Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1891/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2012 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ CÁC CẤP” GIAI ĐOẠN 2013 - 2017
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức;
Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011- 2015;
Xét đề nghị của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp” giai đoạn 2013 - 2017, với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu, đối tượng và nội dung đào tạo, bồi dưỡng:
a) Mục tiêu chung:
Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo đáp ứng theo vị trí, nhiệm vụ công tác; đảm bảo đạt tiêu chuẩn chức danh ở cấp huyện và cấp xã; góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
b) Đối tượng, nội dung đào tạo, bồi dưỡng và mục tiêu cụ thể đến năm 2017
Đối với cấp trung ương và cấp tỉnh:
Ít nhất 90% cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương và cấp tỉnh được bồi dưỡng về chuyên môn theo chương trình quy định cho từng vị trí công việc (bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuyên ngành).
Đối với cấp huyện, cấp xã:
- Ít nhất 90% Chủ tịch, cán bộ trong quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác phụ nữ theo chương trình quy định cho từng loại đối tượng.
- 4.000 Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn (chưa có trình độ trung cấp chuyên môn) được đào tạo về trung cấp chuyên môn, đảm bảo mục tiêu 90% Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã đạt chuẩn.
- 30.000 người (khoảng 30%) là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã và chi hội trưởng chi hội phụ nữ được bồi dưỡng chuẩn về kiến thức, kỹ năng công tác phụ nữ.
a) Nghiên cứu, khảo sát nhu cầu và tổ chức xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, bao gồm: Nghiên cứu xây dựng, ban hành hệ thống các nhiệm vụ/bảng mô tả công việc cho mỗi vị trí việc làm ở các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ; khảo sát nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; tập trung vào việc xác định sự chênh lệch giữa yêu cầu năng lực chuyên môn cần có để hoàn thành công việc theo vị trí việc làm so với năng lực thực tế hiện có; tổ chức xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng về chuyên môn cho các vị trí công việc; trong đó bao gồm triển khai xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa nhằm tạo điều kiện cho đông đảo cán bộ ở vùng sâu, vùng xa có thể tham gia bồi dưỡng.
b) Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong đó đặt trọng tâm vào bồi dưỡng cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trung ương và cấp cơ sở. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu bao gồm: (1) bồi dưỡng chuyên môn theo vị trí công việc cho cán bộ cấp trung ương và cấp tỉnh; (2) bồi dưỡng về công tác phụ nữ cho Chủ tịch, nguồn quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện; (3) bồi dưỡng về công tác phụ nữ cho Chủ tịch, nguồn quy hoạch chức danh Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã; (4) bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cơ bản về công tác phụ nữ cho ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã và chi hội trưởng chi hội phụ nữ; (5) đào tạo trung cấp công tác xã hội chuyên ngành công tác phụ nữ cho Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã; (6) tập huấn chuyển giao chương trình bồi dưỡng; (7) tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về công tác phụ nữ.
c) Tổ chức kiểm tra, giám sát và đánh giá các hoạt động của Đề án: Công tác kiểm tra, giám sát sẽ được tổ chức thường xuyên hàng năm nhằm phát hiện, bổ sung, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án.
a) Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về sự cần thiết phải phát triển nguồn nhân lực nữ cũng như trách nhiệm của từng tổ chức đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ.
b) Nghiên cứu, xác định những nhiệm vụ cụ thể, cơ chế đánh giá đối với từng vị trí công việc tại các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, gắn với quá trình xây dựng, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận trong tổ chức; cụ thể hóa các tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.
c) Phân cấp, xác định rõ trách nhiệm quản lý, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giữa các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ; giữa các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ với các tổ chức có liên quan.
d) Xây dựng chương trình, tài liệu; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hướng động và mở, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa chức danh và nhu cầu thực tế của cán bộ công chức theo vị trí việc làm ở từng cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ. Quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo cán bộ, tạo ra các hình thức đào tạo bồi dưỡng linh hoạt, phù hợp.
đ) Xây dựng đội ngũ giảng viên tại trung ương và địa phương đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án.
e) Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, bồi dưỡng trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương.
g) Xây dựng, chỉnh sửa hệ thống chính sách đối với cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, cán bộ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
- Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước hàng năm dành cho chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
- Kinh phí do ngân sách trung ương bảo đảm bao gồm những nội dung công việc sau:
+ Khảo sát nhu cầu, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện;
+ Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng trong khuôn khổ Đề án tại cấp trung ương với đầu mối thực hiện là Học viện Phụ nữ Việt Nam và Ban Tổ chức Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
+ Hỗ trợ một phần kinh phí cho tổ chức các hoạt động của Đề án tại các tỉnh miền núi khó khăn chưa cân đối được ngân sách;
+ Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng cho cấp trung ương và các địa phương;
+ Nghiên cứu, xây dựng chính sách cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, cán bộ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng.
+ Kinh phí kiểm tra giám sát, tổng kết, đánh giá các hoạt động Đề án;
- Kinh phí do ngân sách địa phương đảm bảo gồm những nội dung công việc sau:
+ Kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ chốt cấp xã/phường/thị trấn và cán bộ chi hội phụ nữ tại địa phương;
+ Kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo của tỉnh được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;
+ Kinh phí tổ chức chỉ đạo kiểm tra và các chi phí khác có liên quan.
a) Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:
- Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; đầu mối hướng dẫn triển khai Đề án tại trung ương và các cấp Hội;
- Lập kế hoạch, dự toán kinh phí hàng năm do cấp trung ương thực hiện và tổng hợp kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các tỉnh khó khăn để gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng thuộc trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Thống kê, phân tích tình hình cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ. Tham mưu ban hành hệ thống các nhiệm vụ (bảng mô tả công việc) cho các vị trí công việc và chức danh trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ. Rà soát, phân công cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với mục tiêu Đề án;
- Chủ trì xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng;
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng thuộc các cơ sở tham gia đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án tại trung ương và địa phương;
- Giám sát, kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc tổ chức thực hiện Đề án ở các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ.
b) Bộ Nội vụ:
- Tham gia xây dựng, thẩm định nội dung, chương trình, tài liệu bồi dưỡng theo quy định;
- Phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ, cán bộ nữ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; có chính sách ưu tiên đến những cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, cán bộ là người dân tộc thiểu số;
- Tham gia giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
c) Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Tiếp tục phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh, phê duyệt chương trình đào tạo trung cấp cho Học viện Phụ nữ Việt Nam và các cơ sở đào tạo tham gia thực hiện Đề án đến năm 2017 nhằm thực hiện mục tiêu chuẩn hoá đội ngũ công chức cấp xã;
- Phối hợp xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ chưa đạt chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn có thể tham gia các khóa đào tạo cao đẳng, đại học hệ vừa làm vừa học tại các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
d) Bộ Tài chính:
- Bố trí kinh phí thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách hằng năm của các cơ quan trung ương và các địa phương khó khăn thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước;
- Hướng dẫn thực hiện kinh phí Đề án, các hoạt động thanh quyết toán, đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dành cho Đề án;
- Tham gia giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Đề án.
đ) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Đưa công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tại địa phương vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh, thành phố; phê duyệt kế hoạch, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Hội Liên hiệp Phụ nữ đề xuất. Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Nội vụ trong các hoạt động cấp kinh phí, phối hợp thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ;
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo tại địa phương tham gia thực hiện Đề án, tạo điều kiện cho những cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ chưa đạt chuẩn hoặc có nhu cầu nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị và quản lý nhà nước được tham gia học tập;
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo của tỉnh được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
e) Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chủ trì thực hiện Đề án tại địa phương; chủ động làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan để xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp của địa phương giai đoạn 2013 - 2017 (nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án), trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương phê duyệt, hỗ trợ kinh phí thực hiện;
- Phối hợp chặt chẽ với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Chính trị cấp tỉnh và các cơ sở đào tạo tại địa phương để tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo sự phân cấp. Chủ trì đào tạo, bồi dưỡng cho Ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã và chi hội trưởng phụ nữ;
- Chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện và xã tham gia chặt chẽ vào việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm của tỉnh;
- Rà soát, thống kê thường xuyên các đối tượng chưa đạt chuẩn chức danh, các đối tượng thuộc diện phải đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình của đề án; trên cơ sở đó có kế hoạch tổ chức lớp tại địa phương hoặc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo tiến độ Đề án;
- Theo dõi, đánh giá các hoạt động Đề án tại địa phương, tổng hợp, báo cáo kết quả lên Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương theo quy định.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 664/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2008 – 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 1959/QĐ-TTg năm 2010 điều chỉnh Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn giai đoạn 2008 - 2012 được phê duyệt theo Quyết định 664/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 3520/BNV-ĐT năm 2013 hướng dẫn sử dụng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng do Bộ Nội vụ ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 3Quyết định 664/QĐ-TTg năm 2008 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn” giai đoạn 2008 – 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 18/2010/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng công chức
- 5Quyết định 1959/QĐ-TTg năm 2010 điều chỉnh Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp quận, huyện và xã, phường, thị trấn giai đoạn 2008 - 2012 được phê duyệt theo Quyết định 664/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1374/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Công văn 3520/BNV-ĐT năm 2013 hướng dẫn sử dụng tài liệu đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng do Bộ Nội vụ ban hành
Quyết định 1891/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp giai đoạn 2013 - 2017 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1891/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 14/12/2012
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 767 đến số 768
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra