Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 183-HĐBT | Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 1988 |
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội thương và các ngành có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1
Thương nghiệp quốc doanh bán buôn phải nắm được phần lớn sản phẩm hàng hoá, trước hết là những mặt hàng thiết yếu và ở những thị trường trọng điểm.
Thương nghiệp quốc doanh bán lẻ phải tổ chức mạng lưới bán hàng thuận tiện, hàng hoá phong phú; cửa hàng sạch đẹp, cân đong đo đếm chính xác, chịu trách nhiệm với khách về chất lượng hàng hoá bán ra; thái độ niềm nở, lễ độ; kiên quyết bài trừ mọi hành vi tiêu cực, cửa quyền.
1- Đối với hàng nông sản thực phẩm.
- Những mặt hàng là nguyên liệu của công nghiệp chế biến hoặc chủ yếu để xuất khẩu theo hiệp định cam kết quốc tế của Nhà nước thì Nhà nước chỉ định các xí nghiệp, Liên hiệp xí nghiệp và các tổ chức kinh doanh trực tiếp đầu tư và tổ chức mua ở những vùng sản xuất tập trung; ở những nơi khác thì thông qua các đơn vị thương nghiệp quốc doanh (hoặc hợp tác xã mua bán) mua hoặc làm đại lý mua.
- Những mặt hàng vừa để tiêu dùng trong nước vừa để xuất khẩu và ở những nơi mà các tổ chức kinh doanh xuất khẩu không đầu tư thì các tổ chức kinh doanh nội thương mua, ưu tiên chọn lọc hàng đủ tiêu chuẩn bán lại cho các tổ chức kinh doanh xuất khẩu theo hợp đồng.
- Những mặt hàng thực phẩm - rau quả, đặc biệt là hàng tươi sống, thì cơ sở (người) sản xuất được trực tiếp bán buôn và bán lẻ. Khuyến khích người sản xuất trực tiếp đưa thực phẩm tươi sống vào bán ở các thành phố, khu công nghiệp.
- Thực hiện rộng rãi hình thức đại lý mua và bán (kể cả kinh doanh trong nước và xuất nhập khẩu) để nông sản, thực phẩm không phải mua đi bán lại và vận động qua nhiều khâu.
- Quan hệ mua bán giữa các tổ chức kinh tế của Nhà nước với cơ sở và người sản xuất nông nghiệp phải bình đẳng, thuận mua vừa bán, chủ yếu theo hợp đồng kinh tế.
2- Đối với công nghiệp tiêu dùng.
- Sản phẩm hàng hoá do các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh sản xuất thì thương nghiệp quốc doanh thông qua các hình thức đấu thầu bán nguyên liệu mua thành phẩm hoặc đặt hàng để nắm phần lớn những mặt hàng quan trọng đưa vào lưu thông có tổ chức.
- Sản phẩm hàng hoá do các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh trung ương và địa phương sản xuất thì tuỳ đặc điểm của từng mặt hàng và hiệu quả kinh tế - xã hội, các xí nghiệp có thể bán toàn bộ hàng hoá cho thương nghiệp quốc doanh hoặc thông qua hệ thống đại lý bán buôn, bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán hoặc trực tiếp tổ chức bán lẻ theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền giao và theo đúng quy định của Nhà nước về lưu thông hàng hoá.
3- Đối với khâu bán lẻ và kinh doanh ăn uống công cộng, dịch vụ.
- Sử dụng hợp lý và có hiệu quả mạng lưới bán lẻ và dịch vụ của thương nghiệp quốc doanh. Thực hiện rộng rãi chế độ hạch toán kinh tế độc lập ở các cửa hàng; cửa hàng nào chưa có điều kiện thì áp dụng chế độ khoán định mức.
- Những ngành (ngoài hệ thống Bộ Nội thương) và các cơ sở sản xuất được phép trực tiếp tổ chức bán lẻ mặt hàng tiêu dùng nào thì phải bàn với cơ quan quản lý thương nghiệp có thẩm quyền để tận dụng mạng lưới và lao động thương nghiệp sẵn có, không tuỳ tiện tăng lao động và tổ chức bộ máy lưu thông riêng.
- Đối với những cửa hàng, cửa hiệu của thương nghiệp quốc doanh kinh doanh không có hiệu quả thì Bộ Nội thương cùng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, xử lý, kể cả việc cho tập thể và tư nhân đấu thầu hoặc thuê để kinh doanh.
1- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Nội thương kế hoạch hoá lưu chuyển hàng hoá, cân đối tiền - hàng thị trường xã hội trên phạm vi cả nước và ở từng vùng, trước hết bảo đảm cân đối cung cầu những hàng thiết yếu và ở những thị trường trọng điểm, biên giới, hải đảo.
Đối với các đơn vị cơ sở của thương nghiệp quốc doanh, kể cả trong kinh doanh ăn uống công cộng và dịch vụ, Nhà nước giao một chỉ tiêu pháp lệnh: các khoản nộp ngân sách Nhà nước; đối với các đơn vị sản xuất, chế biến trong hệ thống thương nghiệp quốc doanh thì áp dụng như các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh. Bộ Tài chính và Bộ Nội thương xác định mức và các khoản mà thương nghiệp quốc doanh phải nộp ngân sách Nhà nước trên nguyên tắc càng kinh doanh giỏi và càng thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước thì đơn vị càng có lợi; chuyển chênh lệch giá thành nguồn bảo toàn vốn cho đơn vị kinh doanh.
Tuỳ điều kiện và yêu cầu cụ thể, cơ quan quản lý thương nghiệp có thẩm quyền có thể giao thêm một ít chỉ tiêu hướng dẫn thiết thực cho các đơn vị kinh doanh như tổng mức lưu chuyển hàng hoá, doanh số bán hàng tự chế, danh mục mặt hàng tối thiểu (thiết yếu) trong các đơn vị bán lẻ ở từng vùng và một số định mức kinh tế - kỹ thuật.
- Những mặt hàng cung ứng cho lực lượng vũ trang, cho xuất khẩu và cho những nhu cầu đặc biệt khác của Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giao chỉ tiêu kế hoạch cho đơn vị nào thực hiện thì phải cân đối các điều kiện tương ứng cho đơn vị đó.
- Thực hiện giao vật tư theo ngành hàng, đồng thời đơn vị kinh doanh ngành hàng phải sớm ký hợp đồng với cơ sở sản xuất.
- Đối với một số hàng tiêu dùng do nhiều thành phần kinh tế sản xuất, Nhà nước bán vật tư cho những tổ chức bán buôn theo ngành hàng của thương nghiệp quốc doanh để tổ chức đấu thầu sản xuất hoặc gia công v.v...
- Kế hoạch Nhà nước hàng năm và 5 năm cân đối thoả đáng về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho thương nghiệp quốc doanh, chủ yếu là những công trình có tầm quan trọng trong lưu thông hàng hoá của cả nước hoặc của từng vùng. Đồng thời cân đối những vật tư, thiết bị chủ yếu để các đơn vị kinh doanh dùng vốn tự có và vốn vay mà xây dựng mới hoặc cải tạo những cơ sở hiện có.
2- Từng thời gian, Nhà nước quy định giá hoặc khung giá bán lẻ kinh doanh thương nghiệp một số mặt hàng thiết yếu nhất gồm cả chiết khấu thương nghiệp và chỉ giá đó mới được gọi là giá lẻ của Nhà nước. Nếu cần trợ cấp do thay đổi giá cho người hưởng lương và hưởng chính sách xã hội thì cơ quan, đơn vị và tổ chức có trách nhiệm trả lương và trả trợ cấp tiến hành bù trực tiếp vào lương hoặc bù trực tiếp cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội; không trợ cấp qua giá.
- Giá mua, giá bán buôn, giá bán lẻ những hàng tiêu dùng khác do các đơn vị sản xuất và kinh doanh thoả thuận với nhau quy định theo nguyên tắc lấy gần bù xa, được người sản xuất và người tiêu dùng chấp nhận, kinh doanh có lãi, Nhà nước không bù lỗ và dưới sự giám sát của Nhà nước, từng bước bình ổn giá cả thị trường.
3- Đối với những đơn vị kinh doanh mới thành lập thì tuỳ mức độ cần thiết, cơ quan chủ quản cấp vốn bằng cách điều hoà trong ngành; trường hợp đặc biệt thì sau khi xem xét chặt chẽ, Nhà nước mới cấp vốn. Đối với những đơn vị đang kinh doanh, được ngân hàng cho vay để bổ sung vốn lưu động thì ngân hàng Nhà nước cần phân biệt thời hạn vay và lãi suất thoả đáng đối với từng loại hàng, nhất là những hàng dự trữ thời vụ.
- Các đơn vị thương nghiệp quốc doanh được thu hút các nguồn vốn dưới nhiều hình thức (vay, hùn vốn kinh doanh, huy động cổ phần, bán cổ phiếu...) để kinh doanh. Những đơn vị kinh doanh có đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước được trực tiếp xuất nhập khẩu, vay vốn của nước ngoài cùng hùn vốn với nước ngoài để kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lãi, lỗ.
- Ngân hàng đáp ứng nhu cầu tiền mặt để thương nghiệp quốc doanh mua nông sản thực phẩm kịp thời vụ, nhất là nông sản thực phẩm xuất khẩu theo nghĩa vụ cam kết quốc tế của Nhà nước và cung ứng cho lực lượng vũ trang.
- Ngân hàng Nhà nước cùng Bộ Nội thương xây dựng phương án thành lập ngân hàng thương nghiệp chuyên làm tín dụng cho các đơn vị bán buôn của trung ương; trước mắt làm ở 3 thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Quảng Nam - Đà Nẵng.
4- Các đơn vị cơ sở của thương nghiệp quốc doanh mở rộng chế độ hợp đồng lao động và hình thức trả lương khoán thu nhập đến nhân viên (hoặc tổ) mua, bán hàng gắn với năng suất, chất lượng lao động của cá nhân và hiệu quả kinh doanh của đơn vị theo công thức:
Quỹ lương + 3 quỹ = tổng thu - (tổng chi bao gồm cả các khoản nộp ngân sách + phần dành để bảo toàn vốn nếu có trượt giá).
5- Sắp xếp lại hệ thống tổ chức kinh doanh thương nghiệp quốc doanh không theo cấp hành chính và xoá bỏ những khâu nấc trung gian vô ích, bảo đảm hàng hoá được lưu thông thông suốt và vận động nhanh từ nơi sản xuất đến nơi tiêu dùng giảm chi phí lưu thông trên phạm vi xã hội. Bộ Nội thương cùng các ngành liên quan và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trên cơ sở những phương án có hiệu quả vững chắc, chỉ đạo chặt chẽ việc áp dụng những hình thức tổ chức kinh doanh như sau:
- Liên hiệp bán buôn + bán lẻ giữa các đơn vị do trung ương quản lý với các đơn vị do địa phương quản lý trên một khu vực hoặc một địa phương.
- Liên hiệp sản xuất + thương nghiệp trực tiếp đưa hàng từ cơ sở sản xuất đến mạng lưới bán lẻ và các hộ tiêu dùng lớn hoặc người tiêu dùng.
- Liên hiệp nhiều đơn vị sản xuất + nội thương + ngoại thương + du lịch + vận tải + ngân hàng... cùng kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên ngành trên cả nước hay ở từng khu vực.
Liên hiệp giữa đơn vị thương nghiệp quốc doanh với những đơn vị kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác với nhiều trình độ từ thấp đến cao.
Xúc tiến việc hình thành những trung tâm thương nghiệp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung, nơi phát luồng hàng bán buôn và có sức tiêu thụ lớn. Chú trọng việc tổ chức các chợ ở nông thôn, chợ phiên ở vùng biên giới.
6- Các tổ chức kinh doanh vận tải bảo đảm vận chuyển hàng hoá theo đúng hợp đồng với các tổ chức kinh doanh thương nghiệp với cước phí hợp lý, tiết kiệm.
7- Bồi dưỡng kịp thời quan điểm mới, chính sách kinh tế mới; đổi mới kiến thức quản lý và nghiệp vụ kinh doanh thương nghiệp kết hợp với việc sắp xếp, bố trí lại một cách hợp lý đội ngũ cán bộ, nhân viên trong thương nghiệp quốc doanh. Khen thưởng xứng đáng những cá nhân và tập thể có sáng kiến kinh doanh thật sự mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội; đồng thời kiên quyết loại những phần tử thoái hoá, biến chất, tiêu cực, cửa quyền, vô lễ với khách hàng ra khỏi thương nghiệp quốc doanh.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
Quyết định 183-HĐBT năm 1988 về việc giải quyết một số vấn đề nhằm đổi mới hoạt động của thương nghiệp quốc doanh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 183-HĐBT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/12/1988
- Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Võ Văn Kiệt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra