Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1924/2004/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG HUẾ.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế.

Điêu 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định của Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - cán bộ, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Vụ trưởng các Vụ có liên quan thuộc Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Trần Thị Trung Chiến

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1924/2004/QĐ-BYT ngày 28 tháng 5 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập năm 1894 và được xác định lại theo Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Tên bệnh viện:

* Tiếng Việt:

+ Tên đầy đủ: BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG HUẾ

+ Tên viết và gọi tắt: BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ

* Tiếng Anh: HUE CENTRAL HOSPITAL

* Tiếng Pháp: L'HÔPITAL CENTRAL DE HUE

* Viết tắt: BVTW HUẾ.

- Trụ sở: 16 Lê Lợi -Thành phố Huế - Tỉnh Thừa Thiên Huế

- Số điện thoại: 84.054.822325

- Fax: 84.054.823324

- E-Mail: bvtwhue@dng.vnn.vn

- Website: www.cimci.org.vn

Điều 2. Tổ chức Đảng và Đoàn thể trong bệnh viện:

a. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong bệnh viện lãnh đạo các hoạt động bệnh viện theo chức năng, nhiệm vụ, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước.

b. Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác trong bệnh viện được thành lập và hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm phối hợp với chính quyền để thực hiện nhiệm vụ chính trị của bệnh viện và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đoàn thể, tổ chức xã hội đã được xác định.

Chương 2.

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ ĐỐI TƯỢNG PHỤC VỤ CỦA BỆNH VIỆN

Điều 3. Bệnh viện có chức năng khám chữa bệnh, phòng bệnh và phục hồi chức năng cho bệnh nhân khu vực miền Trung - Tây Nguyên ở tuyến cao nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực điều trị tim mạch chất lượng cao, ghép tạng...; tham gia đào tạo cán bộ y tế cho khu vực miền Trung; chỉ đạo tuyến về các chuyên khoa; Ngoại, Nội, Nhi, Huyết học - Truyền máu, Hoá Sinh...; được phân công làm đầu mối chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho 10 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên; nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng các kỹ thuật hiện đại để phục vụ sức khoẻ nhân dân; hợp tác quốc tế.

Điều 4. Bệnh viện có các nhiệm vụ sau:

I. KHÁM CHỮA BỆNH, PHÒNG BỆNH VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO BỆNH NHÂN TRONG KHU VỰC MIỀN TRUNG - TÂY NGUYÊN Ở TUYẾN CAO NHẤT:

a. Khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

b. Khám sức khoẻ cho các đối tượng đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài và kết hôn với người nước ngoài.

c. Khám chữa bệnh và khám sức khoẻ cho người nước ngoài.

d. Khám giám định y khoa theo yêu cầu của các Hội đồng Giám định Y khoa trên cơ sở phân cấp của Bộ Y tế.

e. Giám định y pháp với giám định Tâm thần theo trưng cầu của các cơ quan thực thi pháp luật.

f. Phục hồi chức năng sau điều trị và phục hồi chức năng cộng đồng.

g. Phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn để phát hiện và dập tắt dịch.

h. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ Y tế.

II. ĐÀO TẠO CÁN BỘ:

a. Là cơ sở thực hành chính của Trường Đại học Y Khoa Huế

b. Tham gia đào tạo cán bộ y tế ở bậc đại học, sau đại học, cao đẳng, trung học y tế.

c. Đào tạo lại cán bộ y tế cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

d. Đào tạo lại và đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức trong bệnh viện.

e. Tham gia đào tạo các chương trình y tế quốc gai

f. Phối hợp với các cơ sở đào tạo biên soạn các giáo trình, tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy, học tập trong phạm vi nhiệm vụ được giao.

g. Nhận các thực tập sinh nước ngoài đến học tập, nghiên cứu tại bệnh viện.

III. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:

a. Nghiên cứu và tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ khám chữa bệnh, phòng bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

b. Chủ trì và tham gia công trình nghiên cứu khoa học các cấp.

c. Tổ chức các Hội nghị khoa học tại bệnh viện.

d. Tổ chức các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học phối hợp trong nước và với nước ngoài.

IV. CHỈ ĐẠO TUYẾN TRƯỚC VỀ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT:

a. Tham mưu cho Bộ Y tế chỉ đạo một số chuyên khoa cho tuyến trước trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên được Bộ Y tế giao.

b. Chuyển giao và hỗ trợ các kỹ thuật chuyên môn cho tuyến trước ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

c. Theo dõi, giám sát các hoạt động y tế tuyến trước trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao.

d. Tổ chức triển khai các chương trình, dự án y tế.

e. Phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành y tế để thực hiện truyền thông giáo dục sức khoẻ.

f. Tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm hoạ.

V. HỢP TÁC QUỐC TẾ:

a. Chủ động khai thác, thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và trao đổi chuyên gia về khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ với các cơ sở khám chữa bệnh; xây dựng các dự án đầu tư liên doanh, liên kết với các nước và các tổ chức quốc tế kể cả tổ chức phi Chính phủ, trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án theo qui dịnh của Nhà nước. Tranh thủ sự viện trợ giúp đỡ của nước ngoài về vật chất, kỹ thuật, kiến thức để xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển.

b. Xây dựng kế hoạch đoàn ra, đoàn vào theo chương trình hợp tác quốc tế với bệnh viện; cử cán bộ, học viên đi học tập, nghiên cứu, công tác ở nước ngoài; nhận giảng viên, học viên là người nước ngoài đến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và học tập tại bệnh viện; quản lý đoàn ra, đoàn vào trong phạm vi hoạt động của bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế.

c. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, các lớp học quốc tế về các lĩnh vực thuộc phạm vi bệnh viện quản lý theo quy định về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.

VI. QUẢN LÝ BỆNH VIỆN:

a. Quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế.

b. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về thu, chi ngân sách của bệnh viện, từng bước hạch toán thu chi theo quy định của pháp luật.

c. Tạo thêm nguồn kinh phí cho bệnh viện từ các dịch vụ y tế: Viện phí, bảo hiểm y tế, các dự án đầu tư trong nước và quốc tế.

Điều 5. Bệnh viện được quyền tự chủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân cấp của Bộ Y tế, chịu trách nhiệm trước Bộ Y tế và trước pháp luật về hoạt động của mình.

Điều 6. Đối tượng phục vụ của bệnh viện:

- Bệnh nhân mọi lứa tuổi do tuyến trước gửi đến.

- Bệnh nhân trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên hoặc ngoài khu vực nhưng có nhu cầu.

- Bệnh nhân là người nước ngoài.

- Đối tượng đến học tập, diện nghiên cứu khoa học...

Chương 3.

TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ CỦA BỆNH VIỆN

Điều 7. Qui mô giường bệnh được điều chỉnh theo nhu cầu thực tế.

Điều 8. Lãnh đạo bệnh viện có Giám đốc và các Phó Giám đốc.

a. Giám đốc và các Phó Giám đốc bệnh viện do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm, miễn nhiệm và được thực hiện theo qui trình, thủ tục của Bộ Y tế.

b. Giám đốc bệnh viện chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của bệnh viện.

c. Phó Giám đốc giúp Giám đốc một số công việc được phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc về công việc được giao.

Điều 9. Các Hội đồng trong bệnh viện:

a. Hội đồng Khoa học - Công nghệ của bệnh viện có chức năng tư vấn cho Giám đốc về việc ứng dụng, phát triển kỹ thuật chuyên môn, định hướng nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, dự báo xu thế phát triển khoa học kỹ thuật của bệnh viện. Nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng do Giám đốc bệnh viện quy định.

b. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng khoa học - Công nghệ thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học Công nghệ và Qui chế Bệnh viện của Bộ Y tế.

Điều 10. Hội đồng Thuốc và Điều trị:

Tổ chức và hoạt động của Hội đồng thực hiện theo Qui chế bệnh viện.

Điều 11. Các Hội đồng khác của bệnh viện được thành lập theo yêu cầu của Giám đốc và hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Cơ cấu tổ chức của bệnh viện:

1. Các phòng chức năng: 08 phòng

1. Phòng Kế hoạch Tổng hợp

2. Phòng Tổ chức Cán bộ

3. Phòng Chỉ đạo tuyến - Nghiên cứu khoa học và đào tạo

4. Phòng Điều dưỡng

5. Phòng Tài chính - Kế toán

6. Phòng Hành chính - Quản trị

7. Phòng Vật tư - Thiết bị y tế

8. Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ.

2. Các khoa chuyên môn:

a. Các khoa lâm sàng: gồm có 28 khoa

1. Khoa Khám bệnh

2. Khoa Hồi sức cấp cứu

3. Khoa Nội Tổng hợp-Lão khoa

4. Khoa Nội Tim mạch

5. Khoa Nội Tiêu hoá

6. Khoa Nội tiết-TK-Cơ xương khớp

7. Khoa Nội Thận-Thận nhân tạo

8. Khoa Hô hấp - Dị ứng

9. Khoa Truyền nhiễm

10. Khoa Lao

11. Khoa Da liễu

12. Khoa Tâm Thần

13. Khoa Y học cổ truyền

14. Khoa Nhi

15. Khoa Ngoại Tổng hợp

16. Khoa Ngoại Thần kinh

17. Khoa Ngoại Tiêu hoá

18. Khoa Ngoại Lồng ngực - tim mạch

19. Khoa Ngoại Tiết niệu

20. Khoa Chấn thương Chỉnh hình

21. Khoa Bỏng

22. Khoa Ung bướu

23. Khoa Gây mê - Hồi sức

24. Khoa Phụ sản

25. Khoa Răng Hàm Mặt

26. Khoa Tai Mũi Họng

27. Khoa Mắt

28. Khoa Vật lý trị liệu - phục hồi chức năng

b. Các khoa cận lâm sàng: gồm có 09 khoa

1. Khoa Hoá sinh

2. Khoa Vi sinh

3. Khoa Chẩn đoán hình ảnh

4. Khoa Y học hạt nhân

5. Khoa Thăm dò chức năng - Nội soi

6. Khoa Giải phẫu bệnh

7. Khoa Chống nhiễm khuẩn

8. Khoa Dược

9. Khoa Dinh dưỡng.

c. Các Trung tâm: gồm có 3 Trung tâm

1. Trung tâm Huyết học Truyền máu: (gồm có 03 khoa liên kết hữu cơ)

- Khoa Xét nghiệm Huyết học

- Khoa Huyết học lâm sàng

- Khoa Truyền máu

2. Trung tâm Tim mạch (thành lập khi đủ điều kiện)

3. Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế (thành lập khi đủ điều kiện).

d. Một số khoa, phòng khác:

Sẽ được Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập khi có nhu cầu theo đề nghị của Giám đốc bệnh viện.

Điều 13. Viên chức của bệnh viện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Viên chức của bệnh viện phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngạch viên chức, phải thực hiện nhiệm vụ được giao, phải tôn trọng người bệnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người bệnh và có trách nhiệm tham gia các hoạt động của bệnh viện, không ngừng học tập, rèn luyện tu dưỡng để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Điều 15. Viên chức của bệnh viện có quyền được bảo đảm các điều kiện cho hoạt động nghề nghiệp, được bố trí làm công tác chuyên môn theo khả năng và chuyên khoa của mình, được lựa chọn phương pháp điều trị bệnh nhân, được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, được thi nâng ngạch khi có đủ điều kiện và được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật; được pháp luật bảo vệ khi thực thi nhiệm vụ và chức trách của mình.

Chương 4.

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA BỆNH VIỆN

Điều 16. Bệnh viện là đơn vị dự toán cấp 2, được cấp kinh phí hoạt động theo đơn vị sự nghiệp y tế, quản lý tài chính độc lập, có tài khoản riêng. Bệnh viện phải chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về tài chính kế toán.

Điêu 17.

- Ngân sách của Nhà nước cấp

- Nguồn kinh phí thu từ viện phí, bảo hiểm y tế

- Các nguồn thu từ dịch vụ khoa học kỹ thuật, đào tạo cán bộ, sản xuất thử, hợp tác mang lại và các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

- Các nguồn tài trợ, viện trợ, ủng hộ, quà tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu khác được Nhà nước cho phép.

- Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Khoản chi của bệnh viện gồm:

- Lương và các khoản phụ cấp

- Chi thường xuyên

- Chi phát triển bệnh viện

- Chi thi đua khen thưởng

- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

Điều 19.

Quản lý tài sản, trang thiết bị và xây dựng cơ bản

- Hằng năm, bệnh viện dành kinh phí thường xuyên để bảo dưỡng, sửa chữa kiểm định trang thiết bị y tế, cải tạo, nâng cấp và mở rộng cơ sở vật chất của bệnh viện.

- Kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ bản đều phải xây dựng thành dự án và phải tuân thủ các quy định của Nhà nước.

- Tài sản, thiết bị và kinh phí đầu tư từ bất kỳ nguồn nào đều phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định hiện hành về chế độ Quản lý tài chính và tài sản.

Điều 20. Quản lý thu, chi tài chính:

- Hằng năm bệnh viện phải lập dự toán thu, chi và quản lý sử dụng đối với từng nguồn kinh phí hiện có. Giám đốc bệnh viện có trách nhiệm báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán hàng quý, hàng năm với Bộ Y tế.

- Bệnh viện thực hiện công khai tài chính theo quy định của pháp luật.

Chương 5.

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRONG VÀ NGOÀI NGÀNH Y TẾ

Điều 21. Bệnh viện chịu sự quản lý toàn diện của Bộ trưởng Bộ Y tế và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình.

Điều 22. Bệnh viện là cơ quan chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến trước trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Bệnh viện hợp tác với các cơ quan, các đơn vị, các cá nhân trong và ngoài ngành y tế, từ Trung ương đến địa phương để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. Bệnh viện có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh các trường đào tạo Y đến công tác, học tập.

Điều 23. Bệnh viện được hợp tác với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài về các lĩnh vực được quy định trong chức năng, nhiệm vụ và phát thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 24. Bệnh viện chịu sự quản lý lãnh thổ của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật và có trách nhiệm chủ động phối hợp với địa phương, với các tổ chức xã hội để thực hiện chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Chương 6.

THANH TRA, KIỂM TRA

Điều 25. - Bệnh viện tổ chức việc tự kiểm tra, giám sát theo phân công, phân cấp và theo quy định của Nhà nước.

- Bệnh viện chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ Y tế và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Chương 7.

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 26. Các tổ chức, cá nhân của bệnh viện thực hiện tốt Điều lệ này và có công lao đóng góp cho bệnh viện sẽ được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Các tổ chức, cá nhân làm trái với quy định của Điều lệ này thì tuỳ theo tính chất, mức độ mà cá nhân hoặc những người đứng đầu tổ chức đó sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương 8.

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 28.

Điều lệ này có 8 chương, 28 Điều.

Trong quá trình thực hiện Điều lệ này, Giám đốc bệnh viện có thể đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1924/2004/QĐ-BYT về Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 1924/2004/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/05/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trần Thị Trung Chiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/05/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản