Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH BẮC NINH
BAN CHỈ ĐẠO TỈNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 191/QĐ-BCĐ

Bắc Ninh, ngày 31 tháng 05 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TẠM THỜI VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI NƠI LƯU TRÚ TẬP TRUNG VÀ Ở LẠI LÀM VIỆC
TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG DỊCH TỈNH

Căn cứ Thông báo số 131/TB-VPCP ngày 28/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh và 02 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh;

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-UBND ngày 02/02/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo tỉnh phòng, chống dịch COVID-19;

Sau khi thống nhất giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh và Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Theo Biên bản làm việc ngày 30/5/2021 của Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh và Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế.

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1559/TTr-SYT ngày 30/5/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn tạm thời về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người lao động tại nơi lưu trú tập trung và ở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Y tế (b/c);
- TTTU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Thành viên Bộ phận TT đặc biệt của Bộ Y tế;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, các CVNC;
- Lưu: BCĐ, KGVX(NTT).

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC




PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Vương Quốc Tuấn

 

HƯỚNG DẪN

TẠM THỜI VỀ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI NƠI LƯU TRÚ TẬP TRUNG VÀ Ở LẠI LÀM VIỆC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 191/QĐ-BCĐ ngày 31/5/2021 của Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh)

Phần thứ nhất

NỘI DUNG HƯỚNG DẪN

I. MỤC ĐÍCH

Đảm bảo phòng chống dịch cho người lao động khi lưu trú tập trung và khi làm việc, đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

II. ĐỐI TƯỢNG

- Người lao động và tất cả các đối tượng làm việc, phục vụ trong nhà máy (cán bộ giám sát, bảo vệ, nấu ăn, cán bộ an toàn lao động, vận chuyển, giao nhận hàng,...) được xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 lần 1 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến làm việc tại doanh nghiệp lần 2 sau 3 ngày và mỗi tuần phải xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp Real time PCR tối thiểu 10% trong tổng số người của doanh nghiệp.

- Người quản lý nơi lưu trú tập trung của người lao động bao gồm: chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ, cơ sở lưu trú (người quản lý, nhân viên, phục vụ,...), quản lý ký túc xá/ khu vực chuyển đổi công năng hoặc nơi lưu trú tại cơ sở sản xuất kinh doanh/ doanh nghiệp.

- Các Sở, Ban, ngành, chính quyền địa phương tham gia quản lý nơi lưu trú tập trung cho người lao động.

III. HÌNH THỨC LƯU TRÚ

1. Khu nhà trọ tập trung.

2. Ký túc xá.

3. Khách sạn, nhà nghỉ lưu trú.

4. Khu nhà chuyển đổi công năng (trường học, nhà thi đấu, trường nghề)

5. Lưu trú tại cơ sở sản xuất kinh doanh/ doanh nghiệp (Hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục gửi kèm theo).

IV. YÊU CẦU ĐỐI VỚI NƠI LƯU TRÚ

1. Mỗi điểm lưu trú tập trung chỉ chỉ lưu trú người lao động của 01 công ty (01 công ty có thể có nhiều điểm lưu trú tập trung). Nơi lưu trú tập trung phải đảm bảo: có thể kiểm soát được các lối ra vào; thuận tiện cho việc đưa đón người lao động; phải được khử khuẩn, phun thuốc muỗi, vệ sinh sạch sẽ trước tối thiểu 12 giờ khi đưa vào ở lưu trú.

2. Có biển báo: KHU VỰC LƯU TRÚ TẬP TRUNG - KHÔNG PHẬN SỰ MIỄN VÀO

3. Có hệ thống camera giám sát tại cổng/lối ra vào và khu vực hành lang, kết nối với hệ thống thông tin của cấp xã, huyện để phối hợp giám sát.

4. Có điểm khử khuẩn phương tiện, hàng hóa và nơi rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho người lao động trước khi vào nơi lưu trú tập trung.

5. Đảm bảo các điều kiện thiết yếu: điện, nước sạch, an toàn phòng chống cháy nổ. Phòng ở nơi lưu trú phải đảm bảo thoáng khí, thông gió tự nhiên.

6. Mỗi phòng có nhà vệ sinh khép kín. Nếu sử dụng nhà vệ sinh chung thì không quá 12 người/nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh được trang bị cây lau nhà, giẻ lau, dung dịch khử khuẩn để người lao động tự vệ sinh khử khuẩn.

7. Đảm bảo công tác thu gom, lưu giữ tạm thời, vận chuyển, xử lý rác thải theo quy định.

8. Có điểm cung ứng lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho người lao động.

9. Có điểm khai báo y tế, quét mã QR Code khi ra vào nơi lưu trú tập trung.

10. Có niêm yết số điện thoại cán bộ quản lý khu lưu trú tập trung, điện thoại đường dây nóng ngành y tế, doanh nghiệp. Có tài liệu truyền thông phòng, chống dịch COVID-19.

11. Có Ban/người quản lý nơi lưu trú tập trung.

12. Thành lập các tổ phòng, chống dịch COVID - 19 tại nơi lưu trú tập trung. Thành phần bao gồm: Công an, Đại diện chính quyền địa phương/tổ dân phố (tổ trưởng), đại diện ban/người quản lý nơi lưu trú tập trung và công ty (tổ phó); có thể thành lập nhiều tổ hoặc một tổ gồm nhiều tổ phó, mỗi tổ phó phụ trách 01 nơi cư trú.

V. ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN NGƯỜI LAO ĐỘNG

1. Đối với phương tiện vận chuyển

- Phương tiện vận chuyển người lao động phải đăng ký lịch trình cụ thể và chỉ dùng để vận chuyển những người lao động đã được phép quay trở lại làm việc tại công ty.

- Chỉ sử dụng công suất vận chuyển 50% số ghế

- Có danh sách người lao động và vị trí ngồi cố định của công nhân trên xe theo từng chuyến để tiện theo dõi, quản lý.

- Mở cửa sổ xe trong quá trình vận chuyển người lao động (nếu được).

- Trang bị dung dịch khử khuẩn có chứa nồng độ cồn tối thiểu 60%.

- Thực hiện vệ sinh khử khuẩn đày đủ trước và sau mỗi lần đưa, đón người lao động.

- Có nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ người lao động trước khi lên xe.

2. Đối với lái xe

- Lái xe phải có xét nghiệm âm tính lần 1 trước 72 giờ trước khi tham gia vận chuyển người lao động quay trở lại làm việc, lần 2 sau 3 ngày và thực hiện xét nghiệm sàng lọc tối thiểu 07 ngày/ lần. Đồng thời, phải ở tập trung tại nơi lưu trú như công nhân.

- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống dịch trong suốt quá trình điều khiển phương tiện. Nhắc nhở người lao động đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách trên xe.

- Thực hiện khai báo y tế và tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Nếu xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở thì phải tạm nghỉ làm và thông báo cho cơ quan y tế địa phương, công ty.

3. Đối với người phục vụ tại nơi lưu trú và trong nhà máy phải thực hiện quy định như đối với người lao động và lái xe.

Phần thứ hai

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh tuyên truyền phổ biến hướng dẫn đến các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp để biết và thực hiện.

- Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh thực hiện chấp thuận hoặc cấp phép có thời hạn (nếu thuộc đối tượng cấp phép theo quy định), kiểm tra trật tự xây dựng đối với công trình phục vụ làm nơi lưu trú, sinh hoạt tạm cho người lao động tại doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp và phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

2. Sở Y tế

- Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, kiểm tra kế hoạch triển khai của các doanh nghiệp, nhất là chỗ ăn, ngủ của công nhân, người lao động đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

3. Sở Xây dựng

Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong quá trình chuyển đổi công năng khu vực nhà xưởng, văn phòng, hội trường, nhà kho; khu vực đất trống ... trong khuôn viên doanh nghiệp để tạm thời phục vụ đời sống người lao động khi phải ở lại nhà máy; đảm bảo an toàn tính mạng; phòng chống cháy nổ và sức khỏe cho người lao động

Kiểm tra trật tự xây dựng và các điều kiện đối với công trình phục vụ làm nơi lưu trú, sinh hoạt tạm cho người lao động tại doanh nghiệp sản xuất và phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

4. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực lưu trú tập trung cho người lao động, tại cơ sở sản xuất kinh doanh/doanh nghiệp.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Y tế, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp huy động lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình lắp đặt nhà bạt dã chiến trong các khu công nghiệp. Báo cáo cơ quan cấp trên hỗ trợ lực lượng lắp đặt nhà bạt dã chiến cho các doanh nghiệp (nếu các doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ).

6. UBND huyện, thị xã, thành phố

- Chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các nơi lưu trú tập trung cho người lao động trên địa bàn.

- Nắm chắc thông tin từng người lao động lưu trú, tạm trú trên địa bàn.

- Hướng dẫn người lao động thực hiện nghiêm túc việc khai báo tạm trú, lưu trú với chính quyền địa phương theo quy định.

- Thực hiện tốt việc quản lý trật tự, an ninh, chính trị trên địa bàn có đông người lao động lưu trú.

- Thực hiện cấp phép có thời hạn, kiểm tra trật tự xây dựng đối với công trình phục vụ làm nơi lưu trú, sinh hoạt tạm cho người lao động tại doanh nghiệp (ngoài khu công nghiệp tập trung) theo quy định.

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành của người quản lý và của người lao động, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm.

7. Doanh nghiệp

- Lập kế hoạch, bố trí các nơi lưu trú tập trung cho người lao động phòng chống dịch Covid-19 theo quy định và báo cáo về cơ quan quản lý theo quy định.

- Quản lý lao động tại nơi làm việc và nơi lưu trú: Lập sổ quản lý lao động; Thực hiện báo cáo tình hình sử dụng lao động.

- Tăng cường nhân viên bảo vệ để kiểm soát công ty nghiêm ngặt nhất theo hình thức “nội bất xuất - ngoại bất nhập” và chịu trách nhiệm về việc quản lý của công ty mình.

8. Người quản lý nơi lưu trú tập trung

- Ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch với chính quyền địa phương.

- Chịu trách nhiệm giám sát người lao động không ra khỏi khu vực lưu trú khi chưa được phép của chính quyền địa phương.

- Cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người lao động tại khu vực lưu trú, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Lắp đặt đầy đủ hệ thống camera và cung cấp địa chỉ IP cho UBND cấp xã, cấp huyện phối hợp quản lý, giám sát.

- Đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải tại khu vực lưu trú tập trung.

9. Người lao động

- Thực hiện khai báo y tế, quét mã QR Code trước khi rời khỏi nơi lưu trú và khi đến nhà máy.

- Tuyệt đối không ra khỏi nơi lưu trú tập trung khi chưa được phép của chính quyền địa phương.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện 5K tại nơi lưu trú tập trung, trên phương tiện vận chuyển và tại nơi làm việc do các cơ quan có thẩm quyền quy định.

- Thường xuyên thực hiện vệ sinh khử khuẩn, giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi lưu trú theo quy định.

- Thông báo ngay cho quản lý nơi lưu trú tập trung, đường dây nóng của Ngành Y tế khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở và các vấn đề khác về sức khỏe.

10. Tổ phòng, chống COVID-19 tại nơi lưu trú

- Tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch cho người lao động tại nơi lưu trú tập trung. Thông báo các trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở cho ban/người quản lý nơi lưu trú tập trung cho người lao động và cơ quan y tế trên địa bàn.

- Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần./.

 

PHỤ LỤC

HƯỚNG DẪN TẠM THỜI LƯU TRÚ TẬP TRUNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP

I. NGUYÊN TẮC

1. Đảm bảo quy định về điều kiện tối thiểu của khu vực lưu trú tạm tại CSSXKD, doanh nghiệp theo hướng dẫn tại mục II

2. Nơi lưu trú phải tách biệt khỏi các khu vực sản xuất, khu vực nguy hiểm.

3. Việc ra vào phải được kiểm soát chặt chẽ về lưu trú và y tế; đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người lao động: Ngủ, nghỉ, sinh hoạt cá nhân, ăn uống; đảm bảo điều kiện về phòng cháy chữa cháy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho công trình; đảm bảo yêu cầu điều kiện về vệ sinh môi trường nước, không khí, tiếng ồn theo quy định.

4. Việc cải tạo các nhà ăn, hội trường, phòng hội thảo, phòng họp lớn, các phân xưởng đang tạm dừng sản xuất,... làm nơi lưu trú tạm, trên cơ cở đảm bảo các điều kiện về: an ninh trật tự, vệ sinh cá nhân, ánh sáng, quạt gió và các điều kiện tối thiểu khác phục vụ công nhân và phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

5. Việc làm mới dựng rạp, nhà bạt dã chiến các khu đất trống, đường đi ít sử dụng hoặc nhà kho không sử dụng để bố trí làm khu vực ăn ca cho công nhân, trên cơ sở đảm bảo ánh sáng, quạt gió, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 theo quy định.

II. MỘT SỐ QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Việc bố trí mặt bằng nơi lưu trú phải có rào chắn xung quanh và phải được tách biệt khỏi khu vực sản xuất, đảm bảo ở đầu hướng gió

2. Nơi lưu trú được phân chia thành các khu vực: Khu vực khử khuẩn, Khu vực lưu trú, khu vực bếp ăn, khu vực vệ sinh chung, khu vực phơi quần áo, khu vực tập kết rác thải rắn.

2.1. Khu vực khử khuẩn: Có điểm khử khuẩn phương tiện, hàng hóa và dung dịch sát khuẩn tay cho người lao động.

2.2. Khu vực lưu trú tạm:

- Khu vực lưu trú được thiết kế riêng cho nam riêng, nữ riêng và phải có tường, vách ngăn cách, gồm các phòng lưu trú được thiết kế và bố trí theo các quy định sau:

- Diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 cho một người. Diện tích phòng lưu trú không được nhỏ hơn 10m2; chiều rộng thông thủy không dưới 2,40m; chiều cao thông thủy chỗ thấp nhất không dưới 2,70m.

- Phòng lưu trú phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên. Trường hợp do điều kiện không thể bố trí thông gió và chiếu sáng tự nhiên phải có giải pháp thông gió cưỡng bức (lưu lượng cấp khí tươi tối thiểu 30m3/h/người) và có đèn đủ ánh sáng (tối thiểu có một bóng đèn điện công suất 40W cho diện tích 10m2).

- Tường bao che, tường ngăn giữa các phòng phải được làm bằng vật liệu đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy và chống thấm; mái nhà không được lợp bằng vật liệu dễ cháy và phải đảm bảo không bị thấm dột; nền nhà phải được lát gạch hoặc láng vữa xi măng và đảm bảo không bị ngập úng.

- Nếu phòng lưu trú được xây dựng khép kín thì khu vệ sinh phải có tường ngăn cách với chỗ ngủ.

- Chiều rộng thông thuỷ hành lang khu lưu trú: Chiều rộng hành lang khu ở phải được tính toán đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy. Khi chiều dài hành lang nhỏ hơn 40m thì chiều rộng tối thiểu là 1,4m; Khi chiều dài hành lang lớn hơn 40m chiều rộng tối thiểu là 1,6m. Số lối ra khỏi khu vực lưu trú phải được tính toán theo số lượng người lưu trú trong khu vực lưu trú, tối thiểu không được nhỏ hơn 02 lối. Khoảng cách từ phòng lưu trú xa nhất đến lối ra tối đa là 25m.

- Phải bố trí có các thiết bị phòng chống cháy nổ theo quy định.

2.3 Khu vực bếp nấu: Được thiết kế tách biệt khỏi các khu vực khác, đảm bảo các yêu cầu sau:

- Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.

- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến.

- Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.

- Cống rãnh ở khu vực nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.

- Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại, phải có vách ngăn cách các chỗ ngồi với nhau

- Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.

2.5. Khu vực phơi quần áo: Chỗ phơi có diện tích tối thiểu 0,4m2/người. Vị trí được bố trí đảm bảo thuận tiện cho sinh hoạt của công nhân.

2.6. Khu vệ sinh chung (trong trường hợp không bố trí khu vệ sinh khép kín): Phải có khu vệ sinh cho nam riêng, nữ riêng và đảm bảo yêu cầu tối thiểu đối với khu vệ sinh gồm: 01 cầu vệ sinh, 01 chậu rửa mặt và 01 nhà tắm phục vụ tối đa cho 12 người.

2.7. Khu vực tập kết rác thải rắn: Vị trí đặt cuối hướng gió; diện tích được tính toán để có thể lưu giữ rác thải trong vòng 1 ngày.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 191/QĐ-BCĐ năm 2021 hướng dẫn tạm thời về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người lao động tại nơi lưu trú tập trung và ở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 191/QĐ-BCĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/05/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Vương Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản