Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1875/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 02 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ VÀ DỰ TOÁN LẬP QUY HOẠCH CHUNG ĐÔ THỊ PHỐ ĐẦM, HUYỆN THỌ XUÂN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11 tháng 8 năm 2010 của Bộ Xây dựng quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị; Thông tư số 01/2013/TT-BXD ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị và các quy định của pháp luật có liên quan;

Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 2433/SXD-QH ngày 20 tháng 5 năm 2016 về việc nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung đô thị phố Đầm, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung đô thị phố Đầm, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, với những nội dung chính sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch chung đô thị phố Đầm, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

2. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch:

a) Phạm vi, ranh giới:

Khu đất lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính xã Xuân Thiên và một phần xã Xuân Lam. Ranh giới vị trí được xác định cụ thể như sau:

- Phía Bắc: Giáp xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

- Phía Nam: Giáp xã Thọ Diên;

- Phía Đông: Giáp xã Thọ Minh;

- Phía Tây: Giáp xã Xuân Lam.

b) Quy mô lập quy hoạch:

* Quy mô đất đai:

- Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Phố Đầm khoảng 837 ha, trong đó diện tích xã Xuân Thiên là 806,75 ha; diện tích xã Xuân Lam 30,25 ha;

- Phạm vi đo vẽ khảo sát địa hình tỷ lệ 1/5000 khoảng 860 ha.

* Quy mô dân số:

- Dân số hiện trạng: Khoảng 10.574 người;

- Dự báo dân số phát triển đến năm 2030: Khoảng 13.000 người (quá trình lập quy hoạch yêu cầu luật chứng cụ thể về quy mô dân số).

3. Tính chất, chức năng.

Là đô thị vệ tinh của đô thị Lam Sơn Sao Vàng; có chức năng chính là dịch vụ, du lịch sinh thái, bảo tồn khai thác giá trị của Phố Đầm và cảnh quan ven sông Mã.

4. Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật

- Đất xây dựng đô thị 120 -:- 140 m2/người trong đó:

+ Chỉ tiêu đất đơn vị ở trung bình của toàn đô thị không lớn hơn 50m2/người.

+ Đất cây xanh đô thị đạt bình quân khoảng 12m2/người; trong đó đất cây xanh công cộng khu vực nội thị khoảng 5m2/người.

+ Tỷ lệ đất giao thông đạt 20% đất xây dựng đô thị trở lên (tỷ lệ đất giao thông và giao thông tĩnh trong đất xây dựng đô thị tối thiểu phải đạt: Tính đến đường liên khu vực: 6%, đường khu vực: 13%).

- Chỉ tiêu cấp điện đạt tối thiểu 1000Kwh/người/năm.

- Chỉ tiêu cấp nước đạt tối thiểu 120 l/người/ngày đêm.

- Lượng chất thải rắn phát sinh: 0,8kg/người/ngày.

- Tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 100%.

5. Các yêu cầu đồ án quy hoạch:

5.1. Phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng về kinh tế - xã hội; dân số, lao động; sử dụng đất đai; hiện trạng về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường của đô thị.

5.2. Xác định tính chất, mục tiêu, động lực phát triển, quy mô dân số, lao động, quy mô đất xây dựng đô thị, các chỉ tiêu đất đai, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho đô thị phù hợp với các yêu cầu phát triển đô thị

5.3. Dự kiến sử dụng đất của đô thị theo yêu cầu phát triển của đô thị

5.4. Định hướng phát triển không gian đô thị, bao gồm:

a) Mô hình và hướng phát triển đô thị;

b) Xác định phạm vi, quy mô các khu chức năng của đô thị: khu hiện có hạn chế phát triển, khu chỉnh trang, cải tạo, khu cần bảo tồn, tôn tạo; các khu chuyển đổi chức năng; khu phát triển mới; khu cấm xây dựng, các khu dự trữ phát triển;

c) Xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị;

d) Hệ thống trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, trung tâm công cộng, thể dục thể thao, công viên, cây xanh và không gian mở; trung tâm chuyên ngành cấp đô thị (nếu có);

đ) Định hướng phát triển các khu vực dân cư nông thôn;

e) Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các trục không gian chính, quảng trường, cửa ngõ đô thị, điểm nhấn đô thị; đề xuất tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu vực trên.

5.5. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, bao gồm:

a) Đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất phát triển đô thị: đánh giá về địa hình, các tai biến địa chất, xác định khu vực cấm xây dựng, hạn chế xây dựng; xác định lưu vực và phân lưu vực tiêu thoát nước chính; hướng thoát nước, vị trí, quy mô các công trình tiêu thoát nước; xác định cốt xây dựng cho đô thị và từng khu vực;

b) Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đô thị, vị trí và quy mô các công trình đầu mối giao thông như: cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, ga đường sắt, bến xe đối ngoại; tổ chức hệ thống giao thông công cộng và hệ thống bến, bãi đỗ xe; xác định chỉ giới đường đỏ các trục chính đô thị và hệ thống hào, tuy nen kỹ thuật (nếu có);

c) Xác định nhu cầu và nguồn cung cấp nước, năng lượng; tổng lượng nước thải, rác thải; vị trí, quy mô công trình đầu mối và mạng lưới truyền tải, phân phối chính của hệ thống cấp nước, chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, thoát nước và công trình xử lý nước thải; vị trí, quy mô khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang và các công trình khác.

5.6. Đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại Khoản 7 Điều 15 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/01/2011 của Bộ Xây dựng.

5.7. Đề xuất các hạng mục ưu tiên đầu tư phát triển và nguồn lực thực hiện.

5.8. Về thiết kế đô thị phải tuân thủ theo quy định tại chương II của Thông tư 06/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

6. Sản phẩm quy hoạch

6.1. Thuyết minh tổng hợp:

Nêu đầy đủ các luận chứng, căn cứ khoa học và thực tiễn để làm rõ các nội dung của đồ án được quy định tại Điều 17 của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Thuyết minh phải có các sơ đồ, bản vẽ thu nhỏ khổ A3, bảng biểu thống kê, phụ lục tính toán, hình ảnh minh họa và ý kiến tham gia của các ngành, nhân dân khu vực lập quy hoạch.

6.2. Thành phần bản vẽ bao gồm:

6.2.1. Phần khảo sát địa hình:

Bản đồ khảo sát địa hình đo vẽ trên tỷ lệ 1/5.000, phạm vi đo vẽ 860ha. Bản đồ địa hình phục vụ lập quy hoạch phải được Sở Xây dựng thẩm định theo quy định tại Thông tư số 05/2011/TT-BXD ngày 09/6/2011 của Bộ Xây dựng về Quy định việc kiểm tra, thẩm định và nghiệm thu công tác khảo sát lập bản đồ địa hình phục vụ quy hoạch và thiết kế xây dựng.

6.2.2. Hồ sơ sản phẩm quy hoạch:

- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng, tỷ lệ 1/10.000 hoặc 1/25.000.

- Các bản đồ hiện trạng gồm: Hiện trạng sử dụng đất, kiến trúc cảnh quan, giao thông, cấp điện và chiếu sáng đô thị, cấp nước, cao độ nền và thoát nước mưa, thoát nước bẩn, thu gom chất thải rắn, nghĩa trang, môi trường, đánh giá tổng hợp và lựa chọn đất xây dựng, tỷ lệ 1/5.000.

- Sơ đồ cơ cấu phát triển đô thị (tối thiểu 02 phương án. Sơ đồ này chỉ dùng khi nghiên cứu báo cáo, không nằm trong hồ sơ trình phê duyệt);

- Sơ đồ định hướng phát triển không gian đô thị, tỷ lệ 1/5.000.

- Bản đồ quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch, tỷ lệ 1/5.000.

- Các bản đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường, tỷ lệ 1/5.000.

- Thuyết minh và các bản vẽ thể hiện thiết kế đô thị.

6.2.3. Các yêu cầu khác về thành phần hồ sơ:

- Bản đồ dùng cho việc báo cáo thẩm định in màu theo tỉ lệ phù hợp;

- Hồ sơ trình duyệt lập thành 8 bộ với đầy đủ thành phần như trên, kèm theo 04 bộ hồ sơ màu in Ao (Chủ đầu tư 01 bộ, các cơ quan quản lý thẩm định 03 bộ), 04 đĩa CD ghi toàn bộ nội dung bản vẽ và các văn bản liên quan.

6.3. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung đô thị.

Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung đô thị phải thể hiện đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật Quy hoạch đô thị và phải có sơ đồ kèm theo. Đề cương quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chung đô thị hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo Thông tư 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010.

6.4. Dự thảo Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch.

7. Dự toán tổng kinh phí lập quy hoạch: 1.792.383.000 đồng (Một tỷ, bẩy trăm chín hai triệu ba trăm tám ba nghìn đồng), trong đó:

a) Chi phí lập Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch: 829.377.560 đồng;

b) Chi phí thẩm định: 74.299.760 đồng;

c) Chi phí khác: 90.555.800 đồng;

d) Chi phí khảo sát địa hình: 798.227.000 đồng;

(Chi tiết theo phụ lục kèm theo Tờ trình của Sở Xây dựng).

Chi phí khảo sát chỉ là chi phí tạm tính dựa trên cơ sở dự báo quy hoạch và áp dụng tiêu chuẩn quy phạm, khối lượng dự kiến thực hiện, các chế độ chính sách hiện hành. Khi thanh quyết toán phải căn cứ phương án kỹ thuật được cấp thẩm quyền phê duyệt và khối lượng thực tế thực hiện để quyết toán công trình.

8. Nguồn vốn lập quy hoạch: Nguồn vốn từ ngân sách tỉnh.

9. Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan phê duyệt quy hoạch: UBND tỉnh Thanh Hóa;

- Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng Thanh Hóa;

- Chủ đầu tư: Sở Xây dựng Thanh Hóa;

- Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Lựa chọn theo quy định của pháp luật;

- Thời gian lập đồ án không quá 09 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân; Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2 Quyết định;
- Chủ tịch UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, CN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1875/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt nhiệm vụ và dự toán lập quy hoạch chung đô thị phố Đầm, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa đến 2030

  • Số hiệu: 1875/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Ngô Văn Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản