Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 04 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP XỬ LÝ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN CỦA CÁC QUỐC GIA BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT THEO NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Để đảm bảo tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến chương Liên Hợp quốc; triển khai kịp thời, có hiệu quả các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với các quốc gia thành viên vi phạm các quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các quốc gia bị áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục và Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính (để báo cáo);
- TCT Nguyễn Văn Cẩn (để b/c)
- Lưu: VT, GSQL (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP XỬ LÝ THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU, PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ LIÊN QUAN CỦA CÁC QUỐC GIA BỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT THEO NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN LIÊN HỢP QUỐC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 192/QĐ-TCHQ ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về nguyên tắc, mục đích, nội dung, phương thức và trách nhiệm trong việc phối hợp giữa đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan trong việc xử lý thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh từ các quốc gia bị áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều 2. Mục đích phối hợp

1. Đảm bảo tuân thủ nghiêm túc, thực thi kịp thời, có hiệu quả và đúng yêu cầu tại các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

2. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh có liên quan đến các quốc gia thuộc danh sách áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi đi vào, đi ra hoặc đi qua lãnh thổ Việt Nam.

3. Kịp thời ngăn chặn các hoạt động mua, bán hàng hóa; lợi dụng Việt Nam trở thành một quốc gia trung chuyển, tiêu thụ hàng hóa từ các quốc gia thuộc danh sách áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Việc phối hợp phải đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, thẩm quyền xử lý theo chức năng, nhiệm vụ, đạt được yêu cầu, mục đích của Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, đơn vị chủ trì báo cáo Tổng cục Hải quan hoặc trao đổi trực tiếp với các đơn vị chuyên môn để xử lý để đảm bảo kịp thời triển khai việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

2. Việc trao đổi, xử lý thông tin phải được tiến hành kịp thời, đúng quy định; các đơn vị phải chịu trách nhiệm về tiến độ xử lý và tính chính xác của thông tin do mình cung cấp.

3. Trong hoạt động phối hợp công tác, nếu các đơn vị có ý kiến khác nhau về phương hướng, cách thức, biện pháp xử lý, giải quyết vụ việc thì phải kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để xem xét, quyết định.

Trường hợp cần thiết, đơn vị chủ trì xử lý báo cáo Tổng cục Hải quan tổ chức họp bàn với các đơn vị có liên quan để thống nhất phương án giải quyết.

Điều 4. Nội dung và phương thức phối hợp

1. Phối hợp trong quá trình giải quyết thủ tục hải quan đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đến và đi từ các quốc gia thuộc danh sách áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Phối hợp trong việc tạm dừng làm thủ tục nhập cảnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các phương tiện vận tải nằm trong danh sách trừng phạt theo các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các phương tiện vận tải bị nghi chở hàng hóa bị cấm, có đề nghị ngăn chặn của các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an.

3. Phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia thành viên.

4. Phương thức phối hợp:

Tùy thuộc tính chất của thông tin cần xử lý, việc trao đổi, cung cấp thông tin được thực hiện thông qua các phương thức sau:

a) Gửi công văn, thư điện tử.

b) Tổ chức họp trao đổi, lấy ý kiến.

c) Trao đổi qua điện thoại, fax.

d) Thành lập tổ công tác xử lý các vụ việc cụ thể phức tạp và cấp bách.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. PHỐI HỢP TRONG TRAO ĐỔI, CUNG CẤP THÔNG TIN

Điều 5. Thông tin trao đổi cung cấp

1. Thông tin về danh sách các quốc gia, tổ chức, cá nhân thuộc diện áp dụng biện pháp trừng phạt; danh mục phương tiện vận tải, hàng hóa thuộc diện áp dụng biện pháp hạn chế hoặc cần kiểm soát khi xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

2. Thông tin dự báo tình hình mua, bán, vận chuyển hàng hóa để phục vụ cho các mục đích phát triển, phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học, cũng như các phương tiện phóng các loại vũ khí này, trái với các quy định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

3. Thông tin về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa của các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có liên quan đến tổ chức, cá nhân của quốc gia, vũng lãnh thổ thuộc diện áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

4. Thông tin cảnh báo những rủi ro có thể mang lại cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân của Việt Nam khi thực hiện các hoạt động mua, bán, vận chuyển hàng hóa với các tổ chức, cá nhân của quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc diện áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Điều 6. Hình thức, thời hạn trao đổi, cung cấp thông tin

1. Đơn vị chủ trì theo quy định tại mục 2 Chương II Quy chế này quyết định và chịu trách nhiệm về hình thức trao đổi các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các quốc gia bị áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc theo chế độ “TUYỆT MẬT”, “TỐI MẬT”, “MẬT” hoặc công khai, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chịu trách nhiệm thông báo thường xuyên, kịp thời những thông tin, tài liệu về các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các yêu cầu của các quốc gia là thành viên, các chủ trương, chính sách, thông báo của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có liên quan đến việc triển khai các biện pháp trừng phạt.

Điều 7. Đầu mối tiếp nhận, báo cáo phản hồi thông tin

1. Đầu mối tiếp nhận, phản hồi thông tin của ngành Hải quan là Vụ Hợp tác quốc tế. Các đơn vị khác trong ngành khi nhận được thông tin từ bên ngoài ngành đều phải chuyển về Vụ Hợp tác quốc tế xử lý theo quy chế này.

2. Đầu mối tiếp nhận, phản hồi thông tin của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố là Đội kiểm soát hải quan; của Chi cục Hải quan là Chi cục trưởng.

3. Đầu mối tiếp nhận, phản hồi thông tin của Cục Điều tra chống buôn lậu là Phòng Thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Điều 8. Quy trình, thời hạn xử lý thông tin

Bước 1: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Vụ Hợp tác quốc tế báo cáo Lãnh đạo Tổng cục phương án xử lý và chuyển thông tin tới đơn vị được giao nhiệm vụ (Lãnh đạo đơn vị và đầu mối)

Bước 2: Ngay sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục, đầu mối tiếp nhận của Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo Lãnh đạo đơn vị phương án xử lý thông tin để giao nhiệm vụ (Chi cục Hải quan, Đội Kiểm soát Hải quan)

Bước 3: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan tiếp nhận thông tin và triển khai công việc. Ngay sau khi hoàn thành việc xử lý, các đầu mối báo cáo kết quả xử lý thông tin về đầu mối chuyển giao thông tin.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Điều 9. Cục Giám sát quản lý về Hải quan

1. Tổ chức triển khai các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia thành viên đến các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan trên cơ sở phân công của Lãnh đạo Tổng cục.

2. Phối hợp với các đơn vị liên quan của các Bộ, Ngành; các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan các biện pháp quản lý, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh phương tiện vận tải đến và đi từ các quốc gia thuộc danh sách áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

3. Tham mưu, đề xuất Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thông báo của Bộ Ngoại giao và các tổ chức quốc tế về việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, không làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ các quốc gia vi phạm lệnh trừng phạt.

4. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến quá trình giải quyết thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành.

5. Theo dõi việc tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp liên quan đến các biện pháp trừng phạt tại cơ quan hải quan cấp Cục và Chi cục.

6. Cử đại diện tham gia Cơ chế giám sát đặc biệt do Bộ Ngoại giao chủ trì đối với các phương tiện vận tải nghi vấn chở các mặt hàng thuộc danh mục hạn chế hoặc cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu theo thông báo của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Điều 10. Cục Điều tra chống buôn lậu:

1. Chủ trì tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các phương tiện vận tải có hành vi sang mạn trái phép hàng hóa hoặc các phương tiện vận tải Việt Nam chở hàng không có giấy tờ hợp pháp tại vùng biển Việt Nam trên cơ sở danh sách các phương tiện vận tải do Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hoặc Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo.

2. Chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng ngoài ngành Hải quan tổ chức điều tra, xác minh các thông tin liên quan đến hàng hóa thuộc danh mục cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu; các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trái với các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và các quy định của pháp luật có liên quan theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

3. Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong việc cung cấp thông tin kết quả điều tra, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cho Bộ Ngoại giao.

4. Làm đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các vụ việc vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc do Cục Hải quan tỉnh, thành phố cung cấp. Trên cơ sở đó, phối hợp với Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức điều tra, xác minh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý.

5. Tổ chức thu thập thông tin về các tổ chức, cá nhân vận chuyển hàng hóa, hành lý thuộc diện áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để cung cấp cho Cục Quản lý rủi ro và Cục Hải quan tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát phù hợp.

Điều 11. Cục Quản lý rủi ro

1. Thiết lập tiêu chí quản lý đối với hàng hóa thuộc danh mục cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải thuộc danh sách cần áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa hoặc không cho phép nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hoặc theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao.

2. Thiết lập tiêu chí phân luồng kiểm tra đối với các lô hàng, mặt hàng, tổ chức, cá nhân có yêu cầu điều tra, xác minh của Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

Điều 12. Cục Công nghệ thông tin & Thống kê Hải quan

1. Phối hợp với các đơn vị trong việc cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến quá trình giải quyết thủ tục hải quan đối với phương tiện và hàng hóa theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

2. Theo dõi, cung cấp thông tin về phương tiện vận tải thuộc danh sách cần áp dụng biện pháp ngăn chặn từ xa hoặc không cho phép nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp thực hiện thủ tục nhập cảnh trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia cho các lực lượng chức năng để xử lý theo quy định.

Điều 13. Vụ Hợp tác quốc tế

1. Làm đầu mối trao đổi với các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành về các nội dung có liên quan đến công tác phối hợp, xác minh nguồn gốc, xuất xứ và các thông tin khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh có nghi ngờ vi phạm Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; sau khi có kết quả xác minh thì cung cấp, phản hồi thông tin cho các đơn vị nghiệp vụ và Cục Hải quan tỉnh, thành phố để xử lý tiếp theo quy định.

2. Tiếp nhận thông tin và cử cán bộ tham dự các buổi làm việc của các đơn vị nghiệp vụ, Cục Hải quan tỉnh, thành phố với đại diện các nước thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế khi có đề nghị.

3. Phối hợp với Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức làm việc với các tổ chức quốc tế để thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc triển khai việc thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Điều 14. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:

1. Tiếp nhận và kịp thời triển khai các Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các văn bản thông báo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền đến Chi cục Hải quan và các Phòng, ban trực thuộc.

2. Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn quản lý trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn từ xa hoặc không giải quyết thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải thuộc danh sách áp dụng biện pháp trừng phạt hoặc có chuyên chở hàng hóa nghi ngờ có nguồn gốc từ các nước thuộc danh sách áp dụng biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Trường hợp nhận được thông tin cảnh báo, trực tiếp phát hiện hoặc nghi ngờ hàng hóa, phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm thì xử lý như sau:

a) Khi phương tiện vận tải đã đi vào vùng nội thủy hoặc địa bàn hoạt động hải quan tại cảng biển Việt Nam, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu phối hợp với lực lượng cảng vụ Hàng hải và Biên phòng cửa khẩu không cho phương tiện cập cảng, không làm thủ tục nhập cảnh và yêu cầu chủ phương tiện nhanh chóng cho phương tiện rời khỏi vùng nội thủy hoặc vùng nước cảng biển Việt Nam.

b) Trường hợp nhận được thông tin khi phương tiện đã làm xong thủ tục nhập cảnh nhưng chưa dỡ hàng hóa, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Hải quan cửa khẩu nơi tàu cập cảng tạm dừng làm thủ tục hải quan, không dỡ hàng hóa; đồng thời phối hợp với lực lượng cảng vụ Hàng hải và Biên phòng cửa khẩu giám sát chặt chẽ phương tiện, thuyền viên, hàng hóa trên phương tiện, nhanh chóng hoàn thành thủ tục xuất cảnh và yêu cầu phương tiện rời khỏi vùng biển Việt Nam.

c) Báo cáo kết quả xử lý về Tổng cục Hải quan (qua Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu) để theo dõi, tổng hợp.

3. Đối với các lô hàng nhập khẩu đã được tập kết tại khu vực kho, bãi, cảng hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh về nguồn gốc, xuất xứ, quá trình vận chuyển hàng hóa trước khi đến Việt Nam,...

4. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh thuộc danh sách các cá nhân bị áp dụng biện pháp trừng phạt theo thông báo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phối hợp với các lực lượng chức năng (Công an cửa khẩu, Bộ đội Biên phòng) thực hiện các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát đối với các cá nhân vi phạm.

5. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp có kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cấm, tạm ngừng hoặc hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu để có giải pháp tìm nguồn hàng thay thế hoặc tìm hiểu kỹ trước khi ký kết hợp đồng mua bán.

6. Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến quá trình làm thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải và hàng hóa (nếu có) khi có yêu cầu điều tra, xác minh.

7. Trường hợp nhận được đề nghị phối hợp của các Tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam trong việc kiểm tra các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan (qua Vụ Hợp tác quốc tế) để xin định hướng phối hợp, trao đổi thông tin. Sau 03 ngày kể từ ngày kết thúc buổi làm việc phải có báo cáo kết quả gửi Tổng cục Hải quan (qua Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Giám sát quản lý về Hải quan) và Sở Ngoại vụ tỉnh, thành phố để biết.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan căn cứ chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm phối hợp quy định tại mục II Chương II Quy chế này chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện Quy chế này đến cơ quan hải quan, công chức hải quan các cấp.

2. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc ở địa phương thực hiện Quy chế này; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu phát sinh khó khăn, vướng hoặc có nội dung cần sửa đổi, bổ sung, các đơn vị phản ánh kịp thời về Cục Giám sát quản lý về Hải quan để tổng hợp, báo cáo Tổng cục Hải quan xem xét, sửa đổi, bổ sung cho thống nhất và phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 192/QĐ-TCHQ năm 2020 về Quy chế phối hợp xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan của các quốc gia bị áp dụng biện pháp trừng phạt theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 192/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/02/2020
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Mai Xuân Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/02/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản