Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 184/QĐ-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 09 năm 1988 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “ BẢN QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG THƯƠNG NGHIỆP TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN”.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện ;
- Căn cứ quyết định số 90/QĐ-UB ngày 24-5-1988 của Ủy ban nhân dân thành phố, về việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện ;
- Căn cứ thông tư số 16/NT, ngày 14 tháng 11 năm 1987 của Bộ Nội thương, về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và hệ thống tổ chức quản lý và kinh doanh của ngành nội thương ở cấp tỉnh (thành phố), huyện (quận) ;
- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Thương nghiệp và Trưởng ban Tổ chức chính quyền thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này “Bản quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng thương nghiệp, trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện”.
Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của Ủy ban nhân dân thành phố trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở thương nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG THƯƠNG NGHIỆP TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN, HUYỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số:184/QĐ-UB ngày 23 tháng 9 năm 1988 của UBND thành phố)
I.- CHỨC NĂNG, NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN.
Điều 1.- Chức năng:
Phòng thương nghiệp là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp, toàn diện của UBND quận, huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành của Sở thương nghiệp.
Phòng thương nghiệp có chức năng giúp UBND quận, huyện thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện công tác kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ ăn uống và quản lý thị trường trên địa bàn quận, huyện theo đúng đường lối, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Phòng thương nghiệp quận, huyện được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng theo quy định của Nhà nước.
Điều 2.- Nhiệm vụ:
Phòng thương nghiệp giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện công tác kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ và quản lý thị trường trên địa bàn quận, huyện, cụ thể sau đây :
1. Xây dựng quy hoạch và kế hoạch ngành thương nghiệp, dịch vụ, quản lý thị trường trên địa bàn quận, huyện phù hợp với quy hoạch và kế hoạch chung của thành phố.
2. Giúp UBND cụ thể hóa tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân quận, huyện, các quy định của Đảng và Nhà nước, các quyết định, chỉ thị của UBND thành phố và ngành cấp trên về kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ, quản lý thị trường, công tác xây dựng và quản lý chợ, công tác tổ chức và quản lý việc xét cấp giấy phép đăng ký kinh doanh của các đơn vị thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ trên địa bàn quận, huyện đồng thời thực hiện sự hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách đó.
3. Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh, thương nghiệp, dịch vụ, quản lý thị trường và cấp phường, xã, thị trấn trong việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch của ngành và việc xét hoàn thành kế hoạch do Ủy ban nhân dân quận, huyện giao ; thực hiện chính sách cải tạo XHCN và quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất – kinh doanh của tập thể, cá thể tiểu thương buôn bán nhỏ và các đơn vị sản xuất – kinh doanh thuộc lĩnh vực thương nghiệp của thành phố, trung ương đóng trên địa bàn quận, huyện theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của UBND thành phố.
4. Phối hợp với các phòng, ban, tổ chức công tác, đoàn thể quần chúng thuộc quận, huyện và cấp phường, xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho cán bộ công nhân viên chức và nhân dân, trong việc chấp hành chính sách cải tạo XHCN và quản lý thị trường, nhằm lập lại trật tự kinh tế - xã hội theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Giúp UBND không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và quản lý, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ thuộc ngành thương nghiệp quận, huyện đúng theo sự phân cấp quản lý cán của UBND thành phố .
6. Theo sự phân cấp và ủy quyền của UBND quận, huyện, phòng thương nghiệp được chỉ đạo và quản lý trực tiếp một số đơn vị sản xuất - kinh doanh với quy mô nhỏ hoặc đơn vị có chức năng kiểm tra và quản lý thị trường, trực thuộc UBND, quận, huyện.
7. Thực hiện sơ kết, tổng kết và báo cáo công tác thuộc ngành thương nghiệp theo yêu cầu của UBND quận, huyện và Sở Thương nghiệp. Xây dựng nội quy hoạt động, chương trình công tác tháng, quý, năm; quản lý cán bộ, tài sản, con dấu, tài liệu của phòng đúng theo quy định của Nhà nước và điều lệ công văn giấy tờ.
Điều 3. – Quyền hạn:
- Triệu tập các cơ quan, đơn vị, cấp phường xã và các cơ quan đơn vị thành phố, Trung ương đóng trên địa bàn quận, huyện họp triển khai các chủ trương, nhiệm vụ thương nghiệp, dịch vụ, quản lý thị trường, theo quy định của UBND thành phố.
- Ký các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, giao dịch, sao các văn bản pháp quy đúng theo quy định “ Điều lệ công văn giấy tờ” và giải quyết, xử lý những vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền do UBND quận, huyện phân công.
- Được tham dự các cuộc họp ở các ngành, các cấp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Phòng thương nghiệp.
- Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các đơn vị kinh doanh, thương nghiệp, dịch vụ quản lý thị trường, các ban quản lý chợ, cấp phường , xã và các đơn vị thương nghiệp, dịch vụ của thành phố, trung ương đóng trên địa bàn quận, huyện thực hiện đúng các quy định của Nhà nước và UBND thành phố, đồng thời xử lý hoặc đề xuất UBND quận, huyện xữ lý những vấn đề lệch lạc, vi phạm những quy định của ngành và UBND thành phố.
Ngoài những quyền hạn trên, Phòng thương nghiệp có thể được UBND quận, huyện ủy quyền thêm một số nhiệm vụ và quyền hạn xét thấy cần thiết do UBND quận, huyện quy định cụ thể bằng văn bản.
II.- CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC :
Điều 4.- Phòng thương nghiệp quận, huyện có cơ cấu tổ chức bộ máy sau đây :
Phòng thương nghiệp có một Trưởng phòng, có 1 đến 2 Phó Trưởng phòng và một số cán bộ, nhân viên giúp việc. Trưởng phòng làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm cao nhất trước UBND quận, huyện về toàn bộ công tác của Phòng đồng thời chịu trách nhiệm với Giám đốc Sở Thương nghiệp về các mặt công tác do Sở phụ trách, Phó Trưởng phòng người giúp việc Trưởng phòng thực hiện một số công việc do Trưởng phòng phân công, chịu trách nhiệm trực tiếp với Trưởng phòng đồng thời liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên.
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng do UBND quận, huyện ra quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm, sau khi có sự thỏa thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở thương nghiệp. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và một số cán bộ, nhân viên hợp thành tổ chức bộ máy của phòng Thương nghiệp, dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Trưởng phòng, được UBND quận, huyện phân công theo dõi, tổ chức thực hiện một số mặt công tác sau đây :
- Công tác quản lý hành chánh về kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ, ăn uống, quản lý chợ đối với các đơn vị quốc doanh , tập thể và những người buôn bán nhỏ .
- Công tác kiểm tra, kiểm soát cải tạo XHCN và quản lý thị trường.
- Công tác tổ chức bộ máy và cán bộ thuộc ngành.
- Công tác hành chính, quản trị của Phòng Thương nghiệp.
Căn cứ vào khối lượng công việc trên, UBND quận, huyện cụ thể hóa thành nhiệm vụ chi tiết, xác định chức danh viên chức và ấn định biên giới chung của Phòng Thương nghiệp, theo chỉ tiêu biên chế quản lý Nhà nước, do UBND thành phố giao cho quận, huyện hàng năm.
Điều 5.- Mối quan hệ công tác của Phòng thương nghiệp quận, huyện:
1. Với UBND quận, huyện: Phòng Thương nghiệp chịu sự lãnh đạo và quản lý toàn diện của UBND quận, huyện. Trưởng phòng trực tiếp nhận chỉ thị của Thường trực UBND quận, huyện và thường xuyên báo cáo với UBND về các mặt công tác được phân công.
2. Với Sở Thương nghiệp : Phòng Thương nghiệp chịu sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Thương ngiệp. Trưởng phòng thương nghiệp tổ chức thực hiện và báo cáo công tác chuyên môn thuộc ngành theo yêu cầu của Giám đốc Sở Thương nghiệp.
3. Với các phòng, ban, tổ công tác thuộc UBND quận, huyện :
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được quy định, Phòng thương nghiệp thực hiện mối quan hệ hợp tác và bình đẳng với các phòng, ban, tổ công tác thuộc UBND quận, huyện. Phòng thương nghiệp có trách nhiệm bàn bạc thống nhất, hướng dẫn nghiệp vụ, cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách của ngành có liên quan đến các phòng, ban, tổ công tác nói trên.
4. Với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng quận, huyện :
Khi thực hiện các mặt công tác có liên quan đến tổ chức đoàn thể quần chúng nào, thì Phòng thương nghiệp mời đại diện tổ chức đoàn thể quần chúng đó cùng tham gia bàn bạc, góp ý kiến giải quyết. Khi Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng yêu cầu, Phòng thương nghiệp có trách nhiệm trình bày và giải quyết hoặc báo với UBND quận, huyện xem xét giải quyết .
5. Với UBND phường, xã, thị trấn :
Phòng thương nghiệp thực hiện sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kiểm tra, đôn đốc UBND phường, xã, thị trấn việc thực hiện các chủ trương, chính sách về cải tạo XHCN và phát triển ngành thương nghiệp ở cơ sở, theo đúng quy định của Nhà nước và UBND thành phố. UBND phường, xã, thị trấn nghiêm chỉnh thực hiện sự hướng dẫn của Phòng thương nghiệp, nếu có vấn đề nào chưa thống nhất thì báo cáo với UBND quận, huyện xem xét giải quyết.
6. Với các đơn vị sản xuất – kinh doanh thương nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện :
Phòng thương nghiệp thực hiện sự giúp đỡ, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị kinh doanh thương nghiệp, dịch vụ, Ban quản lý chợ trong việc hiện các quy định của Nhà nước và UBND thành phố, trong việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch do UBND quận, huyện giao.
Điều 6.- Chế độ sinh hoạt và hội họp :
- Phòng thương nghiệp 2 tuần họp 1 lần để sinh hoạt kiểm điểm tình hình thực hiện công tác và phổ biến những vấn đề cần thiết có liên quan đến nhiệm vụ của Phòng.
- Hàng tháng, quý, 6 tháng họp sơ kết và cuối năm họp tổng kết công tác, bình bầu thi đua.
- Phòng thương nghiệp có thể tổ chức họp bất thường để triển khai công tác cần thiết hoặc cấp bách do UBND quận, huyện hay Sở Thương nghiệp yêu cầu.
III.- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH :
Điều 7.- Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Những quy định trước đây của UBND thành phố trái với văn bản này đều bị bãi bỏ.
Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện bản quy chế này và theo hướng dẫn của Sở Thương nghiệp. Giám đốc Sở Thương nghiệp có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện đồng thời trong quá trình thực hiện cùng với UBND quận, huyện tổng hợp tình hình, báo cáo lên UBND thành phố những kiến nghị bổ sung, sửa đổi khi cần thiết.
Quyết định 184/QĐ-UB năm 1988 ban hành Bản quy chế tổ chức và hoạt động của Phòng thương nghiệp, trực thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- Số hiệu: 184/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/09/1988
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra