Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1777/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 29 tháng 5 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY ĐỊNH TẠM THỜI CƠ CHẾ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGUỒN VỐN VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LÃI PHÁT SINH TỪ PHONG TRÀO “QUỸ TIẾT KIỆM VÌ PHỤ NỮ NGHÈO”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Xét đề nghị của Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tại Tờ trình số 60/TTr-BTV ngày 23/5/2018 và đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 1164/STC- TCHCSN ngày 21/5/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy định tạm thời cơ chế quản lý, điều hành nguồn vốn và sử dụng nguồn lãi phát sinh từ phong trào “Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.

Điều 2. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chịu trách nhiệm triển khai Quy định được duyệt tại Điều 1 đảm bảo bảo toàn và phát triển nguồn vốn và nguồn lãi phát sinh từ phong trào “Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI CƠ CHẾ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGUỒN VỐN VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LÃI PHÁT SINH TỪ PHONG TRÀO “QUỸ TIẾT KIỆM VÌ PHỤ NỮ NGHÈO”
(Kèm theo Quyết định số 1777/QĐ-UBND ngày 29/5/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi và nguồn gốc hình thành nguồn vốn

1. Tên gọi: Nguồn vốn từ phong trào “Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.

2. Nguồn gốc hình thành: Nguồn vốn được hình thành từ năm 1996 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động và tổ chức phong trào “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”.

Điều 2. Quy định cho vay vốn

Việc cho vay vốn từ nguồn vốn từ phong trào “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” được thực hiện theo phương thức cho vay có hoàn trả (có kỳ hạn, có hạn mức), thu lãi suất theo quy định.

Điều 3. Đối tượng vay vốn

1. Phụ nữ nghèo (có sổ hộ nghèo); Phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ đơn thân có hộ khẩu đăng ký thường trú hoặc tạm trú dài hạn trên địa bàn tỉnh Bình Định (sau đây gọi chung là người vay vốn).

2. Người vay vốn không phải thế chấp tài sản và được hỗ trợ thực hiện thủ tục vay vốn miễn phí.

Điều 4. Lĩnh vực cho vay vốn

Người vay vốn có nhu cầu vay vốn để đầu tư sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ, góp phần phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Điều 5. Quản lý nguồn vốn

1. Để bảo toàn và phát triển nguồn vốn từ phong trào “Quỹ tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, các đơn vị phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc kho bạc Nhà nước; thực hiện theo dõi nguồn vốn trên sổ theo dõi tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc kho bạc Nhà nước và mở sổ theo dõi tiền mặt tại đơn vị. Cuối tháng tiến hành cộng sổ, đối chiếu số dư, chủ tài khoản và kế toán đơn vị thực hiện ký xác nhận vào sổ theo dõi tài khoản tiền gửi, sổ theo dõi tiền mặt theo quy định của Luật kế toán.

2. Trước khi đến hạn thu hồi 30 ngày, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, Ban Quản lý nguồn vốn phải có kế hoạch chỉ đạo các đơn vị cơ sở chuẩn bị cho việc thu hồi vốn, chọn đối tượng vay mới và hoàn tất các thủ tục cho vay. Khi thu hồi vốn phải giải ngân ngay, không được để tồn vốn quá 15 ngày.

Điều 6. Nguyên tắc cho vay vốn

Người vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích nêu trong đơn đề nghị vay vốn và phải hoàn trả nợ (cả gốc và lãi) đầy đủ, đúng hạn.

Điều 7. Mức cho vay, thời hạn và lãi suất cho vay

1. Mức cho vay: Tối đa là 5.000.000 đồng/01 người vay vốn.

2. Thời hạn vay: Từ 12 đến 24 tháng kể từ ngày giao vốn.

3. Lãi suất: Theo lãi suất cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội tại thời điểm cho vay.

Điều 8. Thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự án cho vay

1. Tổ chức thẩm định: Đối với đơn xin vay vốn từ nguồn vốn này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ xã/phường/thị trấn (sau đây gọi chung là Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã) thẩm định, xác nhận.

2. Phê duyệt: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh ủy quyền cho Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện/thị/ thành phố (sau đây gọi chung là Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện) phê duyệt nguồn vốn đã giao Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện trực tiếp quản lý.

Chương II

THỦ TỤC VÀ QUY TRÌNH CHO VAY

Điều 9. Thủ tục và quy trình cho vay

1. Hồ sơ vay lập thành 02 bộ; lưu tại Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện 01 bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã 01 bộ.

2. Người vay vốn làm Đơn xin vay vốn (theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn), gửi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã.

3. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã nhận đơn xin vay, tiến hành đối chiếu tiêu chí vay vốn theo Quy định này.

4. Sau khi kiểm tra hồ sơ vay vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã xác nhận vào Đơn xin vay vốn; đồng thời lập danh sách người vay vốn đề nghị vay vốn (theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn) kèm theo Đơn xin vay vốn; trình UBND cấp xã để xác nhận địa chỉ nơi cư trú hợp pháp tại địa phương và hoàn cảnh người vay.

5. Sau khi Hồ sơ vay vốn được xác nhận, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã gửi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện để xét duyệt, thông qua biên bản giao nhận vốn và danh sách xét duyệt hộ/người vay vốn (theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn).

6. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện gửi kết quả phê duyệt người vay vốn cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã để thông báo cho người vay vốn đến ký nhận tiền (theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn).

7. Sau mỗi đợt giải ngân nguồn vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện gửi Biên bản, danh sách xét duyệt hộ/người vay vốn, danh sách nhận vốn (theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn) về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để theo dõi, quản lý.

Điều 10. Phương thức hoàn trả vốn - lãi

1. Trả gốc được thực hiện vào cuối kỳ vay đã cam kết. Người vay vốn có quyền trả nợ trước thời hạn.

2. Trả lãi theo quy định cho đối tượng vay. Tùy tình hình thực tế của địa phương, việc trả lãi có thể theo tháng, quý hay cuối kỳ vay.

Điều 11. Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn

1. Gia hạn nợ:

a. Trước 05 ngày khi vốn vay đến hạn trả, mà người vay vốn không trả được nợ do nguyên nhân khách quan, như: thiên tai, hỏa hoạn, sản xuất chưa thu hoạch được… dẫn đến chưa có khả năng trả nợ; nếu có nhu cầu gia hạn, người vay vốn có Giấy đề nghị gia hạn nợ (theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn) giải trình rõ nguyên nhân và biện pháp khắc phục gửi đến Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã tiếp nhận và trình cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện để xem xét, giải quyết, phê duyệt theo quy định.

b. Căn cứ vào Giấy đề nghị gia hạn nợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã tiến hành kiểm tra, xem xét và giải quyết gia hạn nợ.

c. Thời gian gia hạn nợ và lãi suất trong thời gian gia hạn nợ:

- Đối với cho vay ngắn hạn (12 tháng): Tối đa bằng thời hạn vay là 12 tháng.

- Đối với cho vay trung hạn (24 tháng): Tối đa bằng 1/2 thời gian cho vay là 12 tháng.

- Lãi suất trong thời gian gia hạn nợ: Bằng lãi suất cho vay ban đầu

d. Trong vòng 5 ngày, kể từ khi quyết định cho người vay vốn gia hạn nợ, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo việc gia hạn nợ cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để theo dõi, quản lý.

2. Chuyển nợ quá hạn:

a. Các trường hợp chuyển nợ quá hạn:

- Người vay vốn sử dụng vốn sai mục đích đã có quyết định thu hồi nhưng chưa trả nợ.

- Đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng, người vay vốn không trả được nợ và cũng không được gia hạn nợ, thì Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện chuyển toàn bộ số dư sang nợ quá hạn và người vay vốn phải chịu lãi suất bằng: lãi suất cho vay tại thời điểm quy định x 130%.

b. Mọi trường hợp chuyển nợ quá hạn, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phải có biện pháp tích cực thu hồi và báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Điều 12. Kiểm tra, giám sát vốn vay

1. Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày giải ngân, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn vay hoặc ủy quyền cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã kiểm tra việc sử dụng vốn vay của từng người vay. Nếu người vay vốn sử dụng vốn sai mục đích, phải tiến hành lập biên bản kiểm tra và báo cáo tình hình về Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện xem xét, quyết định thu hồi nợ trước hạn (theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn).

2. Định kỳ 6 tháng, năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức kiểm tra hoạt động vay vốn ở cơ sở, người vay vốn và có biện pháp nhắc nhở, chỉ đạo tại các kỳ họp giao ban, trực báo trong tháng.

Điều 13. Chế độ báo cáo, thống kê

Định kỳ hàng tháng, quý, năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện, cấp xã thực hiện thống kê, báo cáo theo mẫu do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hướng dẫn và gửi báo cáo kết quả thực hiện cho vay về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để tổng hợp.

Chương III

PHÂN BỔ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LÃI THU ĐƯỢC

Điều 14. Phân bổ nguồn lãi thu được

Nguồn lãi thu được, được quy đổi thành 100% và phân bổ theo tỷ lệ sau:

1. Dự phòng chi (xử lý rủi ro) : 15,5%

2. Tăng trưởng nguồn vốn : 15,5%

3. Phí quản lý Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh : 23%

4. Phí quản lý Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp huyện : 23%

5. Phí quản lý Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã : 23%

Do Hội LH Phụ nữ tỉnh quản lý

Điều 15. Sử dụng nguồn lãi thu được

1. Dự phòng chi:

a. Được sử dụng để xử lý các khoản nợ quá hạn được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phê duyệt xóa nợ quá hạn.

b. Trường hợp nguồn dự phòng chi có số kinh phí tồn nhiều, thì Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có trách nhiệm cân đối, quyết định sử dụng để tăng nguồn vốn vay.

2. Tăng trưởng nguồn vốn:

Hàng năm, căn cứ vào số liệu trích lập nguồn vốn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh xem xét, quyết định tăng nguồn vốn vay và lựa chọn đơn vị tiếp nhận nguồn vốn.

3. Phí quản lý tại các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ và tại Ban Quản lý nguồn vốn được sử dụng để chi cho các nội dung sau:

a. Phục vụ công tác quản lý nguồn vốn, như: Tuyên truyền, hội thảo, tập huấn, kiểm tra, giám sát, văn phòng phẩm, xăng xe, phụ cấp cho Ban quản lý nguồn vốn…

b. Hỗ trợ hoạt động phong trào tại các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ.

c. Chi phúc lợi, hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức và người lao động tại các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ.

d. Nội dung và định mức chi cụ thể từ nguồn phí quản lý phụ thuộc vào nguồn lãi thu được, nhu cầu thực tế của từng đơn vị và phải được tập thể Ban quản lý nguồn vốn đồng ý, thống nhất bằng văn bản, nhưng tối đa không vượt quá mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16.

1. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục, quy trình vay vốn theo Quy định này.

2. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng ban Ban Quản lý nguồn vốn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện/thị/thành phố trong tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

3. Trong năm 2019, Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định việc quản lý, điều hành nguồn vốn và sử dụng nguồn lãi phát sinh từ phong trào “Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh Quy định này cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1777/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt quy định tạm thời cơ chế quản lý, điều hành nguồn vốn và sử dụng nguồn lãi phát sinh từ phong trào Quỹ Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 1777/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Nguyễn Tuấn Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản