Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 1815/1998/QĐ-UB-NC

TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 4 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ chương XIV “giải quyết tranh chấp lao động” của Bộ luật Lao động được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 05/7/1994 ;
- Căn cứ Thông tư số 02/LĐTBXH-TT ngày 08/01/1997 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quyết định số 744/TTg ngày 08/10/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh ;
- Căn cứ Quyết định số 4345/QĐ-UB-NC ngày 16/8/1997 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc thành lập Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh ;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội và của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố (tờ trình số 279/TCCQ ngày 15/12/1997) ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 .- Nay ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh kèm theo quyết định này.

Điều 2 .- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3 .- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền thành phố, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, Giám đốc các Sở-Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1815/1998/QĐ-UB-NC ngày 06/4/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức được thành lập theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố, để tổ chức việc hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể theo các nguyên tắc quy định của Bộ luật Lao động về hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Điều 2. - Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh có con dấu riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp được tổng hợp trong dự toán kinh phí hàng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

Trụ sở Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố đặt tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, số 159 Pasteur, quận 3.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Điều 3 .- Hội đồng Trọng tài Lao động có nhiệm vụ :

Tổ chức hòa giải và giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động xảy ra trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh theo đơn yêu cầu của các bên tranh chấp và sau khi Hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên của cơ quan lao động cấp quận, huyện hòa giải không thành.

Điều 4 .- Hội đồng Trọng tài có quyền :

1- Tìm hiểu vụ việc, gặp gỡ các bên tranh chấp, những người có liên quan, những người làm chứng.

2- Thu thập tài liệu, chứng cứ, yêu cầu các bên tranh chấp cung cấp đầy đủ các tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp. Trong trường hợp cần thiết, có thể mời các tổ chức giám định cho ý kiến đối với các lĩnh vực chuyên môn để làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp.

3- Yêu cầu các bên tranh chấp tới phiên họp hòa giải và giải quyết tranh chấp của Hội đồng.

4- Đưa ra phương án hòa giải để hai bên tranh chấp cùng xem xét, thương lượng.

5- Ra quyết định giải quyết tranh chấp nếu hòa giải không thành.

Chương III

TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Điều 5 .- Cơ cấu tổ chức của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh được hình thành theo số lẻ, có 09 thành viên chính thức gồm :

- Chủ tịch Hội đồng : là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội.

- Các thành viên :

+ Hai thành viên là đại diện Liên đoàn Lao động thành phố, phụ trách chính sách của Liên đoàn Lao động thành phố.

+ Hai thành viên là đại diện của những người sử dụng lao động được chọn trong số những người sử dụng lao động, do tổ chức hợp pháp của những người sử dụng lao động đề cử (Hiệp Hội công thương thành phố, Hội đồng liên minh các Hợp tác xã thành phố...).

+ Một thành viên chuyên trách làm thư ký của Hội đồng là công chức Sở Lao động-Thương binh và xã hội.

+ Ba thành viên do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đề cử là Luật gia, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội có hiểu biết về lĩnh vực lao động-xã hội, có uy tín ở địa phương.

Ngoài 09 thành viên chính thức, Sở Lao động-Thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, tổ chức đại diện của những người sử dụng lao động mỗi cơ quan cử thêm 01 thành viên dự khuyết để thay thế khi thành viên chính thức vắng mặt hoặc thay đổi theo yêu cầu của bên tranh chấp. Thành viên dự khuyết của Sở Lao động-Thương binh và xã hội là Giám đốc hoặc Phó Giám đốc thay thế khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.

Điều 6 .- Thành viên chuyên trách làm thư ký Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh hưởng phụ cấp chức vụ Trưởng phòng Sở hệ số 0,40.

Các thành viên khác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Khi tham gia các cuộc họp của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh để hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng 15.000 đồng/người cho một cuộc họp.

Các thành viên của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh được Sở Lao động-Thương binh và xã hội cung cấp thông tin về các quy định của pháp luật lao động, được dự các lớp bồi dưỡng về pháp luật lao động do cơ quan Lao động-Thương binh và xã hội tổ chức.

Điều 7 .- Chủ tịch và các thành viên chính thức, các thành viên dự khuyết của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và xã hội và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố sau khi đã thống nhất ý kiến với các tổ chức có thành viên tham gia Hội đồng Trọng tài Lao động.

Điều 8 .- Khi có nhu cầu Hội đồng Trọng tài Lao động được tuyển lao động giúp việc cho Hội đồng Trọng tài Lao động theo chế độ hợp đồng lao động.

Chương IV

NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG TRỌNG TÀI LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Điều 9 .- Nhiệm kỳ của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh là 03 năm.

Điều 10 .- Khi Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố họp để hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tập thể, số thành viên có mặt của Hội đồng phải quá bán lẻ và nhất thiết phải có thành viên của :

- Sở Lao động-Thương binh và xã hội thành phố,

- Liên đoàn Lao động thành phố,

- Đại diện của những người sử dụng lao động.

Trường hợp có thành viên xin vắng mặt tại cuộc Hội đồng thì thành viên đó phải báo cáo với Chủ tịch Hội đồng. Trong trường hợp một hoặc cả hai bên tranh chấp có yêu cầu thay đổi thành viên nào đó của Hội đồng trọng tài Lao động thì phải có đơn nêu rõ lý do gởi Hội đồng ít nhất 03 ngày trước khi Hội đồng tiến hành hòa giải giải quyết tranh chấp để Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động sẽ xem xét và quyết định.

Thành viên thay thế được chọn trong số thành viên dự khuyết của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố.

Điều 11 .- Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố quyết định theo nguyên tắc đa số bằng cách bỏ phiếu kín.

Điều 12 .- Thủ tục và ngôn ngữ giải quyết tranh chấp :

1- Đơn đề nghị hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, biên bản hòa giải thành và các quyết định của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố phải sử dụng theo mẫu quy định của Bộ Lao động-Thương binh và xã hội.

2- Tiếng nói, chữ viết dùng trong quá trình hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại Hội đồng Trọng tài Lao động là tiếng Việt. Trong trường hợp một hoặc hai bên tranh chấp không sử dụng được tiếng Việt thì các bên tranh chấp tự thỏa thuận việc mời phiên dịch và chi phí cho phiên dịch.

Trong trường hợp hai bên tranh chấp có yêu cầu, Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố sẽ mời người phiên dịch ; chi phí cho người phiên dịch do hai bên tranh chấp tự thỏa thuận.

Điều 13 .- Trình tự hòa giải và giải quyết tranh chấp :

1- Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của các bên tranh chấp, Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố phải họp để tiến hành hòa giải và giải quyết tranh chấp tập thể. (Trong trường hợp bình thường, không có thay đổi thành viên Hội đồng Trọng tài Lao động).

2- Trước khi họp ít nhất 5 ngày thư ký Hội đồng có trách nhiệm cung cấp cho các thành viên của Hội đồng, đại diện của hai bên tranh chấp ; đơn, tài liệu, các chứng cứ liên quan đến vụ tranh chấp và thông báo danh sách các thành viên Hội đồng tham gia giải quyết vụ tranh chấp, thời gian, địa điểm họp của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố.

3- Khi Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố tiến hành hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, đại diện được ủy quyền của hai bên tranh chấp lao động phải có mặt, nếu một trong hai bên tranh chấp vắng mặt lần thứ hai (theo giấy triệu tập) mà không có lý do chính đáng Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố vẫn họp và ra quyết định giải quyết tranh chấp. Bên vắng mặt có trách nhiệm phải thi hành quyết định giải quyết tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố mời đại diện công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở và đại diện cơ quan Nhà nước hữu quan tham dự phiên họp.

Điều 14 .- Các bước tiến hành trong phiên họp hòa giải :

1- Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố hoặc thành viên thay thế khi Chủ tịch Hội đồng vắng mặt nêu lên mục đích, ý nghĩa của cuộc họp và giới thiệu thành phần tham dự cuộc họp.

2- Các bên tranh chấp trình bày ý kiến.

3- Thư ký Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố trình bày các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được và dự thảo phương án hòa giải.

4- Ý kiến của các thành viên Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố về dự thảo phương án hòa giải do thư ký Hội đồng trình bày.

5- Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố kết luận phương án hòa giải để các bên tranh chấp xem xét.

Trong trường hợp hai bên tranh chấp đồng ý phương án hòa giải do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố đưa ra thì lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố và của hai bên tranh chấp. Hai bên tranh chấp có nghĩa vụ chấp hành các thỏa thuận được ghi trong biên bản hòa giải thành.

Trong trường hợp hòa giải không thành thì Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố chuyển sang giải quyết vụ tranh chấp.

Điều 15 .- Trình tự giải quyết tranh chấp của Hội đồng Trọng tài Lao động :

1- Việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố được thực hiện trong cùng phiên họp ngay sau khi thực hiện việc hòa giải không thành.

2- Thư ký Hội đồng Trọng tài Lao động dự thảo quyết định giải quyết và Hội đồng Trọng tài Lao động họp riêng (không có sự tham dự của hai bên tranh chấp) để thảo luận và biểu quyết bằng phiếu kín.

3- Quyết định giải quyết có giá trị khi số phiếu biểu quyết chiếm đa số (trên 50%) trong số thành viên Hội đồng Trọng tài Lao động có mặt.

4- Sau khi có quyết định, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động thông báo ngay cho hai bên tranh chấp biết. Nếu hai bên không có ý kiến thì quyết định đó đương nhiên có hiệu lực thi hành. Trường hợp tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng Trọng tài Lao động thì có quyền thực hiện theo quy định tại điều 172 của Bộ luật Lao động cụ thể là :

- Trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng Trọng tài Lao động thì có quyền yêu cầu Tòa Lao động giải quyết hoặc đình công.

- Trong trường hợp người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng Trọng tài Lao động thì có quyền yêu cầu Tòa Lao động thành phố xét lại quyết định của Hội đồng Trọng tài Lao động. Việc người sử dụng lao động yêu cầu Tòa Lao động thành phố xét lại quyết định của Hội đồng Trọng tài Lao động không cản trở quyền đình công của tập thể lao động.

Việc đình công phải tuân thủ các quy định tại điều 173 và 174 của Bộ luật lao động.

5- Trong trường hợp biểu quyết không chiếm đa số phiếu thì thành viên trọng tài họp lại xem xét sửa đổi giải quyết các quyết định giải quyết để tiến hành biểu quyết lại. Trong trường hợp biểu quyết lại vẫn không đạt được đa số phiếu thì tạm hoãn phiên họp để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho ý kiến chỉ đạo.

Chương V

MỐI QUAN HỆ.

Điều 16. - Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh có mối quan hệ chặt chẽ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Tòa Lao động, Phòng lao động-Thương binh và xã hội quận-huyện, Liên đoàn Lao động quận huyện và hòa giải viên cơ sở và các tổ chức hợp pháp của những người sử dụng lao động để trao đổi, thu thập thông tin tài liệu liên quan đến các vụ việc tranh chấp.

Điều 17. - Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố họp thường kỳ 6 tháng 1 lần để kiểm điểm, đánh giá nội dung kết quả hoạt động và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ; Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và xã hội.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 18 .- Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 19. - Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động có trách nhiệm thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện Chủ tịch Hội đồng Trọng tài Lao động theo dõi đề xuất bổ sung các điều khoản trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét phê duyệt.-

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1815/1998/QĐ-UB-NC về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Trọng tài Lao động thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1815/1998/QĐ-UB-NC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/04/1998
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Viết Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/04/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản