Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 1847/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT LẤY MẪU, BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN MẪU BỆNH PHẨM CÚM A(H1N1)

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này "Hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm cúm A(H1N1)”.

 

Điều 2. “Hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm cúm A(H1N1)” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng trong các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước, bán công và tư nhân trên toàn quốc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường và Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ Y tế, Viện trưởng Các Viện thuộc hệ y tế dự phòng, Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; Thủ trưởng y tế các ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Quân Huấn

 

HƯỚNG DẪN

KỸ THUẬT LẤY MẪU, BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN MẪU BỆNH PHẨM CÚM A(H1N1)
(Ban hành kèm theo quyết định số 1847 ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

1. MẪU BỆNH PHẨM

Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm virut phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của bệnh phẩm, vì vậy công tác thu thập và bảo quản mẫu bệnh phẩm phải đảm bảo:

+ Đúng chủng loại

+ Đúng thời điểm

+ Đúng thao tác

+ Bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm đúng cách.

Virut cúm được phát hiện tốt nhất khi trong bệnh phẩm có chứa tế bào biểu mô đường hô hấp nhiễm virut, dịch tiết đường hô hấp. Bệnh phẩm sử dụng cho chẩn đoán nhiễm virut thông qua nhận diện vật liệu di truyền (ARN), phân lập virut phải được thu thập trong vòng 3 ngày đầu sau khi khởi bệnh.

Các loại bệnh phẩm

1.1. Bệnh phẩm đường hô hấp trên:

- Dịch mũi.

- Dịch họng.

1.2. Bệnh phẩm đường hô hấp dưới:

Trong trường hợp bệnh nhân ở giai đoạn nặng, thì việc lấy bệnh phẩm đường hô hấp dưới sẽ tốt hơn và được thực hiện theo chỉ định và trợ giúp của bác sĩ lâm sàng.

- Dịch phế quản.

- Dịch phế nang.

- Dịch màng phổi.

1.3. Huyết thanh:

- Huyết thanh giai đoạn cấp.

- Huyết thanh giai đoạn hồi phục (10 -14 ngày sau khi khởi bệnh).

2. QUY TRÌNH THU THẬP, BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN BỆNH PHẨM

2.1. Dụng cụ, môi trường:

2.1.1. Mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên

- Tăm bông vô trùng.

- Đè lưỡi, đèn pin.

- Ống nghiệm 15 ml có nắp.

- Đĩa Petri.

- Pipet chia mẫu loại 1000 ul và đầu pipet.

- Đệm phosphat (PBS).

- PBS có 1% Albumin bò (BSA).

- Môi trường vận chuyển virút.

Có thể sử dụng môi trường sau để thu thập dịch mũi và dịch hầu họng để chẩn đoán nhiễm virút cúm

- Trộn 10 gam canh thang bê (veal infusion broth) và 2g Albumin bò (bovine albumine fraction V) để pha đủ 400 ml trong nước cất vô trùng.

- Thêm 0,8 ml dung dịch kháng sinh gentamicin (50mg/ml) và 3,2ml dung dịch kháng vi nấm fungizone (250ug/ml).

- Lọc vô trùng.

- Chia 3 ml vào mỗi tube cỡ 15 ml. Đóng nắp, bảo quản ở 40 C.

2.1.2. Mẫu huyết thanh

- Bơm tiêm 10 ml, vô trùng.

- Ống nghiệm đã tiệt trùng.

- Dây garo, bông, cồn….

2.2. Chuẩn bị thu thập bệnh phẩm:

- Dụng cụ thu thập bệnh phẩm.

- Phiếu thu thập mẫu bao gồm thông tin chung về bệnh nhân, loại bệnh phẩm, ngày thu thập và một số thông tin về dịch tễ.

- Trang bị phòng hộ cá nhân cho cán bộ lấy mẫu: sử dụng khẩu trang có độ lọc cao (N95) hoặc loại có độ lọc cao hơn.

- Hộp bảo ôn: phích đá.

2.3. Cách lấy bệnh phẩm và bảo quản tại chỗ:

2.3.1. Dịch mũi

- Yêu cầu bệnh nhân ngửa mặt khoảng 450.

- Đưa tăm bông vào dọc theo sàn mũi tới khoang mũi họng. để tăm bông cho thấm ướt dịch mũi sau đó xoay tròn , miết mạnh vào thành mũi và rút ra từ từ.

- Sau khi ngoáy mũi xong, tăm bông được chuyển vào môi trường bảo quản bệnh phẩm (đầu tăm bông phải nằm ngập trong môi trường vận chuyển). Cắt bỏ cán tăm bông cho phù hợp với độ dài của ống chứa môi trường vận chuyển vi rút.

Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafilm (nếu có).

2.3.2. Dịch họng

- Yêu cầu bệnh nhân há to miệng.

- Dùng dụng cụ đè lưỡi cố định lưỡi bệnh nhân xuống sàn dưới vòm họng.

- Đưa tăm bông vào vùng hầu họng để cho dịch họng thấm ướt đầu tăm bông, sau đó miết mạnh và xoay tròn tăm bông taị khu vực 2 a-mi-đan và thành sau họng để thu thập tế bào nhiễm.

- Sau khi ngoáy họng xong, tăm bông được chuyển vào môi trường bảo quản bệnh phẩm (đầu tăm bông phải nằm ngập trong môi trường vận chuyển). Cắt bỏ cán tăm bông cho phù hợp với độ dài của ống chứa môi trường vận chuyển vi rút.

- Đóng nắp, xiết chặt, bọc ngoài bằng giấy parafilm (nếu có).

2.3.3. Huyết thanh

- Sử dụng bơm kim tiêm vô trùng lấy 3-5 ml máu tĩnh mạch, tháo kim tiêm, tựa đầu bơm tiêm vào thành ống nghiệm bơm máu vào ống một cách từ từ để tránh tạo bọt khí và tán huyết, chuyển vào tube chứa, đóng nắp, bảo quản ở 40C trong vòng 24 giờ.

- Tách huyết thanh theo các bước sau:

- Đóng chặt nắp tube chứa máu, ly tâm 2000 vòng/phút trong 8 phút .

- Dùng pipet vô trùng, nhẹ nhàng hút huyết thanh ở phần trên của tube, chia đều vào các tube bảo quản nhỏ (1,8ml). Các thông tin ghi trên nhãn hoàn toàn giống thông tin đã ghi trên tube chứa máu.

- Bảo quản huyết thanh ở âm 700C hoặc âm 200C.

2.4. Cách ghi nhãn và phiếu xét nghiệm:

- Dán nhãn trên mỗi lọ bệnh phẩm, ghi mã số, họ tên, tuổi bệnh nhân, loại bệnh phẩm, ngày lấy bệnh phẩm trên tube thu thập bệnh phẩm.

- - Điền đầy đủ thông tin vào phiếu xét nghiệm và gửi kèm với mẫu bệnh phẩm (phụ lục 1).

2.5. Vận chuyển bệnh phẩm tới phòng thí nghiệm:

2.5.1. Yêu cầu về bảo quản, thời gian vận chuyển bệnh phẩm

Tất cả các bệnh phẩm cần phải được bảo quản trong môi trường thích hợp, ở nhiệt độ 40C và chuyển đến nơi xét nghiệm trong vòng 48 giờ. Trong trường hợp không thể chuyển bệnh phẩm đến nơi xét nghiệm trong vòng 48 giờ, thì bệnh phẩm phải được bảo quản ở nhiệt độ âm 700C hoặc âm 200C (nếu không có tủ âm 700C).

2.5.2. Nơi tiếp nhận bệnh phẩm

Các phòng xét nghiệm thuộc các Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Vệ dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh là những nơi tiếp nhận và tiến hành xét nghiệm khẳng định.

2.5.3. Đóng gói bệnh phẩm

Bệnh phẩm phải được đóng gói trước khi vận chuyển, tránh đổ, vỡ, phát tán tác nhân gây bệnh trong quá trình vận chuyển. Bệnh phẩm phải được đóng gói riêng biệt, không chung với các loại hàng hoá khác, bao gồm 3 lớp:

- Lớp trong cùng: phải đảm bảo không thấm nước, không rò rỉ, có chứa vật thấm nước (ví dụ bông thấm nước).

- Lớp thứ 2: bằng vật liệu bền, không thấm nước (như túi nilon), không rò rỉ. Giữa lớp trong cùng và lớp thứ 2 có lớp lót và vật thấm nước.

- Lớp ngoài cùng: đảm bảo chịu lực, chống va chạm, giữa lớp thứ 2 và lớp ngoài cùng có 1 lớp đệm để chống va đập. Kích thước bên ngoài ít nhất là 10 x 10cm.

- Trên các kiện bệnh phẩm phải ghi đầy đủ tên, địa chỉ, điện thoại của người gửi và người nhận, nhiệt độ bảo quản và tên loại bệnh phẩm (“BỆNH PHẨM CHẨN ĐOÁN” hoặc “BỆNH PHẨM LÂM SÀNG”)

- Các phiếu xét nghiệm bệnh phẩm phải được gửi kèm theo mẫu bệnh phẩm.

2.5.4. Vận chuyển bệnh phẩm:

- Thông báo cho phòng thí nghiệm ngày gửi bệnh phẩm, phương tiện vận chuyển và thời gian dự kiến sẽ tới phòng thí nghiệm.

- Lựa chọn phương tiện vận chuyển, đảm bảo thời gian vận chuyển ngắn nhất. Không gửi bệnh phẩm qua đường bưu điện.

- Nếu vận chuyển qua đường hàng không: một đơn vị mẫu bệnh phẩm không vượt quá 1 lít (chất lỏng) hoặc 1kg (chất rắn). Bệnh phẩm sau khi đóng gói không được vượt quá 4 lít (chất lỏng) hoặc 4 kg (chất rắn)/kiện.

- Các chất bảo quản bệnh phẩm trong quá trình vận chuyển (đá ướt, đá khô, nitơ lỏng) cần được cân nhắc cho phù hợp với yêu cầu về an toàn khi vận chuyển cũng như đảm bảo chất lượng bệnh phẩm khi vận chuyển.

3. TỔ CHỨC XÉT NGHIỆM VÀ THÔNG BÁO KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

Thực hiện Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch; thực hiện Quyết định số 981/QĐ-BCA (A11) ngày 28/09/2004 của Bộ Công An về danh mục bí mật nhà nước độ mật của ngành y tế, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện quy trình lấy mẫu, bảo quản vận chuyển bệnh phẩm nghi cúm A(H1N1) như sau:

3.1. Lấy mẫu xét nghiệm:

Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố, các bệnh viện chịu trách nhiệm lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi do vi rút cúm A(H1N1) mới tại địa phương và đơn vị mình; và thực hiện xét nghiệm sàng lọc nhiễm cúm A(H1N1), đồng thời đóng gói và chuyển ngay về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Vệ dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh theo khu vực các Viện phụ trách.

Các viện VSDT/Pasteur có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và phối hợp với các tỉnh/TP thuộc khu vực phụ trách tiến hành Điều tra, lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm kịp thời, đúng quy định và trực tiếp tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm tại các địa phương, đơn vị thuộc địa bàn phụ trách.

Các cán bộ tham gia lấy mẫu bệnh phẩm, làm xét nghiệm phải được trang bị phòng hộ cá nhân, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tiếp xúc với mầm bệnh tối nguy hiểm.

3.2. Xét nghiệm:

- Các Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh/thành phố, các bệnh viện có đủ Điều kiện về trang thiết bị, kỹ thuật, và an toàn sinh học có thể thực hiện các xét nghiệm sàng lọc vi rút cúm A(H1N1) mới. Tuy nhiên các đơn vị này vẫn phải chuyển bệnh phẩm gốc đến Viện VSDT/Pasteur trong khu vực Viện phụ trách để xét nghiệm khẳng định.

- Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur: thực hiện các xét nghiệm khẳng định vi rút cúm A(H1N1) mới. Phân công đơn vị chịu trách nhiệm xét nghiệm như sau:

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Trung tâm Cúm quốc gia): 28 tỉnh phía Bắc;

Viện Pasteur Nha Trang: 11 tỉnh miền Trung;

Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: 4 tỉnh Tây Nguyên;

Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh: 20 tỉnh phía Nam.

- Việc nuôi cấy phân lập vi rút chỉ được tiến hành tại phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 (BSL3).

- Trong trường hợp các Viện VSDT/Pasteur không xác định được mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A(H1N1) mới thì phải gửi mẫu về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tiến hành các xét nghiệm khẳng định khác.

3.3. Thông báo kết quả xét nghiệm cúm A(H1N1):

Các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur có trách nhiệm báo cáo kết quả xét nghiệm về Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế và thông báo kết quả xét nghiệm cho đơn vị gửi mẫu bệnh phẩm. Việc thông báo tình hình dịch bệnh, ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch thực hiện theo Quyết định số 4880/2002/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch. Cục y tế dự phòng và Môi trường là cơ quan duy nhất được Bộ trưởng Bộ Y tế uỷ quyền thông báo tình hình dịch trong nước và quốc tế./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Quân Huấn

 

PHỤ LỤC 1.

MẪU PHIẾU XÉT NGHIỆM CÚM A(H1N1)

1. Họ tên bệnh nhân:…………………………………

2. Giới: [...] Nam [...] Nữ

3. Ngày, tháng, năm sinh: ………./………../……………..

4. Địa chỉ:………………………………………….. Điện thoại:……………

5. Ngày phát bệnh: ………./……../…………….

6. Chẩn đoán sơ bộ:……………………………………………………………

7. Nơi Điều trị:…………………………………………………………………

8. Loại bệnh phẩm:…………………………………………………………..

9. Ngày lấy bệnh phẩm: ………./……../…………….

10. Họ tên người lấy bệnh phẩm:………………………………………………

11. Đơn vị gửi bệnh phẩm:……………………………………………………

12. Điện thoại:………………………………………………………………….

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1847/QĐ-BYT năm 2009 Hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm cúm A(H1N1) do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 1847/QĐ-BYT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/05/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Trịnh Quân Huấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản