Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/QĐ-BNN-KH

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 1244-NQ/BCSĐ ngày 04/01/2021 của Ban cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT (bao gồm kế hoạch kịch bản tăng trưởng năm 2021 của ngành Nông nghiệp) thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Đảng ủy Bộ NN&PTNT;
- Đảng ủy Khối CS Bộ tại TP. HCM;
- VP BCS Đảng Bộ;
- Công đoàn Ngành NN&PTNT;
- Đoàn TNCS HCM Bộ NN& PTNT;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Cường

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2021 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/QĐ-BNN-KH ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Ngày 01 tháng 01 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ- CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Để kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết với các nội dung chủ yếu sau:

I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH

Năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt dị thường; dịch bệnh nguy hiểm cấp độ khu vực và toàn cầu nguy cơ bùng nổ, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh nông nghiệp (dịch tả lợn châu Phi, sâu keo mùa thu, châu chấu sa mạc, bệnh khảm lá sắn); nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, chỉ đạo điều hành sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân, khu vực nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, có sự chuyển biến rõ nét hơn trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; góp phần vào tăng trưởng chung cả nước, bảo đảm an sinh xã hội; trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, như: xây dựng nông thôn mới cả nước có 5.506 xã, chiếm 62% số xã và 173 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 41,25 tỷ USD; chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; năm đầu tiên triển khai thực hiện Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của cả nước và ngành. Ngành Nông nghiệp và PTNT có nhiều cơ hội, nhưng đang đứng trước những thách thức mới: Chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm còn thấp, nên năng lực cạnh tranh của ngành còn hạn chế; thị trường tiêu thụ chịu tác động chiến tranh thương mại giữa các nước lớn; đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, nhất là đối với tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại; dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, dịch tả lợn Châu Phi cần thời gian dài để xử lý và ảnh hưởng đến sản xuất- kinh doanh, xuất nhập khẩu, cũng như tiêu thụ trong nước; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, cực đoan hơn, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp... Những yếu tố trên sẽ tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP và hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch đề ra.

II. MỤC TIÊU

Mục tiêu của ngành năm 2021 là thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển đất nước, phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung thực hiện cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm chủ lực gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có”. Các chỉ tiêu chính về tăng trưởng, phát triển ngành như tại Phụ lục I kèm theo.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHÍNH

1. Hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển ngành

Kịp thời xây dựng, ban hành các chương trình hành động, kế hoạch công tác để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Xây dựng và hoàn thiện các Nghị định, Quyết định, Thông tư theo đúng Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2021. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, khả thi.

Hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường trong nông nghiệp. Tiếp tục phối hợp đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp, phát triển mạnh thị trường quyền sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tham gia xây dựng các Luật có liên quan và đẩy mạnh thể chế hóa trong lĩnh vực nông nghiệp để thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước; khơi thông nguồn lực cho phát triển thông qua đổi mới mạnh mẽ cơ chế huy động đa dạng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư vào ngành.

2. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường trên cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021 - 2025. Thúc đẩy phát triển sản xuất quy mô lớn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ . Định hướng nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cụ thể sau:

a) Điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất nông lâm thủy sản

 (1) Trồng trọt: Tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt trên 1,49%, giá trị gia tăng 1,34%; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha đất trồng trọt đạt 105 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt khoảng 47,7 triệu tấn. Tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản có hiệu quả, thu nhập cao hơn. Tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao, phù hợp với vùng sinh thái, kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.

Cây lương thực thực phẩm: Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản xuất lúa gạo thông qua tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng và giá trị thương mại cao bằng các biện pháp thâm canh đồng bộ. Diện tích gieo trồng lúa khoảng 7,3 triệu ha, sản lượng trên 43 triệu tấn. Diện tích rau, đậu các loại 1,16 triệu ha; trong đó, diện tích rau các loại 1,02 triệu ha; diện tích đậu các loại 144 nghìn ha. Sản lượng rau các loại 18,9 triệu tấn, tăng 516 nghìn tấn; sản lượng đậu các loại 181,4 nghìn tấn, tăng 17,9 nghìn tấn.

Cây công nghiệp hàng năm: Đậu tương: Diện tích trên 40 nghìn ha, sản lượng 63,2 nghìn tấn. Cây lạc: Khoảng 165 nghìn ha, sản lượng 418 nghìn tấn. Cây mía: Diện tích khoảng 180 nghìn ha, sản lượng 111,9 triệu tấn. Ngô: Diện tích 920 nghìn ha, sản lượng 4,5 triệu tấn. Sắn: Ổn định diện tích 520 nghìn ha, sản lượng 10,5 triệu tấn.

Cây công nghiệp lâu năm: Cà phê: Ổn định diện tích khoảng 675 nghìn ha, sản lượng 1,75 triệu tấn. Cao su: Diện tích khoảng 930 nghìn ha, sản lượng 1,26 triệu tấn. Chè: Ổn định diện tích 120 nghìn ha, sản lượng 1,05 triệu tấn. Điều: Diện tích 297 nghìn ha, sản lượng 360 nghìn tấn trồng trên đất nông nghiệp và 50 nghìn ha, sản lượng 70 nghìn tấn trồng trên đất lâm nghiệp. Hồ tiêu: Giảm diện tích còn 125 nghìn ha, sản lượng 278 nghìn tấn.

Cây ăn quả: Nâng diện tích cây ăn quả lên 1,15 triệu ha; trong đó cây chủ lực 865 nghìn ha; nâng cao năng suất, chất lượng để tăng sản lượng và giá trị; mỗi địa phương, vùng phát triển cây ăn quả lợi thế thành vùng hàng hóa quy mô lớn và sản xuất theo hướng GAP, bảo đảm an toàn thực phẩm và thực hiện rải vụ thu hoạch trái cây.

 (2) Chăn nuôi: Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trên 5,96%, giá trị gia tăng 5,1%; sản lượng thịt hơi các loại 5,72 triệu tấn; thức ăn chăn nuôi khoảng 21,5 triệu tấn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên cơ sở thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm (trọng tâm là tăng gà lông màu, vịt đẻ trứng) và gia súc lớn; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tái đàn lợn; phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hướng hữu cơ và chuyên môn hóa; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường; xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi. Phát triển giống chất lượng cao, phù hợp với vùng sinh thái, ưu tiên nhập khẩu giống tốt. Phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng dịch. Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.

 (3) Thủy sản: Tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 3,01%, giá trị gia tăng 2,9%; phát triển đồng bộ cả khai thác và nuôi trồng, sản lượng 8,6 triệu tấn, trong đó nuôi trồng 4,75 triệu tấn, khai thác khoảng 3,85 triệu tấn. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha mặt nước nuôi trồng khoảng 255 triệu đồng.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm; đề án sản phẩm quốc gia tôm nước lợ và cá da trơn; đề án giống cá tra 3 cấp; đề án phát triển nuôi biển, gắn với phát triển mạnh kinh tế biển, bảo đảm cuộc sống người dân gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi trồng thủy sản với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp từng vùng kinh tế, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, đẩy mạnh nuôi biển. Kiểm soát chặt chẽ và khống chế tốt dịch bệnh trên tôm; kịp thời cảnh báo để hạn chế rủi ro.

Giảm dần sản lượng khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống dịch vụ hậu cần thủy sản. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các khuyến nghị mà EC đưa ra để rút “thẻ vàng” của EC và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững, hiệu quả; hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.

(4) Lâm nghiệp: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp trên 3,21%, giá trị gia tăng 2,92%. Tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng, triển khai thực hiện Đề án trồng mới 01 tỷ cây xanh ngay từ “Tết trồng cây” xuân Tân Sửu năm 2021, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, thực hiện tốt bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có, duy trì độ che phủ rừng. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định VPA/PLEGT đã được phê duyệt, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.

(5) Diêm nghiệp: Triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người dân làm muối. Nhân rộng các mô hình sản xuất nâng cao năng suất và giảm thiểu sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường.

(6) Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản: Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản khoảng 9%. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng chế biến sâu các mặt hàng có giá trị kinh tế cao; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của từng thị trường trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh Việt Nam; nhân rộng các mô hình cơ giới hóa đồng bộ. Phát triển nhanh công nghiệp phụ trợ, tận dụng triệt để các phế phụ phẩm trong nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.

b) Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ

Triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức triển khai thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên sản xuất giống chất lượng cao.

Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số; triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, công nghệ sinh học... Tăng cường huy động và khai thác nguồn lực đầu tư từ xã hội cho nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, biến khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành; khuyến khích đầu tư các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành; hài hoà hoá tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu.

c) Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch hành động về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, như Nghị quyết số 43/2017/QH14, Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, nhất là cho các đô thị lớn; tổ chức sản xuất theo hướng tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Thực hiện tốt các chương trình phối hợp, vận động sản xuất kinh doanh nông sản an toàn, giám sát đảm bảo ATTP, trọng điểm là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm. Xử lý rào cản kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm duy trì và mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam sang các nước.

d) Tổ chức lại sản xuất, đổi mới và nhân rộng các mô hình có hiệu quả

Sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nông nghiệp; hoàn thành sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 82-KL/TW ngày 29/7/2020.

Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị. Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Trung ương. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thông qua các hoạt động tuyên truyền quảng bá mô hình hiệu quả, kết nối thị trường; áp dụng các quy trình sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục khuyến khích hình thành các tổ hợp tác, trang trại liên kết với doanh nghiệp sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, coi đây là tiền đề phát triển sản xuất quy mô lớn và thay thế vai trò sản xuất nông hộ nhỏ lẻ.

đ) Phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ, tăng cường xuất khẩu NLTS

Nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh và tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp, gia tăng xuất khẩu nông sản có lợi thế, thị trường. Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường trong bối cảnh tác động của dịch bệnh xuyên biên giới để tổ chức sản xuất, tiêu thụ hiệu quả...

Đẩy mạnh phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực. Tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật; đảm bảo an toàn thực phẩm; chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Tận dụng các FTAs để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực. Đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao; duy trì và phát triển bền vững thị trường lớn đã có, mở rộng thị trường sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam...

Đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh việc đưa hàng hóa từ nông thôn lên thành thị, khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân; xây dựng hình ảnh sản phẩm thông qua nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.

Triển khai các chương trình, đề án nhằm mục tiêu đa dạng hóa, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp xây dựng phát triển thương hiệu, gắn với chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm, cấp mã số vùng trồng; phát triển kinh doanh thương mại điện tử, các kênh phân phối, đẩy mạnh kết nối giữa nhà phân phối và nông dân tại các vùng sản xuất nông sản; tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn với địa phương, vùng miền.

3. Phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, gắn kết với phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn

Xây dựng nông thôn mới: Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp”; rà soát, hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia, khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, bố trí nguồn lực phù hợp cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn.

Bố trí, sắp xếp dân cư: Hướng dẫn thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020; triển khai kế hoạch bố trí, sắp xếp dân cư giai đoạn 2021 - 2025, ưu tiên vùng có nguy cơ cao về thiên tai, ổn định dân di cư tự do, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khó khăn. Thực hiện các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất sau tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Xây dựng và triển khai các Đề án liên quan đến bố trí dân cư phục vụ công tác xây dựng chính sách, quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bố trí dân cư.

Phát triển ngành nghề nông thôn: Thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực theo 3 trục sản phẩm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Phối hợp hỗ trợ các làng nghề, hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống theo hướng hiện đại có sức cạnh tranh cao.

Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung giải quyết môi trường các cơ sở chế biến, làng nghề, ưu tiên xử lý ô nhiễm ở các làng nghề gần khu dân cư tập trung.

Thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nông dân: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện mục têu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình không còn nạn đói ở Việt Nam. Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật mới, nâng cao năng suất và thu nhập; tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến, tiêu thụ; tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương thực hiện có kết quả, hiệu quả các tiêu chí về văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, y tế, giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm, môi trường, thông tin, truyền thông...

4. Tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh kết nối nông - công nghiệp, đô thị

Quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thực hiện cơ cấu lại đầu tư công thực chất hơn, để tập trung vốn đầu tư công cho các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phục vụ cơ cấu lại ngành và phòng chống thiên tai. Tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của pháp luật đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ. Đẩy nhanh, triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ lụt, hạn hán. Thu hút, khuyến khích đầu tư hạ tầng nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập.

Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Chương trình hành động của Bộ về phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Tập trung thực hiện các Luật: Thủy lợi, Đê điều, Phòng chống thiên tai và các Chiến lược: Phát triển thủy lợi, Phòng chống thiên tai. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi; chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình thủy lợi theo định hướng thị trường. Tăng cường công tác quản lý, khai thác và bảo đảm an toàn hồ chứa, công trình thủy lợi đáp ứng sản xuất và nhu cầu cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ.

Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng thủy sản; ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại ngành, các dự án cấp bách. Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, các dự án, công trình cung cấp dịch vụ công; tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước đối với lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư.

Đẩy nhanh tiến độ lập 4 Quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực nông nghiệp và tham gia xây dựng các Quy hoạch có liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Luật Quy hoạch, đảm bảo kịp thời đáp ứng công tác quản lý nhà nước của ngành.

5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường

Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành. Tiếp tục triển khai thực hiện

Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành theo các Đề án, Kế hoạch đã phê duyệt. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động giảng dạy, nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường công tác quản trị nhà trường, sự gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu với doanh nghiệp và các địa phương, đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động; thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Ưu tiên nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho các Viện, Trường thuộc Bộ.

Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm.

6. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Xây dựng và triển khai Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch ngành cấp quốc gia. Thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng chống thiên tai. Nâng cao năng lực truyền thông và nhận thức của cộng đồng, tổ chức về hiệu quả quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng kết hợp xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ điều hành ứng phó thiên tai.

Sử dụng tiết kiệm, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Hình thành hệ thống các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi, nhất là các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và khoa học cao, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Tăng cường công tác điều tra, đánh giá rừng và tài nguyên rừng. Tăng diện tích trồng rừng mới, khôi phục rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển; thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái.

Phối hợp quản lý tốt nguồn nước các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi bảo đảm quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các hồ chứa, tiết kiệm nước, chủ động xây dựng phương án phòng chống thiên tai. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, khai thác, sử dụng bền vững nguồn nước, bảo đảm cân bằng sinh thái, giữ gìn đa dạng sinh học các vùng nước nội địa.

Tiếp tục thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái rừng.

7. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

a) Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý ngành

Về cải cách hành chính, hiện đại hóa công sở: Xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương; thực hiện Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019. Thực hiện cắt giảm hơn nữa các TTHC, điều kiện kinh doanh để hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng CNTT; tập trung triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường công tác thông tin, thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác phục vụ chỉ đạo, điều hành.

Về củng cố và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý ngành: Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức trên cơ sở vị trí việc làm, số lượng người làm việc, tiêu chuẩn ngạch bậc công chức, chức danh nghề nghiệp và chức danh lãnh đạo, quản lý. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ. Đổi mới phương thức, lề lối làm việc; giảm hội họp, đơn giản hóa chế độ báo cáo.

Đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác lãnh đạo, quản lý; tăng cường trách nhiệm trong phối hợp công tác. Đổi mới công tác đào tạo, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

b) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp

Triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các Chương trình, Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tiếp tục rà soát, bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính và các điều kiện đầu tư kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng ngành, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách liên quan để tăng cường thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước. Thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong nông nghiệp. Thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, năng lực cạnh tranh cao tham gia mạng sản xuất, kinh doanh và chuỗi giá trị toàn cầu; đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm và quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Triển khai Kế hoạch năm 2021 của Bộ thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào công tác thanh tra công vụ; thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm. Chủ động triển khai thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về các lĩnh vực được giao; trọng tâm là vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tham nhũng, lãng phí…

Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014, Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

9. Kết hợp phát triển nông nghiệp, nông thôn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hành mới. Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển ngành.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các FTAs; tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại các thị trường đã có FTA. Tăng cường đàm phán mở cửa thị trường, cập nhật các thông tin về chính sách thương mại của các đối tác, các quốc gia khác để hướng dẫn các doanh nghiệp có phản ứng phù hợp, kịp thời. Chủ động triển khai những giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát hàng rào kỹ thuật, bảo đảm nhu cầu và bảo hộ hợp lý sản xuất theo quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế.

10. Thực hiện tốt và đổi mới công tác dự báo thống kê; thông tin tuyên truyền, thi đua, khen thưởng

Thực hiện kế hoạch công tác thống kê năm 2021; nâng cao năng lực công tác thống kê, dự báo đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất, kinh doanh của ngành. Thực hiện tốt công tác phối hợp về thống kê và chia sẻ thông tin với Tổng cục Thống kê. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý (gồm quản lý hành chính, sản xuất, chiến lược - kế hoạch, tài chính, nhân sự và tài nguyên). Phát triển hệ thống thông tin thị trường để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoạch định chính sách.

Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, tăng cường kỷ luật báo chí; công khai, minh bạch và cung cấp thông tin về các vấn đề của ngành được xã hội quan tâm để tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021. Kịp thời đánh giá, tổng kết và phản ánh hoạt động của ngành; phát hiện, phê phán và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu và tuyên dương những gương người tốt, những việc làm hay để nhân rộng trong toàn ngành.

Thực hiện tốt phong trào thi đua do trung ương phát động và cụ thể hóa thành các các phong trào, nhiệm vụ thi đua trong toàn ngành, như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đoàn kết, sáng tạo”, “Cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nông nghiệp và PTNT thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả phối hợp công tác với các Bộ, ngành liên quan, các đoàn thể, các địa phương trong kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả, kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và các nội dung có liên quan tại Nghị quyết của Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ. Phối hợp rà soát kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch phối hợp công tác đã ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các cơ quan liên quan, các địa phương để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới; đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm để mở rộng ký kết chương trình hợp tác với các cơ quan khác.

Tăng cường năng lực công tác thống kê, dự báo và truyền thông đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất, kinh doanh của ngành. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý ngành; khai thác cơ hội của cách mạng 4.0. Phát triển hệ thống thông tin thị trường có hiệu quả để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh và hoạch định chính sách.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ; Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, căn cứ vào Kế hoạch hành động này để xây dựng kế hoạch cụ thể trước ngày 15/01/2021 và triển khai thực hiện.

2. Định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng và cuối năm các đơn vị báo cáo Bộ (Vụ Kế hoạch) kết quả thực hiện trong đó nêu rõ: Việc hoàn thành, chưa hoàn thành và nguyên nhân. Báo cáo gửi qua hộp thư: longtg.kh@mard.gov.vn (đồng thời cập nhật trên CSDL https://giamsatdanhgia.mard.gov.vn) trước ngày 20 hàng tháng để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

3. Giao Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện của các đơn vị tại cuộc họp giao ban thường kỳ của Bộ.

(Chi tiết có phụ lục kèm theo)./.

 

PHỤ LỤC I

CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT NĂM 2021
(Kèm theo Quyết định số: 19/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2021, của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Kết quả Năm

2020

Kế hoạch năm 2021 Quốc hội, Chính phủ giao

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Bộ

Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá

1

Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản

%

2,68

2,78

3,0

Vụ Kế hoạch

2

Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản

%

2,69

-

3,1

Vụ Kế hoạch; các Tổng cục, Cục; Trung tâm TH và TK

3

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Tỷ USD

41,25

42

>42

Cục Chế biến và Phát triển thị trường NS

4

Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới

%

62

68

70

Văn phòng Điều phối NTM Trung ương

5

Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Đơn vị

173

193

200

Văn phòng Điều phối NTM Trung ương

6

Số lượng sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP

Sản phẩm

3.200

-

4.000

Văn phòng Điều phối NTM Trung ương

7

Số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

%

71,2

75

>75

Văn phòng Điều phối NTM Trung ương

8

Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

%

89,5

91

91,5

Tổng cục Thủy lợi

9

Tỷ lệ che phủ rừng

%

42

Ổn định 42

42

Tổng cục Lâm nghiệp

10

Tổng số HTX NN hoạt động hiệu quả/Tổng số HTX NN cả nước

HTX

14.750/17.300

-

16.500/19.500

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

 

PHỤ LỤC SỐ IIA

TỐC ĐỘ TĂNG GDP VÀ GIÁ TRỊ SẢN XUẤT NLTS NĂM 2021 THEO QUÝ VÀ CẢ NĂM
(Kèm theo Quyết định số: 19/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2021, của Bộ Nông nghiệp và PTNT)
(Giá so sánh năm 2010)

Đơn vị: %

Chỉ tiêu

Năm 2020

Kế hoạch năm 2021

Quý I

Quý II

6 tháng

Quý III

9 tháng

Quý IV

Cả năm

I. GDP toàn ngành

102.68

102.95

103.52

103.34

102.34

102.98

102.35

102.78

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Nông nghiệp

102.55

102.82

103.39

103.21

102.21

102.85

102.22

102.65

2. Lâm nghiệp

102.82

103.09

103.66

103.48

102.48

103.12

102.49

102.92

3. Thủy sản

103.08

103.35

103.92

103.74

102.74

103.38

102.75

102.97

II. Giá trị sản xuất

 

 

 

 

 

 

 

 

Toàn ngành NLTS

102.69

103.08

103.64

103.40

103.62

103.13

102.58

102.98

Trong đó:

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Nông nghiệp

102.54

103.28

104.17

103.76

102.52

103.37

102.22

102.87

2. Lâm nghiệp

102.84

103.00

103.00

103.00

103.00

103.00

103.73

103.21

3. Thủy sản

103.05

102.42

102.34

102.37

102.77

102.53

103.51

103.01

 

PHỤ LỤC IIB

KẾ HOẠCH SẢN LƯỢNG CÁC SẢN PHẨM NLTS CHỦ YẾU NĂM 2021
(Kèm theo Quyết định số: 19/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2021, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

STT

Tên chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2020

Kế hoạch năm 2021

So sánh 2021/2020

1

Trồng trọt

 

 

 

 

a)

Cây hàng năm

 

 

 

 

 

- Lúa cả năm

Nghìn tấn

42,688.8

43,038.6

100.8%

 

- Ngô

Nghìn tấn

4.591,8

4.489,6

97.8%

 

- Sắn

Nghìn tấn

10,400.0

10.496,0

100.9%

 

- Mía

Nghìn tấn

11,877.5

11.880,0

100.0%

 

- Rau

Nghìn tấn

18,339.5

18,855.0

102.8%

b)

Sản lượng một số cây CN lâu năm

 

 

 

 

 

- Cà phê nhân

Nghìn tấn

1,742.8

1.749,0

100.4%

 

- Chè

Nghìn tấn

1,043.4

1.047,6

100.4%

 

- Cao su

Nghìn tấn

1,221.6

1,258.0

103.0%

 

- Hồ tiêu

Nghìn tấn

268.5

278.0

103.5%

 

- Điều

Nghìn tấn

339.7

360,0

106.0%

 

- Dừa

Nghìn tấn

1,722.8

1 728.0

100.3%

c)

Cây ăn quả

 

 

 

 

 

- Xoài

Nghìn tấn

893.2

910,0

101.9%

 

- Chuối

Nghìn tấn

2,247.5

2,295.0

102.1%

 

- Dứa

Nghìn tấn

723.7

740.0

102.3%

 

- Thanh Long

Nghìn tấn

1,363.8

1,447.0

106.1%

 

- Cam

Nghìn tấn

1,070.6

1,105.0

103.2%

 

- Bưởi

Nghìn tấn

903.2

910.0

100.8%

 

- Nhãn

Nghìn tấn

589.2

531.0

90.1%

 

- Vải

Nghìn tấn

311.2

300.0

96.4%

2

Chăn nuôi

 

 

 

 

 

Thịt hơi các loại

 

 

 

 

 

Trong đó: Thịt lợn

Nghìn tấn

3,474.9

3,668.7

105.6%

 

Thịt gia cầm

Nghìn tấn

1,453.7

1,542.0

106.1%

3

Lâm nghiệp

 

 

 

 

 

- Diện tích rừng trồng mới tập trung

Nghìn ha

260.5

260

99.8%

 

- Tổng số gỗ khai thác

Nghìn m3

16,910.0

17,720

104.8%

4

Thủy sản

 

 

 

 

 

- Sản lượng thủy sản

Nghìn tấn

8,423.1

8 600.0

102.1%

 

Trong đó:

 

 

 

 

 

- Sản lượng nuôi trồng

Nghìn tấn

4,559.2

4 750.0

104.2%

 

Cá tra

Nghìn tấn

1,515.1

1 550.0

102.3%

 

Tôm sú

Nghìn tấn

267.7

280.0

104.6%

 

Tôm thẻ chân trắng

Nghìn tấn

623.8

663.0

106.3%

 

- Sản lượng khai thác

Nghìn tấn

3,863.9

3850

99.6%

 

Khai thác biển

Nghìn tấn

3,661.9

3657

99.9%

 

PHỤ LỤC IIC

KẾ HOẠCH XUẤT KHẨU MỘT SỐ SẢN PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN CHÍNH NĂM 2021
((Kèm theo Quyết định số: 19/QĐ-BNN-KH ngày 04/01/2021, của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

STT

Mặt hàng

Năm 2020 (triệu USD)

Kế hoạch năm 2021 (triệu USD)

So sánh

2021/2020(%)

Quý I

Quý II

Quý III

Quý IV

Cả năm

 

Tổng kim ngạch XK

41,250

9,140

10,721

11,106

11,033

42,000

101.8%

1

Thuỷ sản

8,384

1,850

2,170

2,248

2,233

8,500

101.4%

2

Lâm sản chính

13,173

2,872

3,369

3,491

3,468

13,200

100.2%

3

Chăn nuôi

327

111

130

135

134

510

155.9%

4

Hàng rau quả

3,259

783

919

952

946

3,600

110.5%

5

Gạo

3,069

653

766

793

788

3,000

97.8%

6

Hạt điều

3,188

783

919

952

946

3,600

112.9%

7

Cà phê

2,658

762

893

926

919

3,500

131.7%

8

Cao su

2,382

544

638

661

657

2,500

105.0%

9

Chè

220

65

77

79

79

300

136.4%

10

Hạt tiêu

666

250

294

304

302

1,150

172.8%

11

Sắn và sản phẩm từ sắn

989

272

319

331

328

1,250

126.4%

 

PHỤ LỤC III

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỤ THỂ NĂM 2021
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 01/NQ-CP NGÀY 01/01/2021

(Kèm theo Quyết định số: 19/QĐ-BNN-KH ngày 04 tháng 01năm 2021, của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

TT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì theo dõi, đánh giá

Thời hạn hoàn thành

Ghi chú

I. Hoàn thiện thể chế, pháp luật lĩnh vực nông nghiệp và PTNT

1.

Hoàn thành Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ năm 2021 được phê duyệt, tập trung vào một số văn bản QPPL:

Vụ PC; các đơn vị được phân công

Theo KH riêng được phê duyệt

 

 

Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Tháng 11/2021

 

 

Nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản

Tổng cục Lâm nghiệp

Tháng 12/2021

 

 

Nghị định về cấp nước sinh hoạt nông thôn

Tổng cục Thủy lợi

Quý IV/2021

 

 

Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai

Tổng cục Phòng chống thiên tai

Tháng 3/2021

 

2.

Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp

Vụ Pháp chế

2021

Bộ TN và MT chủ trì và đã trình Chính phủ

II. Cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

2.1. Xây dựng, thực hiện các Đề án, Chiến lược, Kế hoạch về cơ cấu lại ngành, lĩnh vực

3.

Chương trình hành động của Bộ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025

Vụ Kế hoạch

Quý III/2021

Đã trình dự thảo QĐ của TTgCP ban hành Kế hoạch

4.

Chiến lược phát triển Trồng trọt đến năm 2030

Cục Trồng trọt

Quý II/2021

2020 chuyển sang

5.

Chương trình hành động của Bộ thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ về “Bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia đến năm 2030”

Vụ Kế hoạch

Quý II/2021

Tờ trình số 9012/TTr-BNN- KH, 21/12/2020 ban hành NQ

6.

Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi

Cục Chăn nuôi

Quý IV/2021

 

7.

Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi

Cục Chăn nuôi

Quý IV/2021

 

8.

Đề án phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi

Cục Chăn nuôi

Quý IV/2021

 

9.

Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi

Cục Chăn nuôi

Quý IV/2021

 

10.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý II/2021

Trình tại VB số 8749/TTr-BNN- TCLN ngày 14/12/2020

11.

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý IV/2021

VB số 8776/TTr-BNN-TCLN  ngày 15/12/2020

12.

Đề án Phát triển giống cây lâm nghiệp

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý IV/2021

 

13.

Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý IV/2021

 

14.

Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Tổng cục Lâm nghiệp

2021

VB 9161/ TTr-BNN-TCLN ngày 28/12/2020

15.

Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2021 - 2030

Tổng cục Lâm

nghiệp

2021

 

16.

Đề án Kiểm kê rừng toàn quốc

Tổng cục Lâm nghiệp

2021

Trình TTgCP tại VB số 8800/TTr- BNN-TCLN ngày 16/12/2020

17.

Đề án phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021 - 2025

Tổng cục Lâm nghiệp

2021

 

18.

Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất ngành lâm nghiệp

Tổng cục Lâm nghiệp

2021

 

19.

Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030

Tổng cục Thủy sản

Quý II/2021

2020 chuyển sang

20.

Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Tổng cục Thủy sản

Quý II/2021

 

21.

Đề án phát triển đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Tổng cục Thủy sản

Quý I/2021

 

22.

Đề án Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tổng cục Thủy sản

Quý I/2021

 

23.

Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2031 định hướng đến năm 2045

Tổng cục Thủy sản

Quý IV/2021

 

24.

Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030 sau khi được phê duyệt

Vụ Kế hoạch

2021

Trình dự thảo NQ tại Tờ trình số 6258/TTr-BNN- KH ngày 11/9/2020

25.

Đề án phát triển ngành chế biến rau, củ, quả giai đoạn 2021 - 2030

Cục Chế biến và Phát triển TTNS

Quý II/2021

 

26.

Đề án phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi

Cục Chăn nuôi

2021

 

27.

Đề án phát triển ngành chế biến thủy hải sản giai đoạn 2021 - 2030

Tổng cục Thủy sản

2021

 

28.

Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý II/2021

 

29.

Đề án phát triển nông nghiệp một số tỉnh phía Tây vùng Trung du và miền núi phía Bắc theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Vụ Kế hoạch

Quý I/2021

 

2.2. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ; quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản

30.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2021 - 2030

Vụ KHCN và Môi trường

Quý IV/2021

 

31.

Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ cơ cấu lại ngành trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030

Vụ KHCN và Môi trường

Quý IV/2021

 

32.

Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030

Vụ KHCN và MT

Quý IV/2021

 

33.

Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2030 phục vụ phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Vụ KHCN và Môi trường

Quý IV/2021

 

34.

Công bố, ban hành 100 tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; trong đó tập trung hoàn thành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm

Vụ KHCN và Môi trường, các đơn vị được phân công

2021

 

35.

Đề án chuẩn hóa chất lượng, an toàn thực phẩm và gia tăng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2025

Cục Quản lý chất lượng NLS và TS

Quý IV/2021

 

2.3. Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất; phát triển thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tăng cường xuất khẩu

36.

Nghị quyết của Chính phủ về phát triển hợp tác xã nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Quý IV/2021

 

37.

Đề án Hợp tác xã nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Quý IV/2021

 

38.

Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã NN phù hợp với từng vùng miền giai đoạn 2021 - 2025 gắn với cơ cấu lại ngành NN và xây dựng NTM

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

2021 - 2022

 

39.

Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản

Cục Chế biến và Phát triển TTNS

Quý III/2021

 

40.

Đề án thúc đẩy phát triển xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030

Cục Chế biến và Phát triển TTNS

Quý III/2021

Trình TTgCP tại VB số 9119/TTr- BNN-CBTTNS ngày 25/12/2020

III. Phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống của nông dân

41.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đoạn 2021 - 2025

Văn phòng Điều phối NTM Trung ương

Quý IV/2021

 

42.

Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) giai đoạn 2021 - 2025

Văn phòng ĐP NTM Trung ương

Quý IV/2021

 

43.

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Văn phòng ĐP NTM Trung ương

Quý IV/2021

 

44.

Đề án về tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

Văn phòng ĐP NTM Trung ương

Quý IV/2021

 

45.

Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030

Văn phòng ĐP NTM Trung ương

Quý IV/2021

 

46.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025

Văn phòng ĐP NTM Trung ương

Quý IV/2021

 

47.

Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Quý IV/2021

 

IV. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn

48.

Triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của ngành Nông nghiệp và PTNT

Vụ Kế hoạch; Cục QL xây dựng CT

Theo chỉ đạo của TTgCP

 

49.

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổng cục Lâm nghiệp

2021

 

50.

Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổng cục TL, Tổng cục PCTT

2021

 

51.

Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổng cục Thủy sản

2021

 

52.

Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổng cục Thủy sản

2021

 

V. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại

53.

Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2021 - 2025

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

Quý IV/2021

 

54.

Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2021 - 2030

Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

Quý IV/2021

 

55.

Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN và PTNT giai đoạn 2021 - 2025

Vụ Tổ chức cán bộ

Quý IV/2021

 

56.

Các Đề án thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

Vụ TC; các đơn vị sự nghiệp

Theo Đề án được duyệt

 

57.

Đề án về tổ chức và hoạt động các công ty thủy nông, các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

Vụ Tổ chức cán bộ

Quý IV/2021

 

VI. Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

58.

Đề án Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2021 - 2030

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý IV/2021

 

59.

Đề án Thí điểm cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý IV/2021

Văn bản số 8784/BNN-TCLN ngày 15/12/2020

60.

Đề án “Trồng một tỷ cây xanh góp phần phát triển bền vững đất nước, giai đoạn 2021 - 2025”

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý I/2021

 

61.

Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Tổng cục Lâm nghiệp

Quý IV/2021

 

62.

Đề án thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025

Tổng cục Thủy sản

Quý IV/2021

 

63.

Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Tổng cục Thủy lợi

Quý IV/2021

 

64.

Chiến lược quốc gia cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045

Tổng cục Thủy lợi

Quý IV/2021

 

65.

Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025

Tổng cục Thủy lợi

Quý IV/2021

 

66.

Chương trình tổng thể Phòng, chống thiên tai quốc gia

Tổng cục Phòng chống thiên tai

Quý IV/2021

 

67.

Nghị quyết về sạt lở bờ sông bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

Tổng cục Phòng chống thiên tai

2021

 

68.

Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gia cố hệ thống đê xung yếu

Tổng cục PCTT

2021

 

69.

Chiến lược quốc gia Phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Tổng cục Phòng chống thiên tai

2021

 

70.

Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

Tổng cục Phòng chống thiên tai

2021

 

VII. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính

71.

Kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước của Bộ, ngành tinh gọn, đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% biên chế công chức, viên chức

Vụ Tổ chức cán bộ

2021

 

72.

Xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số. Tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC mức độ 3, 4

VP Bộ, Vụ TCCB; các đơn vị liên quan

2021 và các năm tiếp theo

 

73.

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ

Vụ Pháp chế

Theo KHHĐ của Bộ

 

74.

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP[1] ngày 16/5/2016 của Chính phủ

Vụ Pháp chế; Vụ Quản lý DN

Theo KHHĐ của Bộ

 

VIII. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác truyền thông; nâng cao năng lực công tác thống kê, dự báo

75.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra

Thanh tra Bộ, các đơn vị thuộc Bộ

Theo Kế hoạch của Bộ

 

76.

Thực hiện tốt phong trào thi đua do trung ương phát động và cụ thể hóa thành các các phong trào, nhiệm vụ thi đua trong toàn ngành

Vụ Tổ chức cán bộ

Quý I/2021

 

77.

Tăng cường năng lực công tác thống kê, dự báo đáp ứng nhu cầu quản lý, điều hành và phục vụ sản xuất, kinh doanh của ngành

Trung tâm Tin học và Thống kê

Quý I/2021

 

 



[1] Về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 19/QĐ-BNN-KH năm 2021 về Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP

  • Số hiệu: 19/QĐ-BNN-KH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/01/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Xuân Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản