Kiến thức chung: | Cán bộ, công chức, viên chức | 550 | 46,500 | 46,500 |
|
| 179,613,000,000 |
|
|
1.1 | Lý luận chính trị | Cán bộ, công chức, viên chức | 160 | 18,000 | 18,000 |
|
| 148,863,000,000 |
|
|
1.2 | Kiến thức quản lý Nhà nước (CVCC, CVC, CV) | Cán bộ, công chức, viên chức | 50 | 5,000 | 5,000 |
|
| 20,000,000,000 |
|
|
1.3 | Giao tiếp, ứng xử nơi công sở | Cán bộ, công chức, viên chức | 100 | 5,000 | 5,000 |
|
| 1,500,000,000 |
|
|
1.4 | Bồi dưỡng ngắn hạn về pháp luật, các chủ trương chính sách của Đảng, kiến thức hành chính Nhà nước, cải cách hành chính... | Cán bộ, công chức, viên chức | 150 | 15,000 | 15,000 |
|
| 7,500,000,000 |
|
|
1.5 | Hội nhập quốc tế | Cán bộ, công chức, viên chức | 40 | 2,000 | 2,000 |
|
| 1,000,000,000 |
|
|
1.6 | Chính quyền điện tử, thương mại điện tử | Cán bộ, công chức, viên chức | 50 | 1,500 | 1,500 |
|
| 750,000,000 |
|
|
2 | Kiến thức và kỹ năng chuyên ngành cụ thể cho từng chức danh: |
| 520 | 26,600 | 26,600 |
|
| 40,800,000,000 |
|
|
2.1 | Kỹ năng công tác Đảng | Cán bộ làm công tác đảng | 20 | 1,600 | 1,600 |
|
| 2,000,000,000 |
|
|
2.2 | Kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ | CBCCVC lãnh đạo, thừa hành và chuyên môn các chức danh: ngân hàng, tài chính, nội vụ, ngoại vụ, giao thông vận tải, xây dựng, thống kê, thanh tra, quy hoạch kiến trúc, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, quản lý dự án, đấu thầu, giám sát thi công công trình, văn thư lưu trữ, xã viên hợp tác xã, QLNN về hội-quỹ... | 360 | 18,000 | 18,000 |
|
| 27,000,000,000 |
|
|
2.3 | Kiến thức, kỹ năng chuyên môn theo từng vị trí chức danh cho CBCC cấp xã | Cán bộ, công chức cấp xã (CT, PCT và ĐBHĐND; CT, PCT UBND; các chức danh chuyên môn) | 140 | 7,000 | 7,000 |
|
| 11,800,000,000 |
|
|
3 | Ngoại ngữ, tin học, điện tử...: |
| 122 | 3,380 | 3,084 | 184 | 112 | 113,836,000,000 |
|
|
3.1 | Đào tạo trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) trình độ B, C và theo tiêu chuẩn quốc tế (Toefl, Toeic, Eilts); Tiếng Trung Quốc và các chương trình học bổng của nước ngoài | Cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ quy hoạch, nguồn của các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ phục vụ công tác, quan hệ giao tiếp thường xuyên với nước ngoài hoặc ở lĩnh vực nghiên cứu như: ngoại giao, du lịch, ngân hàng, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, các đề án đầu tư có vốn nước ngoài, vốn ODA, viện nghiên cứu...; Cán bộ, chiến sĩ Công an Thành phố và Bộ đội Biên phòng Thành phố | 116 | 3,340 | 3,080 | 180 | 80 | 106,000,000,000 |
|
|
3.2 | Đào tạo kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử, các chuyên ngành về hệ thống đường sắt đô thị... | CBCCVC làm công tác vận hành, quản lý, khai thác các chương trình phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực giao thông vận tải, các tuyến metro, đường thủy, hầm ngầm, cầu vượt trên cao... | 6 | 40 | 4 | 4 | 32 | 7,836,000,000 |
|
|
4 | Bồi dưỡng ở nước ngoài theo Đề án 165 (hỗ trợ tiền vé máy bay) | Cán bộ, công chức, viên chức |
|
|
|
|
| 1,000,000,000 |
| Theo chỉ tiêu phân bổ |
5 | Chương trình 500 Thạc sĩ, Tiến sĩ | Cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên |
| 340 | 182 | 95 | 63 | 162,590,000,000 |
|
|
6 | Chương trình đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học | Cán bộ, công chức, viên chức |
| 110 | 30 | 70 | 10 | 12,300,000,000 |
|
|
7 | Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn, cán bộ nguồn, công nhân | Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên, công nhân |
| 300 | 300 |
|
| 1,000,000,000 |
|
|
8 | Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về hoạch định và xây dựng chính sách tại Singapore, Nhật Bản và một số chương trình được tài trợ học bổng của nước ngoài (Fulbringt của Hoa Kỳ, Chevening của Anh, học bổng của Ấn Độ, Thụy Điển, chính sách công của Singapore...) | Cán bộ, công chức, viên chức | 20 | 450 |
| 450 |
| 6,000,000,000 |
|
|
9 | Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, điều hành, bảo dưỡng, xử lý tình huống tai nạn giao thông, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ở đường hầm vượt sông, đường cao tốc, cầu vượt, metro và đường sắt đô thị tại các nước tiên tiến như: Nhật Bản, Hàn Quốc | Cán bộ, công chức, viên chức | 5 | 620 | 430 | 70 | 120 | 85,751,000,000 |
|
|
| TỔNG CỘNG: |
| 1,217 | 78,450 | 77,126 | 1,014 | 310 | 602,890,000,000 |
|
|
- 1Quyết định 1825/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch thực hiện Đề án Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước tỉnh Sơn La từ 2013-2016
- 2Quyết định 5123/QĐ-UBND năm 2013 kế hoạch thực hiện Đề án Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của Đất nước thành phố Hà Nội đến 2016
- 3Quyết định 2509/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 22/2011/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Quyết định 1825/QĐ-UBND năm 2013 Kế hoạch thực hiện Đề án Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước tỉnh Sơn La từ 2013-2016
- 4Quyết định 5123/QĐ-UBND năm 2013 kế hoạch thực hiện Đề án Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của Đất nước thành phố Hà Nội đến 2016
- 5Quyết định 2509/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” giai đoạn 2013 - 2016 trên địa bàn tỉnh Bình Định
Quyết định 1930/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình nhánh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015
- Số hiệu: 1930/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/04/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Hứa Ngọc Thuận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra