Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/1999/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 11 tháng 08 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CHỢ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/06/1994.

Căn cứ Thông tư số 15-TM/CSTTTN ngày 16/10/1996 của Bộ Thương mại.

Theo đề nghị của Ông Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch Tỉnh Bình Phước.

QUYT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này Bản quy chế về Tổ chức và quản lý chợ trên địa bàn Tỉnh Bình Phước.

Điều 2: Ủy ban Nhân dân các huyện, Thị xã có trách nhiệm hướng dẫn xây dựng và phê duyệt nội quy quản lý chợ trên địa bàn theo đúng quy định tại Thông tư số 15-TM/CSTTTN ngày 16/10/1996 của Bộ Thương mại và Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3: Các Ông Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại và Du lịch, Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với nội dung Quyết định này đều bãi bỏ.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CHỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 187/1999/QĐ-UB ngày 11/08/1999 của UBND Tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Khái niệm chợ là mạng lưới thương nghiệp được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Là nơi trao đổi, mua, bán hàng hóa do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Quyết định thành lập, Tổ chức và quản lý, để khai thác tốt tiềm năng của chợ, phục vụ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, góp phần phục vụ đời sống của những người lao động.

Điều 2: Theo quy định, chợ được phân thành 3 loại như sau:

1. Chợ loại I:là chợ có từ 500 hộ kinh doanh trở lên có cửa hàng, cửa hiệu. Sạp hàng buôn bán cố định thường xuyên.

2. Chợ loại II: là chợ có từ 100 đến 500 hộ kinh doanh cố định thường xuyên.

3. Chợ loại III: là những chợ còn lại.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ CHỢ

Điều 3: UBND Tỉnh giao Sở Thương mại –Du lịch là cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về các hoạt động của chợ được thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như sau:

1. Lập quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, kiến nghị những biện pháp về vốn đầu tư, địa điểm đặt chợ, Tổ chức quản lý… để hình thành mạng lưới 3 loại chợ theo quy hoạch.

2. Trình UBND Tỉnh Quyết định thành lập, di chuyển, giải thể và ủy quyền cho UBND huyện quản lý các chợ có liên quan đến mạng lưới thương nghiệp liên vùng, liên tỉnh, liên huyện.

3. Thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc triển khai các quy định của Nhà nước về Tổ chức, quản lý chợ. Thực hiện các chính sách lưu thông hàng hóa và ổn định giá mua bán ở từng loại chợ.

4. Chủ động phối hợp với các ngành hữu quan trong việc Tổ chức và quản lý chợ. Theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả hoạt động của chợ biên giới cửa khẩu Hoa Lư và chợ Thị xã Đồng Xoài để tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác Tổ chức quản lý chợ.

Điều 4: UBND Tỉnh giao UBND Huyện quản lý mọi mặt hoạt động của các chợ trên địa bàn (loại II và III) và những chợ do UBND Tỉnh ủy quyền:

- Chợ An Lộc – Bình Long

- Chợ Thị trấn Lộc Ninh – huyện Lộc Ninh

- Chợ Thị trấn Thác Mơ – huyện Phước Long

- Chợ Thị trấn Đức Phong – huyện Bù Đăng

Những chợ có ý định thành lập mới hoặc di chuyển và giải thể các chợ loại II và loại III sau khi thống nhất với Sở Thương mại và Du lịch trình UBND Tỉnh xem xét Quyết định.

Điều 5: Phòng Tài chính – Kế hoạch giúp UBND Huyện quản lý các hoạt động của chợ cụ thể là:

1. Theo sự hướng dẫn của Sở Thương mại – Du lịch và các ngành chức năng lập kế hoạch xây dựng, cải tạo chợ theo quy hoạch của Tỉnh.

2. Phân loại các chợ trình UBND Huyện Quyết định, ủy quyền một số chợ loại II, loại III cho xã, phường quản lý.

3. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về Tổ chức và quản lý chợ, về chính sách lưu thông hàng hóa trong phạm vi chợ, các quy định có liên quan đến hoạt động của chợ.

4. Định kỳ sơ kết, tổng kết các hoạt động của chợ, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Điều 6: UBND xã, Thị trấn thực hiện các công việc sau đây:

1. Tổ chức và quản lý hoạt động của các chợ được UBND Huyện ủy quyền cho xã, Thị trấn theo các quy định của Nhà nước.

2. Có kế hoạch sửa chữa cơ sở vật chất của chợ trong phạm vi quản lý.

3. Báo cáo định kỳ về hoạt động của chợ trên địa bàn.

Chương III

TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN BAN QUẢN LÝ CHỢ

Điều 7: Cơ cấu Tổ chức Ban quản lý chợ gồm: cán bộ nhân viên quản lý hành chánh của Ban quản lý chợ là công chức Nhà nước do cơ quan ra Quyết định thành lập chợ quy định. Ngoài số cán bộ nhân viên thuộc biên chế quản lý hành chánh, tùy theo tính chất quy mô của từng chợ, Ban quản lý chợ có thể sử dụng một số nhân viên theo chế độ hợp đồng vào các công việc dịch vụ.

1. Ban quản lý chợ loại I: có Trưởng ban, 1 Phó ban giúp việc và 04 hợp đồng.

2. Ban quản lý chợ loại II: có Trưởng, 1 Phó ban giúp việc và 03 hợp đồng.

3. Tổ quản lý chợ loại III: có 01 cán bộ phụ trách và 01 hợp đồng giúp việc. (Tùy theo tính chất lớn nhỏ của từng chợ để tăng hoặc giảm do cấp quản lý chợ Quyết định).

Ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản giao dịch tại Kho bạc Nhà nước ở mỗi cấp.

Điều 8: Trưởng Ban quản lý chợ có các nhiệm vụ sau:

1. Tổ chức điều hành các công việc của Ban quản lý chợ.

2. Quản lý đội ngũ viên chức, thực hiện chính sách cán bộ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động thuộc quyền quản lý.

3. Xử lý các vi phạm nội quy chợ, những vi phạm khác chuyển cho co quan chức năng theo Quyết định của pháp luật.

Điều 9: Ban quản lý chợ chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn theo sự phân cấp quản lý, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Soạn thảo nội quy hoạt động của chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt và Tổ chức thực hiện.

2. Xem xét và đề xuất việc chấp thuận hay không chấp thuận đơn xin đặt cửa hàng, cửa hiệu, sạp hàng… buôn bán tại chợ của các Tổ chức cá nhân có nhu cầu kinh doanh tại chợ lên cấp quản lý chợ.

3. Sắp xếp nơi mua bán hàng theo yêu cầu kỹ thuật vệ sinh và văn minh thương nghiệp phù hợp với đặc điểm của mỗi chợ.

4. Quản lý toàn bộ cơ sở vật chất của chợ, lập kế hoạch và Tổ chức thực hiện việc sửa chữa và xây dựng mới bảo đảm cho hoạt động của chợ trật tự an toàn vệ sinh môi trường, văn minh và sạch đẹp.

5. Hướng dẫn kiểm tra đôn đốc những người buôn bán tại chợ thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Nhà nước về kinh doanh thương mại và dịch vụ như: nộp thuế đầy đủ và đúng kỳ, kiên quyết chống buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng quy định dán tem mà không dán tem.

6. Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc giữ trật tự phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, xử lý các vi phạm về nội quy hoạt động của chợ.

7. Tổ chức thống kê lưu lượng hàng hóa lưu thông qua chợ, tình hình biến động thị trường và giá cả trên địa bàn chợ, báo cáo theo chế độ quy định.

8. Tổ chức các dịch vụ phục vụ cho hoạt động của chợ gồm: Tổ chức cho thuê địa điểm và phương tiện kinh doanh. Trông giữ, bảo quản tài sản, phương tiện của người mua, người bán tại chợ. Tổ chức bảo vệ hàng hóa ngoài ngờ… theo yêu cầu người kinh doanh.

Điều 10: Nguồn thu của Ban quản lý chợ:

1. Thu tiền thuê diện tích bán hàng theo mức quy định của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Thu phí và lệ phí theo quy định của Nhà nước.

3. Thu các khoản dịch vụ khác đều có quy định riêng của từng loại chợ.

Điều 11: Các khoản chi của Ban quản lý chợ:

Ban quản lý chợ căn cứ vào nhu cầu xây dựng và phát triển chợ cân đối các nguồn thu trong từng thời gian, xây dựng kế hoạch chi trình UBND cấp quản lý phê duyệt.

1. Chi hành chính phục vụ công tác quản lý chợ theo chế độ quản lý tài chính của Nhà nước (trả lương trên cơ sở thu của chợ).

2. Chi sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất của chợ. Mua sắm bổ sung phương tiện phục vụ cho hoạt động quản lý chợ.

3. Chi theo chế độ Nhà nước về hoàn trả vốn vay (nếu có) và nộp vào ngân sách Nhà nước.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12: Căn cứ vào tình hình thực tế của từng chợ, Ban quản lý chợ xây dựng nội quy quản lý chợ, nội quy không được trái với những quy định trong Quy chế này.

Điều 13: Việc sửa đổi, bổ sung Bản Quy chế này do UBND Tỉnh xem xét Quyết định, trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Sở Thương mại – Du lịch và Chủ tịch UBND các huyện.