Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1795/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH CƯỠNG CHẾ TIỀN THUẾ NỢ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành: các Luật thuế và các văn bản sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1965/QĐ-BTC ngày 08/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Văn phòng thuộc Tổng cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 1966/QĐ-BTC ngày 08/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục thanh tra - kiểm tra thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 1968/QĐ-BTC ngày 08/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng cục Thuế;

Cân cử Quyết định số 1969/QĐ-BTC ngày 08/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra nội bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng trực thuộc Tổng cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 1836/QĐ-BTC ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 211/QĐ-TCT ngày 12/3/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng và Văn phòng thuộc Cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 1528/QĐ-TCT ngày 03/11/2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng thuộc Cục Thuế doanh nghiệp lớn;

Căn cứ Quyết định số 110/QĐ-BTC ngày 14/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài-chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố;

Căn cứ Quyết định số 812/QĐ-BTC ngày 14/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 110/QĐ-BTC ngày 14/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố và Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố;

Căn cứ Quyết định số 245/QĐ-TCT ngày 25/3/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quy định chức năng, nhiệm vụ của các đội thuộc Chi cục Thuế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (viết tắt là Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 751/QĐ-TCT ngày 20/4/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy trình cưỡng chế nợ thuế.

Thủ trưởng các Vụ, đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Lãnh đạo Bộ Tài chính (để b/c);
- Vụ PC (BTC);
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố;
- Các Vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc TCT;
- Website Tổng cục Thuế;
- Lưu: VT, QLN (24b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Xuân Bách

 

QUY TRÌNH

CƯỠNG CHẾ TIỀN THUẾ NỢ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Phần A

QUY ĐỊNH CHUNG

I. MỤC ĐÍCH

Quy định trách nhiệm, nội dung, trình tự, thủ tục, thời gian triển khai, thực hiện thống nhất trong cơ quan thuế các cấp trong việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (sau đây gọi là cưỡng chế tiền thuế nợ) đã được quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG

Quyết định hành chính về thuế bao gồm: quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế; các thông báo ấn định thuế, quyết định ấn định thuế; thông báo tiền thuế nợ; quyết định thu hồi hoàn; quyết định gia hạn nộp thuế; quyết định nộp dần tiền thuế nợ; quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ; quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật vô xử lý vi phạm hành chính về thuế; quyết định về bồi thường thiệt hại; quyết định hành chính về thuế khác theo quy định của pháp luật.

III. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Cơ quan thuế các cấp: Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế.

2. Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Tổng cục Thuế.

3. Phòng quản lý thuế thuộc Cục Thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục Thuế; Phòng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Cục Thuế/Chi cục Thuế; đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; các đội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Chi cục Thuế (sau đây gọi tắt là bộ phận cưỡng chế nợ thuế).

4. Phòng/đội tham gia thực hiện quy trình, bao gồm các phòng/đội thực hiện chức năng, nhiệm vụ: thanh tra - kiểm tra thuế; quản lý hộ kinh doanh, cá nhân và thu khác; pháp chế; quản lý các khoản thu từ đất; đội trước bạ và thu khác; đội quản lý thuế xã, phường/liên xã phường.

5. Phòng/đội có liên quan đến công tác cưỡng chế nợ thuế, bao gồm các phòng/đội: kê khai và kế toán thuế, ấn chỉ, công nghệ thông tin, tuyên truyền - hỗ trợ và các phòng/đội khác có liên quan.

6. Công chức thuộc bộ phận cưỡng chế nợ thuế; công chức thuộc phòng/ đội tham gia thực hiện quy trình; công chức thuộc phòng/ đội có liên quan đến công tác cưỡng chế nợ thuế.

IV. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

1. Công chức được phân công thực hiện công tác cưỡng chế nợ thuế sau đây gọi tắt là “công chức”.

2. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện: sau đây gọi chung là “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

3. Các từ viết tắt

- NSNN: Ngân sách nhà nước.

- NHTM: Ngân hàng thương mại.

- KBNN: Kho bạc nhà nước.

- TCTD: Tổ chức tín dụng.

- NNT: Người nộp thuế.

- CCNT: Cưỡng chế nợ thuế.

- QĐCC: Quyết định cưỡng chế.

- CSDL: Cơ sở dữ liệu.

Phần B

QUY TRÌNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ

I. NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ

1. Đối với các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của NNT lại KBNN, NHTM, TCTD khác; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; đề nghị cơ quan Hải quan cưỡng chế bằng biện pháp Dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế được thực hiện như sau:

- Biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của NNT áp dụng đối với NNT có tài khoản tại KBNN, NHTM, TCTD khác. Trường hợp NNT là doanh nghiệp, tổ chức nhưng CSDL tại cơ quan thuế không có thông tin về tài khoản hoặc thông tin về tài khoản không chính xác thì cơ quan thuế phải thực hiện xác minh thông tin về tài khoản để thực hiện cưỡng chế.

- Biện pháp cưỡng chế Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập chỉ áp dụng đối với NNT là cá nhân được hưởng tiền lương, tiền công hoặc thu nhập từ:

Cơ quan, tổ chức mà cá nhân thuộc biên chế;

Cơ quan, tổ chức mà cá nhân ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 6 tháng trở lên;

Cơ quan, tổ chức chi trả trợ cấp hưu trí, mất sức.

- Biện pháp cưỡng chế Dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ áp dụng đối với trường hợp cơ quan thuế có đủ thông tin, tài liệu xác định NNT đang có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc đã thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ít nhất một lần trong vòng 12 tháng.

Cơ quan thuế căn cứ tình hình thực tế của NNT để áp dụng các biện pháp cưỡng chế nêu trên phù hợp, có hiệu quả.

2. Các biện pháp cưỡng chế d, đ, e, g quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế phải được thực hiện lần lượt theo trình tự từ trước đến sau, trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì chuyển sang thực hiện biện pháp tiếp theo.

3. QĐCC đối với từng NNT phải được ban hành liên tục, nối tiếp nhau.

Đối với các biện pháp cưỡng chế d, đ, e quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế, trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này mà có thông tin, điều kiện thực hiện biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo hiệu quả hơn thì cơ quan quản lý thuế đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

4. Trong thời gian từ ngày cơ quan thuế có văn bản đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đến ngày cơ quan đăng ký kinh doanh có quyết định thu hồi hoặc có văn bản về việc không thu hồi thì cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thuế.

5. Trường hợp NNT có dấu hiệu phát tán tài sản hoặc bỏ trốn thì số tiền thực hiện cưỡng chế là tổng số tiền thuế nợ của NNT.

II. QUY TRÌNH CƯỠNG CHẾ ĐỐI VỚI TỪNG BIỆN PHÁP

1. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP TRÍCH TIỀN TỪ TÀI KHOẢN, YÊU CẦU PHONG TỎA TÀI KHOẢN CỦA NNT MỞ TẠI KBNN, NHTM, TCTD KHÁC

1.1. Lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế:

- NNT có tiền thuế nợ quá 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định mà cơ quan thuế chưa thực hiện cưỡng chế.

- NNT có khoản nợ được gia hạn nhưng còn dưới 30 ngày thì hết thời gian gia hạn.

- Tổ chức bảo lãnh nộp tiền thuế cho người nộp thuế quá thời hạn quy định 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp tiền thuế ghi trên quyết định nộp dần tiền thuế nợ của cơ quan thuế mà người nộp thuế hoặc tổ chức bảo lãnh chưa nộp đủ vào NSNN.

- NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt.

Bộ phận chủ trì tham mưu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế có trách nhiệm cung cấp các quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế cho bộ phận CCNT ngay trong ngày ban hành quyết định (có thể cung cấp bản giấy hoặc bản điện tử).

- NNT đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây: Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; Thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ; Hoặc NNT đang trong thời gian bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định thu hồi.

- NNT có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

b) Lập danh sách

Hằng tháng, công chức thực hiện rà soát CSDL của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản (mẫu số 01-1/DS-TK ban hành kèm theo quy trình này).

Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 01-1/DS-TK), bộ phận cưỡng chế nợ thuế có thể phối hợp với bộ phận thanh tra - kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận có liên quan để rà soát, xác định chính xác số tiền thuế nợ của NNT.

1.2. Thu thập và xác minh thông tin của NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 01-1/DS-TK), công chức thực hiện rà soát thông tin về tài khoản của NNT để chuẩn bị cưỡng chế:

- Trường hợp tại cơ quan thuế có đầy đủ thông tin về một hoặc một số tài khoản của NNT mà tại KBNN, NHTM, TCTD khác thì NNT được chuyển sang danh sách phải áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản (mẫu số 01-2/DS-TK ban hành kèm theo quy trình này).

- Trường hợp NNT là doanh nghiệp, tổ chức mà trên CSDL tại cơ quan thuế không có thông tin về tài khoản của NNT hoặc thông tin về tài khoản của NNT không chính xác thì công chức dự thảo và báo cáo lãnh đạo phòng/đội để trình Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc cấp phó được phân công phụ trách công tác quản lý nợ và CCNT ban hành văn bản yêu cầu NNT, KBNN, NHTM, TCTD khác cung cấp thông tin (mẫu số 01-1/CC tại phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP).

- Đối với NNT là cá nhân: Cơ quan thuế có thể thực hiện xác minh thông tin về tài khoản của NNT nếu thấy cần thiết.

b) Các thông tin cần thu thập, xác minh

- Các tài khoản mở tại KBNN, NHTM, TCTD khác: nơi mở, số tài khoản;

- Số dư trong tài khoản, thông tin khác có liên quan đến tài khoản và giao dịch qua tài khoản (nếu cần thiết).

Chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo ngày nhận được thông tin cung cấp từ các tổ chức/cá nhân, công chức phải cập nhật thông tin vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 01-1/DS-TK). Trường hợp các thông tin về tài khoản ngân hàng thu thập được chưa cập nhật trong ứng dụng quản lý thuế thì bộ phận CCNT chuyển thông tin cho bộ phận chức năng để cập nhật trên ứng dụng quản lý thuế.

1.3. Lập danh sách NNT phải cưỡng chế

Trên cơ sở danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 01-1/DS-TK) và các thông tin đã thu thập, xác minh, công chức lập danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản (mẫu số 01-2/DS-TK).

Sau thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin mà người có trách nhiệm cung cấp thông tin không cung cấp hoặc cung cấp thông tin xác định NNT không có tài khoản thì công chức thực hiện tổng hợp NNT vào danh sách áp dụng biện pháp cưỡng chế khác phù hợp theo quy định.

1.4. Ban hành quyết định cưỡng chế

a) Căn cứ vào danh sách NNT phải cưỡng chế (mẫu số 01-2/DS-TK), công chức thực hiện:

a1) Dự thảo QĐCC (mẫu số 01/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Lệnh thu NSNN), kèm theo các hồ sơ:

- Tờ trình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nêu rõ diễn biến quá trình đôn đốc NNT;

- Thông báo tiền thuế nợ (mẫu số 01/TTN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC) tại thời điểm gần nhất hoặc các quyết định hành chính về thuế khác;

- Văn bản xác minh thông tin (nếu có);

- Văn bản cung cấp thông tin của NNT hoặc của các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có);

- Tài liệu chứng minh NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn (nếu có);

- Văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Trường hợp NNT có mở tài khoản tại nhiều TCTD, KBNN khác nhau thì công chức trình Thủ trưởng cơ quan thuế dự thảo QĐCC trích tiền từ tài khoản đối với một tài khoản hoặc nhiều tài khoản. Trường hợp cần thiết phải phong tỏa đối với các tài khoản còn lại của NNT thì công chức đồng thời dự thảo quyết định yêu cầu TCTD, KBNN phong tỏa tài khoản của NNT (số tiền bị phong tỏa tương ứng với số tiền bị cưỡng chế).

a2) Báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế để ký, ban hành QĐCC.

b) Sau khi nhận được dự thảo QĐCC, lệnh thu ngân sách nhà nước kèm theo hồ sơ đầy đủ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành QĐCC đảm bảo đúng thời điểm theo quy định:

- Sau ngày thứ 90 kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế hoặc hết thời hạn nộp dần tiền thuế nợ;

- Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế;

- Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế);

- Ngay trong ngày nhận được đầy đủ thông tin, tài liệu về việc người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

- Ngay sau ngày có thông tin, điều kiện để thực hiện đồng thời biện pháp cưỡng chế này.

1.5. Gửi và công khai quyết định cưỡng chế

- Quyết định cưỡng chế kèm theo Lệnh thu ngân sách nhà nước được gửi cho NNT bị cưỡng chế, KBNN, NHTM, TCTD khác nơi NNT bị cưỡng chế mở tài khoản ngay trong ngày ban hành QĐCC.

Hình thức gửi thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 31 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

- Cơ quan thuế có trách nhiệm đăng tải thông tin về NNT bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

Trường hợp thực hiện ký điện tử QĐCC thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế tự động công khai các thông tin theo mẫu số 01/CKCC ban hành kèm theo quy trình này.

Trường hợp không thực hiện ký điện tử QĐCC, công chức thực hiện nhập thông tin trên QĐCC vào hệ thống để công khai.

1.6. Tổ chức thực hiện

Trong thời gian QĐCC có hiệu lực, công chức thực hiện theo dõi việc thi hành QĐCC, cụ thể như sau:

- Ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin về việc NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ ghi trên QĐCC; hoặc NHTM, KBNN, TCTD khác đã trích đủ số tiền trên QĐCC vào NSNN; hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế (mẫu số 08/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) gửi cho NNT, KBNN, NHTM, TCTD khác để chấm dứt thực hiện cưỡng chế.

Khi NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN, trường hợp ứng dụng quản lý thuế chưa cập nhật kịp thời số tiền đã nộp của NNT thì cơ quan thuế căn cứ vào một trong các chứng từ sau để chấm dứt hiệu lực của QĐCC: Chứng từ nộp có xác nhận của KBNN, TCTD hoặc tổ chức được phép ủy nhiệm thu thuế; Chứng từ điện tử nộp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

- Trường hợp hết hiệu lực của QĐCC mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN thì công chức thực hiện biện pháp cưỡng chế khác phù hợp.

2. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP KHẤU TRỪ MỘT PHẦN TIỀN LƯƠNG HOẶC THU NHẬP

2.1. Lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế:

NNT là cá nhân có tiền thuế nợ được hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập từ cơ quan, tổ chức mà cá nhân thuộc biên chế hoặc cơ quan, tổ chức mà cá nhân ký hợp đồng lao động có thời hạn từ 6 tháng trở lên hoặc cơ quan, tổ chức chi trả trợ cấp hưu trí, mất sức thuộc một trong các trường hợp sau:

- Cá nhân không mở tài khoản tại KBNN, NHTM, TCTD khác hoặc cơ quan thuế đã gửi văn bản xác minh thông tin về tài khoản nhưng NNT bị cưỡng chế, KBNN, NHTM, TCTD khác không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin.

- Cá nhân có mở tài khoản tại KBNN, NHTM, TCTD khác, cơ quan thuế đã ban hành QĐCC trích tiền từ tài khoản nhưng đến ngày lập danh sách số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN.

- Cá nhân đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây: Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; Thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ; Hoặc NNT đang trong thời gian bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định thu hồi.

- Cá nhân có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

b) Lập danh sách

Hằng tháng, công chức thực hiện rà soát CSDL của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập (mẫu số 02-1/DS-TL ban hành kèm theo quy trình này).

Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 02-1/DS-TL), bộ phận cưỡng chế nợ thuế có thể phối hợp với bộ phận thanh tra - kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận có liên quan để rà soát, xác định chính xác số tiền thuế nợ của NNT.

2.2. Thu thập và xác minh thông tin của NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Các thông tin cần thu thập, xác minh

- Tên, mã số thuế, địa chỉ của cơ quan, tổ chức chi trả.

- Tên, mã số thuế, tiền lương, thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế.

b) Các hình thức thu thập, xác minh thông tin

- Công chức thực hiện khai thác trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 02-1/DS-TL).

- Đối với các trường hợp thông tin chưa đầy đủ:

Đề nghị các bộ phận kê khai và kế toán thuế, thanh tra kiểm tra và các bộ phận liên quan cung cấp (nếu cần thiết).

Gửi văn bản yêu cầu NNT bị cưỡng chế, tổ chức chi trả cung cấp thông tin theo mẫu số 02/XM-TL ban hành kèm theo quy trình này.

Trong ngày nhận được thông tin cung cấp từ các tổ chức, cá nhân, công chức phải cập nhật thông tin vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 02-1/DS-TL).

2.3. Lập danh sách NNT phải cưỡng chế

- Trên cơ sở danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu 02-1/DS-TL) và các thông tin đã thu thập, xác minh, công chức lập danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập (mẫu số 02-2/DS-TL ban hành kèm theo quy trình này).

- Trường hợp sau thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin, nếu cá nhân thuộc đối tượng bị cưỡng chế nợ thuế, tổ chức chi trả không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ thì công chức thực hiện biện pháp cưỡng chế khác phù hợp.

Trường hợp cơ quan, tổ chức quản lý tiền lương, thu nhập của NNT bị cưỡng chế có thông báo về việc chưa khấu trừ đủ số tiền thuế theo quyết định cưỡng chế nhưng hợp đồng lao động của NNT bị cưỡng chế đã chấm dứt thì công chức dự thảo tờ trình và hồ sơ kèm theo trình lãnh đạo đơn vị chuyển sang biện pháp khác phù hợp theo quy định.

2.4. Ban hành quyết định cưỡng chế

a) Căn cứ vào danh sách NNT phải cưỡng chế (mẫu số 02-2/DS-TL), công chức thực hiện:

a1) Dự thảo QĐCC (mẫu số 02/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP), kèm theo các hồ sơ:

- Tờ trình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nêu rõ diễn biến quá trình đôn đốc và áp dụng các biện pháp CCNT;

- Thông báo tiền thuế nợ (mẫu số 01/TTN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC) tại thời điểm gần nhất hoặc các quyết định hành chính thuế khác;

- Văn bản xác minh thông tin (nếu có);

- Văn bản cung cấp thông tin từ cơ quan chi trả, cá nhân bị cưỡng chế (nếu có);

- Tài liệu chứng minh NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn (nếu có);

- Quyết định cưỡng chế đã ban hành (nếu có);

- Văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

a2) Báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế để ký, ban hành QĐCC.

b) Sau khi nhận được dự thảo QĐCC kèm theo hồ sơ đầy đủ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành QĐCC đảm bảo đúng thời điểm theo quy định:

- Ngay sau ngày hết thời hiệu của quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của cá nhân bị cưỡng chế.

- Ngay sau ngày có thông tin, điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế này hoặc đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

2.5. Gửi và công khai quyết định cưỡng chế

- Quyết định cưỡng chế được gửi cho cá nhân bị cưỡng chế; cơ quan, tổ chức chi trả tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; các cơ quan, tổ chức có liên quan ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế.

Hình thức gửi thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 32 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

- Cơ quan thuế có trách nhiệm đăng tải thông tin về NNT bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

Trường hợp thực hiện ký điện tử QĐCC thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế tự động công khai các thông tin theo mẫu số 01/CKCC ban hành kèm theo quy trình này.

Trường hợp không thực hiện ký điện tử QĐCC, công chức thực hiện nhập thông tin trên QĐCC vào hệ thống ứng dụng quản lý thuế để công khai.

2.6. Tổ chức thực hiện

Trong thời gian QĐCC có hiệu lực, công chức thực hiện theo dõi việc thi hành QĐCC, cụ thể như sau:

- Ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin về việc NNT bị cưỡng chế hoặc tổ chức chi trả đã nộp đủ số tiền thuế nợ ghi trên QĐCC; hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế (mẫu số 08/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) gửi cho NNT, tổ chức chi trả để chấm dứt thực hiện cưỡng chế.

Khi NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN, trường hợp ứng dụng quản lý thuế chưa cập nhật kịp thời số tiền đã nộp của NNT thì cơ quan thuế căn cứ vào một trong các chứng từ sau để chấm dứt hiệu lực của QĐCC: Chứng từ nộp có xác nhận của KBNN, TCTD hoặc tổ chức được phép ủy nhiệm thu thuế; Chứng từ điện tử nộp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

- Trường hợp QĐCC hết hiệu lực mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN thì công chức thực hiện biện pháp cưỡng chế khác phù hợp.

3. ĐỀ NGHỊ CƠ QUAN HẢI QUAN CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP DỪNG LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT, NHẬP KHẨU

3.1. Lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế:

NNT có tiền thuế nợ đang có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc đã thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ít nhất một lần trong vòng 12 tháng, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- NNT không mở tài khoản tại KBNN, NHTM, TCTD khác hoặc cơ quan thuế đã gửi văn bản xác minh thông tin về tài khoản nhưng NNT bị cưỡng chế, KBNN, NHTM, TCTD khác không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin.

- NNT đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế nhưng đến ngày lập danh sách số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN.

- NNT đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây: Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; Thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ; Hoặc NNT đang trong thời gian bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định thu hồi.

- NNT có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn,

b) Lập danh sách

Hằng ngày, công chức thực hiện rà soát cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu khác do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp, xác định NNT đang có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc đã thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ít nhất một lần trong vòng 12 tháng thuộc các trường hợp theo quy định tại điểm 3.1.a nêu trên, tổng hợp vào danh sách NNT đề nghị cơ quan Hải quan áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (mẫu số 03/DS-HQ ban hành kèm theo quy trình này).

Công chức có thể khai thác thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của NNT do cơ quan Hải quan cung cấp theo Quy chế trao đổi thông tin giữa cơ quan Hải quan và cơ quan thuế (tra cứu trên Webservice, ...)

3.2. Lập và gửi văn bản đề nghị cưỡng chế

Công chức dự thảo tờ trình và văn bản đề nghị cơ quan Hải quan cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan (mẫu số 01/VBĐN ban hành kèm theo quy trình này) báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Lãnh đạo cơ quan thuế ký ban hành và gửi cơ quan Hải quan ngay trong ngày ban hành văn bản.

3.3. Theo dõi tình hình thực hiện biện pháp cưỡng chế

- Khi nhận được văn bản phản hồi của cơ quan Hải quan:

Trường hợp cơ quan Hải quan không thực hiện ngay theo đề nghị của cơ quan thuế hoặc cơ quan Hải quan đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này thì công chức thực hiện biện pháp cưỡng chế khác phù hợp theo quy định.

Trường hợp cơ quan Hải quan ban hành QĐCC theo đề nghị của cơ quan thuế, công chức cập nhật QĐCC vào hệ thống ứng dụng quản lý thuế.

- Trong thời gian QĐCC có hiệu lực, ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin về việc NNT bị cưỡng chế đã nộp đủ số tiền thuế nợ ghi trên QĐCC; hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ trình Lãnh đạo phòng/đội trình lãnh đạo cơ quan thuế ký ban hành văn bản gửi cơ quan Hải quan (mẫu số 02/TB-HQ ban hành kèm theo quy trình này) để chấm dứt việc thực hiện cưỡng chế.

4. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP NGỪNG SỬ DỤNG HÓA ĐƠN

4.1. Lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế:

NNT có tiền thuế nợ (không bao gồm NNT là cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không sử dụng hóa đơn) thuộc một trong các trường hợp sau:

- NNT không áp dụng được hoặc đã áp dụng biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản tại KBNN, NHTM, TCTD khác; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan nhưng còn dưới 30 ngày tính đến ngày hết hiệu lực của QĐCC mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN.

- NNT bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn theo đề nghị của các đơn vị khác (cơ quan Hải quan, cơ quan thuế quản lý khác địa bàn đóng trụ sở chính của NNT, cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước).

- NNT đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây: Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; Thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ; Hoặc NNT đang trong thời gian bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định thu hồi.

- NNT đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn nhưng còn dưới 30 ngày tính đến ngày hết hiệu lực của QĐCC mà số tiền bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN, cơ quan thuế chưa đủ điều kiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn có hiệu quả thì tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

- NNT có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

b) Lập danh sách

Hằng tháng, công chức thực hiện rà soát CSDL của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn (mẫu số 04-1/DS-HĐ ban hành kèm theo quy trình này).

Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 04-1/DS-HĐ), bộ phận cưỡng chế nợ thuế có thể phối hợp với bộ phận thanh tra - kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận có liên quan để rà soát, xác định chính xác số tiền thuế nợ của NNT.

4.2. Thu thập và xác minh thông tin của NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Các thông tin cần thu thập, xác minh

- Tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn.

- Số hóa đơn còn tồn đến thời điểm thu thập, xác minh thông tin (nếu có).

b) Các hình thức thu thập, xác minh thông tin

b1) Công chức thực hiện khai thác cơ sở dữ liệu ứng dụng quản lý thuế và cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 04-1/DS-HĐ).

b2) Đối với các trường hợp thông tin chưa đầy đủ:

- Đề nghị các bộ phận ấn chỉ, kê khai và kế toán thuế, thanh tra - kiểm tra hoặc các bộ phận có liên quan cung cấp thông tin (nếu cần thiết).

- Gửi văn bản yêu cầu NNT bị cưỡng chế cung cấp thông tin theo mẫu 04/XM-HĐ ban hành kèm theo quy trình này.

Trong ngày nhận được thông tin do các tổ chức/ cá nhân cung cấp, công chức phải cập nhật thông tin vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 04-1/DS-HĐ).

b3) Trường hợp sau thời hạn yêu cầu cung cấp thông tin mà tổ chức/cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ về việc sử dụng hóa đơn thì công chức căn cứ vào dữ liệu hóa đơn do cơ quan thuế quản lý để thực hiện cưỡng chế.

4.3. Lập danh sách NNT phải cưỡng chế

Trên cơ sở danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu 04-1/DS-HĐ) và các thông tin đã thu thập, xác minh, công chức lập danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn (mẫu 04-2/DS-HĐ ban hành kèm theo quy trình này).

4.4. Ban hành quyết định cưỡng chế

a) Căn cứ vào danh sách NNT phải cưỡng chế (mẫu số 04-2/DS-HĐ), công chức thực hiện:

a1) Dự thảo QĐCC theo mẫu số 04/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn theo mẫu số 04-1/CC ban hành kèm theo Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, kèm theo các hồ sơ:

- Tờ trình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nêu rõ diễn biến quá trình đôn đốc và áp dụng các biện pháp CCNT;

- Thông báo tiền thuế nợ (mẫu số 01 /TTN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC) tại thời điểm gần nhất hoặc các quyết định hành chính thuế khác;

- Văn bản xác minh thông tin (nếu có);

- Văn bản cung cấp thông tin của NNT hoặc của các bộ phận và cá nhân có liên quan (nếu có);

- Tài liệu chứng minh NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn (nếu có);

- Quyết định cưỡng chế đã ban hành (nếu có);

- Văn bản đề nghị của cơ quan Hải quan, cơ quan thuế quản lý khác địa bàn đóng trụ sở chính của NNT, cơ quan thuế quản lý khoản thu ngân sách nhà nước (nếu có);

- Văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Trường hợp NNT sử dụng hóa đơn điện tử thì tại dự thảo Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn và Thông báo tiếp tục sử dụng hóa đơn, công chức căn cứ dữ liệu về hóa đơn điện tử tại cơ quan thuế để điền các thông tin: ký hiệu mẫu, ký hiệu hóa đơn, từ số, ...(nếu có).

a2) Báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế để ký, ban hành QĐCC.

b) Sau khi nhận được dự thảo QĐCC và Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn kèm theo hồ sơ đầy đủ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành QĐCC đảm bảo đúng thời điểm theo quy định:

- Ngay sau ngày hết hiệu lực của QĐCC trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế; QĐCC khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập đối với cá nhân (nếu có); QĐCC dừng làm thủ tục hải quan (nếu có); QĐCC ngừng sử dụng hóa đơn (nếu có).

- Ngay sau ngày có thông tin, điều kiện để đồng thời thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

- Ngay trong ngày nhận được đầy đủ thông tin, tài liệu về việc người nộp thuế có tiền thuế nợ, có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản.

4.5. Gửi và công khai quyết định cưỡng chế

- QĐCC và Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn được gửi cho NNT bị cưỡng chế và các tổ chức, cá nhân có liên quan ngay trong ngày ban hành QĐCC.

Hình thức gửi thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

- Ngay trong ngày QĐCC được ký và ban hành, công chức gửi QĐCC và Thông báo ngừng sử dụng hóa đơn cho bộ phận phụ trách trang thông tin điện tử của cơ quan thuế để thực hiện đăng tải lên trang thông tin điện tử của Cục Thuế và Tổng cục Thuế hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời hạn 24h kể từ khi ban hành QĐCC.

Đồng thời, thực hiện đăng tải thông tin về NNT bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

Trường hợp thực hiện ký điện tử QĐCC thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế tự động công khai các thông tin theo mẫu 01/CKCC ban hành kèm theo quy trình này.

Trường hợp không thực hiện ký điện tử QĐCC, công chức thực hiện nhập thông tin trên QĐCC vào hệ thống để công khai.

4.6. Tổ chức thực hiện

a) Trong thời gian QĐCC có hiệu lực, công chức thực hiện theo dõi việc thi hành quyết định cưỡng chế của NNT, cụ thể như sau:

- Trong thời gian thực hiện biện pháp cưỡng chế này, bộ phận “một cửa” và ấn chỉ không tiếp nhận hồ sơ Thông báo phát hành hóa đơn của tổ chức/cá nhân đang bị cưỡng chế, không cấp mã đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, không cấp hóa đơn, không bán hóa đơn cho NNT đang bị cưỡng chế (trừ trường hợp NNT có đề nghị sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh).

- Ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin về việc NNT bị cưỡng chế đã nộp hết số tiền thuế nợ ghi trên QĐCC vào NSNN; hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp hoặc cơ quan Hải quan, cơ quan thuế khác gửi văn bản thông báo việc đã hoàn thành nghĩa vụ nộp NSNN của NNT bị cưỡng chế thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế theo mẫu số 08/CC và thông báo về việc tiếp tục sử dụng hóa đơn theo mẫu số 04-2/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP. Trường hợp NNT phát sinh thêm số tiền thuế nợ phải cưỡng chế thì cơ quan thuế tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật quản lý thuế hoặc tiếp tục thực hiện pháp cưỡng chế đang áp dụng có hiệu quả.

Khi NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN, trường hợp ứng dụng quản lý thuế chưa cập nhật kịp thời số tiền đã nộp của NNT thì cơ quan thuế căn cứ vào một trong các chứng từ sau để chấm dứt hiệu lực của QĐCC: Chứng từ nộp có xác nhận của KBNN, TCTD hoặc tổ chức được phép ủy nhiệm thu thuế; Chứng từ điện tử nộp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

- Quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế và thông báo hóa đơn tiếp tục có giá trị sử dụng được gửi cho NNT ngay trong ngày ban hành và đăng tải trên trang thông tin điện tử của ngành thuế hoặc đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm 4.5 nêu trên.

b) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này, công chức có thông tin, điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo có hiệu quả thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

c) Trường hợp QĐCC hết hiệu lực mà NNT chưa nộp đủ số tiền thuế nợ vào NSNN, nếu chưa đủ thông tin, điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế tiếp theo hoặc áp dụng biện pháp cưỡng chế này có hiệu quả thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế tiếp tục áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

d) Trường hợp cơ quan Hải quan có văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý trực tiếp NNT ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của cơ quan Hải quan:

- Nếu cơ quan thuế không thực hiện được theo yêu cầu của cơ quan Hải quan, công chức dự thảo văn bản báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình lãnh đạo cơ quan thuế ký, gửi cơ quan Hải quan biết và nêu rõ lý do.

- Trường hợp cơ quan thuế thực hiện biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn theo đề nghị của cơ quan Hải quan thì cơ quan thuế gửi 01 bản QĐCC cho cơ quan Hải quan biết và phối hợp.

đ) Trường hợp NNT bị cưỡng chế là chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn tỉnh/huyện này nhưng có trụ sở chính ở địa bàn tỉnh/huyện khác; cơ quan thuế quản lý chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh không có đủ điều kiện để thực hiện cưỡng chế hoặc không thực hiện được QĐCC thì dự thảo văn bản kèm theo toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo cơ quan thuế chuyển hồ sơ của NNT đến cơ quan thuế quản lý trụ sở chính để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Trường hợp cơ quan thuế quản lý khoản thu NSNN không có đủ điều kiện để thực hiện cưỡng chế hoặc không thực hiện được QĐCC thì công chức thực hiện các bước chuyển hồ sơ của NNT đến cơ quan thuế quản lý trụ sở chính theo trình tự nêu trên.

Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị cưỡng chế, cơ quan thuế quản lý trụ sở chính gửi văn bản trả lời cơ quan thuế đề nghị về việc thực hiện hay không thực hiện cưỡng chế đối với NNT.

e) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này mà NNT có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện NNT phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng trước khi sử dụng hóa đơn. Chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo ngày nhận được văn bản đề nghị và chứng từ nộp thuế của NNT, công chức dự thảo Thông báo về việc tiếp tục sử dụng hóa đơn theo mẫu số 04-2/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (lý do: sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh) và trình Lãnh đạo cơ quan thuế ban hành thông báo về việc tiếp tục cho NNT sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh. Nếu NNT không nộp đủ ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng thì cơ quan thuế không ban hành thông báo về việc tiếp tục cho NNT được sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh cho đến khi NNT nộp đủ vào NSNN.

Đối với trường hợp NNT đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh thì việc cấp hóa đơn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ và hướng dẫn tại quy trình quản lý hóa đơn điện tử.

5. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP KÊ BIÊN TÀI SẢN, BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN KÊ BIÊN

5.1. Lập danh sách người nộp thuế chuẩn bị cưỡng chế

a) Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế:

NNT có tiền thuế nợ thuộc một trong các trường hợp sau:

- NNT không đăng ký sử dụng hóa đơn, không đặt in hóa đơn và không mua hóa đơn của cơ quan thuế (không áp dụng được biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn).

- NNT đã bị cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế Ngừng sử dụng hóa đơn nhưng còn dưới 30 ngày tính đến ngày hết hiệu lực của QĐCC mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN.

- NNT đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây: Ngừng sử dụng hóa đơn; Thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ; Hoặc NNT đang trong thời gian bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định thu hồi.

- NNT có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

b) Lập danh sách

Hằng tháng, công chức thực hiện rà soát CSDL của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên (mẫu số 05-1/DS-KB ban hành kèm theo quy trình này).

Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 05-1/DS-KB), bộ phận cưỡng chế nợ thuế có thể phối hợp với bộ phận thanh tra - kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận có liên quan để rà soát, xác định chính xác số tiền thuế nợ của NNT.

5.2. Thu thập và xác minh thông tin của NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Các thông tin cần thu thập, xác minh

- Loại tài sản, địa chỉ hiện nay của tài sản, tình trạng tài sản, quyền sở hữu của tài sản (trừ các loại tài sản đã được quy định tại khoản 3, Điều 133 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14);

- Giá trị tài sản được phản ánh trên sổ sách kế toán, kết quả sản xuất kinh doanh của NNT; hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng, cho giấy chứng nhận về quyền sở hữu tài sản.

b) Các hình thức thu thập, xác minh thông tin

- Đề nghị các bộ phận kê khai và kế toán thuế, thanh tra kiểm tra và các bộ phận liên quan cung cấp thông tin (nếu cần thiết).

- Gửi văn bản yêu cầu NNT bị cưỡng chế, cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Cơ quan đăng ký phương tiện giao thông), cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan khác cung cấp thông tin theo mẫu 05/XM-KB ban hành kèm theo quy trình này.

- Phối hợp với chính quyền địa phương nơi người nộp thuế bị cưỡng chế đóng trụ sở kinh doanh hoặc cư trú để xác minh thông tin về tài sản của NNT (nếu cần thiết).

Trong ngày nhận được thông tin cung cấp từ các tổ chức, cá nhân, công chức CCNT phải cập nhật thông tin vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu 05-1/DS-KB).

5.3. Lập danh sách NNT phải cưỡng chế

- Trên cơ sở danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu 05-1/DS-KB) và các thông tin đã thu thập, xác minh, công chức lập danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên (mẫu số 05-2/DS-KB ban hành kèm theo quy trình này).

- Trường hợp sau 05 ngày làm việc kể từ ngày gửi văn bản xác minh thông tin về tài sản của NNT mà NNT bị cưỡng chế, cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan không cung cấp thông tin hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin về tài sản hoặc trường hợp xác định số tiền thu được sau khi bán đấu giá tài sản kê biên không đủ bù đắp chi phí cưỡng chế thì công chức tổng hợp NNT vào danh sách áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác phù hợp theo quy định.

Công chức dự kiến số tiền có khả năng thu vào NSNN thông qua bán đấu giá, căn cứ vào:

Giá trị ban đầu của tài sản.

Số năm sử dụng tài sản.

Tỷ lệ khấu hao tài sản.

Giá trị thị trường của tài sản (nếu có).

- Trường hợp tài sản đã cầm cố, thế chấp hợp pháp thuộc diện bị kê biên thì cơ quan thuế gửi thông báo bằng văn bản cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ nợ NSNN của NNT và yêu cầu người nhận cầm cố, thế chấp kịp thời cung cấp hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc cầm cố, thế chấp tài sản của NNT khi NNT thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng cầm cố, thế chấp.

Công chức căn cứ vào hồ sơ, chứng từ, văn bản phản hồi của người nhận cầm cố, thế chấp để áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp theo quy định.

5.4. Ban hành quyết định cưỡng chế

a) Căn cứ vào danh sách NNT phải cưỡng chế (mẫu 05-2/DS-KB), công chức thực hiện:

a1) Dự thảo QĐCC (mẫu 05/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP), kèm theo các hồ sơ:

- Tờ trình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nêu rõ diễn biến quá trình đôn đốc và áp dụng các biện pháp CCNT;

- Thông báo tiền thuế nợ (mẫu số 01/TTN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC) tại thời điểm gần nhất hoặc các quyết định hành chính thuế khác;

- Các quyết định cưỡng chế đã ban hành;

- Văn bản xác minh thông tin, cung cấp thông tin của NNT hoặc của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có);

- Tài liệu chứng minh NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn (nếu có);

- Văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

a2) Chuyển hồ sơ cưỡng chế sang bộ phận có chức năng thẩm định (sau đây gọi tắt là bộ phận pháp chế) để thực hiện thẩm định theo đúng quy chế thẩm định văn bản hành chính do cơ quan thuế các cấp ban hành. Bộ phận pháp chế phải có ý kiến thẩm định gửi bộ phận cưỡng chế nợ thuế theo đúng thời hạn yêu cầu thẩm định.

a3) Tổng hợp ý kiến thẩm định và báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế để ký, ban hành QĐCC.

b) Sau khi nhận được dự thảo QĐCC kèm theo hồ sơ đầy đủ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành QĐCC đảm bảo đúng thời điểm theo quy định:

- Ngay sau ngày hết hiệu lực của quyết định cưỡng chế áp dụng trước đó;

- Ngay sau ngày có thông tin, điều kiện để đồng thời thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế này;

- Ngay trong ngày nhận được đầy đủ thông tin tài liệu về việc người nộp thuế có tiền thuế nợ, có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản.

5.5. Gửi và công khai quyết định cưỡng chế

a) Quyết định cưỡng chế được gửi cho tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi tổ chức đóng trụ sở hoặc nơi có tài sản kê biên hoặc cơ quan nơi người đó công tác ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế.

Quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản đối với các tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu thì phải được gửi cho các cơ quan sau:

- Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

- Cơ quan đăng ký phương tiện giao thông, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông.

- Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

Hình thức gửi quyết định cưỡng chế được thực hiện quy định tại điểm c khoản 5 Điều 35 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

b) Cơ quan thuế có trách nhiệm đăng tải thông tin về NNT bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

Trường hợp thực hiện ký điện tử QĐCC thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế tự động công khai các thông tin theo mẫu 01/CKCC ban hành kèm theo quy trình này.

Trường hợp không thực hiện ký điện tử QĐCC, công chức thực hiện nhập thông tin trên QĐCC vào hệ thống để công khai.

5.6. Tổ chức thực hiện

a) Sau khi ban hành QĐCC, người ra QĐCC hoặc người được phân công thực hiện QĐCC chủ trì việc kê biên phối hợp với các đơn vị, cá nhân liên quan (Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, người chứng kiến...) thực hiện:

a1) Lập biên bản kê biên tài sản

- Biên bản kê biên tài sản được lập theo mẫu số 05-1/BB-KB (ban hành kèm theo quy trình này).

- Biên bản kê biên được lập thành 02 bản, cơ quan ra quyết định cưỡng chế giữ 01 bản, 01 bản được giao cho tổ chức/cá nhân bị kê biên ngay sau khi lập biên bản kê biên tài sản.

a2) Giao bảo quản tài sản kê biên đồng thời niêm phong tài sản kê biên

- Tài sản kê biên được giao cho các tổ chức/cá nhân theo quy định tại điểm a, b khoản 8 Điều 35 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

- Lập biên bản giao bảo quản tài sản kê biên theo mẫu số 05-2/BB-KB và Biên bản niêm phong tài sản kê biên theo mẫu số 05-3/BB-KB (ban hành kèm theo quy trình này) ngay trong ngày lập biên bản kê biên tài sản. Biên bản được giao cho người được giao bảo quản tài sản, đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi bên giữ một bản.

a3) Định giá tài sản kê biên

- Trường hợp không phải thành lập Hội đồng định giá:

Việc định giá tài sản đã kê biên được tiến hành tại trụ sở của tổ chức, nhà của cá nhân bị kê biên hoặc nơi lưu giữ tài sản bị kê biên.

Lập biên bản thỏa thuận định giá tài sản kê biên giữa người chủ trì thực hiện quyết định cưỡng chế với đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế và chủ sở hữu chung trong trường hợp kê biên tài sản chung theo mẫu số 05-4/BB-KB (ban hành kèm theo quy trình này) không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản được kê biên.

Biên bản thỏa thuận định giá tài sản kê biên được giao cho đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế, tổ chức hoặc cá nhân có tham gia định giá và người chủ trì thực hiện cưỡng chế mỗi bên giữ một bản.

- Trường hợp thành lập Hội đồng định giá:

Các trường hợp thành lập Hội đồng định giá:

Đối với tài sản kê biên có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên thuộc loại khó định giá hoặc các bên không thỏa thuận được về giá thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tài sản bị kê biên, người ban hành quyết định cưỡng chế đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá, trong đó người ban hành quyết định cưỡng chế là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn liên quan là thành viên.

Thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá: Theo quy định tại khoản 10 Điều 35 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng định giá phải tiến hành việc định giá và lập biên bản định giá tài sản kê biên theo mẫu số 05-5/BB-KB (ban hành kèm theo quy trình này). Biên bản định giá tài sản kê biên được giao cho đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế, tổ chức hoặc cá nhân có tham gia định giá và người chủ trì thực hiện cưỡng chế mỗi bên giữ một bản.

a4) Chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản kê biên tài sản nếu người nộp thuế chưa nộp đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế thì người chủ trì thực hiện cưỡng chế thực hiện:

- Lập biên bản mở niêm phong tài sản đã kê biên theo mẫu số 05-3/BB-KB (ban hành kèm theo quy trình này). Biên bản được giao cho đại diện tổ chức hoặc cá nhân bị cưỡng chế, người chứng kiến và người chủ trì thực hiện kê biên mỗi bên giữ một bản.

- Ký hợp đồng bán đấu giá tài sản đã kê biên với các tổ chức bán đấu giá được thành lập theo quy định của pháp luật để tổ chức bán đấu giá tài sản theo quy định.

- Lập biên bản chuyển giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá (mẫu số 05-6/BB-KB ban hành kèm theo quy trình này) ngay trong ngày cơ quan thuế ký hợp đồng bán đấu giá với các tổ chức bán đấu giá. Biên bản chuyển giao tài sản kê biên được giao cho người bàn giao và người nhận bàn giao mỗi bên giữ một bản.

a5) Xử lý số tiền thu được do bán đấu giá tài sản kê biên

- Nộp tiền thuế nợ theo quyết định cưỡng chế.

- Thanh toán chi phí cưỡng chế cho tổ chức cưỡng chế.

- Trả lại cho người nộp thuế bị cưỡng chế sau khi nộp đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước và thanh toán đầy đủ chi phí cưỡng chế.

b) Trong thời gian QĐCC có hiệu lực, công chức thực hiện theo dõi việc thi hành QĐCC, cụ thể như sau:

- Ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin về việc người nộp thuế đã nộp hết số tiền thuế nợ ghi trên QĐCC; hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế (mẫu số 08/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) để chấm dứt thực hiện cưỡng chế.

Khi NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN, trường hợp ứng dụng quản lý thuế chưa cập nhật kịp thời số tiền đã nộp của NNT thì cơ quan thuế căn cứ vào một trong các chứng từ sau để chấm dứt hiệu lực của QĐCC: Chứng từ nộp có xác nhận của KBNN, TCTD hoặc tổ chức được phép ủy nhiệm thu thuế; Chứng từ điện tử nộp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

- Trường hợp QĐCC hết hiệu lực mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN thì công chức thực hiện biện pháp cưỡng chế khác theo quy định.

c) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này, công chức có thông tin, điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo có hiệu quả thì thực hiện dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế đồng thời áp dụng biện pháp cưỡng chế trước hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

6. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU TIỀN, TÀI SẢN KHÁC CỦA NNT BỊ CƯỠNG CHẾ DO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC ĐANG GIỮ

6.1. Lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế:

NNT có tiền thuế nợ thuộc một trong các trường hợp sau:

- NNT không áp dụng được biện pháp cưỡng chế Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, cụ thể:

NNT bị cưỡng chế, cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các tổ chức, cá nhân liên quan không cung cấp thông tin hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin về tài sản của NNT bị cưỡng chế.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin không có tài sản để kê biên.

Các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin về tài sản nhưng loại tài sản không thuộc diện được kê biên.

Công chức dự kiến số tiền thu được sau khi bán đấu giá tài sản kê biên không đủ bù đắp chi phí cưỡng chế.

- NNT đã áp dụng biện pháp cưỡng chế Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên nhưng còn dưới 30 ngày tính đến ngày hết hiệu lực của QĐCC mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN.

- NNT đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây: Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; Hoặc NNT đang trong thời gian bị cơ quan thuế có văn bản đề nghị cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh chưa ban hành quyết định thu hồi.

- NNT có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

b) Lập danh sách

Hằng tháng, công chức thực hiện rà soát CSDL của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ (mẫu số 06-1/DS-BT3 ban hành kèm theo quy trình này).

Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 06-1/DS-BT3), bộ phận cưỡng chế nợ thuế có thể phối hợp với bộ phận thanh tra - kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận có liên quan để rà soát, xác định chính xác số tiền thuế nợ của NNT.

6.2. Thu thập và xác minh thông tin của NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Các thông tin cần thu thập, xác minh

- Tên cơ quan thuế quản lý bên thứ 3; tên, mã số thuế của bên thứ 3.

- Loại tiền, tài sản hoặc công nợ bên thứ 3 đang nắm giữ.

- Giá trị tiền, tài sản và công nợ do bên thứ 3 đang nắm giữ.

- Tổ chức, cá nhân đang có khoản nợ đến hạn phải trả cho đối tượng bị cưỡng chế.

- Tổ chức, cá nhân, KBNN, TCTD được đối tượng bị cưỡng chế ủy quyền giữ hộ tiền, tài sản, hàng hóa, giấy tờ, chứng chỉ có giá trị hoặc cơ quan thuế có căn cứ chứng minh số tiền, tài sản, hàng hóa, giấy tờ, chứng chỉ có giá trị mà cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đó đang giữ thuộc sở hữu của đối tượng bị cưỡng chế.

b) Các hình thức thu thập, xác minh thông tin

- Đề nghị bộ phận thanh tra kiểm tra và các bộ phận có liên quan cung cấp thông tin (nếu cần thiết);

- Gửi văn bản yêu cầu NNT bị cưỡng chế và bên thứ 3 cung cấp thông tin theo mẫu số 06/XM-BT3 ban hành kèm theo quy trình này.

Trường hợp cơ quan thuế có căn cứ xác định bên thứ 3 đang có khoản nợ hoặc đang giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế mà bên thứ 3 không thực hiện việc cung cấp thông tin thi công chức dự thảo tờ trình, văn bản trình lãnh đạo đơn vị gửi cơ quan thuế quản lý bên thứ 3, để thực hiện yêu cầu phối hợp xác minh thông tin liên quan đến tiền, tài sản do bên thứ 3 đang giữ.

Trong ngày nhận được thông tin do các tổ chức, cá nhân cung cấp, công chức phải cập nhật thông tin vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 06-1/DS-BT3).

6.3. Lập danh sách NNT phải cưỡng chế

Trên cơ sở danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 06-1/DS-BT3) và các thông tin đã thu thập, xác minh, trường hợp bên thứ 3 cung cấp thông tin đang giữ tiền, tài sản hoặc đang có khoản nợ phải trả NNT bị cưỡng chế thì công chức lập danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ (mẫu số 06-2/DS-BT3 ban hành kèm theo quy trình này).

Trường hợp sau khi yêu cầu cung cấp thông tin nếu NNT bị cưỡng chế và các tổ chức, cá nhân liên quan không cung cấp thông tin; hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ; hoặc cung cấp thông tin bên thứ 3 không giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế; hoặc cung cấp thông tin chứng minh rằng không thu được số tiền phải cưỡng chế bằng biện pháp thu bên thứ ba (không có bên thứ ba; cơ quan thuế quản lý bên thứ 3 cung cấp thông tin bên thứ 3 đang bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc bên thứ 3 không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;...) thì công chức tổng hợp NNT vào danh sách áp dụng biện pháp cưỡng chế khác.

6.4. Ban hành quyết định cưỡng chế

a) Căn cứ vào danh sách NNT phải cưỡng chế (mẫu số 06-2/DS-BT3), công chức thực hiện:

a1) Dự thảo QĐCC (mẫu số 06/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP), kèm theo các hồ sơ:

- Tờ trình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nêu rõ diễn biến quá trình đôn đốc và áp dụng các biện pháp CCNT;

- Thông báo tiền thuế nợ (mẫu số 01/TTN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC) tại thời điểm gần nhất hoặc các quyết định hành chính thuế khác;

- Các quyết định cưỡng chế đã ban hành;

- Văn bản xác minh thông tin, cung cấp thông tin của NNT hoặc của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có);

- Tài liệu chứng minh NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn (nếu có);

- Văn bản, tài liệu khác có liên quan.

a2) Chuyển hồ sơ cưỡng chế sang bộ phận có chức năng thẩm định (sau đây gọi tắt là bộ phận pháp chế) để thực hiện thẩm định theo đúng quy chế thẩm định văn bản hành chính do cơ quan thuế các cấp ban hành. Bộ phận pháp chế phải có ý kiến thẩm định gửi cho bộ phận cưỡng chế nợ thuế theo đúng thời hạn yêu cầu thẩm định.

a3) Tổng hợp ý kiến thẩm định và báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế để ký, ban hành QĐCC.

b) Sau khi nhận được dự thảo QĐCC kèm theo hồ sơ đầy đủ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành QĐCC đảm bảo đúng thời điểm theo quy định:

- Ngay sau ngày hết thời hiệu của quyết định cưỡng chế áp dụng trước đó;

- Ngay sau ngày có thông tin, điều kiện để đồng thời thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế này;

- Ngay trong ngày nhận được đầy đủ thông tin, tài liệu về việc người nộp thuế có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

6.5. Gửi và công khai quyết định cưỡng chế

- QĐCC được gửi cho NNT bị cưỡng chế; Bên thứ 3 đang có khoản nợ hoặc đang giữ tiền, tài sản của NNT bị cưỡng chế; Cơ quan thuế quản lý bên thứ 3; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bên thứ 3 đóng trụ sở hoặc cư trú (để phối hợp thực hiện) ngay trong ngày ban hành quyết định cưỡng chế.

Hình thức gửi thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

- Cơ quan thuế có trách nhiệm đăng tải thông tin về NNT bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

Trường hợp thực hiện ký điện tử QĐCC thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế tự động công khai các thông tin theo mẫu số 01/CKCC ban hành kèm theo quy trình này.

Trường hợp không thực hiện ký điện tử QĐCC, công chức thực hiện nhập thông tin trên QĐCC vào hệ thống để công khai.

6.6. Tổ chức thực hiện

a) Trong thời gian QĐCC có hiệu lực, công chức thực hiện theo dõi việc thi hành QĐCC, cụ thể như sau:

- Ngay trong ngày làm việc nhận được thông tin về việc NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ ghi trên QĐCC; hoặc bên thứ 3 đã nộp thay số tiền thuế nợ bị cưỡng chế; hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định cưỡng chế (mẫu số 08/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP) gửi NNT và bên thứ 3 để chấm dứt thực hiện cưỡng chế.

Khi NNT đã nộp hết số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào NSNN, trường hợp ứng dụng quản lý thuế chưa cập nhật kịp thời số tiền đã nộp của NNT thì cơ quan thuế căn cứ vào một trong các chứng từ sau để chấm dứt hiệu lực của QĐCC: Chứng từ nộp có xác nhận của KBNN, TCTD hoặc tổ chức được phép ủy nhiệm thu thuế; Chứng từ điện tử nộp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

- Trường hợp QĐCC hết hiệu lực mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN thì công chức thực hiện biện pháp cưỡng chế khác theo quy định.

b) Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế này, công chức có thông tin, điều kiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo có hiệu quả thì công chức dự thảo tờ trình kèm toàn bộ hồ sơ báo cáo Lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trước hoặc biện pháp tiếp theo đồng thời với biện pháp cưỡng chế đang áp dụng.

c) Trường hợp tổ chức, cá nhân đang có khoản nợ hoặc đang giữ tiền, tài sản của NNT bị cưỡng chế không thực hiện nộp thay số tiền thuế bị cưỡng chế thì công chức dự thảo tờ trình và văn bản đề nghị cơ quan thuế quản lý bên thứ 3 thực hiện áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế.

7. CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH

7.1. Lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Cơ sở để lập danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế:

NNT có tiền thuế nợ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- NNT không áp dụng được biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản khác do bên thứ 3 đang giữ: Đã xác minh thông tin nhưng đối tượng bị cưỡng chế và các tổ chức, cá nhân liên quan không cung cấp thông tin; hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ; hoặc cung cấp thông tin bên thứ 3 không giữ tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế; hoặc cung cấp thông tin chứng minh rằng không thu được số tiền phải cưỡng chế bằng biện pháp thu bên thứ 3.

- NNT đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu tiền, tài sản khác do bên thứ 3 đang giữ nhưng còn dưới 30 ngày tính đến ngày hết hiệu lực của QĐCC mà số tiền thuế nợ bị cưỡng chế chưa được nộp đủ vào NSNN.

- NNT đang bị cơ quan thuế áp dụng một trong các biện pháp cưỡng chế sau đây: Ngừng sử dụng hóa đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; Thu tiền, tài sản khác do bên thứ ba đang giữ.

- NNT có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

b) Lập danh sách

Hằng tháng, công chức thực hiện rà soát CSDL của cơ quan thuế và các văn bản, tài liệu do các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp để cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (mẫu số 07-1/DS-GP ban hành kèm theo quy trình này).

Căn cứ danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 07-1/DS-GP), bộ phận cưỡng chế nợ thuế có thể phối hợp với bộ phận thanh tra - kiểm tra, bộ phận quản lý các khoản thu về đất và các bộ phận có liên quan để rà soát, xác định chính xác số tiền thuế nợ của NNT.

7.2. Thu thập và xác minh thông tin của NNT chuẩn bị cưỡng chế

a) Các thông tin cần thu thập, xác minh

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (loại giấy tờ đề nghị thu hồi, số, ngày tháng năm ban hành, ...)

- Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Các thông tin khác (nếu có).

b) Các hình thức thu thập, xác minh thông tin

b1) Công chức thực hiện khai thác trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cập nhật vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 07-1/DS-GP).

b2) Đối với các trường hợp thông tin trên CSDL của cơ quan thuế; Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chưa đầy đủ hoặc có sai lệch thì bộ phận cưỡng chế nợ thuế đề nghị bộ phận kê khai và kế toán thuế, bộ phận thanh tra - kiểm tra và các bộ phận, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin.

Trong ngày nhận được thông tin cung cấp từ các tổ chức, cá nhân, công chức phải cập nhật thông tin vào danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 07-1/DS-GP).

7.3. Lập danh sách NNT phải ban hành văn bản đề nghị thu hồi

Trên cơ sở danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế (mẫu số 07-1/DS-GP) và các thông tin đã thu thập, xác minh, công chức lập danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (mẫu số 07-2/DS-GP ban hành kèm theo quy trình này).

7.4. Ban hành văn bản đề nghị thu hồi

a) Căn cứ vào danh sách NNT phải áp dụng biện pháp cưỡng chế (mẫu số 07-2/DS-GP), công chức thực hiện:

a1) Dự thảo văn bản đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (mẫu 07/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP), kèm theo các hồ sơ sau:

- Tờ trình về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, nêu rõ diễn biến quá trình đôn đốc và áp dụng các biện pháp CCNT;

- Thông báo tiền thuế nợ (mẫu số 01/TTN ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC) tại thời điểm gần nhất hoặc các quyết định hành chính thuế khác (nếu có);

- Các QĐCC đã ban hành;

- Văn bản xác minh thông tin, cung cấp thông tin của NNT hoặc của tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có);

- Tài liệu chứng minh NNT có hành vi bỏ trốn hoặc phát tán tài sản (nếu có);

- Văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

a2) Báo cáo lãnh đạo phòng/đội trình Thủ trưởng cơ quan thuế để ký, ban hành văn bản đề nghị thu hồi.

b) Sau khi nhận được dự thảo văn bản đề nghị thu hồi kèm theo hồ sơ đầy đủ, Thủ trưởng cơ quan thuế ký và ban hành văn bản đề nghị thu hồi đảm bảo thời điểm ban hành văn bản như sau:

- Ngay sau ngày hết thời hiệu của quyết định cưỡng chế áp dụng trước đó;

- Ngay trong ngày có đủ thông tin, điều kiện để đồng thời thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế này;

- Ngay trong ngày nhận được đầy đủ thông tin, tài liệu về việc người nộp thuế có tiền thuế nợ, có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.

7.5. Gửi và công khai văn bản đề nghị thu hồi

- Văn bản đề nghị thu hồi được gửi đến NNT bị cưỡng chế, đơn vị chủ quản/Công ty mẹ của NNT bị cưỡng chế (nếu có) và cơ quan có thẩm quyền để thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngay trong ngày ban hành văn bản.

- Hình thức gửi: Văn bản đề nghị thu hồi được gửi bằng phương thức điện tử đối với trường hợp đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý thuế, trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực quản lý thuế thì văn bản đề nghị thu hồi được gửi bằng thư bảo đảm qua đường bưu chính hoặc giao trực tiếp.

- Cơ quan thuế có trách nhiệm đăng tải thông tin về NNT bị cưỡng chế lên trang thông tin điện tử ngành thuế như sau:

Trường hợp thực hiện ký điện tử thì hệ thống ứng dụng quản lý thuế tự động công khai các thông tin theo mẫu số 01/CKCC ban hành kèm theo quy trình này.

Trường hợp không thực hiện ký điện tử, công chức thực hiện nhập thông tin trên văn bản đề nghị thu hồi vào hệ thống để công khai.

7.6. Tổ chức thực hiện

Hằng ngày, công chức theo dõi việc thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cụ thể như sau:

a) Trong thời gian từ ngày cơ quan thuế có văn bản đề nghị thu hồi gửi cơ quan đăng ký kinh doanh đến ngày cơ quan đăng ký kinh doanh có quyết định thu hồi hoặc có văn bản về việc không thu hồi thì công chức trình lãnh đạo cơ quan thuế có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế khác phù hợp để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thuế.

b) Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có văn bản thông báo cho cơ quan thuế về việc không thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công chức tiếp tục thực hiện theo dõi khoản nợ của NNT và trình lãnh đạo cơ quan thuế tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác để thu tiền thuế nợ vào NSNN.

c) Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì công chức thực hiện phân loại tiền thuế nợ theo đúng quy định và tiếp tục theo dõi các khoản tiền thuế nợ của người nộp thuế để xem xét thực hiện các biện pháp xử lý nợ (khoanh nợ, xóa nợ) theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

7.7. Khôi phục tình trạng pháp lý cho doanh nghiệp

Trong thời gian quy định của pháp luật về đăng ký doanh nghiệp, NNT nộp đủ số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước; hoặc số tiền bị cưỡng chế đã được cơ quan thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc gia hạn nộp thuế hoặc miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc không tính tiền chậm nộp và người nộp thuế có văn bản đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp thì công chức thực hiện:

a) Chậm nhất trong ngày làm việc tiếp theo ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị khôi phục trình trạng pháp lý của doanh nghiệp, công chức dự thảo văn bản đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp (mẫu 07-1/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP), kèm theo các hồ sơ:

- Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước/Quyết định chấp thuận nộp dần tiền thuế nợ/Quyết định gia hạn nộp thuế/Quyết định miễn tiền chậm nộp/Thông báo không tính tiền chậm nộp.

- Văn bản của người nộp thuế đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.

- Các tài liệu khác (nếu có).

b) Trình lãnh đạo phòng/đội để trình lãnh đạo cơ quan thuế ký, ban hành văn bản đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp.

c) Trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, Lãnh đạo cơ quan thuế ký và ban hành văn bản đề nghị khôi phục tình trạng pháp lý của doanh nghiệp gửi cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định.

Phần C

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN THUẾ

1. Tổng cục Thuế

- Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra cơ quan thuế các cấp, đảm bảo thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn tại quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ.

- Tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các biện pháp CCNT trên từng địa bàn và trên toàn quốc.

- Bổ sung, sửa đổi quy trình đảm bảo cập nhật chính sách và phù hợp với thực tiễn.

- Thiết kế phần mềm ứng dụng nhằm triển khai thực hiện công tác CCNT trên toàn quốc khoa học, thuận lợi và hiệu quả.

2. Cục Thuế

- Chỉ đạo tổ chức, phân công công chức thực hiện CCNT theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

- Chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan trong cơ quan thuế phối hợp thực hiện công việc CCNT theo đúng quy định tại quy trình này.

- Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra các Chi cục Thuế thực hiện đúng các quy định và hướng dẫn tại quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ.

- Thực hiện báo cáo tình hình CCNT định kỳ theo quy định.

- Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các biện pháp CCNT trên địa bàn, theo đó:

Đề xuất các biện pháp phối hợp với các cơ quan thực hiện CCNT có hiệu quả;

Hướng dẫn chi tiết, hoặc ban hành mẫu biểu thực hiện để kịp thời xử lý những tình huống cụ thể trong quá trình CCNT;

Kịp thời tổng hợp, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cưỡng chế; đề xuất những nội dung bổ sung, sửa đổi quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ về Tổng cục Thuế.

- Kiến nghị với Tổng cục Thuế và tham gia xây dựng, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác cưỡng chế nợ thuế tại cơ quan thuế khoa học, thuận lợi và hiệu quả.

3. Chi cục Thuế

- Tổ chức, phân công công chức thực hiện CCNT theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

- Chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan trong cơ quan thuế phối hợp thực hiện các biện pháp CCNT theo đúng quy định tại quy trình này.

- Thực hiện báo cáo tình hình CCNT định kỳ theo quy định.

- Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cưỡng chế; đề xuất những nội dung bổ sung, sửa đổi quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ về Cục Thuế.

- Kiến nghị với Cục Thuế để báo cáo với Tổng cục Thuế và tham gia xây dựng, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ công tác cưỡng chế nợ thuế tại cơ quan thuế khoa học, thuận lợi và hiệu quả.

II. BÁO CÁO, LƯU TRỮ HỒ SƠ

1. Báo cáo kết quả CCNT

a) Lập và gửi báo cáo

Định kỳ hàng tháng, Cục Thuế/Chi cục Thuế lập và gửi về Tổng cục Thuế/Cục Thuế Báo cáo thống kê tình hình ban hành Quyết định cưỡng chế nợ thuế (mẫu số 01/BCCC ban hành kèm theo quy trình này).

b) Thời hạn gửi báo cáo hàng tháng

- Chi cục Thuế gửi báo cáo về Cục Thuế trước ngày 10 tháng sau.

- Cục Thuế gửi báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 15 tháng sau.

Trường hợp thời hạn gửi báo cáo trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì ngày gửi báo cáo là ngày làm việc tiếp theo.

c) Hình thức gửi báo cáo

- Đối với báo cáo hằng tháng: Gửi qua thư điện tử (Email) ngành thuế.

- Riêng đối với báo cáo tháng 12 hàng năm: Cục Thuế/Chi cục Thuế gửi cho Tổng cục Thuế/Cục Thuế bằng hình thức: thư điện tử (Email) và bằng văn bản (có ký tên, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan thuế).

2. Lưu hồ sơ

2.1. Báo cáo

- Báo cáo bằng văn bản: lưu trữ tại bộ phận CCNT.

- Báo cáo gửi bằng hình thức điện tử: lưu trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tại cơ quan thuế các cấp quản lý NNT.

2.2. Hồ sơ

- Hồ sơ CCNT được lập riêng cho từng người nợ thuế và theo từng quyết định CCNT.

- Hồ sơ lưu trữ tại bộ phận CCNT và thực hiện theo quy định về văn thư lưu trữ của nhà nước./.

 

DANH MỤC MẪU BIỂU

(Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

STT

Tên mẫu biểu

Ký hiệu

1

Mẫu biểu lập danh sách cưỡng chế

 

1.1

Danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản

01-1/DS-TK

1.2

Danh sách NNT phải áp dụng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản

01-2/DS-TK

1.3

Danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập

02-1/DS-TL

1.4

Danh sách NNT phải áp dụng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập

02-2/DS-TL

1.5

Danh sách NNT đề nghị cơ quan hải quan áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

03/DS-HQ

1.6

Danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn

04-1/DS-HĐ

1.7

Danh sách NNT phải áp dụng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn

04-2/DS-HĐ

1.8

Danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên

05-1/DS-KB

1.9

Danh sách NNT phải áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên

05-2/DS-KB

1.10

Danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác do bên thứ ba đang giữ

06-1/DS-BT3

1.11

Danh sách phải áp dụng biện pháp thu tiền, tài sản khác do bên thứ ba đang giữ

06-2/DS-BT3

1.12

Danh sách NNT chuẩn bị cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD

07-1/DS-GP

1.13

Danh sách NNT phải áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận ĐKKD

07-2/DS-GP

2

Mẫu văn bản xác minh thông tin

 

2.1

Mẫu văn bản xác minh thông tin biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập

02/XM-TL

2.2

Mẫu văn bản xác minh thông tin biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn

04/XM-HĐ

2.3

Mẫu văn bản xác minh thông tin biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên

05/XM-KB

2.4

Mẫu văn bản xác minh thông tin biện pháp thu từ bên thứ 3

06/XM-BT3

3

Mẫu biên bản về kê biên tài sản

 

3.1

Biên bản về việc kê biên tài sản

05-1/BB-KB

3.2

Biên bản giao bảo quản tài sản kê biên

05-2/BB-KB

3.3

Biên bản niêm phong/mở niêm phong tài sản bị kê biên

05-3/BB-KB

3.4

Biên bản thỏa thuận định giá tài sản kê biên

05-4/BB-KB

3.5

Biên bản định giá tài sản kê biên

05-5/BB-KB

3.6

Biên bản chuyển giao tài sản kê biên để bán đấu giá

05-6/BB-KB

4

Mẫu văn bản đề nghị cơ quan Hải quan cưỡng chế

01/VBĐN

5

Mẫu văn bản đề nghị cơ quan Hải quan chấm dứt thực hiện cưỡng chế

02/TB-HQ

6

Báo cáo thống kê thống kê tình hình ban hành quyết định cưỡng chế

01/BCCC

7

Mẫu danh sách công khai quyết định cưỡng chế

01/CKCC

 


TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 01-1/DS-TK
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

CHUẨN BỊ CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP TRÍCH TIỀN TỪ TÀI KHOẢN, PHONG TỎA TÀI KHOẢN

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Các trường hợp chuẩn bị cưỡng chế

Thông tin về tài khoản

Chuyển biện pháp khác

NNT có khoản nợ quá 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế

NNT được gia hạn nhưng còn dưới 30 ngày thì hết thời gian gia hạn

NNT được nộp dần tiền thuế nợ: quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp dần

NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Khấu trừ TL, TN

Đề nghị CQ Hải Quan dừng làm thủ tục hải quan

Ngưng sử dụng HĐ

Lý do chuyển biện pháp

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 01-2/DS-TK
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

PHẢI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TRÍCH TIỀN TỪ TÀI KHOẢN, PHONG TỎA TÀI KHOẢN

Tháng ... năm ...

STT

Tên NNT

MST

Đa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Số tiền phải cưỡng chế

Các trường hợp phải cưỡng chế

Chứng từ nộp tiền/Điều chỉnh giảm

QĐCC đã ban hành trong tháng

NNT có khoản nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế

NNT hết thời hạn gia hạn

NNT được nộp dần tiền thuế nợ quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp dần

NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 02-1/DS-TL
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa chNNT

Tổng số tiền thuế nợ

Các trường hợp chuẩn bị cưỡng chế

Thông tin về tiền lương, thu nhập

Chuyn biện pháp khác

NNT có khoản nợ quá 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế

NNT được gia hạn nhưng còn dưới 30 ngày thì hết thời gian gia hạn

NNT được nộp dần tiền thuế nợ: quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp dần

NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

CQT đã ban hành QĐCC trích tiền từ TK nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

Trích tiền từ TK

Đề nghị CQ Hải Quan dừng làm thủ tục hải quan

Ngừng sử dụng HĐ

Lý do chuyển biện pháp

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 02-/DS-TL
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

PHẢI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẤU TRỪ MỘT PHẦN TIỀN LƯƠNG HOẶC THU NHẬP

Tháng ... năm ...

STT

Tên NNT

MST

Địa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Số tiền phải cưỡng chế

Các trường hợp phải cưỡng chế

Chứng từ nộp tiền/Điều chỉnh giảm

QĐCC đã ban hành trong tháng

NNT có khoản nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế

NNT hết thời gian gia hạn

NNT được nộp dần tiền thuế nợ: quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp dần

NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

CQT đã áp dụng biện pháp trích tiền từ TK nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 03/DS-HQ
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

ĐỀ NGHỊ CƠ QUAN HẢI QUAN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP DỪNG LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa ch NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Số tiền phải cưỡng chế

Các trường hợp phải cưỡng chế

Thông tin về cơ quan HQ nơi NNT có hoạt động XNK

Chứng từ nộp tiền/Điều chỉnh giảm

VB đã ban hành trong tháng

NNT có khoản nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế

NNT hết thời hạn gia hạn

NNT được nộp dần tiền thuế nợ: quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp dần

NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

CQT đã áp dụng biện pháp trích tiền từ TK

Tên

Địa chỉ

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 04-1/DS-HD
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

CHUẨN BỊ CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP NGƯNG SỬ DỤNG HÓA ĐƠN

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa ch NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Các trường hợp chuẩn bị cưỡng chế

 

 

Thông tin về hóa đơn

Chuyển biện pháp khác

CQT không áp dụng được biện pháp trích tiền từ TK; khấu trừ TL,TN; Dừng làm thủ tục Hải quan

CQT đã ban hành QĐCC trích tiền từ TK nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

CQT đã ban hành QĐCC khấu trừ TL, TN, còn dưới 30 ngày thì QĐCC hết hiệu lực nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

CQT đã ban hành QĐCC Dừng làm thủ tục hải quan, còn dưới 30 ngày thì QĐCC hết hiệu lực nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

Trường hợp cưỡng chế theo đề nghị của đơn vị khác (Hải quan: cơ quan thuế khác)

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Trích tiền từ TK

Khấu trừ TL, TN

Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên

Lý do chuyển biện pháp

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 04-2/DS-HD
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

PHẢI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP NGỪNG SỬ DỤNG HÓA ĐƠN

Tháng ... năm ...

STT

Tên NNT

MST

Địa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Số tiền phải cưỡng chế

Các trường hợp phải cưỡng chế

Chứng từ nộp tiền/Điều chỉnh giảm

QĐCC đã ban hành trong tháng

NNT không áp dụng được biện pháp trích tiền từ TK, khấu trừ TLTN, Hải quan

CQT đã áp dụng biện pháp trích tiền từ TK nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

CQT đã áp dụng biện pháp khấu trừ tiền lương hoặc TN nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

CQT đã áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục Hải quan nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

Trường hợp cưỡng chế theo đề nghị của đơn vị khác (Hải quan, cơ quan thuế khác)

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
--------

 

Mẫu 05-1/DS-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

CHUẨN BỊ CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP KÊ BIÊN, BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN KÊ BIÊN

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa ch NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Các trường hợp chuẩn bị cưỡng chế

Thông tin xác minh về tài sản kê biên

Chuyn biện pháp khác

CQT không áp dụng được biện pháp ngừng sử dụng HĐ

CQT đã ban hành QĐCC ngừng sử dụng HĐ, còn dưới 30 ngày thì QĐCC hết hiệu lực nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Loại tài sản

Giá trị tài sản

Ngừng sử dụng hóa đơn

Thu tiền, tài sản khác do bên thứ ba đang giữ

Lý do chuyển biện pháp

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 05-2/DS-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

PHẢI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KÊ BIÊN TÀI SẢN, BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN KÊ BIÊN

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Số tiền phải cưỡng chế

Các trường hợp phải cưỡng chế

Thông tin xác minh về tài sản kê biên

Chứng từ nộp tiền/Điều chỉnh giảm

CC đã ban hành trong tháng

CQT không áp dụng được biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn

CQT đã áp dụng biện pháp ngừng sử dụng HĐ nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Loại tài sản

Giá trị tài sản

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
--------

 

Mẫu 06-1/DS-BT3
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

CHUẨN BỊ CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU TIỀN, TÀI SẢN KHÁC DO BÊN THỨ BA ĐANG GIỮ

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Các trường hợp chuẩn bị cưỡng chế

Thông tin xác minh bên thứ 3

Chuyn biện pháp khác

CQT không áp dụng được biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên

CQT đã ban hành QĐCC kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, còn dưới 30 ngày thì QĐCC hết hiệu lực nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Loại tiền/tài sản hoặc công nợ bên thứ 3 đang giữ

Giá trị

Thời hạn khoản nợ chuẩn bị đến hạn phải trả

Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Lý do chuyển biện pháp

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
--------

 

Mẫu 06-2/DS-BT3
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

PHẢI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP THU TIỀN, TÀI SẢN KHÁC DO BÊN THỨ BA ĐANG GIỮ

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa ch NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Số tiền phải cưỡng chế

Các trường hợp phải cưỡng chế

Thông tin xác minh bên thứ 3

Chứng từ nộp tiền/Điều chỉnh giảm

QĐCC đã ban hành trong tháng

CQT không áp dụng được biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên

CQT đã áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Loại tiền/tài sản hoặc công nợ bên thứ 3 đang giữ

Giá trị

Thời hạn khoản nợ chuẩn bị đến hạn phải trả

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
--------

 

Mẫu 07-1/DS-GP
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

CHUẨN BỊ CƯỠNG CHẾ BẰNG BIỆN PHÁP THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Các trường hợp chuẩn bị cưỡng chế

Thông tin về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Chuyển biện pháp khác

CQT không áp dụng được biện pháp thu tiền, tài sản do bên thứ ba đang giữ

CQT đã ban hành QĐCC thu tiền, tài sản do bên thứ ba đang giữ, còn dưới 30 ngày thì QĐCC hết hiệu lực nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Số Giấy chứng nhận ĐKKD

Ngày cấp Giấy chứng nhận ĐKKD

Nơi cấp cấp Giấy chứng nhận ĐKKD

Trích tiền từ TK

Khấu trừ TL, TN

Đề nghị CQ Hải Quan cưỡng chế

Ngừng sử dụng HĐ

Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên

Thu tiền, tài sản khác do bên thứ ba đang giữ

Lý do chuyển biện pháp

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

 

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

TỔNG CỤC THUẾ/CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

 

Mẫu 07-2/DS-GP
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

DANH SÁCH NGƯỜI NỘP THUẾ

ÁP DỤNG BIỆN PHÁP THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH

Tháng ... năm ...

ĐVT: đồng

STT

Tên NNT

MST

Địa chỉ NNT

Tổng số tiền thuế nợ

Số tiền phải cưỡng chế

Các trường hợp phải ban hành văn bản đề nghị thu hồi

Thông tin về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Chứng từ nộp tiền/Điều chỉnh giảm

VB đã ban hành trong tháng

CQT không áp dụng được biện pháp thu tiền, tài sản do bên thứ ba đang giữ

CQT đã áp dụng biện pháp thu tiền, tài sản do bên thứ ba đang giữ nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế

NNT có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn

Số Giấy chứng nhận ĐKKD

Ngày cấp Giấy chứng nhận ĐKKD

Nơi cấp cấp Giấy chứng nhận ĐKKD

A

B

C

D

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NGƯỜI LẬP DANH SÁCH
(Ký, ghihọ tên)

NGƯỜI DUYỆT DANH SÁCH
(Ký, ghi rõ họ tên)

 


 

Mẫu: 02/XM-TL
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TỔNG CỤC THUẾ (CỤC THUẾ)
CỤC THUẾ (CHI CỤC THUẾ)…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………
V/v cung cấp thông tin

…….., ngày …… tháng ….. năm …..

 

 

Kính gửi:…...(tên người nộp thuế)/(tên tổ chức chi trả)...

Mã số thuế: ……………………….

Địa chỉ: ……………………………

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019;

Căn cứ Điều 29, Điều 32 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;

Căn cứ tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của……...(tên người nộp thuế) ………………….., MST:…………….; địa chỉ kinh doanh ……………….;

…….(tên cơ quan thuế).... yêu cầu….(tên người nộp thuế)/(tên tổ chức chi trả)... cung cấp các thông tin về tiền lương, thu nhập của...(tên người nộp thuế)... để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập theo quy định, bao gồm:

1. Tên, mã số thuế, địa chỉ của cơ quan tổ chức chi trả....;

2. Tiền lương, thu nhập của ....(tên người nộp thuế)...tại thời điểm xác minh.

Đề nghị ...(tên người nộp thuế)/(tên tổ chức chi trả) gửi văn bản cung cấp thông tin nêu tại điểm 1 và 2 ở trên cho ...(tên cơ quan thuế)... trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản này. Văn bản cung cấp thông tin gửi về....(tên cơ quan thuế) .... theo địa chỉ: ...

Nếu quá thời hạn nêu trên...(tên người nộp thuế)/(tên tổ chức chi trả) …..không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thì ...( tên cơ quan thuế)... sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế tiếp theo theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật các thông tin của đơn vị đã cung cấp theo đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Lưu: VT, QLN.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

Mẫu: 04/XM-HĐ
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TỔNG CỤC THUẾ (CỤC THUẾ)
CỤC THUẾ (CHI CỤC THUẾ)…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………
V/v cung cấp thông tin

…….., ngày …… tháng ….. năm …..

 

 

Kính gửi:…...(tên người nộp thuế)...

Mã số thuế: ……………………….

Địa chỉ: ……………………………

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội;

Căn cứ Điều 34 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của...(tên người nộp thuế)..., MST:..; địa chỉ kinh doanh….;

...(tên cơ quan thuế)...yêu cầu...(tên người nộp thuế)... cung cấp các thông tin về tình hình sử dụng hóa đơn... để thực hiện cưỡng chế theo quy định, bao gồm:

1. Các thông tin theo thông báo phát hành hóa đơn; tờ khai đăng ký/thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử của...(tên người nộp thuế)...: tên loại hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn.

2. Tình hình sử dụng hóa đơn của NNT bị cưỡng chế: Số tồn đầu kỳ; phát hành trong kỳ; Số sử dụng, xóa bỏ, mất, hủy trong kỳ; Số hóa đơn còn tồn tại thời điểm xác minh thông tin.

Đề nghị ...(tên người nộp thuế)... gửi văn bản cung cấp thông tin nêu tại điểm 1 và 2 ở trên cho ...(tên cơ quan thuế)... trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thuế gửi văn bản này, gửi về ....(tên cơ quan thuế) .... theo địa chỉ: ...

...(tên cơ quan thuế)...gửi kèm theo báo cáo tình hình, số liệu sử dụng hóa đơn đang lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế để...(tên người nộp thuế)...đối chiếu. Nếu dữ liệu của...(tên người nộp thuế)...có sai lệch thì đề nghị điều chỉnh và bổ sung.

Nếu quá thời hạn nêu trên... (tên người nộp thuế)... không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thì...(tên cơ quan thuế)... sẽ căn cứ vào dữ liệu hóa đơn của cơ quan thuế để tiến hành biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật các thông tin của đơn vị đã cung cấp theo đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Lưu: VT, QLN.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

Mẫu: 05/XM-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TỔNG CỤC THUẾ (CỤC THUẾ)
CỤC THUẾ (CHI CỤC THUẾ)…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………
V/v cung cấp thông tin

…….., ngày …… tháng ….. năm …..

 

 

Kính gửi:...(tên người nộp thuế)/(tổ chức, cá nhân)...

Mã số thuế: ……………………….

Địa chỉ: ……………………………

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội;

Căn cứ Điều 35 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;

Căn cứ tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của...(tên người nộp thuế)..., MST:...; địa chỉ kinh doanh ……;

... (tên cơ quan thuế)...yêu cầu... (tên người nộp thuế)/(tổ chức, cá nhân)... cung cấp các thông tin về danh mục các tài sản để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản theo quy định, bao gồm:

1. Loại tài sản, địa chỉ sử dụng/cất trữ hiện nay, tình trạng tài sản (được cầm cố, thế chấp đăng ký giao dịch bảo đảm,...), quyền sở hữu của tài sản (trừ các loại tài sản đã được quy định tại khoản 3, Điều 133 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14).

2. Giá trị tài sản được phản ánh trên sổ sách kế toán của người nộp thuế bị cưỡng chế, kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu tài sản.

Đề nghị...(tên người nộp thuế)/(tổ chức, cá nhân)...gửi văn bản cung cấp thông tin nêu tại điểm 1 và 2 ở trên cho ...(tên cơ quan thuế)... trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thuế gửi văn bản này. Văn bản cung cấp thông tin gửi về....(tên cơ quan thuế) .... theo địa chỉ: ...

Trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh: đề nghị gửi các tài liệu chứng minh đang chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật.

Nếu quá thời hạn nêu trên...(tên người nộp thuế)/(tổ chức, cá nhân) …..không cung cấp hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ thì...(tên cơ quan thuế)... sẽ tiến hành biện pháp cưỡng chế khác theo quy định của pháp luật.

Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật các thông tin của đơn vị đã cung cấp theo đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Lưu: VT, QLN.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Ghi chú: Cơ quan thuế có thể đề nghị NNT đồng thời cung cấp thông tin về tài sản và bên thứ 3.

 

 

Mẫu: 06/XM-BT3
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TỔNG CỤC THUẾ/CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………
V/v cung cấp thông tin

…….., ngày …… tháng ….. năm …..

 

 

Kính gửi:…(tên người nộp thuế)/(tổ chức, cá nhân)/(bên thứ 3)...

Mã số thuế: ……………………….

Địa chỉ: ……………………………

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 của Quốc hội;

Căn cứ Điều 36 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Điều 14, Điều 19 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;

Căn cứ tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của...(tên người nộp thuế) , MST: …….; địa chỉ kinh doanh ……;

...(tên cơ quan thuế)... yêu cầu ...(tên người nộp thuế)/(tên tổ chức, cá nhân)/(bên thứ 3)... cung cấp các thông tin về tiền, tài sản (do tổ chức,cá nhân khác nắm giữ/đang nắm giữ hoặc công nợ phải trả đối với người nộp thuế bị cưỡng chế) để cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu đối với bên thứ ba theo quy định, bao gồm:

1. Tên tổ chức, cá nhân đang nắm giữ tiền và tài sản của người nộp thuế, địa chỉ, MST (nếu có), tên cơ quan thuế quản lý tổ chức, cá nhân đó.

2. Tiền: giá trị (VNĐ, ngoại tệ).

3. Tài sản: Yêu cầu cung cấp các thông tin về danh mục các tài sản bên thứ ba đang nắm giữ.

Loại tài sản, địa chỉ sử dụng/cất trữ hiện nay, tình trạng tài sản, quyền sở hữu của tài sản.

Giá trị tài sản được phản ánh trên sổ sách kế toán của người nộp thuế bị cưỡng chế, kết quả sản xuất kinh doanh của người nộp thuế, hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu tài sản.

4. Tên tổ chức, cá nhân có khoản nợ đối với người nộp thuế sắp đến hạn phải trả: giá trị, thời hạn.

Đề nghị ...(tên người nộp thuế)/(tổ chức, cá nhân)/(bên thứ 3)... gửi văn bản cung cấp thông tin nêu tại điểm 1, 2, 3 và 4 ở trên cho ...(tên cơ quan thuế)... trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản này. Văn bản cung cấp thông tin gửi về....(tên cơ quan thuế) .... theo địa chỉ: ...

Kể từ khi nhận được văn bản này, đề nghị (bên thứ 3) không được chuyển trả tiền, tài sản (bao gồm cả khoản nợ phải thanh toán cho người nộp thuế) cho người nộp thuế bị cưỡng chế cho đến khi thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc chuyển giao tài sản cho cơ quan quản lý thuế để làm thủ tục bán đấu giá tài sản. (nếu gửi bên thứ 3)

Trường hợp bên thứ 3 đang nắm giữ tiền, tài sản của người nộp thuế bị cưỡng chế không thực hiện được yêu cầu của cơ quan thuế thì phải có văn bản giải trình gửi cơ quan thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan thuế. (nếu gửi bên thứ 3)

Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật các thông tin của đơn vị đã cung cấp theo đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Lưu: VT, ....

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

 

Mẫu: 05-1/BB-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN BAN HÀNH
VĂN BẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN

Về việc kê biên tài sản

Hôm nay, hồi ……………giờ ………….ngày …………..tháng …………năm …………….

Tại (1)……………………………………………………………………………………………...

Chúng tôi gồm:

ĐẠI DIỆN CƠ QUAN THUẾ:

1. Ông (Bà): ……………….

Chức vụ: …………………..

Đơn vị: …………………….

2 ……………………………

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ:

Ông (Bà): ……………………………Quốc tịch: ……………………….

Chức vụ: …………………………….(nếu có)

Địa chỉ: ………………………………

Nghề nghiệp: ……………………….

Giấy CMND/hộ chiếu số: ……………….Ngày cấp: ……………….Nơi cấp ………………..

ĐẠI DIỆN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HOẶC CƠ QUAN CỦA CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ:

1 .Ông (Bà): ………………………………..

Chức vụ: …………………………………...

Đơn vị: ……………………………………..

2 …………………………………………….

NGƯỜI CHỨNG KIẾN:

1. Ông (Bà): ………………………..Quốc tịch ………………………………

Địa chỉ: …………………………………………………………………………

Nghề nghiệp: ………………………………………………………………….

Giấy CMND/hộ chiếu số: ………………...Ngày cấp:………………..Nơi cấp……………

2 ……………..

Đã tiến hành kê biên tài sản theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính số………….…………. ngày…………. tháng…………. năm…………. của………….………….………….

Đối với (2):

1. Ông (Bà): ……………………………………………….

Quốc tịch …………………………………………………..

Địa chỉ: …………………………………………………….

Nghề nghiệp: ……………………………………………..

Giấy CMND/hộ chiếu số: …………………Ngày cấp: …………….Nơi cấp……………

Tài sản kê biên gồm có (3): (trong quá trình kê biên phải ghi rõ từng loại tài sản kê biên, tên tài sản, tình trạng, đặc điểm tài sản bị kê biên………….………….)

………….………….………….………….………….………….………….………….………….

Việc kê biên tài sản kết thúc vào lúc …..giờ…., ngày …..tháng …..năm …..

Quá trình kê biên tài sản của ông (bà)/tổ chức ……………..đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Biên bản được lập thành 02 bản; mỗi bản gồm ……..trang; có nội dung và có giá trị như nhau. Đã giao cho……………………………. 01 bản.

Sau khi đọc biên bản, những người có mặt đồng ý về nội dung biên bản và cùng ký vào biên bản.

Ý kiến bổ sung khác (nếu có) (4): ……………………………………………………………

 

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ tên) (5)

NGƯỜI TỔ CHỨC THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên) (5)

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/ CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên) (5)

ĐẠI DIỆN CƠ QUAN
PHỐI HỢP CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên) (5)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(Ký, ghi rõ họ tên) (5)

(1): Ghi địa điểm tiến hành kê biên tài sản;

(2): Ghi tên và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản như: địa chỉ, nghề nghiệp, quốc tịch, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu...;

(3): Ghi tài sản bị kê biên, trong đó nêu rõ: mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm của từng tài sản bị kê biên;

(4): Những người có ý kiến khác về nội dung biên bản phải tự ghi ý kiến của mình, lý do có ý kiến khác, ký và ghi rõ họ tên;

(5) Trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

 

 

Mẫu: 05-2/BB-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN BAN HÀNH
VĂN BẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN

Giao bảo quản tài sản kê biên

Hôm nay, hồi …………….giờ …………..ngày …………tháng ………..năm ……………

Tại (1)..............................................................................................................................

Chúng tôi gồm:

ĐẠI DIỆN BÊN GIAO:

1. Ông (Bà) ………………………………………

Chức vụ ………………………………………….

Đơn vị ……………………………………………

2 ………………………………………………….

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ:

Ông (Bà): ……………………………………….

Chức vụ: ………………………………………..(nếu có)

Địa chỉ: ………………………………………….

Nghề nghiệp: …………………………………..

Giấy CMND/hộ chiếu số: ……………..Ngày cấp: ……………..Nơi cấp …………………

ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN:

Ông (Bà): ……………………………….……..Quốc tịch …………………

Địa chỉ: …………………………………………

Nghề nghiệp: ………………………………….

Giấy CMND/hộ chiếu số: …………………Ngày cấp: ………………Nơi cấp ……………….

NGƯỜI CHỨNG KIẾN:

Ông (Bà): ……………………………………..Quốc tịch …………………

Địa chỉ: ………………………………………..

Nghề nghiệp: …………………………………

Giấy CMND/hộ chiếu số: ………………….Ngày cấp: ……………Nơi cấp……………..

Đã tiến hành giao bảo quản tài sản kê biên theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính số ……..ngày ……..tháng …….năm…………. của ……………

Tài sản kê biên chuyển giao gồm có (2):

……………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………..

………………………………

- Quyền và nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản:

Người được giao bảo quản tài sản được thanh toán chi phí thực tế, hợp lý để bảo quản tài sản, trừ những người quy định tại điểm a khoản 8 Điều 35 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Người được giao bảo quản tài sản mà để xảy ra hư hỏng, đánh tráo, làm mất hay hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm theo quy định hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Việc giao bảo quản tài sản kê biên kết thúc vào hồi …giờ…, ngày...tháng...năm....

Biên bản được lập thành …….bản; mỗi bản gồm ………..trang; có nội dung và có giá trị như nhau. Đã giao cho ………………01 bản....

Sau khi đọc biên bản, những người có mặt đồng ý về nội dung biên bản và cùng ký vào biên bản.

Ý kiến bổ sung khác (nếu có) (3): ……………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………..

……………….

 

ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN GIAO
(Ký, ghi rõ họ tên) (4)

ĐẠI DIỆN BÊN GIAO
(Ký, ghi rõ họ tên) (4)

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/ CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên) (4)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(Ký, ghi rõ họ tên) (4)

(1): Ghi địa điểm tiến hành giao bảo quản tài sản kê biên;

(2): Ghi tên gọi, số lượng, đặc điểm, trình trạng tài sản kê biên; Đối với phương tiện thì phải ghi rõ biển kiểm soát. Nếu nhiều, thì lập danh mục kèm theo và danh mục phải có đầy đủ chữ ký của những người có tên trong biên bản;

(3): Những người có ý kiến khác về nội dung biên bản phải tự ghi ý kiến của mình, lý do có ý kiến khác, ký và ghi rõ họ tên;

(4): Trường hợp có người vắng mặt hoặc có mặt mà từ chối ký biên bản, thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản.

 

 

Mẫu: 05-4/BB-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN BAN HÀNH
VĂN BẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN

Thỏa thuận định giá tài sản kê biên

Hôm nay, hồi ……………giờ …………..ngày ………..tháng ………….năm……………

Tại (1)............................................................................................................................

Chúng tôi gồm:

ĐẠI DIỆN CƠ QUAN THUẾ:

1. Ông (Bà): ……………………………….

Chức vụ: …………………………………..

Đơn vị: …………………………………….

2 ……………………………………………

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ:

Ông (Bà): ………………………………Quốc tịch: ………………….

Chức vụ: ……………………………….(nếu có)

Địa chỉ: …………………………………

Nghề nghiệp:…………………………...

Giấy CMND/hộ chiếu số: ………….Ngày cấp: …………..Nơi cấp ……………….

Đã tiến hành thỏa thuận định giá tài sản đã kê biên theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính số ……..ngày …….tháng ………năm …….của……………

Đối với Ông (Bà)/tổ chức (2): ………………..…..Quốc tịch: ……………….

Địa chỉ: ………………………………………………

Ngành nghề kinh doanh: ………………………….

Giấy CMND/hộ chiếu số: ……………..Ngày cấp: …………..….Nơi cấp ……………….

Căn cứ vào giá thị trường (đính kèm các chứng từ hoặc tài liệu tham khảo các cơ quan chức năng cung cấp), căn cứ vào chứng từ hóa đơn, giấy chứng nhận tài sản, sổ sách kế toán và các chứng từ có giá trị khác của tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản xuất trình, các bên thống nhất thỏa thuận định giá các loại tài sản kê biên để chuyển cho tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện bán đấu giá để nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Chi tiết các tài sản định giá gồm có (3):

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………

Trường hợp các bên không thỏa thuận được với nhau về giá đối với tài sản kê biên có giá trị dưới 1.000.000 đồng hoặc tài sản thuộc loại mau hỏng thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm định giá để chuyển cho tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện bán đấu giá để nộp tiền vào ngân sách nhà nước, (nếu có nêu rõ lý do)

Chi tiết các tài sản định giá gồm có (3):

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

……………………..

Việc thỏa thuận định giá tài sản kê biên kết thúc vào lúc ...giờ... ngày... tháng.... năm....

Biên bản được lập thành ……….bản; mỗi bản gồm ……….trang; có nội dung và có giá trị như nhau. Đã giao cho từng thành viên trong cuộc họp, ………………bản lưu tại cơ quan thuế.

Sau khi đọc biên bản, những người có mặt đồng ý về nội dung biên bản và cùng ký vào biên bản.

Ý kiến bổ sung khác (nếu có) (4): …………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

 

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI TỔ CHỨC THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên)

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/ CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên)

TỔ CHỨC HOẶC CÁ NHÂN
CÓ THAM GIA ĐỊNH GIÁ
(Ký, ghi rõ họ tên)(5)

(1): Ghi địa điểm tiến hành định giá tài sản;

(2): Ghi tên và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản như: địa chỉ, nghề nghiệp, quốc tịch, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu...;

(3): Ghi tài sản bị kê biên, trong đó nêu rõ: mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm của từng tài sản bị kê biên, số lượng, xuất xứ, đơn giá đã định, trị giá tài sản theo giá đã định;

(4): Những người có ý kiến khác về nội dung biên bản phải tự ghi ý kiến của mình lý do có ý kiến khác, ký và ghi rõ họ tên;

(5) Trường hợp tổ chức hoặc các bên đương sự có tham gia định giá.

 

 

Mẫu: 05-5/BB-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN BAN HÀNH
VĂN BẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN

Định giá tài sản kê biên

Hôm nay, hồi ……………giờ …………..ngày ………..tháng ………….năm……………

Tại (1)............................................................................................................................

Chúng tôi gồm:

HỘI ĐỒNG ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN KÊ BIÊN:

1. Ông (Bà): ……………………………….

Chức vụ: …………………………………..

Đơn vị: …………………………………….

2 ……………………………………………

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ:

Ông (Bà): ………………………………Quốc tịch: ………………….

Chức vụ: ……………………………….(nếu có)

Địa chỉ: …………………………………

Nghề nghiệp:…………………………...

Giấy CMND/hộ chiếu số: ………….Ngày cấp: …………..Nơi cấp ……………….

ĐẠI DIỆN CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HOẶC CƠ QUAN CỦA CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ:

1. Ông (Bà): ………………………………..

Chức vụ: ……………………………………

Đơn vị: ……………………………………..

2 …………………………………………….

Đã tiến hành định giá tài sản đã kê biên theo Quyết định Thành lập Hội đồng định giá tài sản số: …./…./QĐ-UB của ………. thành lập và quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính số…………. ngày....tháng....năm…………. của …………….

Đối với Ông (Bà)/tổ chức (2): ……………Quốc tịch: ……………….

Địa chỉ: ……………………………………..

Ngành nghề kinh doanh: …………….Giấy CMND/hộ chiếu số: ………….Ngày cấp: ………….. Nơi cấp …………….

Căn cứ vào giá thị trường (đính kèm các chứng từ hoặc tài liệu tham khảo các cơ quan chức năng cung cấp), căn cứ vào chứng từ hóa đơn, giấy chứng nhận tài sản, sổ sách kế toán và các chứng từ có giá trị khác của tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản xuất trình, các bên thống nhất định giá các loại tài sản kê biên để chuyển cho tổ chức bán đấu giá tài sản thực hiện bán đấu giá để nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Chi tiết các tài sản định giá gồm có (3):

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

………………….

…………………………………………………………………………………………………………

………………….

Việc định giá tài sản kê biên kết thúc vào lúc...giờ …….ngày …….tháng……… năm ……. Quá trình định giá tài sản của ông (bà)/tổ chức…………….. đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Biên bản được lập thành …..bản; mỗi bản gồm ……trang; có nội dung và có giá trị như nhau. Đã giao cho từng thành viên trong cuộc họp, ………..bản lưu tại cơ quan thuế.

Sau khi đọc biên bản, những người có mặt đồng ý về nội dung biên bản và cùng ký vào biên bản.

Ý kiến bổ sung khác (nếu có) (4):

…………………………………………………………………………………………………………

…………………………………………………………………………………………………………

……………………

 

NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI TỔ CHỨC THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên)

CÁ NHÂN HOẶC ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC/ CÁ NHÂN BỊ CƯỠNG CHẾ
(Ký, ghi rõ họ tên)

TỔ CHỨC HOẶC CÁ NHÂN CÓ THAM GIA ĐỊNH GIÁ
(Ký, ghi rõ họ tên)(5)

(1): Ghi địa điểm tiến hành thỏa thuận định giá tài sản;

(2): Ghi tên và các thông tin liên quan đến tổ chức, cá nhân bị kê biên tài sản như: địa chỉ, nghề nghiệp, quốc tịch, số chứng minh thư hoặc hộ chiếu.

(3): Ghi tài sản bị kê biên, trong đó nêu rõ; mô tả tên gọi, tình trạng, đặc điểm của từng tài sản bị kê biên, số lượng, xuất xứ, đơn giá đã định, trị giá tài sản theo giá đã định;

(4): Những người có ý kiến khác về nội dung biên bản phải tự ghi ý kiến của mình, lý do có ý kiến khác, ký và ghi rõ họ tên;

(5) Trường hợp tổ chức hoặc các bên đương sự có tham gia định giá.

 

 

Mẫu: 05-6/BB-KB
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TÊN CƠ QUAN CẤP TRÊN
TÊN CƠ QUAN BAN HÀNH
VĂN BẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BIÊN BẢN

Chuyển giao tài sản kê biên để bán đấu giá

Hôm nay, hồi …………….giờ …………..ngày …………tháng ………..năm ……………

Tại (1)..............................................................................................................................

Chúng tôi gồm:

ĐẠI DIỆN BÊN GIAO:

1. Ông (Bà) ………………………………………

Chức vụ ………………………………………….

Đơn vị ……………………………………………

2 ………………………………………………….

ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN:

Ông (Bà): ……………………………….……..Quốc tịch …………………

Địa chỉ: …………………………………………

Nghề nghiệp: ………………………………….

Giấy CMND/hộ chiếu số: …………………Ngày cấp: ………………Nơi cấp ……………….

NGƯỜI CHỨNG KIẾN:

Ông (Bà): ……………………………………..Quốc tịch …………………

Địa chỉ: ………………………………………………………………………

Nghề nghiệp: ……………………………………………………………….

Giấy CMND/hộ chiếu số: ………………….Ngày cấp: ……………Nơi cấp……………..

2……………………

Đã tiến hành chuyển giao tài sản kê biên để bán đấu giá theo Biên bản kê biên tài sản ngày………..tháng ………năm…….. của…………..

Cho Ông (Bà)/tổ chức đại diện bên nhận: ………………..Quốc tịch ………………….

Địa chỉ: …………………………………………………………

Nghề nghiệp: ………………………………………………….

Giấy CMND/hộ chiếu số: ……………..Ngày cấp: ……………..Nơi cấp …………………

Tài sản kê biên chuyển giao gồm có (2):

………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………….

…………………………….

Hồ sơ gồm có (3): …………………………………………………………………………………..

………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………….

…………………………….

Việc chuyển giao tài sản kê biên kết thúc vào hồi ....giờ..., ngày...tháng...năm....

Biên bản được lập thành ……….bản; mỗi bản gồm …………trang; có nội dung và có giá trị như nhau. Đã giao cho ……………………01 bản.

Sau khi đọc biên bản, những người có mặt đồng ý về nội dung biên bản và cùng ký vào biên bản.

Ý kiến bổ sung khác (nếu có) (4): ………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………………………………………………………………………….

………………………………………

 

ĐẠI DIỆN BÊN NHẬN GIAO
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN BÊN GIAO
(Ký, ghi rõ họ tên)

NGƯỜI CHỨNG KIẾN
(Ký, ghi rõ họ tên)

(1): Ghi địa điểm tiến hành chuyển giao tài sản kê biên để bán đấu giá;

(2): Ghi tên gọi, số lượng, đặc điểm, trình trạng tài sản kê biên; Đối với phương tiện thì phải ghi rõ biển kiểm soát. Nếu nhiều thì lập danh mục kèm theo và danh mục phải có đầy đủ chữ ký của những người có tên trong biên bản;

(3): Ghi cụ thể hồ sơ bàn giao: Quyết định cưỡng chế kê biên; Biên bản kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó.

(4): Những người có ý kiến khác về nội dung biên bản phải tự ghi ý kiến của mình, lý do có ý kiến khác, ký và ghi rõ họ tên;

 

 

Mẫu: 01/VBĐN
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TỔNG CỤC THUẾ/CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ…
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………
V/v đề nghị cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan

…….., ngày …… tháng ….. năm …..

 

Kính gửi: Cơ quan Hải quan...

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ ………..(Tên quyết định hành chính về quản lý thuế) .... số...ngày ….. tháng ….. năm của …… (nếu có);

Căn cứ Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp số ..............

….(Tên cơ quan thuế)... thông báo:

Để đảm bảo thi hành Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp/Quyết định hành chính thuế của ..... (tên người nộp thuế)... tại văn bản số ... nêu trên;

...(Tên cơ quan thuế)... đề nghị quý cơ quan thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của ...(tên người nộp thuế)...

Mã số thuế: ………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………

Số tiền thuế nợ bị cưỡng chế: …………………………………

Lý do đề nghị cưỡng chế: ……………………………………...

Nếu có vướng mắc, vui lòng liên hệ với bộ phận Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế thuộc ...(Tên cơ quan thuế)... theo số điện thoại: ……., địa chỉ ………….

...(Tên cơ quan thuế)... thông báo để ...(tên cơ quan Hải quan)...được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tên người nộp thuế (để thông báo);
- Các đơn vị có liên quan;
- Lưu VT, bộ phận phát hành thông báo.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

Mẫu 02/TB-HQ
Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

 

TỔNG CỤC THUẾ/CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …………
V/v chấm dứt hiệu lực quyết định cưỡng chế

…….., ngày …… tháng ….. năm …..

 

Kính gửi: Cơ quan Hải quan...

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ ……(Tên quyết định hành chính về quản lý thuế) .... số...ngày … tháng … năm …. của….. (nếu có);

Căn cứ Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp số……………..;

Căn cứ văn bản đề nghị cưỡng chế số…..;

Căn cứ tình hình chấp hành nghĩa vụ của người nộp thuế hoặc Quyết định nộp dần/gia hạn/miễn tiền chậm nộp/thông báo không tính tiền chậm nộp số ngày... tháng ... năm ... của...

…..(Tên cơ quan thuế)…… đề nghị quý cơ quan thực hiện chấm dứt hiệu lực của quyết định số…. ngày…..tháng.....năm… của ...(tên cơ quan Hải quan)... về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của ……(tên người nộp thuế)...

Mã số thuế: ……………………………………………………….

Địa chỉ: ………………………………………..……………………

Số tiền thuế nợ bị cưỡng chế: …………………………………..

Lý do chấm dứt cưỡng chế: ……………………………………..

...(Tên cơ quan thuế)... thông báo để ...(tên cơ quan Hải quan)... được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Tên người nộp thuế (để thông báo);
- Các đơn vị có liên quan;
- Lưu VT, bộ phận phát hành thông báo.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 


TỔNG CỤC
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ
--------

 

Mẫu 01/BCCC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

 

BÁO CÁO THỐNG KÊ

Tình hình ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế

Kỳ báo cáo tháng ... năm

ĐVT: Triệu đồng

STT

CHỈ TIÊU

THÔNG BÁO 01/TTN ĐÃ BAN HÀNH

CC ĐÃ BAN HÀNH

QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ ĐÃ BAN HÀNH TRONG THÁNG

Số NNT

Số tiền thuế nợ

Phải ban hành

Đã ban hành

Phải ban hành

Đã ban hành

Trong đó

Trích tiền từ TK

Khấu trừ một phần tiền lương

Dừng làm thủ tục hải quan

Ngưng sử dụng hóa đơn

Kê biên tài sản

Thu từ bên thứ ba

Thu hồi giấy CNĐKKD

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

Số NNT

Số tiền

A

B

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

17

18

19

20

 

Tổng cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

DNNN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

DN đầu tư nước ngoài

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

DN ngoài quốc doanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Hộ kinh doanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


NGƯỜI LẬP BÁO CÁO
(Ký, ghi rõ họ tên)

...., ngày …. tháng …. năm ….
THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUẾ
(Ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Ghi chú:

1. Cột (1): tổng số NNT đã ban hành TB 01/TTN trong kỳ báo cáo

2. Cột (3): tổng số NNT phải ban hành QĐCC tính đến kỳ báo cáo (bao gồm cả NNT đã ban hành và chưa ban hành QĐCC).

3. Cột (4): tổng số tiền thuế nợ của NNT tương ứng với cột (3).

4. Cột (5): tổng số NNT đã ban hành QĐCC và các QĐCC đang còn hiệu lực tính đến kỳ báo cáo (bao gồm tất cả các biện pháp).

5. Cột (6): tổng số tiền thuế nợ của NNT tương ứng với cột (5),

6. Cột (7): tổng số NNT phải ban hành Quyết định cưỡng chế trong kỳ báo cáo (bao gồm tất cả các biện pháp).

7. Cột (9): tổng số NNT đã ban hành Quyết định cưỡng chế trong kỳ báo cáo (bao gồm tất cả các biện pháp).

 

 

 

Mẫu 01/CKCC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1795/QĐ-TCT ngày 11/11/2022 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

 

TỔNG CỤC THUẾ/ CỤC THUẾ
CỤC THUẾ/CHI CỤC THUẾ…

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

DANH SÁCH CÔNG KHAI QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ

(Ngày... tháng... năm....)

STT

Tên NNT

MST

Số tiền bị cưỡng chế

Số QĐCC

Ngày ban hành

Biện pháp cưỡng chế

Hiệu lực
(từ - đến)

CQT ban hành QĐCC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1795/QĐ-TCT năm 2022 về Quy trình cưỡng chế tiền thuế nợ do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1795/QĐ-TCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/11/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Vũ Xuân Bách
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản