ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1844/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 06 tháng 8 năm 2012 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của thành phố Cần Thơ thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
Điều 2. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ nhiệm vụ được giao tại Quyết định này rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển bền vững của ngành, lĩnh vực và địa phương mình phụ trách cho phù hợp với tình hình thực tế và hệ thống chỉ đạo chung. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động nói trên của thành phố.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2011 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1844/QĐ-UBND ngày 06 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)
Thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) thành phố ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược này, cụ thể như sau:
Thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; thực hiện đầy đủ và đồng bộ các chính sách phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, góp phần đạt các mục tiêu chung về phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
1.1. Thành lập Ban chỉ đạo Phát triển bền vững thành phố Cần Thơ, bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình này.
1.2. Lồng ghép các nội dung của Chiến lược Phát triển bền vững trong quá trình ban hành các chính sách, xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố.
1.3. Ban hành bộ chỉ tiêu phát triển bền vững của thành phố, định kỳ hàng năm tổ chức giám sát, đánh giá các chỉ tiêu này.
Trên cơ sở mục tiêu, các nhiệm vụ chung của Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình hành động này, Ủy ban nhân dân thành phố phân công Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban ngành thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Tham mưu UBND thành phố lồng ghép các nội dung, chỉ tiêu phát triển bền vững vào trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố.
Tham mưu UBND thành phố triển khai các đề án phát triển, thu hút sử dụng nguồn nhân lực của thành phố, đặc biệt là Quy hoạch phát triển nhân lực của thành phố giai đoạn 2011 - 2020. Trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức.
Tham mưu UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng nhà máy xử lý chất thải của thành phố, các dự án thu gom và xử lý nước thải ở các đô thị và khu công nghiệp, nghĩa trang nhân dân.
Định kỳ hàng năm vào tháng 12 phải tổng hợp, tham mưu UBND thành phố báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững trên địa bàn thành phố.
2.2. Sở Công Thương:
Tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, bảo đảm phát triển kinh tế theo hướng giảm chất gây hiệu ứng nhà kính. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc phù hợp với yêu cầu phát triển và thân thiện với môi trường; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền “công nghiệp xanh”, ưu tiên phát triển các ngành, các công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, đẩy mạnh phát triển công nghệ cao tại các đô thị lớn. Từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Tham mưu UBND thành phố phê duyệt Đề án, chương trình: Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo giai đoạn 2012 - 2015, định hướng 2020; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển và sử dụng điện năng lượng mặt trời giai đoạn 2012 - 2015, định hướng 2020.
Triển khai hệ thống điện nông thôn theo tiêu chí số 4 về điện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012 - 2015, định hướng 2020.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng sạch.
2.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao thâm canh, kỹ thuật mới, đặc biệt là công nghệ sinh học, vào trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn sản xuất với thị trường trong nước và thị trường quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên (đất đai, nước, lao động và nguồn vốn), gắn sản xuất với thị trường, gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến.
Phát triển nông thôn bền vững theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, cơ cấu kinh tế phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của thành phố giảm thiểu sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn về mức sống vật chất và tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của nông thôn Việt Nam. Coi trọng mối liên kết đô thị - nông thôn, tạo sự hòa nhập xã hội bền vững cho các cộng đồng dân cư. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đến năm 2015 đạt 27,5% (10/36 xã), đến năm 2020 đạt 60 - 70%.
Ưu tiên nguồn lực để giảm nghèo và nâng cao điều kiện sống người dân, đặc biệt là tại các vùng nông thôn. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, có tư liệu và phương tiện để sản xuất; phát triển kinh tế thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ mới để phát triển sản xuất hàng hóa; trợ giúp việc học chữ và học nghề.
Xác định sản xuất nông nghiệp bền vững là vấn đề ưu tiên, thông qua các chính sách hỗ trợ giảm nghèo dựa trên quan điểm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Xây dựng cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với từng địa bàn ưu tiên.
2.4. Sở Xây dựng:
Tham mưu UBND thành phố tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 1, đặt quá trình phát triển đô thị của thành phố trong tổng thể phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long với vai trò là thành phố trung tâm, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL.
Tham mưu UBND thành phố từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có kiến trúc đô thị tiên tiến, giàu bản sắc; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp từng giai đoạn phát triển chung của thành phố. Phát triển bền vững, trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, làm nền tảng cho định hướng đô thị xanh và bền vững.
2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Tham mưu UBND thành phố quản lý hiệu quả và sử dụng các loại đất. Đảm bảo cân đối hài hòa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực gắn với bảo đảm an ninh lương thực. Phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đổi mới công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng chồng chéo giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu công nghiệp với quy hoạch sử dụng đất, tránh chồng lấn quy hoạch các công trình kiên cố trên diện tích đất có chứa tài nguyên khoáng sản. Xây dựng hệ thống chính sách tài chính đất đai và giá cả minh bạch, hiệu quả. Tăng cường nghiên cứu khoa học và công nghệ kết hợp với bảo tồn kiến thức bản địa trong việc chống thoái hóa đất và cải tạo đất bị suy thoái.
Chú trọng bảo vệ môi trường các lưu vực sông, bảo vệ, khai thác hiệu quả và sử dụng bền vững tài nguyên nước trên cơ sở quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên nước. Tham mưu UBND thành phố ban hành các giải pháp sử dụng tiết kiệm và tăng hiệu quả kinh tế trong sử dụng tài nguyên nước. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án quản lý tổng hợp các lưu vực sông, các vùng đầu nguồn, nước ngầm. Ngăn ngừa suy thoái và phục hồi chất lượng các nguồn nước, đặc biệt là phục hồi chất lượng nước ở các lưu vực sông chính.
Tham mưu UBND thành phố các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát trên các dòng sông theo hướng sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản, đảm bảo dự trữ tài nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển các ngành kinh tế; đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản. Xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong khai thác khoáng sản, thực hiện quản lý tài nguyên khoáng sản theo cơ chế thị trường thông qua “đấu giá” hoặc “đấu thầu” khai thác mỏ khoáng sản.
Đẩy mạnh các hoạt động quan trắc, kiểm tra, kiểm soát môi trường không khí trong nội ô thành phố. Tham mưu UBND thành phố các giải pháp kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ các hoạt động sản xuất kinh doanh và giao thông. Tham mưu UBND thành phố hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý môi trường không khí đô thị và khu công nghiệp.
Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Quản lý chặt chẽ các chất thải nguy hại phát sinh trong các ngành sản xuất và ngành y tế; tham mưu UBND thành phố ban hành quy định quản lý nhà nước đối với chất thải rắn, trong đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến phù hợp. Xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho việc thực hiện quản lý tổng hợp chất thải rắn; tăng cường công tác kiểm tra, quan trắc chất thải, từng bước thực hiện kiểm toán chất thải trong quản lý chất thải ở các cơ sở sản xuất và khu công nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.
Tăng cường năng lực ứng phó và thích nghi tích cực của con người và các hệ thống tự nhiên nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh môi trường và phát triển bền vững. Tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai của các bên liên quan.
2.6. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Kịp thời cập nhật, đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục theo hướng dẫn của trung ương đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; đổi mới, phương pháp giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp, bậc học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ, tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học, coi trọng kiến thức xã hội và nhân văn, bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước trong khu vực và thế giới.
Tham mưu UBND thành phố thực hiện tốt các chiến lược phát triển giáo dục; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập.
2.7. Sở Y tế:
Tham mưu UBND thành phố ban hành và thực hiện các đề án, chương trình cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em; phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam.
Đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe theo hướng toàn diện, chú trọng y tế dự phòng tích cực và chủ động, khống chế kịp thời và kiểm soát tốt các dịch bệnh, sàng lọc phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh tật. Củng cố và tăng cường hệ thống y tế theo hướng đa dạng hóa các loại hình phục vụ và xã hội hóa lực lượng tham gia, trong đó có cơ sở y tế công phải đóng vai trò chủ đạo.
Thiết lập hệ thống cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các trạm y tế xã, phường. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực y tế và nhân viên công tác xã hội cả
về số lượng và chất lượng; đào tạo các nhân viên y tế cộng đồng, các kỹ thuật viên y tế để bảo đảm cho họ có khả năng tiến hành tốt các công việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và triển khai các hoạt động y tế dự phòng.
Từng bước hình thành hệ thống quản lý và kiểm soát vệ sinh, an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
2.8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Tham mưu UBND thành phố ban hành và thực hiện các đề án Xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng nhân cách con người Cần Thơ theo các tiêu chí “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”, đặc biệt là trong thế hệ trẻ về đạo đức, lối sống, trí tuệ, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội và ý thức chấp hành pháp luật.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình. Kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn liền với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển.
Tham mưu UBND thành phố các chính sách phát triển văn hóa để xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.
2.9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Tham mưu UBND thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; tạo việc làm bền vững; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Quản lý tốt lao động nhập cư để tham mưu UBND thành phố thực hiện có hiệu quả những vấn đề phát sinh.
Tham mưu cho UBND thành phố trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động phải gắn với phát triển ngành nghề, tạo việc làm bền vững. Phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn và đô thị hóa.
Nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố thực hiện các mục tiêu và giải pháp tăng cường tiến bộ và công bằng xã hội. Tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển và hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội; có chính sách phù hợp nâng cao mức thu nhập và mức sống cho người dân khu vực nông thôn.
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương. Khuyến khích và tạo điều kiện để người lao động tiếp cận và tham gia các loại hình bảo hiểm.
Tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho người lao động và tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
2.10. Sở Khoa học và Công nghệ:
Tham mưu UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững. Khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ sạch, tạo các sản phẩm thân thiện môi trường, tiết kiệm nguyên vật liệu và năng lượng.
Tham mưu UBND thành phố hoàn thiện hệ thống các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, tư vấn dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững.
2.11. Sở Thông tin và Truyền thông:
Đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, phấn đấu đến năm 2015 có 50% số hộ gia đình có máy tính hoặc thiết bị có khả năng kết nối mạng internet; mật độ thuê bao internet đạt 10,25 thuê bao/100 dân, đến năm 2020 là 20 thuê bao/100 dân.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.
2.12. Sở Ngoại vụ:
Tham mưu UBND thành phố tăng cường hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực trao đổi thông tin, khoa học công nghệ về phát triển bền vững, phát triển những ngành kinh tế môi trường.
Tham mưu UBND thành phố tham gia cùng cộng đồng quốc tế giải quyết những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững; phối hợp giải quyết những vấn đề toàn cầu và khu vực như giảm phát thải khí cacbon, ô nhiễm nguồn nước, không khí, những vấn đề xã hội như di dân, xuất khẩu lao động,...
Chủ động mời các sở, ngành có liên quan trong việc nâng cao trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong thực hiện phát triển bền vững.
2.13. Ban Dân tộc thành phố:
Tăng cường tiếp xúc, hướng dẫn người dân các dân tộc thiểu số, từng bước thay đổi tập quán trong lao động sản xuất, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tham mưu UBND thành phố các giải pháp khôi phục, duy trì phát triển về văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng về tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc phù hợp quy định pháp luật. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, nâng cao trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Tham mưu UBND thành phố kiện toàn bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp.
2.14. Sở Nội vụ:
Tham mưu cho UBND thành phố hoàn thiện cơ cấu tổ chức, các chính sách nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc, những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân nhằm góp phần xây dựng xã hội ổn định, kỹ cương, đồng thuận, công bằng, văn minh.
Đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; tập trung đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho thành phố.
Tham mưu UBND thành phố quản lý nhà nước về tôn giáo, thi đua khen thưởng và phân vạch điều chỉnh địa giới theo các tiêu chí đô thị loại I.
2.15. Sở Tài chính:
Bố trí kinh phí để thực hiện Chiến lược phát triển bền vững trên địa bàn thành phố theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Tham mưu UBND thành phố trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các cơ chế tài chính đối với thành phố Cần Thơ theo hướng có thể huy động nhiều nguồn lực dưới nhiều hình thức để phục vụ phát triển bền vững.
Tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dành tăng thu ngân sách cho đầu tư phát triển, cân đối thu chi ngân sách bảo đảm phát triển bền vững.
2.16. Công an thành phố:
Xây dựng thế trận an ninh nhân dân, giữ vững trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
Đẩy mạnh thực hiện Tiểu đề án “Đảm bảo an ninh trật tự gắn với xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ năm 2010 - 2020”.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, gắn với đề xuất xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ, phấn đầu hàng năm giảm từ 5 - 10% số vụ tai nạn giao thông.
1. Căn cứ vào Chương trình hành động này, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển bền vững của ngành, lĩnh vực và địa phương mình phụ trách cho phù hợp với tình hình thực tế và hệ thống chỉ đạo chung; đồng thời, phân công một đồng chí lãnh đạo cơ quan đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức triển khai thực hiện để bảo đảm đạt mục tiêu đề ra.
2. Căn cứ vào tình hình thực tế, các mục tiêu, nhiệm vụ trong chương trình hành động này và kế hoạch phát triển bền vững của sở, ngành, địa phương, định kỳ vào tháng 7 hàng năm, các sở, ngành, địa phương đề xuất nội dung và các chỉ tiêu chủ yếu liên quan đến phát triển bền vững, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm sau, xem đây là một trong các nội dung chính của Kế hoạch này.
3. Định kỳ vào ngày 15 tháng 11 hàng năm, các sở, ngành, địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động này và Kế hoạch phát triển bền vững cụ thể của từng đơn vị về UBND thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình này nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh, các sở, ngành và UBND quận, huyện chủ động đề nghị, gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định./.
- 1Quyết định 1119/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 2Quyết định 1879/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 3Quyết định 815/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 432/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1119/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 4Quyết định 1879/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án thực hiện Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 5Quyết định 815/QĐ-UBND năm 2015 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020
Quyết định 1844/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình hành động của thành phố Cần Thơ thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
- Số hiệu: 1844/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/08/2012
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Nguyễn Thanh Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/08/2012
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực