Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/QĐ-NH5

Hà Nội, ngày 06 tháng 09 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU VÀO "QUY CHẾ TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ DỰ TRỮ CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG" BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 106-QĐ/NH5 NGÀY 09/06/1992.

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính được công bố tại lệnh số 37-LCT/HĐNN8 và lệnh số 38-LCT/HĐNN8 ngày 24/05/1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ;

- Căn cứ Nghị định 15/CP ngày 02/03/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ ;

- Căn cứ Quyết định số 106-QĐ/NH5 ngày 09/06/1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành "Quy chế trích lập và sử dụng các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng".

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Nay thay Điều 3 cũ bằng Điều 3 (mới) có bổ sung :

Điều 8 (mới).

Điều 9 (mới).

vào "Quy chế trích lập và sử dụng các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng". ban hành kèm theo Quyết định số 106-QĐ/NH5 ngày 09/06/1992 như sau :

Điều 3.

3.1. Thẩm quyền quyết định trích từ "Quỹ dự trữ đặc biệt để bù đắp số rủi ro quy định tại khoản 9.2, 9.3 Quy chế này như sau :

3.1.1. Đối với Ngân hàng quốc doanh là Tổng giám đốc.

3.1.2. Đối với Ngân hàng liên doanh là Hội đồng quản trị hoặc Tổng giám đốc được Hội đồng quản trị uỷ quyền, đối với chi nhánh Ngân hàng nước ngoài : là Giám đốc.

3.1.3. Đối với tổ chức tín dụng cổ phần : là Chủ tịch Hội đồng quản trị, căn cứ vào quyết định của Đại hội cổ đông (hoặc Đại hội xã viên).

3.2. Đối với những khoản rủi ro trên 50 triệu đồng Việt Nam , tổ chức tín dụng sau khi sử dụng "Quỹ dự trữ đặc biệt" đẻ bù đắp, phải có báo cáo bằng văn ban cho Ngân hàng Nhà nước trực tiếp quản lý.

Điều 8.

Rủi ro trong kinh doanh là các khoản thiệt hại, tổn thất về vốn (bao gồm cả tiền lãi) phát sinh trong quá trình kinh doanh của tổ chức tín dụng do các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan gây ra.

8.1. Rủi ro do nguyên nhân khách quan là :

8.1.1. Khách hàng vay vốn bị thiên tai, dịch hoạ, chết, mất tích mà không có người thừa kế hoặc người có quyền thừa kế nhưng tuyên bố không nhận thừa kế, nên không thu hồi được nợ.

8.1.2. Cho vay, mua cổ phần, hùn vốn, liên doanh, dịch vụ ngân hàng tuy đã chấp hành đúng các quy định hiện hành, nhưng do những biến động người dự kiến nên không thu hồi được tiền cho vay hoặc vốn đầu tư.

8.2. Rủi ro do nguyên nhân chủ quan gây nên :

8.2.1. Cho vay không tuân thủ nguyên tắc tín dụng :

8.2.2. Chưa có đầy đủ thông tin về người vay, về thực trạng tài chính cũng như uy tín của người vay mà vẫn quyết định cho vay.

8.2.3. Không giám sát thường xuyên việc sử dụng vốn đối với người vay.

8.2.4. Đã có ý kiến của cán bộ tín dụng không đồng ý giải quyết cho vay, nhưng Hội đồng quản trị, Hội đồng tín dụng hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng vẫn quyết định cho vay.

8.2.5. Mua cổ phần, hùn vốn, liên doanh, dịch vụ ngân hàng không tuân thủ quy định hiện hành.

Điều 9.

9.1. Khi xảy ra rủi ro trong kinh doanh, trước hết tổ chức tín dụng phải xử lý theo quy định hiện hành về tài sản thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, hợp đồng bảo hiểm, quyền lợi cổ đông, hợp đồng hùn vốn, hợp đồng liên doanh, các hợp đồng khác (nếu có) để thu hồi nợ gốc, lãi và vốn đầu tư. Phần nợ gốc, lãi và vốn đầu tư còn lại không có khả năng thu hồi, tổ chức tín dụng phải căn cứ hồ sơ để xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan theo quy định của pháp luật, của Ngân hàng Nhà nước và xử lý theo khoản 9.2, 9.3 Điều này.

9.2. Đối với rủi ro do nguyên nhân khách quan, tổ chức tín dụng được quyền quyết định trích từ "Quỹ dự trữ đặc biệt" để bù đắp khoản rủi ro, sau khi đã sử dụng số tiền được Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước cấp.

9.3. Đối với rủi ro do nguyên nhân chủ quan, tổ chức tín dụng phải xác định rõ trách nhiệm và mức độ bồi hoàn của những cá nhân có liên quan để thu hồi ngay. Số nợ gốc, lãi và vốn đầu tư còn lại, tổ chức tín dụng phải sử dụng Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi để bù đắp.

Điều 2

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Các quy định trước đây trái với Điều 3, Điều 8, Điều 9 nêu trên đều hết hiệu lực thi hành.

Điều 3

Chánh văn phòng Thống đốc, Vụ trưởng Vụ các Định chế tài chính, Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, các Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố ; các Tổng giám đốc (Giám đốc) Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài. Chủ tịch Hội đồng quản trị tổ chức tín dụng cổ phần, Ngân hàng liên doanh, Chủ nhiệm Hợp tác xã tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC




Cao Sỹ Kiêm

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 187/QĐ-NH5 năm 1994 sửa đổi Quy chế trích lập và sử dụng các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng kèm theo Quyết định 106-QĐ/NH5 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 187/QĐ-NH5
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/09/1994
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Cao Sỹ Kiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/09/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản