Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1822/QĐ-DN

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 1822/QĐ-DN NGÀY 5 THÁNG 11 NĂM 1990 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH MỤC, CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Quyết định số 244/QĐ-HĐNN8 ngày 31/3/1989 của Hội đồng Nhà nước về việc thành lập Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 196-HĐBT ngày 11/12/1989 của Hội đồng bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Bộ.
Xét yêu cầu quản lý thống nhất mục tiêu, chương trình đào tạo hệ chuẩn công nhân kỹ thuật trong các trường dạy nghề.
Theo đề nghị của đồng chí Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định mục tiêu, chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật" trong trường dạy nghề.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3: Các đồng chí Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Vụ trưởng các Vụ liên quan trong Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thủ trưởng các cơ quan quản lý trường của các Bộ, ngành Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, Hiệu trưởng các trường dạy nghề chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định này.

 

Trần Chí Đáo

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

MỤC TIÊU, CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1822/QĐ-DN của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

I. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

Đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý và yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề đòi hỏi phải đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo CNKT trong các trường dạy nghề.

Điều 1: Nguyên tắc xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật.

1. Đào tạo công nhân kỹ thuật là hệ chuẩn của ngành đào tạo nghề, một bộ phận cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân, kế tục bậc học phổ thông cơ sở là chủ yếu, tiếp tục giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên trở thành CNKT.

2. Công nhân kỹ thuật đào tạo theo nghề diện rộng có chuyên sâu là chủ yếu và đào tạo nghề kết hợp khi sản xuất kinh doanh có nhu cầu.

3. Đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, ổn định và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Phù hợp với cơ chế hạch toán kinh doanh, khả năng cung cấp kinh phí của Nhà nước và đóng góp của nhân dân.

4. Thuận lợi cho việc thanh tra đào tạo.

Điều 2: Nghề đào tạo và thời gian đào tạo.

1. Nghề đào tạo do "danh mục nghề đào tạo công nhân, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ" quy định.

2. Thời gian đào tạo do kế hoạch đào tạo của từng nghề quy định.

II. QUY ĐỊNH VỀ MỤC TIÊU ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

Điều 3: Giáo dục và đào tạo công nhân kỹ thuật nhằm mục tiêu:

1. Về chính trị và đạo đức:

- Giáo dục lòng yêu nước, truyền thống vẻ vang của dân tộc, về CNXH khoa học, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

- Giáo dục về quyền và nghĩa vụ công dân.

- Giáo dục đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, lao động có kỷ luật, có kỹ thuật và có chất lượng. Chuẩn bị tư tưởng cho học sinh bước vào cuộc sống lao động tự lập, có trách nhiệm với bản thân và xã hội.

2. Về năng lực nghề nghiệp:

Năng lực nghề nghiệp của người công nhân kỹ thuật chủ yếu là trình độ tay nghề, cụ thể là:

- Nắm vững kiến thức cơ bản phù hợp với định hướng sử dụng trong một lĩnh vực lao động cùng chung cơ sở khoa học và công nghệ.

- Hình thành vững chắc kỹ năng lao động cơ bản, điển hình và phổ biễn nghề diện rộng.

- Đạt chỉ tiêu chất lượng và năng suất lao động ở bậc thợ trung bình nghề chuyên sâu.

3. Về thể chất và quốc phòng:

- Rèn luyện thân thể bảo đảm sức khoẻ học tập, phù hợp với đặc trưng lao động nghề nghiệp.

- Thực hiện nghĩa vụ quốc phòng toàn dân.

Điều 4: Mục tiêu đào tạo công nhân kỹ thuật được tiến hành thông qua hệ thống các môn học:

1. Các môn chính trị, thể dục, thể thao và quân sự.

2. Các môn kỹ thuật cơ sở.

3. Các môn kỹ thuật chuyên môn và thực hành kỹ năng cơ bản.

4. Thực tập chuyên sâu.

Mỗi môn học thực hiện một số yêu cầu mục tiêu đào tạo, song yêu cầu về giáo dục chính trị và đạo đức, thể dục thể thao và an toàn lao động phải thực hiện kết hợp trong đào tạo chuyên môn.

(Các kiến thức chung về an toàn lao động được giới thiệu theo hình thức chuyên đề).

Điều 5: Môn chính trị cung cấp kiến thức định hướng cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục chính trị và đạo đức nêu ở mục 1 điều 3.

Hiệu trưởng các trường chỉ đạo việc kết hợp giáo dục chính trị chính khoá với ngoại khoá, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống học tập và hoạt động xã hội hàng ngày của học sinh.

Thời gian học môn chính trị: 60 tiết cho khoá 12 và 18 tháng, 90 tiết cho khoá 24 và 30 tháng.

Điều 6: Môn thể dục thể thao cung cấp các kỹ năng cơ bản và hình thành thói quen rèn luyện thân thể để phát triển thể lực phù hợp với đặc trưng lao động nghề nghiệp. Kết hợp thể dục thể thao chính khoá và ngoại khoá trong suốt khoá học cho học sinh.

Thời gian học môn thể dục thể thao:

40 tiết cho khoá 12 và 18 tháng.

60 tiết cho khoá 24 và 30 tháng.

Điều 7: Môn quân sự cung cấp một số kiến thức và kỹ năng quân sự phổ thông, trên cơ sở đó vận dụng vào việc xây dựng nề nếp học tập, sinh hoạt, bảo vệ trật tự an ninh nhà trường và thực hiện nghĩa vụ quốc phòng toàn dân (có thể học tập trung vào đầu năm học).

Thời gian học quân sự:

42 giờ (một tuần) cho khoá 12 và 18 tháng,

84 giờ (hai tuần) cho khoá 24 và 30 tháng.

Khoá dưới 12 tháng không học môn quân sự.

Điều 8: Các môn kỹ thuật cơ sở cung cấp các kiến thức và kỹ năng làm cơ sở cho học tập các môn kỹ thuật chuyên môn, thực hành kỹ năng cơ bản và thực tập chuyên sâu, đồng thời chuẩn bị tiềm lực cho người công nhân kỹ thuật tiếp thu kỹ thuật mới học tập nâng cao trình độ.

Nội dung các môn kỹ thuật cơ sở được xây dựng theo nhóm nghề trên cơ sở kiến thức văn hoá bậc học phổ thông cơ sở, nói chung không học thêm môn văn hoá phổ thông.

Thời gian học các môn kỹ thuật cơ sở chiếm khoảng 18- 25% thời gian học.

Điều 9: Đào tạo chuyên môn được tiến hành trong các môn học kỹ thuật chuyên môn, thực hành kỹ thuật cơ bản và thực tập chuyên sâu.

1. Môn kỹ thuật chuyên môn đào tạo:

- Kiến thức chuyên môn chung cho nhóm nghề có cùng chung cơ sở khoa học và công nghệ.

- Kiến thức chuyên môn phục vụ trực tiếp thực hành kỹ năng cơ bản và thực tập chuyên sâu.

Theo tính chất nghề nghiệp và xây dựng môn kỹ thuật chuyên môn thành những môn học lý thuyết hoặc môn kết hợp lý thuyết với thực hành kỹ năng cơ bản nghề.

2. Môn thực hành kỹ năng cơ bản đào tạo các kỹ năng cơ bản, điển hình và phổ biến của nghề, được soạn thảo thành một hệ thống bài tập cho từng nghề chuyên sâu.

3. Thực tập chuyên sâu là giai đoạn cuối cùng của đào tạo chuyên môn, giai đoạn này học sinh được rèn luyện kỹ xảo phù hợp với yêu cầu thực tế của sản xuất.

Thực tập chuyên sâu có thể tiến hành tại trường hoặc tại cơ sở sản xuất.

Thời gian đào tạo chuyên môn chiếm ít nhất là 70% thời gian đào tạo.

III. QUY ĐỊNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÔNG NHÂN KỸ THUẬT

Điều 10: Môn học là đơn vị của kế hoạch đào tạo.

1. Nội dung môn học phải đảm bảo tính cơ bản, hệ thống và thiết thực. Chú trọng lựa chọn những kiến thức và kỹ năng phù hợp với trình độ khoa học và công nghệ phổ biến, hiện đại hoá công nghệ truyền thống và nhanh chóng đưa kiến thức khoa học và công nghệ tiến tiến vào nội dung môn học.

Tuỳ theo tính chất của môn học, nội dung mỗi môn được cấu trúc thành 2 phần:

Phần cơ bản, bao gồm những kiến thức và kỹ năng dùng chung cho một nhóm nghề diện rộng,

Phần đặc thù, bao gồm những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, nâng cao hoặc mở rộng phù hợp với đặc trưng lao động của từng nghề học.

2. Chương trình môn học quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh phải đạt được sau khi học tập môn học, tên các phần và các chương mục, thời gian học, nội dung chi tiết và hướng dẫn thực hiện.

Điều 11: Danh mục môn học là phần chính của kế hoạch đào tạo, được xây dựng cho từng nhóm nghề đào tạo công nhân kỹ thuật.

Danh mục môn học quy định tên các môn học thời gian dành cho từng môn học, hướng dẫn việc thực hiện từng môn học phù hợp với đặc trưng lao động nghề nghiệp, trình độ tuyển sinh, phương pháp đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, yêu cầu của sản xuất kinh doanh v.v....

Điều 12: Thời gian đào tạo của khoá học tuỳ theo từng nghề, dài nhât là 30 tháng, ít nhất là 12 tháng, được tính bằng tuần lễ và phân phối như sau:

Khoá học

Thời gian học

Thời gian các hoạt động chung

Cộng

 

 

Khai, bế giảng

Hè, tết

Lao động dự phòng

 

12 tháng

47

0,5

3

1,5

52

18 tháng

66

0,5

10

1,5

76

24 tháng

89

0,5

12

2,5

104

30 tháng

107

0,5

20

2,5

130

1. Thời gian học do danh mục môn học quy định, bao gồm học lý thuyết, thực hành, thí nghiệm, tham quan nghề nghiệp, ôn tập và thi.

2. Thời gian học lý thuết, tính bằng tiết, mỗi tiết 45 phút. Cứ 30 - 36 tiết tính là một tuần học.

3. Thời gian học thực hành tính bằng giờ. Cứ 42-48 giờ tính là một tuần học (42 giờ đối với thực hành kỹ năng cơ bản, 48 giờ đối với thực tập chuyên sâu, nhưng không quá số giờ do Bộ Lao động - TBXH quy định cho công nhân cùng nghề với nghề học).

4. Thời gian ôn thi học kỳ và thi tốt nghiệp:

Khoá học

Ôn và thi học kỳ

Thi tốt nghiệp

12 tháng

1 tuần

1 tuần

18 tháng

2 tuần

1 tuần

24 tháng

3 tuần

2 tuần

30 tháng

4 tuần

2 tuần

4. Các môn kiểm tra tiến hành trong thời gian học của học kỳ, (không dành riêng thời gian ôn tập đối với các môn kiểm tra).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Điều 13: Việc xây dựng mục tiêu và chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật được tiến hành như sau:

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành:

- Danh mục nghề đào tạo công nhân, nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ.

- Danh mục môn học và chương trình môn học các nghề phổ biến (có văn bản công bố các nghề phổ biến).

2. Các Bộ, các địa phương (tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương ban hành danh mục môn học và chương trình môn học các nghề riêng biệt (nghề chỉ có một Bộ hoặc một địa phương đào tạo) theo sự uỷ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Thành lập Hội đồng nghề quốc gia để xem xét, đánh giá và đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và ban hành danh mục môn học và chương trình môn học nghề phổ biến.

4. Thành lập Hội đồng nghề cấp Bộ và địa phương để xem xét, đánh giá và đề nghị thủ trưởng Bộ hoặc địa phương phê duyệt và ban hành danh mục môn học và chương trình môn học nghề riêng biệt.

Điều 14: Trên cơ sở bản quy định mục tiêu, chương trình đào tạo CNKT này và bản mẫu của 2 nhóm nghề cắt gọt kim loại và vận hành xe máy, tất cả các trường nghề soát xét lại tên nghề, mục tiêu, danh mục môn học, chương trình môn học của các nghề đào tạo và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (các nghề phổ biến) các Bộ và các địa phương (các nghề riêng biệt) để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ và các địa phương tổ chức ban hành theo quy định ở điều 13.

Điều 15: Hàng năm trước khi đào tạo một khoá học, Hiệu trưởng các trường đưa vào mục tiêu, danh mục môn học và chương trình môn học nghề đào tạo đã được ban hành lập kế hoạch đào tạo khoá học (mẫu 1 giáo vụ) với chú ý:

1. Phải thực hiện đầy đủ những môn học và phần học cơ bản do danh mục môn học và chương trình môn học quy định.

2. Xác định và thuyết minh rõ những môn học và phần học đặc thù trường lựa chọn.

3. Thực hiện đúng những quy định về tổ chức quá trình giáo dục và đào tạo hiện hành.

Điều 16: Hàng năm, trước khi giảng dạy môn học giáo viên dựa vào chương trình môn học đã được ban hành, dựa vào kế hoạch đào tạo khoá học lập lịch giảng dạy với chú ý:

1. Thực hiện đầy đủ phần học cơ bản là chương trình quy định.

2. Xác định và thuyết minh rõ phần học đặc thù.

3. Xác định tài liệu giảng dạy và học tập phù hợp.

Lịch giảng dạy phải được Hiệu trưởng phê duyệt trước khi thực hiện.

Điều 17: Trên cơ sở bản quy định mục tiêu, chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật hệ chuẩn:

1. Vận dụng để đào tạo người tốt nghiệp phổ thông trung học, người tốt nghiệp PTTH được coi là người đã đến tuổi trưởng thành được đào tạo theo mục tiêu rút gọn.

- Giữ nguyên nội dung đào tạo chuyên môn nhưng thời gian học được rút ngắn từ 10 - 20% tuỳ theo từng môn học cho phù hợp với trình độ văn hóa và lứa tuổi.

- Được phép giảm bớt những nội dung và kỹ thuật cơ sở, chính trị, thể dục thể thao và quân sự đã được học ở chương trình văn hoá phổ thông trung học.

2. Có hướng dẫn riêng để xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo nhân viên kỹ thuật và nghiệp vụ.

3. Các chương trình thực nghiệm muốn được áp dụng trong các trường dạy nghề đều phải được phép của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18: Bản quy định này dùng để đào tạo công nhân kỹ thuật hệ chuẩn không kể nguồn chỉ tiêu nào. Các quy định trái với quy định này đều bãi bỏ.

Các trường không phải là trường dạy nghề mở lớp đào tạo công nhân kỹ thuật đều phải thực hiện quy định này.

Đối với các nghề chưa đưa vào danh mục nghề, các nghề có thời gian đào tạo không nằm trong quy định ở Điều 12, các tổ chức đào tạo các Bộ và địa phương trực tiếp trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng mục tiêu về chương trình đào tạo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1822/QĐ-DN năm 1990 ban hành quy định mục, chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

  • Số hiệu: 1822/QĐ-DN
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/11/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Trần Chí Đáo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/11/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản