Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 179-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 11 năm 1968

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ CÓ KINH DOANH NGHỀ RỪNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ 

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ ngày 05 tháng 10 năm 1968, sau khi nghe báo cáo về tình hình hợp tác xã có kinh doanh nghề rừng, đã quyết định một số chủ trương, chính sách nhằm tổ chức khuyến khích giúp đỡ hợp tác xã phát triển kinh doanh nghề rừng.

Rừng nhiệt đới nước ta là một nguồn tài nguyên rất lớn, lâu dài và quan trọng, có tác dụng phục vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, phục vụ nông nghiệp, phục vụ đời sống của nhân dân, phục vụ quốc phòng. Đất rừng ở trung du và miền núi có rất nhiều, có thể sử dụng để phát triển sản xuất toàn diện và kinh doanh rừng với quy mô lớn.

Nghề rừng là một trong những ngành kinh tế quan trọng, hoạt động độc lập, có lao động chuyên môn hóa, có nhiệm vụ trồng cây gây rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, khai thác và chế biến lâm sản. Để phát triển nhanh chóng nghề rừng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước và nhân dân phải cùng làm, phải kết hợp tốt quốc doanh và hợp tác xã không xem nhẹ mặt nào.

Để tận dụng khả năng và tăng cường lực lượng hợp tác xã tham gia phát triển nghề rừng nhanh, mạnh, đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trứơc mắt và rất cơ bản về sau, Hội đồng Chính phủ ban hành một số chính sách sau đây:

1. Rừng và đất rừng thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, các cấp chính quyền địa phương phải trực tiếp quản lý theo nguyên tắc phân phối sử dụng đất đai, quy vùng sản xuất, phân cấp quản lý và theo đúng các chính sách, chế độ v.v… đã được Nhà nước quy định. Cần xúc tiến thực hiện việc phân cấp quản lý toàn diện đất rừng và nghề rừng cho các Ủy ban hành chính địa phương. Trong phạm vi địa phương, tỉnh cũng cần phân cấp quản lý cụ thể đất rừng và nghề rừng cho huyện và xã để tỉnh có đủ điều kiện lãnh đạo, kiểm tra đôn đốc chu đáo chặt chẽ.

Về kinh doanh, do diện tích đất rừng và rừng rất lớn, công tác lâm nghiệp hiện còn rất nhiều và cấp bách, Nhà nước một mặt phải hết sức cố gắng trong việc phát triển và xây dựng thật tốt các lâm trường quốc doanh, mặt khác, phải dựa hẳn vào lực lượng đông đảo, rộng lớn của nhân dân, mạnh dạn tạo điều kiện và giao cho hợp tác xã kinh doanh rừng càng nhiều, càng nhanh càng tốt.

Phải quản lý sử dụng thật hợp lý lao động và các mặt khác để lâm trường và hợp tác xã đều phát triển đúng hướng, hỗ trợ lẫn nhau mà không cản trở nhiệm vụ và công việc của nhau.

2. Việc giao rừng và đất rừng của Nhà nước cho hợp tác xã kinh doanh phải theo đúng các chính sách, chế độ hiện hành về quản lý đất đai, quản lý rừng Nhà nước, hợp tác xã phải kinh doanh theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật của Nhà nước. Quy mô diện tích rừng và đất rừng giao cho hợp tác xã kinh doanh lớn hay nhỏ phải căn cứ vào điều kiện đất đai, khả năng lao động, kết hợp trứơc mắt và lâu dài, v.v... của từng cơ sở mà xác định.

Về loại hình hợp tác xã có kinh doanh nghề rừng, nay quy định có hai loại hình gồm hợp tác xã nông nghiệp có kinh doanh nghề rừng và hợp tác xã lâm nghiệp có kinh doanh nông nghiệp hoặc các nghề khác. Nhiệm vụ của hợp tác xã này chủ yếu là kinh doanh toàn diện (trồng cây gây rừng, chăm sóc, bảo vệ, tu bổ, cải tạo, khai thác, chế biến, vận chuyển lâm sản, làm đường v.v...) hoặc chỉ kinh doanh một số khâu của nghề rừng tùy theo yêu cầu và tình hình cụ thể của từng nơi.

Ở các nơi hợp tác xã làm nông nghiệp là chủ yếu và có kinh doanh nghề rừng thì tổ chức hợp tác xã nông nghiệp có kinh doanh nghề rừng.

Ở các nơi hợp tác xã kinh doanh nghề rừng là chủ yếu và có sản xuất một phần về nông nghiệp hoặc kinh doanh nghề khác thì tổ chức hợp tác xã lâm nghiệp có kinh doanh nông nghiệp hoặc các nghề khác.

Ở nhiều nơi, hiện nay loại hình hợp tác xã nông nghiệp có kinh doanh nghề rừng là loại hình phổ biến. Tuy nhiên vì nghề rừng có vị trí kinh tế quan trọng và trở thành một ngành kinh tế độc lập, nên ở những nơi hợp tác xã kinh doanh và sống chủ yếu về lâm nghiệp thì cần tổ chức thành những hợp tác xã lâm nghiệp có kinh doanh nông nghiệp hoặc các nghề khác.

3. Về quản lý hợp tác xã có kinh doanh nghề rừng:

Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp các cấp phụ trách việc chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh nghề rừng, và hợp tác xã lâm nghiệp kinh doanh nông nghiệp hoặc các ngành nghề khác.

Cơ quan lâm nghiệp các cấp, ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau và cùng các cơ quan liên quan giúp Ủy ban hành chính trong việc nghiên cứu, theo dõi, chỉ đạo phong trào hợp tác xã kinh doanh nghề rừng,... theo các quy định của Đảng và Nhà nước.

Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương và Tổng cục Lâm nghiệp cần cùng nhau nghiên cứu xây dựng điều lệ mẫu cho hợp tác xã lâm nghiệp có kinh doanh nông nghiệp.

4. Về lương thực, đối với các hợp tác xã nông nghiệp có kinh doanh nghề rừng, thì chủ yếu là điều hòa trong nội bộ hợp tác xã, một mặt hợp tác xã tận dụng mọi khả năng để sản xuất lương thực, mặt khác sau khi hợp tác xã đã cố gắng tự túc, nhưng còn thiếu thì Nhà nước cung cấp cho đủ ăn, có chiếu cố đến lao động nặng nhọc của nghề rừng. Đối với các hợp tác xã lâm nghiệp có kinh doanh nông nghiệp hoặc các ngành nghề khác, Nhà nước cung cấp lương thực theo tiêu chuẩn của Nhà nước, ngoài phần hợp tác xã cố gắng sản xuất tự túc.

5. Về vốn kinh doanh:

Nếu hợp tác xã thiếu vốn kinh doanh, thì Nhà nước căn cứ vào những quy định hiện hành, cho hợp tác xã vay vốn dài hạn, hoặc ngắn hạn theo yêu cầu của từng mặt như đã cho hợp tác xã vay, có chiếu cố đến lãi suất.

Nhà nước cần tính toán hợp lý theo từng loại và tích cực đối với việc trợ cấp vốn để giúp thêm sức cho hợp tác xã trong những trường hợp khó khăn như để trồng cây phục hồi lại gấp diện tích rừng bị thiên tai, địch hoạ tàn phá, hoặc trồng các loại cây lâu năm mới có thu hoạch để cung cấp gỗ cho Nhà nước, hoặc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng rừng cố định cát bay ven biển nơi xung yếu v.v…; hoặc trồng các cây có sản phẩm có giá trị lớn đối với kinh tế, dân sinh v.v… nhà nước cũng có thể đầu tư vốn, hoặc trợ cấp một phần cho hợp tác xã trong các việc cần thiết, có lợi như làm đường, cầu, xây dựng bến bãi, khai thông luồng lạch, v.v... mà hợp tác xã không đủ sức làm.

6. Về tư liệu sản xuất:

Nhà nước giúp đỡ hoặc bán theo giá cung cấp những tư liệu sản xuất, nguyên vật liệu cần thiết mà hợp tác xã không tự giải quyết được, như hạt giống, cây con, thuốc trừ sâu, phân hóa học cho vườn ươm, công cụ cải tiến và cơ khí nhỏ (cưa, máy đào hố, máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu, máy phát động lực, nguyên vật liệu để sửa chữa trang bị, v.v...) Nếu hợp tác xã muốn kinh doanh chế biến lâm sản thì Nhà nước giúp nguyên liệu bằng cách cung cấp gỗ theo kế hoạch, cho phép vận dụng cành ngọn, khai thác tre nứa, theo chế độ bán nguyên liệu thu mua thành phẩm, hợp tác xã nộp khoản thu về bảo vệ rừng đối với phần nguyên liệu cần cho chế biến.

Nhà nước giúp trang bị cơ sở sửa chữa, hoặc giúp sửa chữa máy, công cụ trong các xưởng sửa chữa của Nhà nước, cung cấp phụ tùng, nguyên liệu, nhiên liệu…

7. Về tư liệu tiêu dùng, công nghệ phẩm:

Ngoài việc vận dụng chính sách như đối với hợp tác xã trồng cây công nghiệp, ngành thương nghiệp còn phải chú ý phân phối cho các hợp tác xã, theo khả năng của mình, một số loại hàng tiêu dùng cần thiết cho việc bảo hộ lao động, như dép cao su, giầy vải, bốt, vải bạt, áo tơi, v.v...

8. Về kỹ thuật:

- Căn cứ phương hướng sản xuất toàn diện, hợp lý, Nhà nước hướng dẫn hợp tác xã lập quy hoạch các mặt về kinh doanh nghề rừng, có thiết kế từng mặt theo nhiệm vụ nội dung công việc cụ thể (vườn ươm, khu rừng trồng, khu khai thác, nơi chế biến, đường vận chuyển, bến bãi,...); hướng dẫn thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất;

- Khuyến khích cải tiến kỹ thuật về các mặt trồng, bảo vệ, khai thác… tự trang bị công cụ sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm, sản xuất mặt hàng mới v.v…;

- Giúp đào tạo các loại cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ thuật làm nghề rừng cho xã viên hợp tác xã.

9. Về thu mua, giao nộp sản phẩm, nghiệm thu công việc:

- Phải theo đúng nguyên tắc hợp tác xã được hưởng lợi tùy theo công sức chính đáng của mình bỏ ra, vừa bảo đảm quyền lợi của hợp tác xã, vừa tôn trọng lợi ích của Nhà nước.

- Trên diện tích đất rừng và rừng đã được Nhà nước giao cho hợp tác xã kinh doanh toàn diện thì cây cối và hoa lợi của rừng đó, kể cả sản phẩm đã có, đều do hợp tác xã phụ trách quản lý. Đối với sản phẩm của rừng do hợp tác xã tự trồng thì hợp tác xã có nghĩa vụ bán cho Nhà nước những lâm sản chính (gỗ, củi, tre, nứa..) theo đúng chỉ tiêu kế hoạch thu mua và giá thu mua như đối với cây công nghiệp. Đối với sản phẩm chính của rừng đã có thì sẽ quy định sau;

- Trên diện tích rừng và đất rừng giao cho hợp tác xã kinh doanh từng khâu theo quy hoạch và kế hoạch của Nhà nước, như trồng rừng, tu bổ, cải tạo, khai thác, làm đường v.v…, thì khi hợp tác xã làm xong công việc giao lại cho Nhà nước theo nhiệm vụ chỉ tiêu kế hoạch phải có kiểm kê, nghiệm thu v.v... Nhà nước trả công khoán cho hợp tác xã căn cứ vào hao phí lao động của từng khâu, có phân biệt nơi xa hoặc nơi gần, v.v…

- Giá thu mua và giá khoán phải có đối chiếu thỏa đáng, phải quản lý chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng nâng giá một cách tùy tiện, đồng thời phải điều chỉnh một số giá hiện đã đẩy lên quá cao.

- Đối với sản phẩm phụ trong rừng Nhà nước (cành, ngọn, cây non chặt tỉa để cải tạo, tu bổ, v.v...) hợp tác xã được thu hoạch một phần để chế biến hoặc để tiêu dùng trong nội bộ hợp tác xã.

- Đối với các lâm sản khác như: sa nhân, mây, song... mọc sẵn trong rừng, Nhà nước khuyến khích, hướng dẫn hợp tác xã chăm sóc, hoặc trồng thêm (với điều kiện không làm trở ngại đến mục đích kinh doanh chính), hợp tác xã được quyền thu hoạch, và bán cho Nhà nước theo giá thu mua.

- Đối với các lâm sản mà đồng bào miền núi vào rừng lấy dùng như gỗ, tre, làm nhà, củi đun, măng, củ v.v… nay phải từng bước, theo từng nơi, đưa dần vào hợp tác xã kinh doanh, phân phối. Từng cấp địa phương phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể thỏa đáng, quản lý chặt chẽ, nhất là đối với những nơi hiện rừng cây còn ít nhưng nhu cầu nhân dân xung quanh lại đông.

- Đối với rừng và đất rừng hiện tư nhân chiếm hữu, cần nghiên cứu chính sách giải quyết cho tốt.

10. Về phân phối thu nhập:

Cần hướng dẫn các hợp tác xã kinh doanh nghề rừng phân phối thu nhập theo các nguyên tắc sau đây:

- Thống nhất phân phối, phân phối theo lao động, hạch toán riêng ngành nghề và bảo đảm đoàn kết nội bộ xã viên;

- Lấy công điểm của ngành sản xuất chủ yếu làm cơ sở để tính công cho các hoạt động sản xuất khác có chiếu cố thích đáng đến lao động nặng nhọc của nghề rừng, có điều chỉnh hợp lý để không có sự chênh lệch quá đáng giữa người làm nông nghiệp, người làm lâm nghiệp, v.v…;

- Tỷ lệ trích quỹ bảo hiểm xã hội, khấu hao, tích lũy, hành chính phí v.v... do đại hội xã viên quyết định.

11. Về các chính sách khác (chế độ đối với lao động làm khoán, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo vệ sức khỏe, cung cấp thực phẩm, v.v…) cần vận dụng và hướng dẫn thi hành những chính sách, chế độ hiện hành, hoặc đề nghị bổ sung thêm nếu có.

12. Đối với các hợp tác xã có sản xuất chế biến hoặc vận tải lâm sản thì được áp dụng chính sách hiện hành đối với hợp tác xã thủ công nghiệp, hoặc hợp tác xã vận tải.

13. Cần thi hành nghiêm chỉnh những quy định hiện hành của Nhà nước về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế trong mối quan hệ kinh tế giữa hợp tác xã kinh doanh nghề rừng với các đơn vị kinh tế cơ sở của Nhà nước.

Hội đồng Chính phủ yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp, các ngành, các cấp có liên quan nghiên cứu các chủ trương, chính sách trên đây, tổ chức phổ biến rộng rãi trong cán bộ và trong nhân dân, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và ý nghĩa lớn của vấn đề rừng, tích cực tham gia thiết thực cụ thể, đúng đắn vào nhiệm vụ phát triển nghề rừng.

Tổng cục Lâm nghiệp và các ngành có liên quan ở trung ương phải phối hợp chặt chẽ, và trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, có kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện chủ trương và chính sách đối với hợp tác xã kinh doanh nghề rừng cho thật tốt. Nếu cần, các ngành cần phải ra các thông tư giải thích, hướng dẫn cho cấp dưới quán triệt và thi hành nghiêm chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, sai lầm, trái với các quy định của Đảng và Nhà nước.

Ủy ban hành chính các cấp, kết hợp với việc thi hành các nghị quyết, chỉ thị trước đây về vấn đề lâm nghiệp, có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt ở địa phương mình các chính sách ban hành này đến tận hợp tác xã và xã, theo điều kiện cụ thể từng nơi, nhằm phát huy khả năng to lớn của đông đảo nhân dân, đẩy mạnh việc phát triển nghề rừng, cả trước mắt và lâu dài.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 179-CP năm 1968 về một số chính sách đối với hợp tác xã có kinh doanh nghề rừng do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 179-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/11/1968
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản