Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 19/2010/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số: 453/TTr-SXD ngày 06/9/2010, ý kiến của các cơ quan liên quan: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh;

Theo báo cáo kết quả thẩm định của Sở Tư pháp tại văn bản số 658/BC-STP ngày 31/8/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn nhà nước trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 06/2008/QĐ-UBND ngày 01/02/2008 của UBND tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Xây dựng (để b/c);
- TT Tỉnh ủy (để b/c);
- TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Cục KTVB-BTP;
- Website CP, TT Công báo Tin học tỉnh;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PTTH tỉnh;
- Các tổ chuyên viên VP/UB;
- Lưu VT, XD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Kim Cự

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ LẬP VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2010/QĐ-UBND ngày 11/10/2010 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định một số nội dung về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Khuyến khích các dự án sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các Chủ đầu tư, các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên phải thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là Nghị định 112/2009/NĐ-CP), Thông tư số 04/2010/TT-BXD ngày 26/5/2010 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là Thông tư số 04/2010/TT-BXD), các văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành có liên quan và Quy định này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quản lý tổng mức đầu tư

1. Lập và quản lý tổng mức đầu tư thực hiện theo quy định tại Chương II, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, Mục 1 Chương II và Mục 1 Chương III Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

2. Suất vốn đầu tư xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng dùng lập tổng mức đầu tư, áp dụng theo công bố của Bộ Xây dựng tương ứng với thời điểm lập dự án.

3. Thẩm định tổng mức đầu tư là một nội dung của thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình. Cơ quan thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình quy định tại Khoản 2 Điều 6, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và Điều 11 của “Quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh” ban hành kèm theo Quyết định số 09/2010/QĐ-UBND ngày 29/3/2010 của UBND tỉnh thực hiện thẩm định tổng mức đầu tư. Khi cơ quan thẩm định không đủ điều kiện để thẩm định tổng mức đầu tư thì được phép thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm để thẩm tra.

4. Tổng mức đầu tư phải được tính đúng, tính đủ các khoản mục chi phí cần thiết để xây dựng công trình, phù hợp với điều kiện thực tế và độ dài xây dựng của dự án. Tổng mức đầu tư được duyệt là chi phí tối đa mà Chủ đầu tư được sử dụng để đầu tư xây dựng công trình.

Điều 4. Dự toán xây dựng công trình

1. Dự toán công trình xây dựng (dự toán công trình) được lập theo công trình xây dựng cụ thể ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, là căn cứ để Chủ đầu tư quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

2. Dự toán công trình được lập theo định mức, đơn giá quy định ở Điều 5 và Điều 6 của Quy định này.

3. Nội dung, phương pháp lập, thẩm tra, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý dự toán công trình thực hiện theo quy định tại Chương III của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

Điều 5. Định mức xây dựng

1. Định mức xây dựng dùng để lập đơn giá xây dựng công trình, giá tổng hợp và dự toán công trình xây dựng. Định mức xây dựng, được áp dụng theo hệ thống định mức công bố của Bộ Xây dựng.

2. Đối với những công tác xây dựng chưa có trong hệ thống định mức đã được công bố hoặc đã có nhưng không phù hợp với điều kiện thực tế thi công hoặc yêu cầu kỹ thuật của công trình thì căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Xây dựng và thực tế công trình, Chủ đầu tư (hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện năng lực và kinh nghiệm) lập định mức mới hoặc vận dụng định mức tương tự ở công trình khác. Khi sử dụng định mức này để lập đơn giá thanh toán đối với các gói thầu áp dụng theo hình thức chỉ định thầu thì phải báo cáo UBND tỉnh công bố áp dụng.

Điều 6. Đơn giá xây dựng công trình.

1. Đơn giá xây dựng công trình là cơ sở để lập tổng mức đầu tư và dự toán công trình.

2. Đơn giá xây dựng công trình được lập theo định mức kinh tế kỹ thuật nêu ở Điều 5 và giá vật liệu xây dựng đến chân công trình, giá nhân công xây dựng, giá ca máy, thiết bị thi công theo tiêu chuẩn chất lượng quy định, phù hợp với thị trường nơi xây dựng công trình.

3. Hệ thống đơn giá xây dựng công trình do UBND tỉnh và cơ quan quy định tại Khoản 2, Điều 9 công bố áp dụng thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều 7. Hợp đồng trong hoạt động xây dựng

1. Hợp đồng thực hiện các công việc trong đầu tư xây dựng công trình (gọi tắt là hợp đồng xây dựng) được xác lập bằng văn bản thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của Chủ đầu tư và nhà thầu. Hợp đồng xây dựng là văn bản pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.

2. Hợp đồng xây dựng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ và Thông tư số 08/2010/TT-BXD ngày 29/7/2010 của Bộ Xây dựng.

Điều 8. Thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình

1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về lập hồ sơ đề nghị thanh toán với cơ quan cấp phát vốn đầu tư.

2. Cơ quan thanh toán vốn thực hiện việc công khai quy trình thanh toán, tổ chức tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán của Chủ đầu tư và kiểm soát thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định.

3. Chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình theo quy định, trình người quyết định đầu tư phê duyệt.

4. Nội dung của thanh, quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình thực hiện theo quy định tại Chương VII, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 9. Trách nhiệm về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Thực hiện nhiệm vụ về quản lý tổng mức đầu tư xây dựng công trình nêu tại Điều 3 Quy định này;

b) Hướng dẫn cụ thể về việc lập và áp dụng tổng mức đầu tư, chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Xây dựng:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, lập hệ thống các bộ đơn giá xây dựng công trình nêu tại Khoản 3 Điều 6 Quy định này, các định mức chưa có trong hệ thống định mức do Bộ Xây dựng công bố và mức điều chỉnh các khoản mục chi phí đầu tư xây dựng công trình, trình UBND tỉnh công bố áp dụng;

b) Hướng dẫn cụ thể về lập dự toán công trình xây dựng, áp dụng định mức, đơn giá công trình đã được công bố, phương pháp xác định giá vật liệu đến chân công trình và các nội dung khác có liên quan đến lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

c) Thực hiện việc thẩm định và trình UBND tỉnh công bố các định mức nêu tại Khoản 2 Điều 5 Quy định này;

d) Công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng (quý) và các loại đơn giá vật liệu xây dựng khác theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân làm cơ sở tham khảo lập dự toán công trình;

e) Tổ chức tập huấn hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, lập biểu cước vận tải hàng hóa bằng ô tô trên địa bàn tỉnh và mức điều chỉnh cước khi có biến động về giá, trình UBND tỉnh công bố làm cơ sở lập giá vật liệu đến chân công trình;

b) Kiểm tra sự phù hợp về việc áp dụng đơn giá thanh toán các loại thiết bị lắp đặt trong công trình xây dựng thuộc gói thầu chỉ định thầu;

c) Hướng dẫn và kiểm tra cụ thể về công tác thanh toán vốn đầu tư, chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình đối với các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh;

d) Hướng dẫn và kiểm tra việc công bố và niêm yết giá bán vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh;

e) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra và đề xuất giải pháp bình ổn giá thị trường các loại vật liệu xây dựng chủ yếu khi có biến động bất thường về giá.

4. Quyền và trách nhiệm của người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư, nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thực hiện theo quy định tại Chương VI của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP và Khoản 3, 4 Điều 17 Thông tư số 04/2010/TT-BXD.

5. Các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công việc tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Xử lý chuyển tiếp

1. Các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt và đang triển khai thực hiện trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định về quản lý chi phí tại thời điểm phê duyệt dự án. Trường hợp cần thiết phải thực hiện theo quy định tại Quy định này thì Chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư xem xét quyết định.

2. Các dự án đã đầu tư chưa thực hiện hoặc đang được thẩm định trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo Quy định này.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Các cơ quan có liên quan nêu tại Điều 9 Quy định này, có trách nhiệm triển khai và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được giao.

2. Thủ trưởng các sở ban ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện, xã, các Chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, các tổ chức, cá nhân có liên quan về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có trách nhiệm thực hiện Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc các vấn đề phát sinh, đề nghị báo cáo về UBND tỉnh để xem xét giải quyết.