Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 180-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC LẬP QUỸ CHỐNG CÁC HÀNH VI KINH DOANH TRÁI PHÁP LUẬT 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều 39 Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính ngày 30 tháng 11 năm 1989;
Để đáp ứng yêu cầu công tác chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật trong tình hình hiện nay;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Các cơ quan Nhà nước thuộc các ngành, các cấp được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, kiểm soát thị trường chống các hành vi đầu cơ, buôn lậu hoặc vận chuyển trái pháp hàng hoá qua biên giới, buôn bán hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lậu thuế (gọi chung là hành vi kinh doanh trái pháp luật) được phép lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật.

Điều 2. Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật được lập từ các nguồn sau:

a) Trích 30% tổng số tiền thu được về bán hàng hoá, tang vật bị tịch thu và tiền phạt sau khi đã trừ đi các chi phí điều tra, xác minh, bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản, kiểm nghiệm, giám định hàng hoá, tang vật và bồi thường tổn thất do nguyên nhân khách quan.

b) Trích 2% số tiền thuế ẩn lậu đã phát hiện và truy thu được đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

c) Trích 5% số tiền thuế ẩn lậu đã phát hiện và truy thu được đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh khác.

Chỉ được phép trích lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật theo các tỷ lệ nói ở điểm a, b và c trên đây sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc có quyết định xét xử, đã thu được tiền vào ngân sách và không có khiếu nại trong thời gian pháp luật quy định.

Các trường hợp thu thuế theo định kỳ theo thông báo nộp thuế, đôn đốc nộp thuế tồn đọng hoặc phạt tiền do chậm nộp thuế thì không được phép trích để lập quỹ này.

Điều 3. Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật là quỹ tài chính quốc gia, phải gửi vào một tài khoản riêng của các cơ quan ghi tại Điều 1 mở tại kho bạc Nhà nước, và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan tài chính cùng cấp như đối với kinh phí Nhà nước cấp.

Điều 4. Quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật chỉ được chi dùng trực tiếp cho công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi kinh doanh trái pháp luật như sau:

1- Dành 25% để xét thưởng cho các cá nhân có công trực tiếp chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật theo định kỳ hoặc theo từng vụ việc. Mức xét thưởng cá nhân cao nhất không quá 200.000 đồng/vụ, 600.000 đồng/tháng.

2- 65% để chi bổ sung kinh phí hoạt động chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật và mua sắm các phương tiện cần thiết phục vụ công tác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3- Trích 10% nộp lên cơ quan quản lý ngành cấp trên để lập quỹ chống hành vi kinh doanh trái pháp luật của ngành.

Cuối năm phải quyết toán quỹ trên với cơ quan tài chính.

Điều 5. Các khoản thu về bán hàng hoá, tang vật tạm giữ hoặc tịch thu, các loại tiền phạt, tiền thuế ẩn lậu của vụ vi phạm đều phải gửi vào một tài khoản tạm giữ của cơ quan thuế mở tại kho bạc Nhà nước. Riêng các vụ việc do ngành Hải quan trực tiếp kiểm tra, phát hiện thì các khoản tiền thu được gửi vào tài khoản tạm giữ của ngành Hải quan mở tại kho bạc Nhà nước.

Cơ quan thuế căn cứ vào quyết định xử lý các vụ vi phạm, số tiền đã nộp vào tài khoản tạm giữ và các quy định tại Điều 2, Điều 3 và Điều 4 Quyết định này để trích lập quỹ cho các cơ quan liên quan. Sau khi trích lập quỹ, số tiền còn lại phải chuyển toàn bộ từ tài khoản tạm giữ vào ngân sách Nhà nước.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và bãi bỏ các quy định: Chỉ thị số 230-CT ngày 7-9-1989; Chỉ thị số 133-CT ngày 5-5-1990; Chỉ thị số 388-CT ngày 10-11-1990; Chỉ thị số 405-CT ngày 19-11-1990 và các quy định khác trái với Quyết định này.

Những vụ vi phạm đã phát hiện trước khi có Quyết định này nhưng chưa được xử lý thì áp dụng việc trích lập quỹ và xét thưởng theo Quyết định này.

Điều 7. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc thi hành quyết định này.

Điều 8. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 180-TTg năm 1992 về việc lập quỹ chống các hành vi kinh doanh trái pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 180-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/12/1992
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản