Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1928/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 06 tháng 6 năm 2025

 

QUYẾT ĐỊNH

THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HỘ TỊCH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA SỞ TƯ PHÁP

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Quyết định số 08/2022/QĐ-UBND ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2021 - 2026;

Căn cứ Quyết định số 03/2021/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định ban hành Quy chế hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 57/2023/QĐ-UBND ngày 22 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của các quyết định liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 86/TTr-STP ngày 26 tháng 5 năm 2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 03 thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp (có Phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cụ thể hóa việc áp dụng thực thi phương án đơn giản đối với 03 thủ tục hành chính đã được thông qua tại Điều 1 của Quyết định này theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Hải Giang

 

PHỤ LỤC

THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 03 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC HỘ TỊCH THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA SỞ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1928/QĐ-UBND ngày 06/6/2025 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Thủ tục: Đăng ký lại khai sinh (Mã số TTHC: 1.004884.000.00.00.H08)

1. Nội dung đơn giản hóa

- Cắt giảm thành phần hồ sơ: Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ.

- Lý do: Vì hiện nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc nên các thông tin về Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ đã có trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Do đó, Sở Tư pháp dễ dàng khai thác, tra cứu thông tin khi cá nhân thực hiện thủ tục Đăng ký lại khai sinh không cần cá nhân nộp thành phần hồ sơ “Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ”. Do đó, việc đề xuất việc cắt giảm thành phần hồ sơ này là cần thiết, giúp giảm chi phí thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

2. Kiến nghị thực thi

Tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định thành phần Hồ sơ đề nghị đăng ký lại khai sinh bao gồm: Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh và tại khoản 1, khoản 2 Điều 9 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định Giấy tờ, tài liệu là cơ sở đăng ký lại khai sinh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP gồm:

“1. Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ.

2. Bản chính hoặc bản sao giấy tờ có giá trị thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước năm 1975 ở miền Nam.

...”);

- Trường hợp người yêu cầu đăng ký lại khai sinh là cán bộ, công chức, viên chức, người đang công tác trong lực lượng vũ trang thì ngoài các giấy tờ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này phải có văn bản xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị về việc những nội dung khai sinh của người đó gồm họ, chữ đệm, tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha - con, mẹ - con phù hợp với hồ sơ do cơ quan, đơn vị đang quản lý.

Do đó, theo nội dung tại mục 1.I của Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu trên, đề nghị bãi bỏ khoản 1 Điều 9 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp “không quy định cá nhân phải nộp Bản sao Giấy khai sinh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hợp lệ

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa ước tính: 97.771.428 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa ước tính: 94.9644.022 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm thực hiện thủ tục hành chính ước tính: 2.807.406 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí ước tính: 2.9%.

II. Thủ tục: Đăng ký lại khai tử (Mã số TTHC: 1.005461.000.00.00.H08)

1. Nội dung đơn giản hóa

- Cắt giảm thành phần hồ sơ: Bản sao Giấy chứng tử trước đây được cấp hợp lệ.

- Lý do: Vì hiện nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc nên các thông tin về Giấy chứng tử trước đây được cấp hợp lệ đã có trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Do đó, Sở Tư pháp dễ dàng khai thác, tra cứu thông tin khi cá nhân thực hiện thủ tục Đăng ký lại khai tử không cần cá nhân nộp thành phần hồ sơ “Bản sao Giấy chứng tử trước đây được cấp hợp lệ.”. Do đó, việc đề xuất việc cắt giảm thành phần hồ sơ này là cần thiết, giúp giảm chi phí thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

2. Kiến nghị thực thi

Tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định thành phần Hồ sơ đề nghị đăng ký lại khai tử bao gồm:

- Tờ khai theo mẫu quy định;

- Bản sao Giấy chứng tử trước đây được cấp hợp lệ. Nếu không có bản sao Giấy chứng tử hợp lệ thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ liên quan có nội dung chứng minh sự kiện chết.

Do đó, theo nội dung tại mục 1.II của Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu trên, đề nghị sửa đổi nội dung tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ “không quy định cá nhân phải nộp Bản sao Giấy chứng tử trước đây được cấp hợp lệtrong thành phần hồ sơ đề nghị đăng ký lại khai tử như sau:

- Tờ khai theo mẫu quy định.

- Trường hợp không tra cứu được thông tin công dân đã chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì cơ quan đăng ký hộ tịch đề nghị người thực hiện thủ tục bổ sung hồ sơ, giấy tờ liên quan có nội dung chứng minh sự kiện chết.

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa ước tính: 44.621.792 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa ước tính: 42.798.144 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm thực hiện thủ tục hành chính ước tính: 1.823.648 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí ước tính: 4.1%.

III. Thủ tục: Đăng ký lại kết hôn (Mã số TTHC: 1.004746.000.00.00.H08)

1. Nội dung đơn giản hóa

- Cắt giảm thành phần hồ sơ: Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây.

- Lý do: Vì hiện nay, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được đưa vào vận hành, sử dụng thống nhất trên toàn quốc nên các thông tin về Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây đã có trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Do đó, Sở Tư pháp dễ dàng khai thác, tra cứu thông tin khi cá nhân thực hiện thủ tục Đăng ký lại kết hôn không cần cá nhân nộp thành phần hồ sơ “Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây”. Do đó, việc đề xuất việc cắt giảm thành phần hồ sơ này là cần thiết, giúp giảm chi phí thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.

2. Kiến nghị thực thi

Tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định thành phần Hồ sơ đề nghị đăng ký lại kết hôn bao gồm:

- Tờ khai theo mẫu quy định;

- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.

Do đó, theo nội dung tại mục 1.III của Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nêu trên, đề nghị sửa đổi nội dung tại khoản 1 Điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ “không quy định cá nhân phải nộp Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đâytrong thành phần hồ sơ đề nghị đăng ký lại kết hôn như sau:

- Tờ khai theo mẫu quy định.

- Trường hợp không tra cứu được thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thì cơ quan đăng ký hộ tịch đề nghị người thực hiện thủ tục bổ sung hồ sơ, giấy tờ liên quan có nội dung đăng ký kết hôn.

3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa ước tính: 79.496.685 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa ước tính: 76.932.180 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm thực hiện thủ tục hành chính ước tính: 2.564.505 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí ước tính: 3.2%.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1928/QĐ-UBND năm 2025 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hộ tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 1928/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/06/2025
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Lâm Hải Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/06/2025
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản