Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1772/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 02 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA TỈNH QUẢNG NAM VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/06/2014;

Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 400TTr- STNMT ngày 11/6/2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, với các nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Thực hiện tốt các mục tiêu, nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1289/QĐ-UBND ngày 03/5/2019 của UBND tỉnh;

- Phù hợp với cách tiếp cận theo mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh;

- Nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy của cộng đồng và xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- Phấn đấu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị vứt bỏ được thu gom; 90% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn tỉnh; Khu bảo biển Cù Lao Chàm không còn rác thải nhựa;

- Thực hiện việc quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại khu vực lưu vực cửa sông Vu Gia - Thu Bồn và 2 xã đảo Tân Hiệp, Tam Hải.

b) Đến năm 2030:

- Giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy;

- Mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại khu vực lưu vực cửa sông Vu Gia - Thu Bồn và 2 xã đảo Tân Hiệp, Tam Hải.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương

- Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về tác hại của các sản phẩm sử dụng một lần có nguồn gốc từ nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy;

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, các sáng kiến có giá trị, đồng thời triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển. Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường;

- Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp ở các địa phương có biển;

- Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh;

- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, cộng đồng dân cư ven biển và dân cư xung quanh khu bảo tồn biển về tác hại của rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động thủy sản.

2. Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tại địa phương ven biển tối thiểu mỗi năm một lần; bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường;

- Huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, thống kê, phân loại rác thải nhựa đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu tỉnh về nguồn thải;

- Tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hệ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, các bãi tắm, vùng nước ven biển;

- Xây dựng mô hình thí điểm và chuyển giao, hỗ trợ xây dựng mô hình tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

3. Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn

- Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Lồng ghép thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước và có biện pháp xử lý vi nhựa từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp, nhất là tại vùng ven biển, cửa sông, vùng biển ven bờ;

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản, đặc biệt tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch;

- Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển.

4. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương

- Tham gia có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương, đặc biệt với các quốc gia ASEAN và các nước khu vực biển Đông Á; đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trên thế giới về rác thải nhựa đại dương;

- Tham gia xây dựng và thực hiện hiệu quả Dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tài trợ tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An;

- Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế về biển; huy động nguồn lực quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát rác thải nhựa đại dương; tiếp nhận các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế chất thải nhựa và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh;

- Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa đại dương trên cơ sở có điều chỉnh, thích ứng với điều kiện thực tiễn của tỉnh;

- Xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn về rác thải nhựa đại dương; đánh giá các nguy cơ, rủi ro ô nhiễm và các tác động của rác thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.

5. Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

 (Chi tiết phân công trách nhiệm chủ trì thực hiện từng nhiệm vụ của Kế hoạch theo Phụ lục đính kèm)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi trách nhiệm quản lý chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả; định kỳ hằng năm và 5 năm, gửi báo cáo kết quả thực hiện cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thúc đẩy, mở rộng hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương; định kỳ hằng năm và 5 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh theo quy định.

3. Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

4. Cơ quan được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách được phê duyệt và huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện Kế hoạch.

5. Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường vận động, huy động, lựa chọn nguồn tài trợ phù hợp từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế để thực hiện Kế hoạch; chủ động ký kết, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế về rác thải nhựa đại dương.

6. BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp lực lượng Cảnh sát biển, các Sở, Ban, ngành liên quan kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương.

7. Kiến nghị các cấp ủy Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp chủ động xây dựng chương trình, nhiệm vụ, dự án thực hiện Kế hoạch, định kỳ hằng năm gửi kết quả thực hiện cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (B/c);
- TTTU, HĐND tỉnh (B/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Hội, đoàn thể tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, TH, KTTH, KTN.
F:\Dropbox\Năm 2020\Quyết định\Môi trường\06 24 KH rac thai dai duong.doc

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quang Bửu

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC TRÁCH NHIỆM VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HÀNH ĐỒNG VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1772/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam)

TT

Trách nhiệm thực hiện

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

I

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương

1

Tổ chức tuyên truyền, thông tin về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương

2020 - 2030

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Thông tin và Truyền thông; các Sở, Ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển

2

Xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục để thông tin, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông sử dụng một lần đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư và người dân trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa đại dương

2020 - 2030

Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam

Sở Tài nguyên và Môi trường, Báo Quảng Nam, Cổng Thông tin điện tử Quảng Nam; UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển

3

Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải nhựa đại dương gắn với việc tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam

2020 - 2030

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển

II

Thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa từ các hoạt động ở khu vực ven biển và trên biển.

2020 - 2030

UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển

Sở Tài nguyên và Môi trường; Các Sở, Ban, ngành liên quan

III

Xây dựng Đề án quản lý chất thải vùng ven biển và hải đảo tỉnh Quảng Nam

2021 - 2025

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển và các Sở, Ban, ngành liên quan

IV

Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn

1

Xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình quản lý, giảm thiểu, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy tại một số khu du lịch ven biển.

2020 - 2030

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển

2

Xây dựng và lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đổ ra biển và đại dương trong các chương trình giáo dục, đào tạo ở các cấp tiểu học với các hình thức và nội dung phù hợp

2020 - 2030

Sở Giáo dục và Đào tạo

Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND huyện, thị xã, thành phố

V

Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương

1

Xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, định kỳ đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông chính, khu vực ven biển, đảo tiền tiêu, có tiềm năng phát triển du lịch; chủ trì thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế, triển khai các sáng kiến với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.

2020 - 2025

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, Ban, ngành liên quan; UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển

2

Tham mưu UBND tỉnh ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương.

2020 - 2025

Sở Ngoại vụ

Sở Tài nguyên và Môi trường; các Sở, Ban, ngành liên quan

3

Tham gia Diễn đàn ASEAN về môi trường biển, trọng tâm là rác thải nhựa đại dương khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020

2020

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các Sở, Ban, ngành liên quan

VI

Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

2020 - 2030

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông vận tải; các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố ven biển.

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1772/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch hành động của tỉnh Quảng Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030

  • Số hiệu: 1772/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/07/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Hồ Quang Bửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản