- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 3Luật giao thông đường bộ 2008
- 4Thông tư 08/2009/TT-BGTVT hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa do Bộ Giao thông vận tải ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2011/QĐ-UBND | An Giang, ngày 18 tháng 5 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI XE THÔ SƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Thông tư số 08/2009/TT-BGTVT ngày 23 tháng 06 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 288/TTr-SGTVT ngày 14 tháng 4 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
1. Quy định này quy định cụ thể về điều kiện an toàn và phạm vi hoạt động đối với xe thô sơ tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ thuộc địa bàn tỉnh An Giang.
2. Áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân sở hữu xe thô sơ tham gia giao thông trên đường bộ thuộc địa bàn tỉnh An Giang, không bao gồm:
a) Xe thô sơ của Quân đội, Công an phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
b) Xe thô sơ phục vụ thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường.
Điều 2. Điều kiện an toàn
1. Đối với tình trạng kỹ thuật xe:
a) Thân vỏ, thùng bệ:
- Hình dáng và bố trí chung: Theo mẫu thiết kế dân gian đã sản xuất và đang lưu hành, có kích thước không quá: chiều dài 3m, chiều rộng 1,2m, chiều cao 1m.
- Thân vỏ, thùng hàng: Không được thủng rách và được định vị chắc chắn với khung sườn. Khung sườn không có vết nứt, gãy. Đối với xe chở người phải có khung mui và bạt che.
- Sàn bệ xe: Lắp đặt chắc chắn với khung xe. Các dầm dọc và ngang không được mục vỡ, gãy hoặc nứt, sàn xe kín.
- Chắn bùn: Bằng kim loại, đầy đủ, lắp đặt chắc chắn, không thủng rách. Các chắn bùn trước và sau đều phải lắp chụp phản quang. Về hình dáng, kết cấu theo mẫu dân gian đã sản xuất và đang lưu hành.
- Màu sơn: xe được sơn 01 màu, màu sơn xanh dương hoặc màu trắng (xe phục vụ du lịch).
- Hoạt động ban đêm phải có đèn chiếu sáng phía trước.
b) Khung xe: Không có vết nứt hoặc cong vênh ở mức độ nhận biết bằng mắt.
c) Các tổng thành của hệ thống truyền lực: Bao gồm ổ trục ngang (trục giữa), dây xích truyền lực, vành răng lớn, vành răng nhỏ bảo đảm hoạt động tốt và độ rơ cho phép.
d) Bánh xe:
- Vành xe và nan hoa: đúng kiểu loại, không biến dạng cong, vênh, không rạn nứt.
- Moay ơ quay trơn, không bó kẹt, không có độ rơ dọc trục và hướng kính.
- Lốp xe: Đúng cỡ, đủ số lượng, không phồng dộp, rạn nứt hoặc bị mòn tới lớp bố vải.
e) Hệ thống treo: Nhíp phải đủ lá nhíp, định vị đúng, không nứt gãy, hoạt động bảo đảm tính êm dịu.
g) Càng điều khiển chuyển hướng: Đảm bảo độ bền, không bị cong hoặc mục, chuyển hướng xe chính xác, nhẹ nhàng.
h) Bộ phận hãm của xe: Hoạt động tốt và đảm bảo hiệu lực phanh.
2. Điều kiện vận chuyển:
a) Không được xếp hàng hóa vượt quá 25% chiều dài và chiều rộng của xe; chiều cao không vượt quá 02 m tính từ mặt đất.
b) Đối với xe đạp, xe ba gác trọng tải không vượt quá 250kg.
c) Đối với xe lôi thùng nhôm và xe xích lô ba bánh chở khách tại các điểm du lịch được phép chở không quá bốn người (kể cả người lái).
d) Đối với xe súc vật kéo phải đảm bảo vệ sinh trên đường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Điều 3. Phạm vi hoạt động của xe thô sơ
Xe thô sơ và các loại xe tương tự khác phải đi đúng phần đường quy định và không được phép hoạt động vào các giờ cao điểm trong nội ô huyện, thị, thành phố (trừ xe đạp, xe thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe lăn, xe lắc người khuyết tật). Giờ quy định cụ thể như sau:
Sáng: Từ 6 giờ 00 phút đến 7 giờ 30 phút.
Trưa: Từ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút và từ 12 giờ 30 phút đến 13 giờ 30 phút.
Chiều: Từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 00 phút.
Điều 4. Nghiêm cấm người điều khiển, người ngồi trên xe thô sơ khi tham gia giao thông thực hiện các hành vi sau đây
1. Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ (trừ xe lăn, xe lắc người khuyết tật) và phương tiện khác (nếu có phần làn đường dành cho xe thô sơ), đi xe dàn hàng ngang từ hai xe trở lên.
2. Sử dụng dù (ô), điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính).
3. Sử dụng xe để bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác và chở vật cồng kềnh.
4. Đứng trên yên, giá chở (đèo) hàng hoặc ngồi trên tay lái, người điều khiển buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh.
5. Dừng xe, để xe ở lòng đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.
6. Sử dụng xe do súc vật kéo làm mất vệ sinh đường phố.
7. Hành vi khác gây mất trật tự an toàn giao thông.
Điều 5. Quy định về quản lý xe thô sơ
Xe lôi đạp, xe ba gác, xe lôi thùng nhôm, xe xích lô khi tham gia giao thông công cộng phải thực hiện sơn vẽ ký hiệu và sử dụng biển số tự quản do UBND phường, xã, thị trấn cấp.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Giám đốc Sở Giao thông vận tải có Kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện quy định này.
2. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này và thường xuyên báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo.
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố
1. Tổ chức thực hiện quản lý theo quy định này, hướng dẫn các chủ phương tiện đăng ký hoạt động và tiếp nhận, quản lý hồ sơ đăng ký của chủ phương tiện.
2. Cấp giấy chứng nhận tham gia kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa theo quy định.
3. Thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự kiểm tra, chỉ đạo nghiệp vụ của Sở Giao thông vận tải.
Điều 8. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
Cấp biển số tự quản và đôn đốc chủ phương tiện thực hiện sơn vẽ ký hiệu biển số tự quản cho xe lôi đạp, xe ba gác, xe lôi thùng nhôm, xe xích lô khi tham gia giao thông công cộng.
Điều 9. Kiểm tra thực hiện
Chính quyền các cấp, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về kiểm tra, kiểm soát, thường xuyên kiểm tra xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng xe thô sơ.
Điều 10. Xử lý vi phạm
Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định này được thực hiện theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật.
Điều 11. Quyết định này có hiệu lực sau mười ngày kể từ ngày ký.
Điều 12. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Giám đốc Sở tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố; Thủ trưởng các Sở ngành, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 3Luật giao thông đường bộ 2008
- 4Thông tư 08/2009/TT-BGTVT hướng dẫn sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Quyết định 19/2011/QĐ-UBND Quy định về điều kiện an toàn và phạm vi hoạt động đối với xe thô sơ trên địa bàn tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- Số hiệu: 19/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 18/05/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
- Người ký: Lâm Minh Chiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/05/2011
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực