Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1860/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 18 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TRA, KHẢO SÁT TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 2276/QĐ-BTP ngày 04/12/2008 của Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Công nghệ thông tin;

Căn cứ Quyết định số 2889/QĐ-BTP ngày 17/12/2010 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 602/QĐ-BTP ngày 18/3/2013 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2013 của Cục Công nghệ thông tin;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Kiểm tra, khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp.

Điều 2. Giao Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chủ động lựa chọn thời gian phù hợp để thực hiện kiểm tra, khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin theo nội dung của Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, Cục CNTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, KHẢO SÁT TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1860/QĐ-BTP ngày 18 tháng 07 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Căn cứ Quyết định số 2889/QĐ-BTP ngày 17/12/2010 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định số 602/QĐ-BTP ngày 18/3/2013 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2013 của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch Kiểm tra, khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Kiểm tra, khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp với mục đích tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động của Bộ, của ngành Tư pháp trong đó tập trung vào các lĩnh vực thi hành án dân sự, quốc tịch, hộ tịch, lý lịch tư pháp, quản lý cán bộ, công chứng…

2. Yêu cầu

- Công tác kiểm tra, khảo sát phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, đồng bộ, tiết kiệm, hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia Đoàn Kiểm tra và với các đơn vị được kiểm tra, khảo sát;

- Việc kiểm tra, khảo sát phải làm rõ hiện trạng, nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tư pháp.

II. KIỂM TRA, KHẢO SÁT TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH TƯ PHÁP

1. Nội dung kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin

Kiểm tra tình hình ứng dụng công nghệ thông tin của Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự:

- Hiện trạng, hiệu quả sử dụng hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin (máy tính, máy in, đường truyền…);

- Các phần mềm ứng dụng đã được triển khai cho Cục, Sở.

2. Nội dung khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin

- Nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Sở (về xây dựng, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, quốc tịch, hộ tịch, công chứng…);

- Điều kiện cần thiết để triển khai các cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành (cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, quốc tịch, hộ tịch,…) của Sở;

- Nhu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Thi hành án dân sự (cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, phần mềm chuyên ngành).

III. THÀNH PHẦN THAM GIA KIỂM TRA, KHẢO SÁT

1. Thành phần của Đoàn Kiểm tra, khảo sát

Thành phần Đoàn Kiểm tra, khảo sát bao gồm:

- 01 Lãnh đạo Cục và một số lãnh đạo, chuyên viên đại diện của các phòng/trung tâm thuộc Cục;

- 01 đại diện của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật;

- 01 đại diện của Tổng cục Thi hành án dân sự;

- 01 đại diện của Cục Quốc tịch, hộ tịch, chứng thực;

- 01 đại diện của Cục Bổ trợ tư pháp;

- 01 đại diện của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia;

- 01 đại diện của Văn phòng Bộ tham gia đoàn công tác tại các tỉnh phía Bắc;

- 01 đại diện của Cục Công tác phía Nam tham gia đoàn công tác tại các tỉnh phía Nam;

- 01 đại diện của Cục Ứng dụng công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông.

2. Thành phần của cơ quan được kiểm tra, khảo sát

2.1. Sở Tư pháp

Thành phần của Sở Tư pháp bao gồm:

- Đại diện Lãnh đạo Sở Tư pháp;

- Phòng/cán bộ phụ trách về lĩnh vực quản lý cán bộ, quốc tịch, hộ tịch, công chứng, lý lịch tư pháp, văn bản quy phạm pháp luật;

- Cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin.

2.2. Cục Thi hành án dân sự

Thành phần của Cục Thi hành án dân sự bao gồm:

- Đại diện Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự;

- Lãnh đạo các Phòng chuyên môn nghiệp vụ;

- Cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin.

3. Cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo về nội dung và hạ tầng kỹ thuật của Cổng/trang thông tin điện tử

Đại diện cán bộ của cơ quan (Văn phòng Ủy ban nhân dân, Sở Thông tin và truyền thông…) chịu trách nhiệm đảm bảo về nội dung và hạ tầng kỹ thuật của Cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh/thành phố.

IV. ĐỊA ĐIỂM KIỂM TRA, KHẢO SÁT

Công tác kiểm tra, khảo sát được thực hiện tại Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây:

- Thành phố Hà Nội;

- Thành phố Hải Phòng;

- Tỉnh Vĩnh Phúc;

- Thành phố Đà Nẵng;

- Thành phố Hồ Chí Minh;

- Tỉnh Hậu Giang;

- Thành phố Cần Thơ.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với Cục Công nghệ thông tin

- Thông báo nội dung Kế hoạch kiểm tra, khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp tới cơ quan, đơn vị được kiểm tra, khảo sát.

- Xây dựng chương trình, chuẩn bị các nội dung, tài liệu và chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, khảo sát để triển khai công tác kiểm tra, khảo sát theo Kế hoạch.

2. Đối với các đơn vị có thành viên tham gia Đoàn Kiểm tra, khảo sát

Phối hợp chặt chẽ với Cục Công nghệ thông tin trong việc:

- Cử cán bộ của đơn vị có trình độ chuyên môn phù hợp theo yêu cầu của nội dung Kế hoạch này tham gia Đoàn Kiểm tra, khảo sát;

- Chuẩn bị các nội dung cần kiểm tra, khảo sát thuộc lĩnh vực chuyên môn của đơn vị quản lý.

3. Đối với cơ quan được kiểm tra, khảo sát

- Xây dựng báo cáo về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ theo khung Đề cương kèm theo; Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu liên quan kèm theo báo cáo;

- Mời đại diện cán bộ của cơ quan (Văn phòng Ủy ban nhân dân, Sở Thông tin và truyền thông…) chịu trách nhiệm đảm bảo về nội dung và hạ tầng kỹ thuật của Cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh/thành phố tham dự cuộc họp giữa Đoàn Kiểm tra, khảo sát và cơ quan được kiểm tra, khảo sát.

- Bố trí địa điểm, thời gian làm việc, thành phần tham dự của Sở để họp với Đoàn Kiểm tra, khảo sát.

4. Đối với Đoàn Kiểm tra, khảo sát

- Thực hiện hoạt động kiểm tra, khảo sát theo Kế hoạch này.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi kết thúc hoạt động kiểm tra, khảo sát có trách nhiệm xây dựng báo cáo để báo cáo Lãnh đạo Bộ.

5. Về kinh phí

Kinh phí thực hiện công tác kiểm tra, khảo sát tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của ngành Tư pháp theo kế hoạch này do ngân sách nhà nước cấp trong dự toán kinh phí hoạt động năm 2013 của Cục Công nghệ thông tin.