Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 193/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 09 năm 1988 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ TRỰC THUỘC UBND QUẬN, HUYỆN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983 ;
- Căn cứ quyết định số 90/QĐ-UB ngày 25-5-1988 của Ủy ban nhân dân thành phố, về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện ;
- Theo đề nghị của đồng chí Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố và Trưởng ban Tổ chức chính quyền thành phố (tờ trình số 93/TCCQ ngày 15-8-1988),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện”.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng ban Tổ chức chính quyền thành phố, Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRỌNG TÀI KINH TẾ TRỰC THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN
(Ban hành kèm theo quyết định : 280/QĐ-UB ngày 27-09-1988 của UBND thành phố)
I.-VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN.
Điều 1.- Vị trí, chức năng :
Trọng tài kinh tế quận, huyện là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân quận, huyện và sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Trọng tài kinh tế thành phố.
Trọng tài kinh tế quận, huyện có chức năng giải quyết các tranh chấp vi phạm hợp đồng kinh tế, giám sát việc chấp hành pháp luật về hoạt động kinh tế và Trọng tài kinh tế ở các đơn vị, giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý công tác trọng tài kinh tế quận, huyện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế và Trọng tài kinh tế của Hội đồng Nhà nước ; Trọng tài kinh tế quận, huyện được sử dụng con dấu riêng, kinh phí hoạt động dự toán chung với văn phòng Uỷ ban nhân dân quận, huyện, được mở tài khoản ở ngân hàng để thu nộp lệ phí xét xử và các khoản trích nộp khác trong công tác xét xử theo quy định của nhà nước.
Điều 2.- Nhiệm vụ :
Có hai nhiệm vụ chính :
1. Quản lý chế độ hợp đồng kinh tế.
a) Giúp Uỷ ban nhân dân quận, huyện về việc quyết định chủ trương ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế trong quận, huyện ; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các hợp đồng đó theo đúng các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị cơ sở ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế.
b) Thường xuyên thanh tra việc chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế ở các đơn vị thuộc quyền quản lý của Ủy ban nhân dân quận, huyện, khi thanh tra phát hiện những tranh chấp vi phạm hợp đồng kinh tế thì đưa ra xử lý kịp thời theo pháp luật về hợp đồng kinh tế và Trọng tài kinh tế của Hội đồng Nhà nước.
c) Theo dõi, tổng hợp, đề xuất những biện pháp cần thiết trong báo cáo định kỳ cho chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Trọng tài kinh tế thành phố về tình hình chấp hành chế độ hợp đồng kinh tế, tình hình xét xử các tranh chấp cũng như các vi phạm (nếu có) ở các đơn vị do quận, huyện quản lý.
d) Tuyên truyền, phổ biến chế độ hợp đồng kinh tế đồng thời mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác này ở các đơn vị trong phạm vi địa phương quản lý.
2. Giải quyết các tranh chấp, vi phạm hợp đồng kinh tế.
Nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp, vi phạm hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế quận, huyện theo quy định trong pháp luật về hợp đồng kinh tế và Trọng tài kinh tế của Hội đồng Nhà nước và theo sự phân cấp của Trọng tài kinh tế Trung ương và Trọng tài kinh tế thành phố .
Điều 3.- Quyền hạn.
Trọng tài kinh tế quận, huyện có những quyền hạn như sau :
1. Triệu tập:
a) Các đơn vị do quận, huyện quản lý và các đơn vị của Trung ương, thành phố đóng trên đại bàn quận, huyện để phổ biến, hướng dẫn thi hành các quy định của Nhà nước về hợp đồng kinh tế và Trọng tài kinh tế, theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Thủ trưởng các bên đương sự và đại diện cơ quan có liên quan đến dự phiên họp xét xử của Trọng tài kinh tế quận, huyện.
2. Quyết định phạt vật chất và bồi thường thiệt hại đối với bên vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế theo đúng quy định của Nhà nước.
3. Yêu cầu:
a) Các bên phải sửa lại hợp đồng hoặc từng điều khoản hay hủy bỏ hợp đồng nếu xét thấy hợp đồng ký không đúng với chỉ tiêu kế hoạch, hoặc bất hợp pháp và ấn định thời gian cho các bên thi hành.
b) Các cơ quan quản lý hoặc các đơn vị cơ sở thuộc địa phương quản lý cung cấp tư liệu, thông tin cần thiết có liên quan theo yêu cầu.
4. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành các quyết định xét xử của Trọng tài kinh tế.
5. Được tham dự họp bàn các vấn đề có liên quan, được thông báo các quyết định về phương hướng , nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch của địa phương.
Điều 4.- Tổ chức và biên chế :
Tổ chúc Trọng tài kinh tế quận, huyện cần bảo đảm chức danh như sau :
- Chủ tịch chuyên trách (nếu Chủ tịch Trọng tài kinh tế do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân kiêm nhiệm thì có Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế chuyên trách).
- Các trọng tài viên.
- Cán bộ pháp lý.
Căn cứ khối lượng công việc và tình hình cán bộ ở từng quận, huyện, Ủy ban nhân dân quận, huyện xác định chức danh và số lượng biên chế cho phù hợp. Biên chế của Trọng tài kinh tế do Ủy ban nhân dân quận, huyện quyết định trong phạm vi chỉ tiêu biên chế quản lý Nhà nước của quận, huyện được Ủy ban nhân dân thành phố duyệt, nhưng phải bảo đảm đủ chúc danh nêu trên.
II.- CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ CÁC MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC.
Điều 5.- Chế độ làm việc .
Chủ tịch Trọng tài kinh tế quận, huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân quận, huyện về công tác Trọng tài kinh tế và chịu trách nhiệm trước Trọng tài kinh tế thành phố về các mặt công tác Trọng tài kinh tế của quận, huyện mình.
Phó Chủ tịch Trọng tài kinh tế là người giúp việc Chủ tịch, liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về những phần việc được phân công.
Điều 6.- Chế độ sinh hoạt và hội họp.
Để bảo đảm duy trì đều đặn mọi hoạt động của Trọng tài kinh tế quận, huyện, thực hiện tốt các mặt công tác được phân công chấp hành đúng nguyên tắc làm việc và chế độ sinh hoạt định kỳ :
- 2 tuần/1 lần, tháng, quý, 6 tháng, cuối năm: họp kiểm điểm tình hình công tác, phổ biến những vấn đề có liên quan, sơ kết, tổng kết công tác và bình bầu thi đua.
- Ngoài ra, có những cuộc họp bất thường để phổ biến, triển khai những công việc có tính chất cấp bách.
Điều 7.- Các mối quan hệ công tác.
1. Với Ủy ban nhân dân quận, huyện :
Trọng tài kinh tế quận, huyện chịu sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ủy ban nhân dân quận, huyện, Chủ tịch Trọng tài kinh tế quận, huyện thường xuyên báo cáo với Uỷ ban nhân dân quận, huyện về công tác Trọng tài kinh tế.
2. Với các phòng, ban, tổ công tác trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện :
Trọng tài kinh tế quận, huyện thực hiện mối quan hệ bình đẳng với các phòng, ban chuyên môn và các tổ công tác trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện; có trách nhiệm hướng dẫn về mặt nghiệp vụ cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách của ngành mình đến các phòng, ban, tổ công tác trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện.
3. Với trọng tài kinh tế thành phố :
Trọng tài kinh tế quận, huyện chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trọng tài kinh tế thành phố, tổ chức thực hiện và báo cáo công tác chuyên môn theo yêu cầu của Trọng tài kinh tế cấp trên.
4. Với Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn :
- Hướng dẫn, giúp đỡ Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện các mặt công tác Trong tài kinh tế ở địa phương. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra ngành ở phường, xã, thị trấn khi Uỷ ban nhân dân quận, huyện yêu cầu.
- Cung cấp cho Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn các tư liệu, thông tin cần thiết phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ ngành ở địa phương.
- Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để Trọng tài kinh tế quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến địa phương.
5. Với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng quận, huyện :
- Khi trọng tài kinh tế quận, huyện thực hiện các mặt công tác có liên quan đến tổ chức quần chúng nào thì mới đại diện của tổ chức quần chúng đó cùng tham gia.
- Khi Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể quần chúng có yêu cầu thì Trọng tài kinh tế quận, huyện có trách nhiệm trình bày và giải quyết hoặc báo cáo để Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét giải quyết.
III.- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH :
Điều 8.- Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ.
Căn cứ bản quy chế này, Chủ tịch Trọng tài kinh tế quận, huyện nghiên cứu để có bảng phân công cụ thể, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng người theo chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ do Nhà nước ban hành.
Trọng tài kinh tế thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế của Trọng tài kinh tế quận, huyện. Việc bổ sung, sửa đổi quy chế do Trọng tài kinh tế thành phố trao đổi với Ủy ban nhân dân quận, huyện đề xuất để Uỷ ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Quyết định 193/QĐ-UB năm 1988 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trọng tài kinh tế trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 193/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/09/1988
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra