Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 178/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 8 năm 1978

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN  VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TY LÂM NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27-10-1962;  Căn cứ nghị định số 24/CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chánh quyền Nhà nước cấp tỉnh, thành phố trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
Xét yêu về chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức, quản lý, xây dựng, phát triển ngành lâm nghiệpcủa thành phố;
Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố ngày 27-6-1978 về tổ chức và hoạt động của Ty Lâm nghiệp thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ty Lâm nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Các đồng chí ChánhVăn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố, Giám đốc Sở Tài chánh, Trưởng Ty Lâm nghiệp, thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

BẢN QUY ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TY LÂM NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 178/QĐ-UB ngày 21-8-1978 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 1. Ty Lâm nghiệp là cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân thành phố, chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân về thống nhất quản lý công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa, khôi phục, xây dựng phát triển ngành lâm nghiệp và chế biến gỗ của thành phố, bao gồm các việc: trồng cây xanh, trồng rừng, nuôi dưỡng, tu bổ, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản, tiếp nhận, vận chuyển, cung ứng gỗ và chế biến gỗ theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đúng chủ trương, kế hoạch của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Ty chịu sự lãnh đạo toàn diện của Ủy ban Nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Lâm nghiệp với nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương, vùng lãnh thổ.

Ty có tư cách pháp nhân, được phép sử dụng con dấu và mở tài khoản ở Ngân hàng.

Điều 2. Ty Lâm nghiệp có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

1. Căn cứ vào việc phân vùng quy hoạch kinh tế tổng hợp và phân vùng nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn thành phố, tiến hành điều tra, khảo sát, nghiên cứu, nắm chắc nguồn tài nguyên lâm sản để xây dựng quy hoạch phát triển ngành lâm nghiệp của thành phố bao gồm: quy hoạch trồng cây tạo vành đai cây xanh, trồng cây các trục đường giao thông, trồng cây bảo vệ đồng ruộng, trồng, nuôi dưỡng và khai thác rừng, tổ chức lại sản xuất ngành cưa xẻ, chế biến gỗ và sản xuất đồ gỗ.

Giúp quận, huyện tiến hành quy trồng cây xanh, trồng và nuôi dưỡng rừng, bảo vệ và khai thác các sản phẩm lâm nghiệp.

Tổ chức thực hiện quy hoạch ngành lâm nghiệp đã được phê duyệt; qua thực tiễn, đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch ngành lâm nghiệp cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, đời sống của thành phố,

2. Dựa vào quy hoạch phát triển ngành, căn cứ vào số kiểm tra kế hoạch Nhà nước do Ủy ban Nhân dân thành phố giao và hướng chỉ đạo của Bộ Lâm nghiệp, dựa theo yêu cầu và khả năng của địa phương, xây dựng các kế hoạch: tiếp nhận, vận chuyển, cưa xẻ và cung ứng gỗ cho các nhu cầu của thành phố; kế hoạch chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ đáp ứng yêu cầu của thành phố, yêu cầu kế hoạch cho các tỉnh bạn; kế hoạch đầu tư trồng rừng, xây dựng cơ bản, trang thiết bị, nhằm phát triển toàn diện ngành lâm nghiệp của thành phố.

Tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch ngành lâm nghiệp sau khi đã được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

3. Hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chánh sách, chế độ, thể lệ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy trình, quy phạm kỹ thuật của ngành lâm nghiệp, do Hội đồng Chính phủ và Bộ Lâm nghiệp ban hành. Đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện địa phương, đáp ứng các chính sách, chế độ, thể lệ của Trung ương nói trên, trình Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành thành quy định cụ thể, áp dụng trong phạm vi thành phố.

4. Quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tổ chức thực hiện công tác khảo sát, thiết kế, thi công (tự thi công hoặc giao thầu cho ngành xây dựng thi công) các công trình của ngành đã được phê duyệt như lâm trường, trạm, kho, xí nghiệp cưa xẻ gỗ, xí nghiệp sản xuất đồ gỗ, cơ sở sửa chữa chuyên dùng,…

5. Tổ chức và quản lý thống nhất việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng các loại vật tư, thiết bị chuyên dùng của ngành lâm nghiệp. Đối với loại vật tư thông dụng, Ty quản lý kế hoạch phân phối cho các đơn vị trực thuộc và quản lý việc thực hiện các định mức sử dụng vật tư một cách hợp lý và tiết kiệm nhất.

6. Tổ chức thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa và tổ chức lại sản xuất đối với các cơ sở tư doanh về vận chuyển gỗ, cưa xẻ, chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ có quy mô cấp thành phố quản lý. Chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các quận, huyện thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa; quản lý, xét cấp giấy phép hành nghề cho các hợp tác xã và các cơ sở cá thể về cưa, xẻ, chế biến gỗ, sản xuất đồ gỗ thuộc diện phân cấp cho quận, huyện quản lý theo quy định chung của Ủy ban Nhân dân thành phố.

7. Tổ chức, quản lý và chỉ đạo các đơn vị quốc doanh, công tư hợp doanh trực thuộc Ty Lâm nghiệp, bao gồm: các lâm trường trồng rừng, tu bổ, bảo dưỡng và khai thác lâm sản, các đơn vị tiếp nhận, vận chuyển và cung ứng gỗ, các đơn vị cưa xẻ, chế biến gỗ và sản xuất đồ gỗ, các xí nghiệp sửa chữa xe máy chuyên dùng và các đơn vị sự nghiệp của ngành.

8. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng theo đúng pháp lệnh Nhà nước và chủ trương, quy định của Ủy ban Nhân dân thành phố. Kiểm tra việc thực hiện pháp chế lâm nghiệp, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vật tư lâm sản trái phép. Được Cục Kiểm lâm nhân dân – Bộ Lâm nghiệp ủy nhiệm quản lý và chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

9. Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng cho ngành lâm nghiệp của thành phố một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật vừa có phẩm chất đạo đức, chính trị tốt, vừa có trình độ, khả năng giỏi về nghiệp nghiệp. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức thuộc Ty.

10. Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý lao động, tiền vốn, vật tư, thiết bị, tài sản của Ty theo đúng chánh sách, chế độ, thể lệ hiện hành của Nhà nước. Chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa theo quy định của Nhà nước.

II. CƠ CẤU TỔ CHỨC

Điều 3. Ty Lâm nghiệp thành phố được tổ chức và làm việc theo chế độ thủ trưởng kết hợp với bàn bạc tập thể, phát huy quyền làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành. Ty đặt dưới quyền điều khiển của một Trưởng Ty và có một số Phó trưởng Ty giúp việc Trưởng Ty. Trưởng Ty là người có quyền hạn cao nhất và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Nhân dân thành phố và Bộ Lâm nghiệp, lãnh đạo toàn diện công tác của Ty như quy định ở điều 1 và điều 2 nêu trên.

Các Phó trưởng Ty giúp Trưởng Ty trong việc lãnh đạo chung và được Trưởng Ty ủy nhiệm chỉ đạo một số mặt công tác của Ty.

Cơ cấu tổ chức của Ty bao gồm:

a) Bộ máy cơ quan Ty

1 Phòng Tổng hợp, hành chánh, quản trị;

2 Phòng Tổ chức, cán bộ, đào tạo và lao động tiền lương;

3 Phòng Kế hoạch;

4 Phòng Kế toán, tài vụ, thống kê;

5 Phòng Kỹ thuật và quản lý công nghiệp;

6 Phòng Trồng rừng;

7 Ban Thanh tra – pháp chế.

Các phòng ban nêu trên có nhiệm vụ tham mưu giúp Trưởng Ty thực hiện chức năng, quyền hạn quản lý hành chánh – kinh tế toàn ngành trong phạm vi thành phố và chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh sự nghiệp trực thuộc Ty.

Tùy theo yêu cầu cần thiết, Trưởng Ty được quyền quyết định thành lập Hội đồng Khoa học – kỹ thuật để làm tư vấn cho Trưởng Ty, xét duyệt các đề án khoa học – kỹ thuật, xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng những sáng chế, phát minh của ngành thuộc phạm vi thành phố.

b) Các tổ chức sự nghiệp

1. Chi cục Kiểm lâm nhân dân thành phố;

2. Trạm thí nghiệm sản xuất thử và ươm cây (bao gồm vườn ươm Tân Bình, Củ Chi, Thủ Đức);

3. Lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật – nghiệp vụ lâm nghiệp.

Chi cục Kiểm lâm, Trạm thí nghiệp sản xuất thử và ươm cây được phép sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng.

c) Các đơn vị sản xuất kinh doanh

1. Công ty cung ứng lâm sản (làm nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển và phân phối gỗ và lâm sản);

2. Công ty chế biến gỗ;

3. Xí nghiệp sửa chữa xe, máy lâm nghiệp;

4. Trạm vật tư lâm nghiệp;

5. Đội trồng cây quốc doanh Củ Chi;

6. Đội trồng cây quốc doanh Thủ Đức;

7. Lâm trường quốc doanh Duyên Hải.

Các công ty, xí nghiệp, lâm trường, trạm, đôi nêu trên là các đơn vị kế hoạch trực thuộc Ty, có tư cách pháp nhân, hạch toán kinh tế độc lập (trừ công ty chế biến gỗ hạch toán tổng hợp), được phép sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng.

Công ty chế biến gỗ hạch toán kinh tế tổng hợp, các xí nghiệp trực thuộc công ty hạch toán kinh tế độc lập, được phép sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng.

d) Tổ chức quản lý xây dựng cơ bản

- Ban Kiến thiết cơ bản

- Ban Kiến thiết là cơ quan quản lý bên A đối với các công trình xây dựng thuộc Ty, thực hiện nhiệm vụ theo thông tư số 120/TTg ngày 5-11-1969 của Thủ tướng Chính phủ, quy định nhiệm vụ và quan hệ giữa đơn vị giao thầu và đơn vị nhận thầu trong ngành xây dựng cơ bản.

- Ban được phép sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản ở ngân hàng.

e) Tổ chức hưởng kinh phí khác

1. Ban Cải tạo thuộc Ty

Điều 4. Trưởng Ty Lâm nghiệp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Ty nêu ở điều 1 và điều 2 trên đây, có trách nhiệm:

- Xây dựng điều lệ về tổ chức và hoạt động của từng tổ chức sản xuất, kinh doanh (nêu ở điểm c, điều 3) trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt.

- Ra văn bản, sau khi đã trao đổi nhất trí với Ban Tổ chức chánh quyền thành phố, quy định nhiệm vụ cụ thể, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của các phòng, ban cơ quan Ty (nêu ở điểm a, điều 3) và của các đơn vị sự nghiệp (nêu ở điểm b, điều 3).

Biên chế lao động và quỹ tiền lương khu vực không sản xuất vật chất, được Ủy ban Nhân dân thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, trên nguyên tắc bộ máy tinh, gọn, có hiệu lực.

Chỉ tiêu lao động và quỹ tiền lương khu vực sản xuất vật chất, do Ty lập dự án kế hoạch cân đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trên cơ sở định mức và năng suất lao động bình quân tiên tiến, bảo đảm tỷ lệ lao động gián tiếp không vượt mức quy định của Nhà nước, trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt theo từng thời kỳ kế hoạch.

III. MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA TY LÂM NGHIỆP VỚI BỘ LÂM NGHIỆP VÀ CÁC SỞ, BAN, NGÀNH HỮU QUAN

Điều 5. Quan hệ giữa Ty Lâm nghiệp với Bộ Lâm nghiệp

Ty Lâm nghiệp là cơ quan thuộc ngành lâm nghiệp cấp thành phố, chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật, nghiệp vụ và kiểm tra của Bộ Lâm nghiệp về mặt thực hiện, được Bộ hướng dẫn, giúp đỡ, truyền đạt những kinh nghiệm tiên tiến để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước; và chấp hành đúng đắn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ty tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, các quy trình, quy phạm kỹ thuật của ngành lâm nghiệp do Hội đồng Chính phủ và Bộ Lâm nghiệp ban hành. Trong quá trình vận dụng thích hợp với điều kiện địa phương, nếu phải thay đổi, Ty cần báo cáo, xin ý kiến của Bộ Lâm nghiệp.

Trước khi chấp hành các chủ trương, chỉ thị của Bộ trưởng, đồng chí Trưởng Ty cần báo cáo với Ủy ban Nhân dân thành phố để xin ý kiến chỉ đạo cụ thể trước khi thực hiện.

Ty có trách nhiệm làm báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6 tháng, cả năm) về tình hình, nhiệm vụ công tác lâm nghiệp của địa phương cho Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Lâm nghiệp và các báo cáo đột xuất theo yêu cầu của trên.

Điều 6. Giữa Ty Lâm nghiệp với Ủy ban Nhân dân quận, huyện

Ty Lâm nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn giúp đỡ Ủy ban Nhân dân (cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân) xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về lâm nghiệp ở quận, huyện, và chấp hành chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc ngành lâm nghiệp.

Cơ quan chuyên môn phụ trách về lâm nghiệp của Ủy ban Nhân dân quận, huyện chịu sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Ủy ban Nhân dân quận, huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo về kỹ thuật – nghiệp vụ, về thực hiện quy hoạch, kế hoạch lâm nghiệp của Ty Lâm nghiệp.

Ty Lâm nghiệp có trách nhiệm giúp Ủy ban Nhân dân quận, huyện xây dựng, củng cố các tổ chức chuyên trách về lâm nghiệp ở quận, huyện.

Điều 7. Quan hệ với các ban, ngành, sở của thành phố

- Ty Lâm nghiệp tăng cường quan hệ với các sở, ban, ngành có liên quan trong thành phố trên nguyên tắc hợp tác xã hội chủ nghĩa và cộng đồng trách nhiệm theo chức năng của từng ngành, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành lâm nghiệp của thành phố.

- Ty lâm nghiệp phải phối hợp chặt chẽ về quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện trồng cây với các ngành liên quan:

• Trồng cây ở các trục đường giao thông: Ty Lâm nghiệp bàn bạc nhất trí với Sở Giao thông vận tải để thỏa thuận sự phân công trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan.

• Đối với phong trào trồng cây của nhân dân: Ty Lâm nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu ươm tạo giống và cung cấp cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây.

• Trồng cây bảo vệ đồng ruộng: Ty Lâm nghiệp bàn bạc nhất trí với Sở Nông nghiệp và Sở Thủy lợi để quy định sự phân công trách nhiệm cụ thể của mỗi ngành.

- Ty Lâm nghiệp kết hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp, Sở Thủy sản, Sở Thủy lợi trong công tác nghiên cứu, khảo sát việc quy hoạch ngành, bảo đảm quy hoạch của từng ngành có sự phối hợp cân đối giữa các ngành với nhau một cách hợp lý và có hiệu quả kinh tế trong quy hoạch phân vùng nông, lâm, ngư nghiệp ở từng khu vực lãnh thổ thành phố.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Các quy định của thành phố đã ban hành trước đây trái với bản quy định này nay bãi bỏ.

Việc bổ sung, sửa đổi các điều trong bản quy định này do Ủy ban Nhân dân thành phố quyết định.

Bản quy định này có giá trị thực hiện kể từ ngày ban hành.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 178/QĐ-UB năm 1978 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ty Lâm nghiệp thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 178/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/08/1978
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Quang Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/08/1978
  • Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản