Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 179/2005/QĐ-UBND

TP.Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 09 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THÀNH LẬP CẢNG VỤ ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRỰC THUỘC SỞ GIAO THÔNG - CÔNG CHÍNH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Giao thông Đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 của Chính Phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải số 29/2004/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2004 ban hành quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa; Quyết định số 31/2004/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2004 ban hành Tiêu chuẩn cấp kỹ thuật cảng thủy nội địa, tiêu chuẩn bến thủy nội địa; Quyết định số 32/2004/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2004 ban hành Quy định về tổ chức, hoạt động của Cảng vụ Đường thủy nội địa và Quyết định số 07/2005/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 01 năm 2005 ban hành Quy chế quản lý hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 09/QĐ-UB ngày 09 tháng 01 năm 1991 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Sở Giao thông Công chánh thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Giao thông - Công chính);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông - Công chính tại Tờ trình số 225/SGTCC-TCCB ngày 08 tháng 8 năm 2005 và Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 593/TTr-SNV ngày 23 tháng 9 năm 2005;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay thành lập Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Giao thông - Công chính.

Tên giao dịch tiếng Anh: HO CHI MINH CITY INLAND WATERWAY PORT AUTHORITY.

Tên viết tắt là : HCMC IWPA.

Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, kinh phí hoạt động do Ngân sách Nhà nước cấp và từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại theo quy định của pháp luật.

Trụ sở đặt tại số 167 đường Lưu Hữu Phước, phường 15 quận 8 thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minhthực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 71, Điều 72 Luật Giao thông đường thủy nội địa và theo Điều 6 Quyết định số 32/2004/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 12 năm 2004 của Bộ Giao thông Vận tải Quy định về tổ chức, hoạt động của Cảng vụ Đường thủy nội địa, cụ thể:

1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện, tàu biển (nếu có) trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa;

2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định của Pháp luật về an toàn giao thông và bảo vệ môi trường của phương tiện, tàu biển (nếu có), kiểm tra bằng, chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên và người lái phương tiện; cấp phép cho phương tiện, tàu biển ra, vào cảng, bến thủy nội địa;

3. Không cho phương tiện, tàu biển (nếu có) ra, vào cảng, bến thủy nội địa khi cảng, bến hoặc phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn hoặc cảng, bến không đủ điều kiện pháp lý hoạt động;

4. Thông báo tình hình luồng cho phương tiện, tàu biển (nếu có) ra, vào cảng, bến thủy nội địa;

5. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cầu tàu, bến, luồng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa; khi phát hiện dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xử lý kịp thời;

6. Giám sát việc sử dụng cầu tàu, bến bảo đảm an toàn, yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến thủy nội địa tạm ngừng khai thác cầu tàu, bến khi xét thấy có ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình;

7. Tổ chức tìm kiếm, cứu người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển bị nạn trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa;

8. Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong khu vực cảng, bến thủy nội địa tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện, tàu biển trong trường hợp khẩn cấp và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến thủy nội địa;

9. Tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn;

10. Xử phạt vi phạm hành chính; lưu giữ phương tiện; thu phí, lệ phí theo quy định của Pháp luật;

11. Chủ trì phối hợp hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước khác tại cảng, bến thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện, tàu biển nước ngoài;

12. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện ; tham gia xây dựng quy hoạch phát triển cảng, bến thủy nội địa trong phạm vi quản lý khi có yêu cầu;

13. Quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản, kinh phí, biên chế được giao và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định;

14. Tham mưu cho Giám đốc Sở Giao thông - Công chính tổ chức quản lý, thực hiện công bố cảng thủy nội địa, cấp giấy phép hoạt động bến khách ngang sông và tổ chức đăng ký phương tiện thủy nội địa ; trực tiếp cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa;

15. Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan do Giám đốc Sở Giao thông - Công chính giao.

Điều 3. Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minhdo Giám đốc phụ trách và có 1 đến 2 Phó Giám đốc giúp việc cho Giám đốc. Giám đốc Cảng vụ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông - Công chính. Phó Giám đốc Cảng vụ do Giám đốc Sở Giao thông - Công chính thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Cảng vụ.

Giám đốc Sở Giao thông - Công chính có trách nhiệm chỉ đạo Giám đốc Cảng vụ sắp xếp bộ máy, bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Cảng vụ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.

Biên chế của Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban nhân dân thành phố giao chung trong tổng số biên chế hành chính hàng năm của Sở Giao thông - Công chính.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minhchịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như điều 5;
- Bộ Giao thông Vận tải;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND thành phố ;
- Ủy ban nhân dân thành phố ;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN thành phố ;
- Ban Tổ chức Thành ủy;
- Công an thành phố (PC.13);
- Sở Nội vụ thành phố (02b);
- VPHĐ-UB: các PVP;
- Các Tổ NCTH;
- Lưu (VX/Nh) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Văn Đua

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 179/2005/QĐ-UBND thành lập Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Sở Giao thông - Công chính do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 179/2005/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/09/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Văn Đua
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản