Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2000/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 29 tháng 3 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ;

Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh tại kỳ họp ngày 10 và 11/01/2000 về việc đẩy mạnh phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 47 /KHĐT-XD ngày 16/3/2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Quyết định này nhằm tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh, nâng cao thêm một bước trách nhiệm của các ngành, các cấp theo nguyên tắc tập trung dân chủ, góp phần tạo ra cơ cấu kinh tế hợp lý, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Điều 2. Nội dung phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng bao gồm:

I- THẨM ĐỊNH DỰ ÁN ĐẦU TƯ.

1- Ở cấp tỉnh:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì thẩm định các dự án nhóm B, các dự án nhóm C có quy mô tương đối lớn, kết cấu tương đối phức tạp và có vai trò tác động đến phát triển kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng ở các huyện, thị xã.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định các dự án còn lại, trên cơ sở danh mục các dự án đầu tư được giao trong từng giai đoạn.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tổ chức thẩm định các dự án đầu tư: tiếp nhận hồ sơ, xem xét đủ điều kiện thẩm định, bố trí thời gian thẩm định.

2- Ở cấp huyện:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chủ trì thẩm định, hoặc có thể giao cho Phòng Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của huyện, thị xã.

Danh mục các dự án do Phòng Kế hoạch và Đầu tư các huyện, thị xã chủ trì thẩm định được Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã giao trong từng giai đoạn.

3- Đối với các dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn:

Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào từng dự án, tính chất nguồn vốn để quy định cụ thể cho cấp nào quyết định đầu tư thì cấp đó chủ trì hoặc giao cho cơ quan Kế hoạch cấp đó chủ trì thẩm định.

4- Hình thức thẩm định:

- Tổ chức cuộc họp thẩm định.

- Lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản.

- Thuê chuyên gia hoặc sử dụng chuyên gia cơ quan kế hoạch.

II- QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ.

1- Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước:

a- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư:

- Các dự án thuộc nhóm B.

- Các dự án nhóm C có mức vốn trên 500 triệu đồng.

b- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư các dự án có mức vốn dưới 500 triệu đồng.

c- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định đầu tư các dự án có mức vốn dưới 1 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách huyện, thị xã do Hội đồng nhân dân tỉnh phân cấp.

d- Theo Nghị định 52/CP thì cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư không đồng thời làm chủ đầu tư, do đó ở cấp huyện, thị xã có thể thành lập Ban quản lý các dự án xây dựng cơ bản chuyên trách hoặc căn cứ vào từng dự án cụ thể thuộc lĩnh vực nào thì giao cho phòng chuyên môn về lĩnh vực đó làm chủ đầu tư.

2- Đối với các nguồn vốn chương trình, mục tiêu:

a- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định đầu tư các công trình đầu tư bằng nguồn vốn thuộc chương trình mục tiêu như: chương trình 135, Định canh định cư, Khắc phục dân di cư tự do, Kinh tế mới, Hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, mà nguồn vốn đó Trung ương đã giao cho tỉnh.

Các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn khác ngoài các nguồn vốn trên, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quy định cụ thể đối với từng dự án.

b- Các nội dung khác về đầu tư theo chương trình 135 thực hiện các quy định theo Thông tư 416/ 1999/BKH-TC-XD-UBDTMN-TC-XD ngày 29/4/1999. Riêng chủ đầu tư thực hiện theo điểm 1.d, mục II.

Đối với các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn trên, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận danh mục, quy mô đầu tư sau khi đã thống nhất với các Sở có xây dựng chuyên ngành, cơ quan quản lý chương trình mục tiêu. Sau 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của huyện, thị xã, nếu không có văn bản chấp thuận thì coi như đã đồng ý với danh mục, quy mô mà các huyện, thị xã đề nghị.

c- Đối với chương trình kiên cố hóa kênh mương:

Thực hiện theo quyết định riêng của Ủy ban nhân dân tỉnh.

III- THIẾT KẾ KỸ THUẬT, TỔNG DỰ TOÁN.

1- Lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán hoặc dự toán từng hạng mục:

Do các tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh, có chuyên môn thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, kết quả tính toán, an toàn kết cấu, sự ổn định và thẩm mỹ của công trình.

2- Thẩm định và phê duyệt thiết kế, tổng dự toán:

a- Các dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư thì do Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt. Các dự án thuộc lĩnh vực do Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định thực hiện theo các quy định hiện hành.

b- Các dự án do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư thì do Sở Xây dựng hoặc Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định và quyết định phê duyệt.

c- Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất xây dựng cơ bản đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao vốn cho các Sở có xây dựng chuyên ngành quản lý thì:

+ Các Sở có xây dựng chuyên ngành thẩm định và quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán đối với dự án có mức vốn dưới 1 tỷ đồng.

+ Các dự án có mức vốn trên 1 tỷ đồng thực hiện theo điểm 2.a trên đây.

d- Các dự án phân cấp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định đầu tư:

+ Các phòng có xây dựng chuyên ngành thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán thuộc lĩnh vực đó và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định phê duyệt.

+ Phòng Xây dựng-Công nghiệp thẩm định thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán các dự án thuộc xây dựng dân dụng và có tính chất chung còn lại, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định phê duyệt.

+ Đối với các dự án có kết cấu phức tạp, có thể đề nghị các Sở có xây dựng chuyên ngành của tỉnh hoặc thuê chuyên gia có đủ tư cách pháp nhân và năng lực chuyên môn để thẩm định.

+ Tất cả các văn bản thẩm định và quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán phải gửi cho Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan quản lý chức năng của tỉnh.

IV- THẨM ĐỊNH VÀ THOẢ THUẬN HỒ SƠ MỜI THẦU, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT KẾT QUẢ ĐẤU THẦU XÂY LẮP, THIẾT BỊ.

Đối với các dự án nhóm C, kế hoạch đấu thầu được lập ngay khi lập dự án đầu tư khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư thì đồng thời phê duyệt kế hoạch đấu thầu.

1- Ở cấp tỉnh:

a- Thẩm định và thỏa thuận hồ sơ mời thầu xây lắp, thiết bị:

Tất cả các dự án tổ chức đấu thầu theo Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định và thỏa thuận hồ sơ mời thầu.

b- Thẩm định và phê duyệt kết quả đấu thầu xây lắp, thiết bị:

+ Tất cả các dự án đầu tư tổ chức đấu thầu theo Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định kết quả đấu thầu trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

+ Các dự án đầu tư được chỉ định thầu theo Quyết định số: 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ, giao Chủ tịch UBND huyện quyết định chỉ định thầu.

2- Ở cấp huyện:

Đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã:

+ Phòng Kế hoạch và Đầu tư các huyện, thị xã thẩm định và thỏa thuận hồ sơ mời thầu.

+ Phòng Kế hoạch và Đầu tư các huyện, thị xã thẩm định kết quả đấu thầu xây lắp, thiết bị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định phê duyệt.

Đối với những dự án phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành lập bộ phận chuyên môn giúp việc cho công tác thẩm định.

+ Các dự án được chỉ định thầu theo quy định, giao cho Phòng Kế hoạch và Đầu tư các huyện, thị xã thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định chỉ định thầu.

3- Hồ sơ và nội dung chỉ định thầu:

+ Hồ sơ xin chỉ định thầu bao gồm:

- Quyết định phê duyệt dự án đầu tư.

- Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán.

- Hồ sơ giới thiệu năng lực nhà thầu kèm theo đơn xin dự thầu.

+ Nội dung Quyết định chỉ định thầu bao gồm:

- Tên nhà thầu được chỉ định thầu.

- Giá trị xây lắp, thiết bị giao thầu.

- Thời gian thi công, cung cấp thiết bị.

- Các điều kiện khác kèm theo (nếu có).

V- THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ.

+ Các dự án đầu tư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư thì do Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá chủ trì thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt.

+ Các dự án đầu tư do Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư quyết định đầu tư thì do Giám đốc Sở Tài chính-Vật giá thẩm định và quyết định phê duyệt.

+ Các dự án đầu tư do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quyết định đầu tư thì do Trưởng Phòng Tài chính-Giá cả huyện, thị xã chủ trì thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã quyết định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính-Vật giá phối hợp với các Sở quản lý chuyên ngành theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Giám đốc Sở, Trưởng Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Dương Công Đá