Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1862/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG XÉT CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến;

Căn cứ Quyết định số 1745/QĐ-BGDĐT ngày 08 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Hội đồng xét công nhận sáng kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hội đồng xét công nhận sáng kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng, Thủ trưởng đơn vị có liên quan và các thành viên Hội đồng xét công nhận sáng kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp);
- Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GDĐT;
- Hai Đại học Quốc gia;
- Lưu: VT, TĐKT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Ngô Thị Minh

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG XÉT CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(Kèm theo Quyết định số 1862/QĐ-BGDĐT ngày 10 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Điều 1. Nhiệm vụ của Hội đồng

1. Thẩm định, đánh giá sáng kiến cấp cơ sở cho cá nhân của các đơn vị không có tư cách pháp nhân thuộc cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Thẩm định, đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ và cấp toàn quốc của sáng kiến cho cá nhân các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và hai Đại học Quốc gia.

Điều 2. Nhiệm vụ của các thành viên Hội đồng

1. Chủ tịch Hội đồng

a) Lãnh đạo các hoạt động của Hội đồng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng;

b) Quyết định triệu tập các cuộc họp của Hội đồng; chủ trì, kết luận các phiên họp Hội đồng.

2. Phó Chủ tịch Hội đồng

a) Giúp Chủ tịch Hội đồng xem xét các báo cáo, tài liệu đưa ra thảo luận tại Hội đồng. Thay mặt Chủ tịch Hội đồng ký các văn bản liên quan khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền;

b) Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.

3. Ủy viên thường trực Hội đồng

a) Chỉ đạo việc tổng hợp danh sách sáng kiến;

b) Chỉ đạo chuẩn bị nội dung các phiên họp Hội đồng, trình bày nội dung tại các phiên họp của Hội đồng;

c) Chỉ đạo hoàn thiện: Biên bản phiên họp Hội đồng; dự thảo quyết định trình Bộ trưởng công nhận sáng kiến cấp cơ sở; công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ và cấp toàn quốc của các sáng kiến theo kết luận của Hội đồng.

d) Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.

4. Ủy viên, thư ký Hội đồng

a) Chủ trì chuẩn bị nội dung, báo cáo, tài liệu của phiên họp Hội đồng;

b) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức các phiên họp Hội đồng;

c) Tổng hợp báo cáo, hoàn thiện biên bản phiên họp Hội đồng; dự thảo quyết định trình Bộ trưởng công nhận sáng kiến cấp cơ sở; công nhận hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ và cấp toàn quốc của các sáng kiến theo kết luận của Hội đồng.

d) Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.

5. Các ủy viên Hội đồng

a) Tham dự đầy đủ phiên họp của Hội đồng; trường hợp vì lý do khách quan không thể tham dự phiên họp Hội đồng cần xin phép Chủ tịch Hội đồng, cử cấp phó đi họp thay để tham gia thảo luận về các nội dung họp và nhận phiếu đánh giá để ủy viên Hội đồng vắng mặt cho ý kiến; gửi lại ủy viên, thư ký Hội đồng sau phiên họp;

b) Tham gia ý kiến nhận xét, đánh giá về các sáng kiến tại các phiên họp Hội đồng;

c) Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng phân công.

Điều 3. Nhiệm vụ đơn vị thường trực Hội đồng (Vụ Thi đua - Khen thưởng)

1. Tiếp nhận hồ sơ, phân loại, tổng hợp, rà soát và thẩm định sơ bộ hồ sơ nhận được.

2. Đề xuất thời gian họp, chuẩn bị nội dung, phiếu đánh giá, gửi tài liệu đến các thành viên Hội đồng trước 03 ngày làm việc.

3. Bảo đảm các điều kiện làm việc của Hội đồng; tổ chức triển khai thực hiện các kết luận tại phiên họp Hội đồng.

Điều 4. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng

1. Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Các phiên họp của Hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt. Tại các phiên họp, Hội đồng xem xét, đánh giá sáng kiến cấp cơ sở; xem xét, đánh giá hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp Bộ hoặc cấp toàn quốc của sáng kiến bằng hình thức phiếu đánh giá. Kết luận của Hội đồng được thông qua khi có ít nhất 2/3 ý kiến đồng ý của các thành viên Hội đồng.

3. Tại các phiên họp, khi cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể mời đại diện đơn vị chuyên môn về lĩnh vực có liên quan đến sáng kiến tham dự. Đại biểu được mời có quyền tham gia thảo luận nhưng không có quyền bỏ phiếu đánh giá.

Điều 5. Phương thức hoạt động của Hội đồng

1. Hội đồng tổ chức họp định kỳ một năm 02 lần vào tháng 8 và tháng 11, trước khi xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và họp đột xuất khi Chủ tịch Hội đồng thấy cần thiết.

2. Trường hợp không thể tiến hành họp Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng quyết định việc gửi phiếu đánh giá cho các thành viên Hội đồng. Các thành viên Hội đồng cho ý kiến trực tiếp vào phiếu đánh giá và gửi lại đơn vị thường trực Hội đồng để tổng hợp thành biên bản, báo cáo Chủ tịch Hội đồng.

Điều 6. Kinh phí hoạt động

1. Kinh phí để thực hiện nhiệm vụ được lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho Vụ Thi đua - Khen thưởng hằng năm. Nội dung và mức chi thực hiện theo Thông tư số 03/2019/TT-BTC ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Tài chính quy định về nguồn kinh phí, nội dung và mức chi từ ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động sáng kiến.

2. Các thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng chế độ bồi dưỡng khi tham dự phiên họp, thẩm định hồ sơ, tài liệu theo quy định hiện hành.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Hội đồng hoạt động theo đúng Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu cần sửa đổi, bổ sung Quy chế, đơn vị thường trực Hội đồng tham mưu trình Bộ trưởng xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1862/QĐ-BGDĐT năm 2021 về Quy chế hoạt động của Hội đồng xét công nhận sáng kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo

  • Số hiệu: 1862/QĐ-BGDĐT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/06/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Ngô Thị Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản