BAN BÍ THƯ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 19-QĐ/TW | Ngày 5 tháng 10 năm 1987 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC DÔI RA QUA SẮP XẾP LẠI BỘ MÁY VÀ LAO ĐỘNG Ở CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP
Thực hiện nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ( khoá VI) và nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng về đổi mới công tác tổ chức, chấn chỉnh tổ chức, tinh giản biên chế trong bộ máy của đảng, bộ máy quản lý nhà nước, bộ máy các đoàn thể và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức, sau khi trao đổi và thống nhất ý kiến với thường vụ Hội đồng Bộ trưởng, Ban Bí thư quyết định:
1- Thủ trưởng các bộ, các uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải căn cứ vào nhiệm vụ và yêu cầu công tác của ngành và địa phương, căn cứ vào nội dung đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương ( khoá VI), xác định và phân rõ chức năng quản lý hành chính Nhà nước, chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị cho gọn, nhẹ, hợp lý, đúng với chức năng nhiệm vụ.
- Các ban đảng, các đảng đoàn, các đoàn thể phải sắp xếp lại tổ chức và thực hiện việc tinh giản biên chế của ban và đoàn thể ở Trung ương.
- Ở địa phương, các ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ có trách nhiệm lãnh đạo chung việc sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế của các cơ quan đảng, chính quyền và đoàn thể thuộc tỉnh, thành uỷ, huyện, quận, và cấp tương đương, định rõ nhiệm vụ và chức năng.
2- Đi đôi sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phải định lại chức danh và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, công nhân, viên chức, trước hết là những cán bộ có chức vụ; dựa vào tổ chức đã được xác định, vào chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ đó mà định lại biên chế của cơ quan, đơn vị bố trí lại cán bộ, công nhân, viên chức cho phù hợp, theo yêu cầu: bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc, phát huy năng lực hiệu suất của từng người; kiên quyết không để kéo dài tình trạng : có người mà không có việc, công việc trùng lắp nhau, hoặc có việc lại không có người hoặc bộ phận nào phụ trách.
Nghiêm chỉnh thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng số 140-HĐBT ngày 15-9-1987 ( về việc đình chỉ đưa vào biên chế nhà nước, kể từ ngày ban hành quyết định ấy).
Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ trì cùng Ban Tổ chức Trung ương của Chính phủ, Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp và các cơ quan có liên quan nghiên cứu để trong quý IV-1987 trình Ban Bí thư và thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quyết định sửa đổi quy chế tuyển dụng vào biên chế nhà nước các học sinh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trước mắt vẫn thi hành theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ số 184-TTG ban ngày 6-6-1980 như quy định tại điều 4 về phân phối học sinh tốt nghiệp ra trường.
Sau khi sắp xếp lại lao động theo biên chế mới, đối với số sông nhân, viên chức không bố trí ở lại trong biên chế của cơ quan, đơn vị, thì thủ trưởng các ngành, các cấp phải nghiên cứu, sắp xếp điều chuyển cho các đơn vị còn thiếu lao động trong ngành, trong địa phương; Nếu đủ tiêu chuẩn thì cho đi hợp tác lao động với nước ngoài. Nếu có triển vọng và tuổi còn trẻ thì đưa đi đào tạo. Ở những đơn vị có nhu cầu và có điều kiện, thành lập các tổ chức sản xuất, dịch vụ, hoạt động theo phương thức hạch toán để thu hút số lao động dôi ra.
Ngoài ra còn phải chú ý vấn đề lớn là : 1- tổ chức phát triển tiểu thủ công nghiệp, kinh tế gia đình; 2- đối với những người còn sức, nhất là còn trẻ, dần dần đưa đi Tây Nguyên và các vùng còn đất đai để phát triển kinh tế các vùng này và tạo cơ sở làm ăn, thu nhập tốt và vững vàng cho những người dôi ra ở các cơ quan.
Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức nếu đã đủ điều kiện hưu trí thì để hưu trí; nếu vì sức yếu, năng lực hạn chế, mà tuổi đời để tính hưu non thiếu không quá 5 năm thì cũng xét cho nghỉ hưu theo chế độ hiện hành và miễn giám định y khoa.
3- Thực hiện chính sách khuyến khích những cán bộ, công nhân, viên chức chuyển từ cơ quan hành chính sang đơn vị quốc doanh trực tiếp sản xuất: nếu trong thời gian đầu, do thay đổi nghề nghiệp mà thu nhập ở nơi mới đến thấp hơn thu nhập theo lương đang được hưởng, thì Nhà nước trợ cấp bù chênh lệch (trong 6 tháng hoặc 1 năm) cho đến khi có thu nhập bằng hoặc hơn mức cũ (do ngân sách Nhà nước cấp để đơn vị thanh toán cho đương sự). Nếu do thay đổi nghề nghiệp phải đào tạo lại, thì Nhà nước đài thọ chi phí trong thời gian đi học nghề mới.
4- Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức dôi ra không giải quyết được bằng các biện pháp đã nêu ở điều 1 và điều 2 nói trên thì áp dụng các chế độ sau đây:
a- Khuyến khích và giúp đỡ những cán bộ, công nhân, viên chức chuyển sang các tổ chức kinh tế tập thể (bao gồm các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, vận tải,...).
- Cơ quan cũ có trách nhiệm liên hệ với đơn vị kinh tế tập thể để tiếp nhận và sắp xếp công việc.
- Được nhận một khoản trợ cấp bằng 6 tháng hoặc 1 năm lương trước khi chuyển sang đơn vị kinh tế tập thể, nếu thu nhập thấp hơn mức lương cũ.
b- Những cán bộ, công nhân, viên chức tự nguyện xin thôi việc để về sản xuất ở gia đình hoặc tự kiếm việc làm thì được hưởng các chế độ sau đây:
- Khi thôi việc, được trợ cấp một lần theo nguyên tắc : cứ mỗi năm công tác trong cơ quan Nhà nước bằng một tháng lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp (nếu có).
- Được tiếp tục mua theo tiêu chuẩn lương thực bằng 13kg/tháng trong 6 tháng kể từ ngày thôi việc, kể cả nhân khẩu ăn theo của gia đình (Do cơ quan cũ thanh toán).
- Nếu muốn làm các nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, vận tải... thì được chính quyền địa phương ưu tiên giúp đỡ giải quyết theo chủ trương, chính sách chung của Nhà nước.
- Nếu về ở nông thôn (kể cả các huyện ngoại thành, các xã ngoại thị) mà chưa có nhà ở và vườn thì được uỷ ban nhân dân địa phương nơi cư trú cấp đất và ngân hàng cho vay vốn làm nhà và làm vườn, theo Luật đất đai và các chính sách hiện hành.
c- Đối với những cán bộ, công nhân, viên chức dôi ra ngoài biên chế, cơ quan, xí nghiệp đã cố gắng sắp xếp công việc (bằng các biện pháp nói trên) nhưng chưa giải quyết được, mà không tự nguyện thôi việc thì cơ quan cho tạm nghỉ việc một thời gian để tự tìm việc làm. Thời gian ngừng việc tối đa là 12 tháng, được hưởng 75% lương kèm phụ cấp và trợ cấp khác. Trong thời gian đó, cơ quan, xí nghiệp giúp đỡ những điều kiện cần thiết để liên hệ tìm việc.
Sau 12 tháng vẫn không có việc làm thì giải quyết cho nghỉ việc và hưởng theo chế độ thôi việc. Riêng về lương thực, được mua tiếp tiêu chuẩn lương thực cho đến khi có việc làm, nhưng tối đa không quá 12 tháng. Trong thời gian nghỉ việc nếu có khó khăn về đời sống thì được cơ quan, chính quyền địa phương xét trợ cấp theo chế độ hiện hành.
d- Sau khi định rõ chức danh, tiêu chuẩn, sắp xếp lại tổ chức và biên chế trong cơ quan, việc quản lý lao động và tiền lương theo biên chế mới làm việc gì thì hưởng theo chế độ mới.
5- Các cấp uỷ đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo chặt chẽ việc cải tiến bộ máy, định lại biên chế, sắp xếp cán bộ, công nhân, viên chức. Phải làm tốt công tác tư tưởng đi đôi với thực hiện đúng đắn các chế độ, chính sách, phối hợp rất chặt chẽ sự chỉ đạo của tổ chức đảng, cơ quan chính quyền và các đoàn thể trong công tác này, nhất là ở cơ sở. Phải thực sự dân chủ, lắng nghe ý kiến quần chúng; nắm vững khả năng cống hiến và hưởng thụ theo lao động xã hội chủ nghĩa, không được vì nể nang hoặc tình cảm riêng tư mà giữ lại trong bộ máy những người không đủ năng lực và phẩm chất, không cần thiết cho công tác của cơ quan, đơn vị; không được lợi dụng việc sắp xếp lại tổ chức và biên chế mà kéo bè cánh, chèn ép, giữ bà con thân thuộc đưa ra khỏi cơ quan những người có năng lực, những người trung thực, thẳng thắn phê bình khuyết điểm, đấu tranh chống tiêu cực. Khi giải quyết phải thận trọng, chu đáo, bảo đảm chính sách đối với từng đối tượng theo quy định trên đây.
Đối với bộ phận hành chính ở các đơn vị sản xuất kinh doanh, Hội đồng Bộ trưởng căn bản cũng dựa theo quyết định này, có quyết định cụ thể cho các ngành, các cấp thi hành theo tinh thần nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
| T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Luật Đất đai 1987
- 2Công văn 7058/VPCP-KTTH năm 2014 về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67/2010/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội
- 1Luật Đất đai 1987
- 2Công văn 7058/VPCP-KTTH năm 2014 về việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định 67/2010/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 26/2015/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội
Quyết định 19-QĐ/TW năm 1987 về chính sách đối với cán bộ, công nhân, viên chức dôi ra qua sắp xếp lại bộ máy và lao động ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp do Ban Bí thư ban hành
- Số hiệu: 19-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/10/1987
- Nơi ban hành: Ban Bí thư
- Người ký: Đỗ Mười
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/10/1987
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết