Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1908/2006/QĐ-UBND | Bến Tre, ngày 30 tháng 8 năm 2006 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN XỨ LÝ, DI DỜI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH GÂY Ô NHIỄM RA KHỎI NỘI Ô THỊ XÃ BẾN TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 114/2006/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định chế độ họp trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án xứ lý, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội ô thị xã Bến Tre.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
XỨ LÝ, DI DỜI CƠ SỞ SẢN XUẤT KINH DOANH GÂY Ô NHIỄM RA KHỎI NỘI Ô THỊ XÃ BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1908/2006/QĐ-UBND ngày 30 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
I. Tình hình phát triển các ngành nghề CN-TTCN trên địa bàn thị xã:
Thị xã Bến Tre nằm trên địa phận cù lao Bảo, một trong 3 cù lao hình thành nên tỉnh Bến Tre. Thị xã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Châu Thành, Đông và Đông Nam giáp huyện Giồng Trôm, Tây Nam giáp sông Hàm Luông...
Diện tích tự nhiên toàn thị xã là 67,363 km2, có 9 phường và 6 xã.
Dân số năm 2005 có: 115,107 ngàn người.
Lao động trong độ tuổi lao động trên 62 ngàn người.
Cơ cấu kinh tế của thị xã được Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ IX, nhiệm kỳ 2006 - 2010 xác định là: thương mại - du lịch - dịch vụ gắn với công nghiệp và nông nghiệp.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn thị xã được hình thành và phát triển từ rất lâu đời, song chủ yếu vẫn là thủ công. Sau giải phóng (1975), CN-TTCN Bến Tre nói chung và trên địa bàn thị xã nói riêng đã từng bước phát triển. Khi nền kinh tế chuyển sang cơ chế thị trường, một số cơ sở sản xuất CN-TTCN được sắp xếp lại, các thành phần kinh tế dân doanh được hình thành và phát triển. Theo số liệu đăng ký kinh doanh, đến cuối năm 2005, trên địa bàn thị xã có 7 công ty Nhà nước, 29 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và 469 cơ sở sản xuất CN-TTCN dân doanh, với khoảng 50 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Nội ô thị xã theo Đề án này bao gồm 9 phường (từ phường 1 đến phường 8 và phường Phú Khương).
1. Hiện trạng: Mỗi loại hình sản xuất với từng quy trình sẽ sản sinh ra các loại chất thải khác nhau và mức độ tác động đến môi trường cũng khác nhau. Theo báo cáo kết quả và phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh nội thị gây ô nhiễm môi trường tháng 4/2006 của Sở Tài nguyên - Môi trường, có thể xác định các nguồn phát sinh chất ô nhiễm, cũng như thành phần chất gây ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh đặc trưng trong vùng như sau:
a) Sản xuất kẹo dừa: Có 32 cơ sở kẹo dừa đăng ký hoạt động chính thức, trong đó có 16 cơ sở đã hoạt động từ năm 1998; nằm tập trung chủ yếu ở phường 7 (14 cơ sở), phường 5 (6 cơ sở), Phú Khương (5 cơ sở), phường 4 (3 cơ sở) và các phường: 1, 3, 6, 8 mỗi phường 1 cơ sở). Đa số cơ sở có quy mô vừa, công suất từ 550 – 2.000 kg/ngày. Các cơ sở: Công ty Đông Á, Thanh Long, Yến Hương, Ngọc Mai, Hương Lan có qui mô sản xuất lớn, trên 5 tấn/ngày.
Theo điều tra của Sở Tài nguyên - Môi trường, hiện nay có 3/32 cơ sở không có đầu tư xử lý môi trường; 29/32 cơ sở có hầm tự hoại thể tích 1 - 5 m3 xử lý nước thải bằng hầm tự hoại. Qua phân tích chất lượng nước thải, các thông số SS, N-NH4, BOD, COD, Coliform vượt tiêu chuẩn chất thải (TCVN 5945:1995 loại B) nhiều lần.
Xét về thực trạng chung, chỉ có 13/32 cơ sở có khả năng đầu tư xử lý tại chỗ, số còn lại không còn diện tích mặt bằng để thiết kế và xây dựng hệ thống xử lý.
b) Sản xuất thạch dừa: Có 1 HTX (Cửu Long) và 32 cơ sở sản xuất cá thể. Phân bổ: phường 7 (18 cơ sở), phường 6 (4 cơ sở), phường 8 (3 cơ sở), phường 4, 5, Phú Khương (6 cơ sở - mỗi nơi 2), số còn lại ở phường 1, 3.
Sản xuất thạch dừa tạo ra lượng nước thải phát sinh do quá trình lên men, nước dừa rơi đổ, nước rửa thạch dừa, thạch dừa phế thải…, chưa được thu gom và xử lý, mà thải một cách trực tiếp ra kênh rạch đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là môi trường nước và môi trường không khí.
Có 4/33 cơ sở không đầu tư xử lý môi trường, 28/33 xử lý nước thải bằng hầm tự hoại, riêng cơ sở thạch dừa Minh Châu (khu phố 2, phường 4) có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 5945:1995 loại B.
Phân tích mẫu nước thải thạch dừa cho thấy: 4 cơ sở không xử lý - các thông số SS, tổng N, N-NH4, BOD, COD, coliform… vượt TCVN 5945:1995 loại B từ 2 đến 70 lần; 28 cơ sở xử lý bằng hầm tự hoại chỉ hạn chế một phần nhỏ mức độ ô nhiễm, vượt tiêu chuẩn loại B. Riêng mùi hôi do quá trình lên men, phân hủy nước thải hiện chưa đánh giá được mức tác hại.
d) Chế biến thủy sản: Địa bàn thị xã có một đơn vị chế biến thủy sản là Công ty cổ phần Thủy sản Bến Tre ở phường 8, ô nhiễm chính là mùi hôi và nước thải. Công ty chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất khoảng 70 m3/ngày đêm, thải thông qua các hầm tự hoại qui mô nhỏ không đủ khả năng xử lý, sau đó thải trực tiếp ra sông Bến Tre.
e) Sản xuất thuốc lá: Bến Tre chỉ có một Nhà máy thuốc lá là doanh nghiệp Nhà nước ở phường Phú Khương. Hoạt động sản xuất của nhà máy đã sinh ra các chất ô nhiễm từ các nguồn sau: Khí thải sinh ra do đốt dầu FO tại các nồi hơi, lò rang thuốc có chứa các chất ô nhiễm như: bụi, oxit lưu huỳnh (SO2), oxit nitơ (NO2), oxit cacbon (CO2), hydrocacbon, aldehuyt và mùi hôi sinh ra do sấy hấp sợi thuốc. Khí thải được phát tán qua các ống khói.
f) Giết mổ gia súc, gia cầm: Có 2 cơ sở giết mổ tập trung ở phường 7 và Phú Khương (thực tế trong nội ô thị xã vẫn còn nhiều hộ giết mổ không đăng ký nên chưa thống kê được). Hoạt động của các cơ sở này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng về mùi hôi và nước thải. Hai cơ sở này có hệ thống xử lý nước thải được Chi cục Thú y Bến Tre thiết kế, nay đã xuống cấp không đảm bảo vệ sinh môi trường.
g) Gia công cơ khí: Có 36 cơ sở sản xuất cơ khí, bao gồm hàn, tiện, phay,... Nhiều nhất là gia công cửa nhôm, sắt. Phân bổ: phường 1 (2 cơ sở), phường 2 (5 cơ sở), phường 3 (2 cơ sở), phường 5 (1 cơ sở), phường 6 (5 cơ sở), phường 7 (8 cơ sở), phường 8 (8 cơ sở), Phú Khương (5 cơ sở). Những năm gần đây do nhu cầu xây dựng tăng cao cho nên các cơ sở này phát triển nhiều. Hầu hết các cơ sở đều tận dụng mặt bằng hiện hữu để sản xuất (vừa ở và sản xuất). Ô nhiễm gây ra chủ yếu là tiếng ồn, bụi sắt, mùi sơn. Qua khảo sát một số cơ sở, độ ồn gây ra trong quá trình sản xuất từ 76 - 89 dMA. Hầu hết cơ sở này đều gây phiền hà cho khu vực dân cư chung quanh, việc khiếu kiện do tiếng ồn gây ra khá phổ biến trong các năm qua.
Các cơ sở này không có khả năng khắc phục tiếng ồn, phải tiến hành sắp xếp, di dời.
h) Các cơ sở kinh doanh phế liệu: Có 8 cơ sở, trong đó: 1 cơ sở kinh doanh phế liệu giấy ở phường 6; 7 cơ sở kinh doanh phế liệu sắt thép, đồng nát gồm: 3 cơ sở ở phường 6, 2 cơ sở ở Phú Khương, 2 cơ sở ở phường 8. Trừ cơ sở thu mua kinh doanh giấy phế liệu, các cơ sở kinh doanh phế liệu sắt thép, đồng nát đều nằm cặp các trục đường nội ô gây bụi, tiếng ồn làm mất vẽ mỹ quan.
i) Cơ sở cưa xẻ gỗ: có 5 cơ sở, gồm: 2 cơ sở ở phường 6; 2 cơ sở ở phường 8; 1 cơ sở ở phường 7.
Hoạt động các cơ sở trên tạo ra tiếng ồn vượt mức cho phép và bụi, gây ảnh hưởng đến các hộ dân chung quanh. Hiện nay các cơ sở này chưa có biện pháp khắc phục, phải di dời.
2. Nguyên nhân:
- Cơ sở sản xuất kinh doanh có qui mô sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, mặt bằng hẹp… đa số các giám đốc, các chủ sơ sở chưa quan tâm đúng mức đến yêu cầu bảo vệ môi trường, thiếu thông tin về kỹ thuật và quan trọng hơn là chi phí để xử lý ô nhiễm sẽ làm cho chi phí sản xuất cao ảnh hưởng đến lợi ích của đơn vị.
- Hiệu lực pháp luật về bảo vệ môi trường đang được triển khai, các chính sách khuyến khích và chế tài chưa thực hiện triệt để. Hệ thống tổ chức và năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường còn yếu, chưa bao quát hết.
- Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, quy hoạch đô thị và quy hoạch phát triển CN-TTCN chưa điều chỉnh kịp theo nhu cầu phát triển sản xuất.
III. Chương trình xử lý ô nhiễm các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm:
1. Tính cấp thiết của chương trình: Như đã đề cập trong phần tổng quan, quá trình sản xuất kinh doanh trong nội ô thị xã ngày càng có dấu hiệu ô nhiễm tăng dần. Công tác xử lý ô nhiễm tại một số cơ sở có đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu so với tiêu chuẩn cho phép; thậm chí một số cơ sở hoàn toàn không có biện pháp xử lý.
Hiện nay tỉnh và thị xã đang tập trung chỉ đạo xây dựng thị xã thành đô thị loại 3, do vậy vấn đề môi trường đô thị là một trong những chỉ tiêu hết sức quan trọng trong quá trình cải tạo xây dựng đô thị.
Chủ trương xử lý, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là một chủ trương đúng đắn, khoa học: không chỉ giải quyết vấn đề môi trường, đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp mà còn kết hợp bố trí dân cư, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đồng thời chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, đây là một công việc khó, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao và phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và nhân dân trong khu vực. Do vậy, các ngành, các cấp và các cơ sở sản xuất kinh doanh cần quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa nêu trên để chủ động khắc phục trở ngại, thực hiện công tác di dời (hoặc xử lý tại chỗ) với quyết tâm cao, tạo chuyển biến thật sự trong vài năm tới nhằm ổn định sản xuất, tạo đà tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.
2. Yêu cầu thực hiện chương trình di dời:
- Cải thiện và khắc phục tình trạng ô nhiễm về không khí (chất độc, khói, bụi, mùi), nước thải, ồn, rung, chất thải rắn trong khu vực dân cư.
- Thực hiện kết hợp bố trí lại dân cư, hợp lý hóa nhu cầu đi lại, chuyển nhanh cơ cấu kinh tế ngoại thị và chỉnh trang lại nội thị.
- Khuyến khích đầu tư ở vị trí hợp lý, ổn định lâu dài, tạo cơ hội để các doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ, thay đổi ngành hàng sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm, bố trí hợp lý cơ cấu sản xuất, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường.
3. Mục tiêu của chương trình:
- Phấn đấu đến giữa năm 2008 thực hiện xong việc xử lý môi trường tại chỗ (đối với các cơ sở có điều kiện khắc phục tại chỗ) và cuối 2009 hoàn tất việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm không có khả năng khắc phục tại chỗ ra khỏi nội ô thị xã.
- Quy hoạch sắp xếp lại ngành nghề ô nhiễm; tổ chức lại việc cấp phép kinh doanh cho các dự án đầu tư mới thuộc các ngành nghề ô nhiễm.
- Kết hợp việc di dời các cơ sở sản xuất nhỏ, thủ công để hình thành các cơ sở lớn, hoạt động ổn định, có khả năng cạnh tranh cao.
- Phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với yêu cầu quy hoạch.
4. Đối tượng thực hiện: là các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm vượt tiêu chuẩn quy định, gây tiếng ồn, khói bụi, gây nhiễm bẩn nước, mùi hôi thối ảnh hưởng đến dân cư xung quanh cơ sở và yêu cầu phát triển theo quy hoạch, được xác định theo các tiêu chí sau đây:
a) Về vị trí:
- Không phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của thị xã và quy hoạch môi trường của thị xã.
- Loại hình sản xuất kinh doanh có phạm vi gây ô nhiễm rộng, có chất thải nguy hại, không có khả năng khắc phục ô nhiễm tại chỗ, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở những khu vực nhạy cảm như trường học, bệnh viện, khu vực dân cư đông đúc…gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
b) Về quy trình sản xuất: Không có hệ thống xử lý ô nhiễm hoặc đã xây dựng nhưng chưa hoàn chỉnh, không đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định của cơ quan quản lý môi trường công bố.
Tiến hành thực hiện 3 biện pháp cơ bản như sau:
- Áp dụng đầy đủ, đúng quy trình hệ thống xử lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm có điều kiện xử lý tại chỗ.
- Tổ chức di dời các cơ sở gây ô nhiễm không có điều kiện khắc phục tại chỗ.
- Chỉ cấp đăng ký kinh doanh mới cho các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm trong nội ô thị xã khi đủ điều kiện theo quy định, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo về môi trường.
Các bước thực hiện như sau:
1. Thành lập Ban Chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án xử lý, di dời cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội ô thị xã Bến Tre. Ban Chỉ đạo bao gồm:
- Trưởng ban: Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Phó trưởng ban:
+ Giám đốc Sở Công nghiệp (thường trực).
+ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Bến Tre.
+ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường.
+ Phó Giám đốc Sở Tài chính.
- Các ủy viên là lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể: Công an tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Xây dựng, Cục Thuế, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh Truyền hình, Báo Đồng Khởi…
2. Ban hành các văn bản:
- Các chính sách tài chính hỗ trợ cho việc xử lý tại chỗ hay di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm (vào các khu, cụm công nghiệp tập trung hay các vùng phụ cận).
- Các tiêu chí và quy chế quản lý về môi trường đối với các loại hình sản xuất kinh doanh.
- Quyết định danh mục các ngành nghề sản xuất kinh doanh cấp mới giấy phép đầu tư hay giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có điều kiện trong khu vực nội thị:
+ Ngành hóa chất: sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất Pin-ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, phèn, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm, sơn, dược liệu …;
+ Mua bán, tái chế phế thải: giấy, nhựa, kim loại …;
+ Luyện cán cao su;
+ Ngành thuộc da;
+ Ngành xi mạ điện, luyện kim, đúc;
+ Sản xuất thuốc lá;
+ Chăn nuôi heo, bò, gà, vịt;
+ Giết mổ heo, bò;
+ Ngành sản xuất bột giấy;
+ Ngành sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm sứ, thủy tinh;
+ Ngành chế biến gỗ;
+ Sản xuất nước chấm, muối, dầu ăn, cồn, rượu bia nước giải khát;
+ Ngành chế biến than;
+ Gia công cơ khí.
- Công bố các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường về nước thải, độ ồn …;
- Ban hành các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt và áp dụng việc xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
3. Công tác tuyên truyền:
- Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục vận động các cơ sở sản xuất tự giác giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách đầu tư hệ thống xử lý tại chỗ hoặc di dời; tuyên truyền phổ biến các chính sách của tỉnh về vấn đề di dời cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã.
- Tổ chức phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Tổ chức trình diễn, tuyên truyền, phổ biến áp dụng các mô hình xử lý môi trường.
- Tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm trong từng ngành sản xuất.
4. Tổ chức điều tra, thống kê, phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm theo ngành nghề và địa bàn để hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở xử lý tại chỗ (sản xuất thạch dừa, kẹo dừa…) hoặc xây dựng kế hoạch di dời cụ thể có sự hỗ trợ của địa phương đối với những cơ sở gây ô nhiễm không có khả năng xử lý tại chỗ.
5. Chương trình xử lý – di dời các cơ sở gây ô nhiễm:
- Các cơ sở có thể đầu tư hệ thống xử lý tại chỗ để khắc phục tình trạng ô nhiễm (dự kiến hoàn tất vào giữa năm 2008):
+ Sản xuất kẹo dừa: tất cả 32 cơ sở hiện tại đều phải tiến hành đầu tư mới hoặc hoàn thiện (đối với cơ sở xử lý bằng hầm tự hoại) hệ thống xử lý nước thải.
+ Sản xuất thạch dừa: 33 cơ sở phải đầu tư mới hoặc hoàn chỉnh hệ thống xử lý tại chỗ (nếu muốn duy trì sản xuất tại vị trí hiện nay).
+ Chế biến thủy sản: Công ty cổ phần thủy sản Bến Tre (phường 8) đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải.
+ Sản xuất giấy: Công ty cổ phần Đông Hải (phường 8) đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải.
+ Chế biến dừa: Công ty TNHH TM-DV XNK BTCO (phường 8) đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Trong trường hợp nếu các cơ sở sản xuất kinh doanh trên không tích cực khắc phục hoặc không có đủ điều kiện khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định trong thời gian cho phép thì buộc phải di dời.
- Các cơ sở phải tổ chức di dời (dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2009):
+ 36 cơ sở gia công cơ khí và 5 cơ sở cưa xẻ gỗ;
+ 2 cơ sở giết mổ gia súc tập trung;
+ 2 cơ sở sản xuất mạch nha;
+ 7 cơ sở kinh doanh phế liệu (trừ cơ sở kinh doanh phế liệu giấy);
+ Công ty Thuốc lá Bến Tre.
Dự kiến các cơ sở gia công cơ khí, cưa xẻ gỗ, di dời vào Cụm công nghiệp Bình Phú; Nhà máy Thuốc lá Bến Tre di dời vào Khu công nghiệp Giao Long; các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, sản xuất mạch nha, kinh doanh phế liệu chuyển ra các xã ngoại ô.
6. Thời gian triển khai đề án:
- Tháng 9/2006: chính thức triển khai đề án:
UBND tỉnh phê duyệt và ban hành các quyết định:
+ Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án.
+ Các tiêu chí bắt buộc về môi trường (nước thải, khói bụi, tiếng ồn…) trong khu vực nội thị.
+ Chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm tại chỗ và di dời.
+ Quy định điều kiện, thủ tục và trình tự để các cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký xử lý tại chỗ hoặc phải di dời (phân công trách nhiệm cụ thể cơ quan thụ lý giải quyết).
+ Các cơ quan tuyên truyền, báo đài mở đợt tuyên truyền rộng rãi chủ trương xử lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu vực nội thị. Công tác này được tiến hành đến khi thực hiện xong đề án.
- Tháng 10/2006: Ban Chỉ đạo di dời tiến hành:
+ Trình UBND tỉnh quyết định danh sách các cơ sở phải tiếp tục đầu tư xử lý tại chỗ, các cơ sở phải di dời.
+ Tiếp xúc làm việc với các cơ sở sản xuất kinh doanh phải xử lý tại chỗ và di dời để phổ biến kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn thủ tục đăng ký xử lý hoặc di dời, cam kết thực hiện.
+ Phổ biến, hướng dẫn quy trình xử lý tại chỗ (đối với các cơ sở được phép xử lý tại chỗ).
- Tháng 11/2006: các cơ sở sản xuất kinh doanh tiến hành triển khai.
7. Kinh phí thực hiện đề án: do Ngân sách tỉnh cấp phát.
a) Tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính: 1.700.000.000 đ.
Bao gồm:
- Hỗ trợ chi phí xử lý ô nhiễm tại chỗ (hỗ trợ lãi suất vay để đầu tư xây dựng hệ thống xử lý theo quy định của UBND tỉnh): 460.000.000 đ.
- Hỗ trợ chi phí di dời: 750.000.000 đ.
- Hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng trong cụm công nghiệp: 450.000.000 đ.
- Chí phí tổ chức triển khai, thực hiện đề án (hội họp, văn phòng phẩm, xăng dầu đi lại, sơ, tổng kết…): 40.000.000 đ.
b) Phân bổ các năm:
+ Năm 2006: 100.000.000 đồng.
+ Năm 2007: 300.000.000 đồng.
+ Năm 2008: 400.000.000 đồng.
+ Năm 2009: 600.000.000 đồng.
+ Năm 2010: 300.000.000 đồng (hỗ trợ tiền thuê đất).
1. Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã, Sở Công nghiệp, Sở Khoa học - Công nghệ: xây dựng quy chế quản lý môi trường, danh mục ngành nghề sản xuất kinh doanh có điều kiện cho các loại hình sản xuất, ngành nghề không được phép sản xuất kinh doanh trong nội thị trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và công bố rộng rãi cho nhân dân biết, thực hiện; tăng cường công tác hậu kiểm việc tuân thủ các quy định về môi trường của các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu mô hình xử lý chất thải phù hợp, ứng dụng mô hình sản xuất sạch hơn để giúp các cơ sở xử lý ô nhiễm môi trường.
2. Sở Công nghiệp: phối hợp với các ngành chức năng dự thảo quy trình, thủ tục hành chính để tiến hành công tác xử lý tại chỗ (đối với cơ sở có điều kiện) và di dời; các chính sách hỗ trợ trong công việc xử lý ô nhiễm và di dời trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (trong quy trình, thủ tục hành chính tiến hành xử lý tại chỗ hay di dời phân công rõ chức trách của từng cơ quan).
3. Ủy ban nhân dân thị xã: huy động, tập trung vốn đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Bình Phú nhằm đáp ứng yêu cầu về mặt bằng cho việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội thị.
4. Sở Văn hóa thông tin, các cơ quan Báo, Đài, các đoàn thể: bám sát đề án, chương trình di dời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của cơ sở, sự giám sát của cộng đồng dân cư để phấn đấu đạt được mục tiêu chương trình này.
5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, Ủy ban nhân dân thị xã: triển khai, hướng dẫn và xử lý các chính sách tài chính hỗ trợ cho các cơ sở thực hiện việc xử lý tại chỗ và di dời.
6. Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp BQL các khu công nghiệp, Sở Xây dựng, Sở Công nghiệp, Ủy ban nhân dân thị xã:
- Phổ biến quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
- Rà soát tình hình triển khai quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đề xuất quy hoạch, sắp xếp các cơ sở di dời theo hướng phát triển bền vững.
- Hướng dẫn quy trình, thủ tục di dời, giúp đỡ cơ sở trong việc lập thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng các cơ sở mới, hoàn công công trình, giải quyết nhanh các vướng mắc về thủ tục pháp lý về đất đai khi thực hiện việc bán nhà xưởng cũ, xây dựng nhà xưởng mới và thụ hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định.
- Quy hoạch sử dụng mặt bằng sau khi di dời, chú ý quan tâm đến quy hoạch văn hóa, giáo dục, giữ đất cho việc xây dựng các công trình công cộng.
7. Các Sở chuyên ngành khác tùy theo chức năng nhiệm vụ của ngành mình nghiên cứu hỗ trợ, tác động để thực hiện tốt đề án và chương trình di dời cơ sở ô nhiễm.
8. Các cơ sở sản xuất kinh doanh: phải xác định đây là trách nhiệm đối với cộng đồng, đồng thời cũng là quyền lợi lâu dài của mình do đó phải tích cực hưởng ứng chủ trương di dời, xây dựng kế hoạch di dời trên cơ sở khai thác tiềm năng phát triển và tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước.
Định kỳ 3 tháng, Ban Chỉ đạo sơ kết báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án về Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi và chỉ đạo./.
- 1Quyết định 386/QĐ-UBND năm 2009 ban hành Đề án bổ sung xử lý, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội ô thị xã Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- 2Quyết định 2116/2006/QĐ-UBND bổ sung Quyết định 1908/2006/QĐ-UBND ban hành Đề án xử lý, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội ô thị xã Bến Tre
- 3Quyết định 904/QĐ-UBND năm 2014 bãi bỏ một phần, toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
Quyết định 1908/2006/QĐ-UBND ban hành Đề án xứ lý, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm ra khỏi nội ô thị xã Bến Tre do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành
- Số hiệu: 1908/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/08/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
- Người ký: Nguyễn Quốc Bảo
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/09/2006
- Ngày hết hiệu lực: 19/05/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra