Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 18/2014/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 07 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 302/TTr-KHCN ngày 16/6/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân công trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành ở tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp)
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, VP5, VP6, VP7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Dung

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 07/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) trong hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng với các Sở, ngành có chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, UBND cấp huyện và các tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Chương II

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Mục 1. TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 3. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh;

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh;

4. Chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng có liên quan đến an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, thiết bị đo lường và hàng hóa khác, trừ hàng hóa thuộc trách nhiệm của các bộ quản lý ngành theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản pháp luật có liên quan.

5. Là cơ quan thường trực của Hội đồng sơ tuyển Giải thưởng Chất lượng quốc gia tỉnh; có trách nhiệm tổ chức đánh giá, đề xuất hình thức khen thưởng cấp quốc gia, cấp tỉnh đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

6. Theo dõi, đôn đốc các Sở, ngành, UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực được phân công, phân cấp; là đầu mối tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại địa phương cho Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.

7. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan trực tiếp giúp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Điều 4. Trách nhiệm quản lý của các Sở, ngành

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành;

2. Tổ chức và chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo lĩnh vực được phân công;

3. Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực được phân công phụ trách;

4. Phân công nhiệm vụ cho một đơn vị thuộc Sở, ngành mình phụ trách làm đầu mối trong việc liên hệ, phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Sở, ngành.

5. Định kỳ 6 tháng và một năm, hoặc đột xuất (theo yêu cầu) gửi báo cáo kết quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc quản lý của ngành về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.

6. Hàng năm lập kế hoạch hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào kế hoạch chung của đơn vị.

Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan

1. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các Sở, ngành trong công tác kiểm tra, phổ biến, tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có trách nhiệm phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật và thông tin về hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 6. Trách nhiệm của UBND cấp huyện

1. Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn.

2. Tham gia các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo thẩm quyền.

3. Phân công nhiệm vụ cho một phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện làm đầu mối liên hệ, phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn.

4. Định kỳ 6 tháng và một năm, hoặc đột xuất (theo yêu cầu) gửi báo cáo kết quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ.

5. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm như sau:

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn;

b) Tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của của các tổ chức, cá nhân và xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn theo phân cấp quản lý;

c) Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Mục 2. PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỐI VỚI SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 7. Đối với chất lượng sản phẩm trong sản xuất

1. Sở Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Y dược cổ truyền; sức khỏe của cộng đồng; vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt, nước khoáng thiên nhiên; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;

b) Khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, giải phẫu thẩm mỹ;

c) Thuốc chữa bệnh cho người, mỹ phẩm;

d) Trang thiết bị y tế, công trình y tế.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Giống cây trồng, giống vật nuôi; nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; gia súc, gia cầm, vật nuôi;

b) Vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; phân bón; thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi;

c) Sản phẩm, dịch vụ trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản, lâm sản, thủy sản, muối;

d) Phụ gia, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, động vật;

e) Công trình thủy lợi, đê điều;

f) Dụng cụ đánh bắt thủy sản, các thiết bị đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn trong ngành thủy sản.

3. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Các loại phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải;

b) Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không;

c) Dịch vụ trong lĩnh vực giao thông, vận tải.

4. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Công trình xây dựng dân dụng, nhà ở và công sở;

b) Vật liệu xây dựng;

c) Kiến trúc, quy hoạch xây dựng bao gồm: quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

d) Hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

e) Dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng.

5. Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp;

b) Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

c) Thép (trừ thép làm cốt bê tông);

d) Điện và năng lượng;

e) Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác theo quy định của pháp luật;

f) An toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì, chai đựng thuộc phạm vi quản lý;

g) Dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại;

h) Thương mại điện tử.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người lao động;

b) Các sản phẩm đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật;

c) Các công trình vui chơi công cộng;

d) Dịch vụ trong lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội.

7. Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Sản phẩm báo chí; xuất bản phẩm, bưu chính và chuyển phát;

b) Thiết bị viễn thông, công trình viễn thông;

c) Mạng lưới, công trình, sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, điện tử và công nghệ thông tin;

d) Tần số vô tuyến điện và thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện;

e) Dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường;

b) Khí tượng thủy văn;

c) Đo đạc bản đồ;

d) Dịch vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

9. Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Thiết bị dạy học, cơ sở vật chất, đồ chơi cho trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật;

b) Dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

10. Sở Tài chính chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Các sản phẩm liên quan đến dự trữ quốc gia, kinh doanh xổ số, hoạt động chứng khoán;

b) Dịch vụ bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, thẩm định giá, hải quan.

11. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Ấn phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật;

b) Công trình thể thao; trang thiết bị, dụng cụ luyện tập, thi đấu của các cơ sở thể dục thể thao và của các môn thể thao.

12. Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Tiền tệ, hoạt động ngân hàng, hoạt động ngoại hối và bảo hiểm tiền gửi;

b) Các thiết bị chuyên dùng cho ngân hàng.

13. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

Phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.

14. Công an tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

Dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại sản phẩm khác sử dụng cho lực lượng Công an nhân dân không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.

15. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các sản phẩm

a) Thiết bị an toàn bức xạ hạt nhân; các nguồn phóng xạ; phương tiện, dụng cụ đo lường; xăng dầu; khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG); thiết bị điện, điện tử; đồ chơi trẻ em; mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy; thép làm cốt bê tông; vàng trang sức, mỹ nghệ;

b) Các sản phẩm, hàng hóa khác (trừ các sản phẩm đã nêu tại các điểm 1 đến 14 của Khoản này và các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia).

Điều 8. Đối với chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng có khả năng gây mất an toàn

1. Sở Y tế chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng với các hàng hóa là dược phẩm, vắc xin, sản phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc cho người, hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng với các hàng hóa là cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công trình thủy lợi, đê điều.

3. Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng với các hàng hóa là phương tiện giao thông vận tải, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công vận tải chuyên dùng, phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển, công trình hạ tầng giao thông.

4. Sở Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng với các hàng hóa là thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hóa chất (trừ hóa chất dùng trong gia dụng và y tế), vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí (trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển);

5. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng với các hàng hóa là công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật;

6. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng với các hàng hóa là thiết bị áp lực, thiết bị nâng và các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành; phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người lao động và các máy thiết bị đặc thù khác theo quy định của pháp luật.

7. Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng với các hàng hóa liên quan đến an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân; thiết bị đo lường; xăng dầu; khí dầu mỏ hóa lỏng; thiết bị điện, điện tử; đồ chơi trẻ em; mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy; thép làm cốt bê tông; vàng trang sức, mỹ nghệ và sản phẩm hàng hóa khác (trừ các sản phẩm đã nêu tại các điểm từ 1 đến 6 của Khoản này và các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia).

Chương III

PHỐI HỢP TRONG KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 9. Nguyên tắc, hình thức, nội dung phối hợp kiểm tra thực hiện theo quy định tại Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Các Sở, ngành chỉ đạo cơ quan kiểm tra của Sở, ngành mình phụ trách chủ động chủ trì tổ chức, thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo trách nhiệm được phân công tại Chương I của quy định này.

2. Trường hợp kiểm tra liên ngành thì phải có sự trao đổi thống nhất giữa các cơ quan kiểm tra của các Sở, ngành về nội dung kiểm tra, địa bàn kiểm tra, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

3. Khi có đề nghị của cơ quan chủ trì kiểm tra, cơ quan phối hợp kiểm tra có trách nhiệm cử cán bộ để tham gia kiểm tra, xử lý.

4. Kết thúc mỗi đợt kiểm tra và định kỳ 6 tháng, hằng năm, cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp tình hình kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý được phân công, báo cáo Sở, ngành chủ quản và Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Tổ chức đánh giá hoạt động phối hợp

Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Điều 11. Triển khai thực hiện và sửa đổi, bổ sung Quy định

Các Sở, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy định này.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc các Sở, ngành, UBND cấp huyện báo cáo bằng văn bản về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp) xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 18/2014/QĐ-UBND về phân công trách nhiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

  • Số hiệu: 18/2014/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/07/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
  • Người ký: Lê Văn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản