Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1919/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THỬ NGHIỆM XỬ LÝ Ô NHIỄM NƯỚC SÔNG, MƯƠNG, HỒ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 706/QĐ-UBND ngày 11/2/2009 của UBND Thành phố về việc điều chỉnh Quyết định số 2539/QĐ-UBND, ngày 12/12/2008 về việc thành lập Tổ công tác theo dõi các hoạt động và kết quả thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Thành phố;
Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 656-TTr-TNMT-CCBVMT, ngày 18/3/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Các đồng chí PCT UBND TP;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- VPUBNDTP: Các đồng chí Phó Văn phòng, các phòng CV, TT công báo;
- Lưu: VT, Tc, Tb.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Khanh

 

QUY CHẾ

THỬ NGHIỆM XỬ LÝ Ô NHIỄM NƯỚC SÔNG, MƯƠNG, HỒ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1919/QĐ-UBND ngày 23/04/2009 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1.

MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

Điều 1. Mục tiêu hoạt động thử nghiệm

Chọn lựa và áp dụng rộng rãi giải pháp về công nghệ, quản lý, vận hành tối ưu nhất để từng bước cải thiện, xử lý ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường nước tại các sông, mương, hồ trên địa bàn Thành phố.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng

Quy chế này quy định các nội dung triển khai thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước tại một số sông, mương, hồ bị ô nhiễm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực môi trường tham gia hoạt động thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chương 2.

QUY TRÌNH, TIÊU CHUẨN THỬ NGHIỆM

Điều 3. Quy trình thử nghiệm

a. Khảo sát hiện trạng môi trường, lưu lượng nước thải, quan trắc môi trường nền đối với các chỉ tiêu chất lượng nước mặt theo QCVN 08:2008/BTNMT để xác định cụ thể mức độ ô nhiễm và biện pháp xử lý.

b. Tiến hành trình diễn ở quy mô nhỏ và thử nghiệm tại địa điểm được lựa chọn, kết hợp cùng các biện pháp quản lý vận hành tổng hợp theo kế hoạch chi tiết đã được thông qua.

c. Vận hành công trình và quan trắc định kỳ trong quá trình xử lý đối với một số chỉ tiêu cơ bản (theo QCVN 08:2008/BTNMT cột B2) như: độ pH, BOD5, COD, TSS, Tổng N, Tổng P, Chlorophyll – chất diệp lục (đối với hồ), vi sinh vật gây bệnh, độ sâu trầm tích, kim loại nặng trong trầm tích đáy (tùy thuộc vào từng phương án công nghệ cụ thể sẽ lựa chọn thêm các chỉ tiêu phù hợp) … Đánh giá diễn biến quá trình xử lý.

d. Phối hợp với các đơn vị quản lý chuyên trách, chính quyền địa phương để thực hiện quản lý, vận hành công trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giữ gìn chất lượng nước, cảnh quan ….

đ. Đánh giá kết quả xử lý thử nghiệm; xác định biện pháp, quy trình xử lý, quản lý hiệu quả nhất theo 2 nội dung: hiệu quả xử lý ô nhiễm môi trường nước và giá thành xử lý, vận hành. Đây là căn cứ chính để lựa chọn đơn vị thực hiện xử lý cho giai đoạn tiếp theo.

Quan trắc chất lượng nước sau khi xử lý làm cơ sở để so sánh, đánh giá diễn biến trước và sau khi xử lý, hiệu quả xử lý giữa các đơn vị tham gia.

e. Báo cáo kết quả và đề xuất với UBND Thành phố lựa chọn, triển khai rộng rãi phương án tối ưu.

Điều 4. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động thử nghiệm căn cứ tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường TCVN 5945:2005 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT; sử dụng giá trị giới hạn các thông số chất lượng nước mặt tại cột B2 làm căn cứ để đánh giá chất lượng nước sau xử lý (tập trung vào một số chỉ tiêu cơ bản: độ pH, BOD5, COD, TSS, Tổng N, Tổng P …)

Chương 3.

ĐỊA ĐIỂM, CÔNG NGHỆ VÀ YÊU CẦU SAU THỬ NGHIỆM

Điều 5. Địa điểm thử nghiệm

a. Hồ có mức độ ô nhiễm cao, nước có màu xanh đậm hoặc mầu đen; không có các loài sinh vật cần được bảo tồn đa dạng sinh học hoặc các động vật quý hiếm; có đơn vị quản lý chuyên trách để phối hợp nạo vét khi cần thiết.

Chọn 2 loại hồ để xử lý thử nghiệm: Hồ có nước thải xả vào và hồ không nước thải xả vào.

b. Một số đoạn sông, mương thoát nước bị ô nhiễm (mương thoát nước sinh hoạt)

Điều 6. Công nghệ, quy trình thử nghiệm

a. Không hạn chế công nghệ xử lý. Sử dụng chế phẩm, công nghệ xử lý phải thân thiện với môi trường, có nguồn gốc, xuất xứ; không sử dụng các hóa chất độc tính cao, kim loại nặng có hàm lượng lớn. Không được dùng các chủng vi sinh, động vật, thực vật có hại hoặc chưa được kiểm chứng rõ ràng.

b. Quy trình thử nghiệm phù hợp, có thể áp dụng lâu dài và hiệu quả sau khi kết thúc thời gian thử nghiệm.

Điều 7. Yêu cầu sau thử nghiệm:

a. Chất lượng môi trường nước:

a.1. Độ đục: Nước phải trong hơn trước khi thử nghiệm và sẽ được đánh giá bằng độ đục trước và sau khi xử lý (hoặc độ mầu áp dụng theo TCVN 5945:2005 ).

a.2. Mùi: Giảm rõ rệt mùi hôi, thối trong nước và khu vực sau khi xử lý (yêu cầu lấy ý kiến cộng đồng trước và sau xử lý).

a.3. Một số chỉ tiêu ô nhiễm cơ bản: độ pH, BOD5, COD, TSS, Tổng N, Tổng P, Chlorophyll, vi sinh vật gây bệnh, tối thiểu đạt QCVN 08:2008/BTNMT cột B2, độ sâu trầm tích và kim loại nặng trong trầm tích đáy.

a.4. Không gây hại cho các sinh vật sống như cá, tôm … ngoại trừ các loại tảo.

a.5. Duy trì chất lượng tối thiểu 12 tháng sau xử lý.

b. Quy trình vận hành, quản lý

b.1. Đưa ra quy trình vận hành quản lý tổng hợp để duy trì chất lượng nước sau khi được xử lý, bao gồm cả kỹ thuật và quản lý.

b.2. Cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan để bảo đảm vận hành lâu dài, hiệu quả các công trình xử lý ô nhiễm nước.

c. Đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia thường xuyên, tích cực của cộng đồng dân cư xung quanh khu vực.

Chương 4.

KINH PHÍ THỬ NGHIỆM

Điều 8. Kinh phí cho các hoạt động thử nghiệm lấy từ ngân sách Thành phố, việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết toán thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành, đóng góp của các công ty, đơn vị tham gia, bao gồm các nội dung chính sau:

a. Các nội dung chi do ngân sách Thành phố đảm bảo:

a.1. Kinh phí quan trắc, khảo sát hiện trạng môi trường; quan trắc chất lượng nước trước, trong và sau khi tiến hành xử lý.

a.2. Kinh phí thử nghiệm bao gồm: chi phí xây dựng công trình, đầu tư trang thiết bị, máy móc, nguyên nhiên liệu phục vụ xử lý, chế phẩm xử lý …

a.3. Kinh phí vận hành công trình, thiết bị xử lý nhằm duy trì chất lượng nước.

a.4. Kinh phí quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.

a.5. Kinh phí hoạt động của Tổ công tác, gồm: kinh phí tổ chức cuộc họp, khảo sát thực địa, kinh phí bồi dưỡng cho thành viên Tổ công tác 150.000đồng/tháng, các cán bộ phục vụ cho hoạt động của Tổ công tác 50.000đồng/tháng.

b. Các nội dung chi do đơn vị tham gia thử nghiệm đảm bảo:

b.1. Kinh phí xây dựng phương án xử lý cụ thể đối với từng địa điểm;

b.2. Kinh phí bảo vệ trang thiết bị tài sản của công trình thử nghiệm.

b.3. Chi phí khác

c. Các đơn vị tham gia thử nghiệm (sau khi đã được chấp thuận về phương án công nghệ, tài chính và UBND Thành phố phê duyệt) được tạm ứng một phần kinh phí (theo hợp đồng) để tiến hành các hoạt động thử nghiệm. Các đơn vị phải tự bảo đảm về năng lực tài chính để tiến hành đến khi kết thúc thử nghiệm. Ưu tiên các đơn vị ứng toàn bộ vốn để tiến hành thử nghiệm xử lý. Sau khi kết thúc, hiệu quả xử lý thử nghiệm là cơ sở để thanh toán toàn bộ kinh phí xử lý và là một trong những điều kiện hàng đầu để lựa chọn áp dụng trên diện rộng.

Chương 5.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Điều 9. Tổ công tác được thành lập theo Quyết định 706/QĐ-UBND ngày 11/2/2009 của UBND Thành phố

a. Tham mưu giúp Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thử nghiệm; so sánh, đánh giá công nghệ của các đơn vị tham gia thử nghiệm; kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả sau thử nghiệm; cơ chế tài chính phục vụ các hoạt động thử nghiệm. Hình thức hoạt động của Tổ công tác bao gồm: họp Tổ công tác, xin ý kiến Tổ công tác bằng văn bản, khảo sát thực địa đánh giá các kết quả trước, trong và sau khi kết thúc thử nghiệm.

b. Các nhiệm vụ cụ thể:

b.1. Thông qua phương án khảo sát và quan trắc chất lượng môi trường nước trước, trong và sau khi kết thúc thử nghiệm.

b.2. Thông qua phương án công nghệ và các nội dung đề xuất của các đơn vị tham gia xử lý, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND Thành phố cho phép tiến hành thử nghiệm.

b.3. Đánh giá kết quả xử lý thử nghiệm của từng đơn vị tham gia thử nghiệm.

b.4. Đánh giá hiệu quả và tính khả thi của các phương án thử nghiệm và đề xuất với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố phương án phù hợp để có thể áp dụng rộng rãi trên địa bàn Thành phố.

Điều 10. Sở Tài nguyên và Môi trường

a. Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn thành phố Hà Nội; báo cáo đề xuất UBND Thành phố.

b. Hướng dẫn Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội sử dụng kinh phí được UBND Thành phố giao tại Quyết định số 30/2008/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 hạng mục “Thực hiện triển khai áp dụng công nghệ sinh học xử lý cải thiện chất lượng nước hồ nội thành Hà Nội” bảo đảm tiết kiệm, đúng chế độ, đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước; chỉ đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tổ chức ký hợp đồng với các đơn vị tham gia thử nghiệm đúng theo quy định của pháp luật và Quy chế này.

c. Chủ trì cùng Sở Tài chính thẩm định phương án tài chính theo đề xuất của từng đơn vị và trình UBND Thành phố phê duyệt.

Điều 11. Công ty TNHH nhà nước MTV Thoát nước Hà Nội hỗ trợ nạo vét bùn đáy (khi được yêu cầu), phối hợp với các đơn vị thực hiện thử nghiệm và chính quyền địa phương vận hành, quản lý, bảo vệ các công trình thử nghiệm.

Điều 12. Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội xây dựng quy trình quan trắc, cụ thể hóa các chỉ tiêu quan trắc đối với từng giai đoạn trước, trong và sau xử lý và đối với từng trường hợp thử nghiệm; phối hợp với các đơn vị tham gia thử nghiệm quan trắc theo nội dung và tiến độ.

Điều 13. Các đơn vị thực hiện thử nghiệm chịu trách nhiệm quản lý và vận hành công nghệ xử lý; chịu trách nhiệm toàn bộ về công nghệ, chế phẩm và chất lượng sản phẩm … được sử dụng. Nếu kết quả thử nghiệm không đạt yêu cầu theo Quy chế này thì không được thanh toán kinh phí hoặc phải hoàn trả kinh phí tạm ứng (trong trường hợp đã được tạm ứng). Trường hợp gây ra hậu quả ô nhiễm môi trường thì phải chịu toàn bộ chi phí khắc phục hậu quả và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều 14. UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc và các cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc (nơi có địa điểm thử nghiệm) có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động thử nghiệm.

Điều 15. Chế độ báo cáo:

a. Các đơn vị tham gia thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước thường xuyên báo cáo tình hình, kết quả hoạt động với Tổ công tác, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát, tổng hợp các hoạt động thử nghiệm.

b. Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên báo cáo về toàn bộ quá trình thử nghiệm của các đơn vị; tổng hợp, báo cáo đề xuất phương án xử lý ô nhiễm nước tối ưu với UBND Thành phố để triển khai áp dụng rộng rãi trên địa bàn Thành phố.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1919/QĐ-UBND về Quy chế thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 1919/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 23/04/2009
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Vũ Hồng Khanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản