Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1833/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC HÀ NỘI - LẠNG SƠN ĐOẠN CỬA KHẨU HỮU NGHỊ - CHI LĂNG

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng; số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn vốn vay ưu đãi (ODA);

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, vay vốn ADB;

Căn cứ Quyết định số 888/QĐ-BGTVT ngày 04/4/2008 của Bộ trưởng Bộ GTVT về việc chuyển đổi chủ đầu tư lập dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn;

Căn cứ Quyết định số 05/QĐ-BGTVT ngày 02/01/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn;

Căn cứ Quyết định số 1383/QĐ-BTNMT ngày 24/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn;

Xét Tờ trình số 1388/TTr-VEC ngày 05/5/2016 của Tổng công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, kèm theo các tài liệu liên quan;

Theo đề nghị của Vụ Kế hoạch đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 582/KHĐT ngày 13/6/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Km 1 800 - Km44 749,67) với nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (Km1 800 - Km44 749,67).

2. Chủ đầu tư: Tổng công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam (VEC).

3. Tư vấn lập dự án: Liên danh Tổng công ty TVTK GTVT (TEDI) và Công ty cổ phần tư vấn đường cao tốc Việt Nam (VECC).

4. Chủ nhiệm lập dự án: Nguyễn Mạnh Hà.

5. Mục tiêu đầu tư:

Đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với mục tiêu:

- Đáp ứng nhu cầu vận tải khu vực Lạng Sơn nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực; Cung cấp các dịch vụ vận tải chất lượng cao và hiệu quả, góp phần phát triển các khu công nghiệp dọc tuyến, góp phần xóa đói giảm nghèo và giảm tai nạn giao thông (do tách giao thông xe máy khỏi đường cao tốc);

- Từng bước thực hiện Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 355/2013/QĐ-TTg ngày 25/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ);

- Hoàn chỉnh hành lang xuyên Á đoạn Lạng Sơn - Hà Nội trước năm 2020; Tăng cường kết nối trên tuyến hành lang xuyên Á qua địa phận Việt Nam từ Lạng Sơn - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, góp phần phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng trung du miền núi phía Bắc; Tạo lợi thế để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.

6. Nội dung đầu tư dự án:

6.1. Địa điểm, phạm vi đầu tư:

- Địa điểm đầu tư: huyện Cao Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn

- Điểm đầu dự án tại Km1 800 thuộc thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Điểm cuối dự án tại Km44 749,67 (kết nối với điểm đầu tuyến cao tốc Bắc Giang - thành phố Lạng Sơn đang thực hiện đầu tư theo hình thức BOT, trùng với lý trình Km45 130 trong bước thiết kế kỹ thuật của dự án) thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

- Chiều dài dự án: 43km.

6.2. Quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật:

- Tuyến được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729 - 2012, quy mô 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h. Đường ngang và đường gom xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế đường bộ TCVN 4054 - 05 và tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn TCVN 10380-2014.

- Cầu xây dựng vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT DƯL theo tiêu chuẩn 22 TCN 272 - 05, tải trọng thiết kế HL93, bề rộng cầu bằng bề rộng nền đường.

6.3. Giải pháp thiết kế:

a) Phương án tuyến:

- Từ điểm đầu (nằm ngoài khu vực làm thủ tục xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu), tuyến đi bên trái QL1 đến khoảng Km7 00, đoạn từ Km7 000 - Km21 800 (Mai Pha) tuyến đi trùng với quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, từ Mai Pha tuyến đi bên trái QL1 đến khoảng Km30 00 và vượt sang phải QL1, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn tại vị trí cách ga Bản Thí khoảng 800m (về phía Lạng Sơn) và đi tới Km42 650, tuyến vượt qua QL1, sông Thương để tới Chi Lăng (Km44 749,67).

- Bình diện tuyến thiết kế đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cấp đường, bán kính đường cong nằm nhỏ nhất 300m.

b) Trắc dọc:

- Trắc dọc cao tốc thiết kế với tần suất P = 1%, phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và tiêu chuẩn kỹ thuật cấp đường, độ dốc lớn nhất ≤ 6,0%.

- Đường ngang, đường gom sử dụng mực nước thường xuyên để tính toán với tần suất thủy văn phù hợp với tiêu chuẩn tính toán.

c) Mặt cắt ngang:

Quy mô mặt cắt ngang, phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc hạn chế, nền đường rộng 22m, gồm: 4 làn xe *3,5m = 14m; Dải phân cách giữa và dải an toàn rộng 1,5m; Lề gia cố 2*0,25m = 0,5m; Lề đất dự trữ 2*3,0m = 6,0m.

- Giai đoạn hoàn chỉnh: Mặt cắt ngang 4 làn xe cao tốc, nền đường rộng 22m, gồm: 4 làn xe*3,5m = 14m; Dải phân cách giữa và dải an toàn rộng 1,5m; Làn dừng xe khẩn cấp 2 làn xe*2,5m = 5,0m; Lề đất rộng 2bên*0,75m = 1,5m.

d) Nền đường:

- Độ dốc taluy nền đắp 1:1,5 đến 1:2; Taluy nền đào từ 1:0.5 đến 1:1,0 tùy thuộc vào điều kiện địa chất.

- Các đoạn qua vùng đất yếu: Áp dụng các giải pháp xử lý như thay đất, bấc thấm, cọc cát,... tùy thuộc chiều cao đắp và điều kiện địa chất.

e) Mặt đường:

- Kết cấu mặt đường cao tốc bằng bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đảm bảo Eyc ≥ 198Mpa, giai đoạn trước mắt phân kỳ đảm bảo Eyc ≥ 180Mpa.

- Kết cấu mặt đường trạm thu phí bằng bê tông cốt thép; mặt đường nhánh trong nút giao bằng bê tông nhựa đảm bảo Eyc ≥ 177Mpa; kết cấu mặt đường ngang được vuốt nối hoàn trả theo kết cấu mặt đường hiện hữu đảm bảo êm thuận trong khai thác.

- Kết cấu mặt đường gom theo tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn.

f) Nút giao liên thông:

- Xây dựng 03 nút giao liên thông, trong đó: Giai đoạn 1 xây dựng 01 nút giao liên thông với QL.4B tại Km17 420, dạng nút giao loa kèn đơn; 02 nút giao còn lại (nút giao với QL.1 tại Km18 235 và Km25 770) xây dựng cầu vượt trực thông; Giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng các nút giao với QL.1 tại Km18 235 và Km25 77, dạng nút giao loa kèn đơn.

- Nút giao đầu tuyến tại Km1 800 nối với cửa khẩu: Dạng nút giao bằng, tổ chức giao thông bằng đảo xuyến, kết hợp 02 nhánh rẽ trực tiếp để tăng năng lực thông hành cho nút giao.

g) Công trình cầu:

- Dự kiến xây dựng 22 cầu, gồm: 19 cầu trên chính tuyến, tổng chiều dài khoảng 2.102m; 03 cầu trên đường dân sinh vượt đường cao tốc, tổng chiều dài khoảng 181m.

- Cầu trên đường cao tốc xây dựng hoàn chỉnh, quy mô 4 làn xe, bề rộng 22m; Cầu trên đường ngang vượt đường cao tốc, bề rộng tùy thuộc quy mô đường ngang.

- Kết cấu phần trên: chiều dài nhịp từ 9-21m, dầm bản BTCT DƯL đúc sẵn; chiều dài nhịp từ 21-33m, dầm I BTCT DƯL đúc sẵn; chiều dài nhịp từ 30-45m, dầm SuperT đúc sẵn. Đối với cầu vượt sông, yêu cầu thông thuyền lớn: Sử dụng dầm hộp thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng, chiều dài nhịp từ 24-35m, dầm bản rỗng đúc trên đà giáo; chiều dài nhịp từ 40-50m, dầm hộp đúc trên đà giáo.

- Kết cấu mố trụ: Sử dụng kết cấu BTCT thường, mố cầu sử dụng loại mố chữ U, trụ cầu được thiết kế dạng cột. Móng mố trụ, sử dụng móng nông trên nền thiên nhiên hoặc móng cọc tại các vị trí có điều kiện địa chất tốt, các vị trí khác sử dụng móng cọc khoan nhồi loại đường kính 1-1,5m tùy theo điều kiện địa chất và điều kiện thi công.

- Chiều cao tĩnh không cầu vượt đường cao tốc H = 5,0m, chiều cao tĩnh không cầu vượt đường dân sinh tùy thuộc cấp đường.

h) Cống dân sinh: Toàn tuyến xây dựng khoảng 53 cống dân sinh đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn và điều kiện khai thác thực tế, tĩnh không đứng cống ≥ 3,0m.

i) Hệ thống thoát nước: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước dọc, thoát nước ngang, thoát nước mặt, thoát nước mái ta luy, cải mương..., dự kiến bố trí khoảng 38 cống hộp và 143 cống tròn thoát nước.

k) Công trình phục vụ quản lý khai thác:

- Trạm thu phí: Sử dụng hình thức thu phí kín, trong đó giai đoạn 1 xây dựng 2 trạm thu phí chính (dự kiến Km6 800 và Km44 450) và các trạm phụ tại các nút giao; Giai đoạn hoàn chỉnh xây dựng bổ sung các trạm thu phí tại các nút giao liên thông.

- Trạm dừng nghỉ: 01 trạm dừng nghỉ tại khoảng Km44 150 (diện tích khoảng 9ha).

- Hệ thống ITS, chiếu sáng, an toàn giao thông:

Hệ thống ITS: Xây dựng hệ thống quản lý giao thông, kiểm soát tải trọng xe, thu phí, thông tin liên lạc....

Hệ thống chiếu sáng: Xây dựng tại vị trí các trạm thu phí, trung tâm điều hành, trạm phục vụ trên tuyến, tại công trình hầm và các nút giao khác mức liên thông.

Hệ thống biển báo an toàn giao thông: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống an toàn giao thông phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về biển chỉ dẫn trên đường cao tốc QCVN 83:2015/BGTVT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2012/BGTVT.

(Các chi tiết khác chấp thuận theo hồ sơ trình duyệt)

8. Giải phóng mặt bằng:

- Công tác GPMB được thực hiện trên địa phận huyện Cao Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Phạm vi GPMB được thực hiện theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe.

- Diện tích đất thu hồi: Tổng số khoảng 300ha.

- Kinh phí GPMB là 535,6 tỷ đồng và chi phí dự phòng là 80,348 tỷ đồng.

- Tổ chức thực hiện: UBND tỉnh Lạng Sơn lựa chọn chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB và tổ chức thực hiện theo quy định hiện hành.

9. Loại, cấp công trình:

- Loại công trình: Công trình giao thông.

- Cấp công trình: Công trình đường bộ cấp I (theo Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng về phân cấp công trình xây dựng).

10. Tổng mức đầu tư:

Tổng mức đầu tư dự án: 8.743.154 triệu đồng (bằng chữ: Tám nghìn, bẩy trăm bn ba tỷ, một trăm năm tư triệu đồng chẵn), tương đương 387,895 triệu USD (tỷ giá quy đổi 1USD = 22.540 đồng).

Trong đó:

- Chi phí xây dựng

: 5.320.934 triệu đồng;

- Chi phí thiết bị

: 289.100 triệu đồng;

- Chi phí tư vấn ĐTXD

: 432.335 triệu đồng;

- Chi phí QLDA

: 27.901 triệu đồng;

- Chi phí GPMB

: 535.654 triệu đồng;

- Chi phí lãi vay

: 434.086 triệu đồng;

- Chi phí khác

: 27.072 triệu đồng;

- Chi phí dự phòng

: 1.676.072 triệu đồng.

11. Nguồn vốn đầu tư và cơ chế tài chính:

11.1. Nguồn vốn đầu tư

Nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), vốn đối ứng trong nước và vốn do VEC tự huy động với cơ cấu như sau:

- Vốn vay ADB: 8.655,770 tỷ đồng (~384,018 triệu USD), trong đó:

Vốn vay OCR: 7.836,035 tỷ đồng (~347,65 triệu USD) đầu tư cho các hạng mục xây lắp, tư vấn giám sát, quản lý dự án, thuế VAT, lãi vay và phí tài chính (trong thời gian xây dựng), chi phí khác;

Vốn vay ADF: 650,685 tỷ đồng (~28,868 triệu USD) sử dụng cho công tác GPMB, lãi vay và phí tài chính trong thời gian thực hiện GPMB;

Vốn viện trợ không hoàn lại chuẩn bị dự án theo tiêu chuẩn của ADB (PPTA 7154-VIE): 33,810 tỷ đồng (~1,5 triệu USD);

Vốn vay HTKT của khoản vay 2460-VIE: dự kiến 135,240 tỷ đồng (~ 6 triệu USD) cho công tác Thiết kế kỹ thuật của dự án;

- Vốn đối ứng: 87,384 tỷ đồng (~3,877 triệu USD), gồm:

Vốn đối ứng của Chính phủ: 47,420 tỷ đồng (~2,104 triệu USD) sử dụng cho các hạng mục thuế, phí khoản vay 2460-VIE, rà phá bom mìn, lập và thẩm tra dự án.

Vốn do VEC tự thu xếp: 39,963 tỷ đồng (~1,773 triệu USD).

11.2. Cơ chế tài chính

Cơ chế tài chính trong nước thực hiện theo Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 28/4/2016, cụ thể như sau:

- Nguồn vốn vay ADB (376,518 triệu USD), trong đó: 347,65 triệu USD vay từ nguồn vốn vay thông thường (OCR), áp dụng cơ chế cho vay lại; 28,868 triệu USD vốn vay ưu đãi (ADF) sử dụng cho công tác GPMB, do ngân sách Nhà nước cấp phát.

- Nguồn vốn đối ứng (2,295 triệu USD), trong đó: 0,521 triệu USD cho hạng mục rà phá bom mìn, do ngân sách Nhà nước cấp phát; 1,773 triệu USD là phí vay lại của khoản vay OCR do VEC tự thu xếp.

12. Thời gian thực hiện dự án:

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2016-2019.

13. Một số nội dung khác:

13.1. Trong bước tiếp theo, yêu cầu chủ đầu tư dự án:

- Tiếp thu các ý kiến thẩm định đã nêu trong Báo cáo thẩm định số 582/KHĐT ngày 13/6/2016 của Vụ Kế hoạch đầu tư;

- Phối hợp với địa phương kiểm đếm chính xác các số liệu về GPMB;

- Bổ sung đầy đủ các số liệu khảo sát địa chất, địa hình và thủy văn để đảm bảo các giải pháp thiết kế là phù hợp; Rà soát để chính xác hóa phạm vi đất yếu, phạm vi sử dụng cọc khoan nhồi, trong đó ưu tiên sử dụng giải pháp cọc đóng BTCT.

- Khảo sát chi tiết điều kiện địa chất để tính toán, quyết định kết cấu công trình cầu, tường chắn, kết cấu mặt đường và giải pháp xử lý nền đất yếu cho phù hợp;

- Thỏa thuận với địa phương để xác định cụ thể vị trí đổ đất thải.

13.2. Giao Vụ Khoa học công nghệ thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở hạng mục xây dựng hệ thống ITS của dự án trên cơ sở đảm bảo kết nối đồng bộ với các dự án liên quan, không vượt giá trị của hạng mục dự kiến trong tổng mức đầu tư.

13.3. Giao VEC hoàn chỉnh phương án tài chính trên cơ sở tham chiếu các điền kiện vay lại, cơ cấu nguồn vốn, tổng mức đầu tư nêu trên và các tài liệu liên quan khác (tình hình tài chính doanh nghiệp, vốn điều lệ...) để gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng phát triển Việt Nam thẩm định năng lực tài chính của VEC và đánh giá hiệu quả tài chính, phương án trả nợ của của dự án làm cơ sở xác định chủ đầu tư dự án.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

1. Chủ đầu tư:

Chủ đầu tư (chủ dự án) giai đoạn thực hiện đầu tư sẽ được xác định cụ thể sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 28/4/2016 về việc phê duyệt danh mục dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng, vay vốn ADB.

2. Hình thức quản lý dự án: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án.

3. Công tác thiết kế: Thiết kế 3 bước (thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công).

4. Thẩm định, phê duyệt thiết kế và dự toán: Thực hiện theo quy định hiện hành.

5. Phương thức lựa chọn nhà thầu: Thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 3. Vụ trưởng Vụ: Kế hoạch đầu tư, Tài chính, Khoa học công nghệ; Cục trưởng Cục QLXD và CL CTGT, Tổng giám đốc Tổng công ty ĐTPT đường cao tốc Việt Nam và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: KH&ĐT, TC;
- Kho bạc Nhà nước TW;
- UBND tỉnh Lạng Sơn;
- Ngân hàng VDB;
- Lưu: VT, KHĐT (03 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hồng Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1833/QĐ-BGTVT năm 2016 phê duyệt đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn đoạn cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 1833/QĐ-BGTVT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/06/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Hồng Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản