Hệ thống pháp luật

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN VẬN ĐỘNG CỨU TRỢ TW
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1764/QĐ-MTTW-BVĐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN VẬN ĐỘNG CỨU TRỢ TRUNG ƯƠNG

BAN VẬN ĐỘNG CỨU TRỢ TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, ngày 27/10/2021 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Căn cứ Thông tư số 41/2022/TT-BTC, ngày 05/7/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện;

Căn cứ Quyết định số 1569/QĐ-MTTW-BTT, ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc thành lập Ban Vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo;

Sau khi thống nhất của các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Chủ tịch UBTWMTTQVN;
- Các cơ quan thành viên Ban Vận động
cứu trợ Trung ương;
- VPTWĐ, VPCP, VPQH, VPCTN;
- UBND, UBMTTQVN các tỉnh, thành phố;
- Các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam;
- Lưu: VP, Ban PT.

TM. BAN VẬN ĐỘNG
CỨU TRỢ TRUNG ƯƠNG
TRƯỞNG BAN




Lê Tiến Châu
(Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN VẬN ĐỘNG CỨU TRỢ TRUNG ƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1764/QĐ-MTTW-BTT, ngày 03 tháng 01 năm 2023 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi, phạm vi điều chỉnh

1. Ban Vận động tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở Trung ương được quy định tại quy chế này có tên “Ban Vận động cứu trợ Trung ương”, được thành lập theo Quyết định số 1764/QĐ-MTTW-BVĐ, ngày 03 tháng 01 năm 2023 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

2. Quy chế này quy định tổ chức và các hoạt động kêu gọi, vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương

1. Ban Vận động cứu trợ Trung ương hoạt động theo nguyên tắc dân chủ bàn bạc, thống nhất và phối hợp thực hiện trên cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng kiến của mỗi thành viên. Các đề xuất của các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương được quyết định theo đa số, trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau, không thống nhất thì xin ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm phối hợp tổ chức tốt công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; đảm bảo thực hiện kịp thời, tập trung, đúng mục đích, đúng đối tượng và công khai theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, ngày 27/10/2021 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 93).

Chương II

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NHIỆM VỤ CỦA BAN VẬN ĐỘNG CỨU TRỢ TRUNG ƯƠNG

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Ban Vận động cứu trợ Trung ương

1. Thành phần Ban Vận động cứu trợ Trung ương gồm:

- Đồng chí Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Trưởng ban Ban Vận động cứu trợ Trung ương;

- Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Phó Trưởng ban Thường trực;

- Đồng chí: Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là các Phó Trưởng ban;

- Các Ủy viên là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành: Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định thành lập.

2. Thường trực Ban Vận động cứu trợ Trung ương gồm: Trưởng ban và các Phó Trưởng ban Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

3. Ban Vận động cứu trợ Trung ương được thành lập Tổ giúp việc Ban Vận động. Thành phần Tổ giúp việc gồm: Đại diện lãnh đạo cấp vụ của các bộ, ngành tham gia Ban Vận động cứu trợ Trung ương; Ban Phong trào cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ giúp Ban Vận động cứu trợ Trung ương (đồng chí Trưởng Ban Phong trào làm Tổ trưởng, Ban Phong trào làm đơn vị thường trực của Tổ giúp việc).

Tổ giúp việc Ban Vận động cứu trợ Trung ương do đồng chí Trưởng ban Vận động cứu trợ Trung ương quyết định thành lập.

4. Ban Vận động cứu trợ Trung ương có Văn phòng giúp việc hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, gồm một số cán bộ, công chức của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, một số cơ quan có liên quan. Văn phòng giúp việc Ban Vận động cứu trợ Trung ương đặt tại cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 4. Nhiệm vụ của Ban Vận động cứu trợ Trung ương

1. Tổ chức vận động và quyên góp

- Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhân dân thì tùy mức độ, phạm vi thiệt hại, Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm đề xuất Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra lời kêu gọi và phát động ủng hộ quyên góp; hướng dẫn Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh và các tổ chức, đơn vị, cá nhân được tiếp nhận. (Theo quy định tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h tại khoản 1, Điều 2, Nghị định số 93 thực hiện nội dung kêu gọi).

- Trường hợp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ra lời kêu gọi nhưng có các tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ, đóng góp thì Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận, quản lý, phân phối tiền, hàng (hiện vật) cứu trợ.

2. Tổ chức tiếp nhận và quản lý tiền, hàng hóa (hiện vật) cứu trợ

a. Tiếp nhận bằng tiền:

- Ban Vận động cứu trợ Trung ương mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Thương mại do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp nhận, quản lý tiền cứu trợ; thực hiện ghi sổ theo dõi về thu, chi và mẫu biểu báo cáo theo quy định.

- Số tiền do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp ủng hộ qua Ban Vận động cứu trợ Trung ương nộp về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

- Số tiền do các tổ chức, cá nhân ủng hộ có địa chỉ cụ thể thì Ban Vận động cứu trợ Trung ương và các tổ chức, đơn vị được phép tiếp nhận có trách nhiệm chuyển đến địa chỉ theo yêu cầu.

b. Tiếp nhận hàng hóa (hiện vật) cứu trợ

- Căn cứ tình hình cụ thể, Ban Vận động cứu trợ Trung ương có phương án chuẩn bị kho bãi để tiếp nhận hàng hóa (hiện vật) cứu trợ khi cần thiết; mở đầy đủ sổ nhập kho, xuất kho, chứng từ nhập, xuất hàng cứu trợ theo quy định.

- Trường hợp tiếp nhận hàng hóa (hiện vật) cứu trợ là vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, quyền sử dụng đất, tài sản khác...thì Ban Vận động cứu trợ Trung ương tổ chức bán đấu giá theo quy định pháp luật hiện hành về đấu giá tài sản và nộp tiền thu được vào tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

c. Việc tiếp nhận tiền mặt, hiện vật phải lập thành văn bản ghi rõ số tiền, số lượng hiện vật, chủng loại,...có chữ ký của lãnh đạo, Ban Phong trào, Văn phòng cơ quan, nhà tài trợ.

3. Tổ chức phân phối và sử dụng tiền, hàng hóa (hiện vật) cứu trợ

- Căn cứ mức độ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng gây ra; căn cứ số tiền, hàng hóa (hiện vật) đã tiếp nhận; căn cứ tiền, hàng hóa (hiện vật) của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương, người dân bị thiệt hại (không thông qua Ban Vận động cứu trợ Trung ương), Ban Vận động cứu trợ Trung ương tổ chức họp (hoặc xin ý kiến bằng văn bản) xem xét quyết định phân phối tiền, hàng hóa (hiện vật) cứu trợ. Thành viên Ban Vận động có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn xin ý kiến, nếu quá thời hạn xin ý kiến được xem là đồng ý với đề xuất của thường trực Ban Vận động.

- Căn cứ vào tình hình thực tế, Ban Vận động cứu trợ Trung ương quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng gây ra.

- Trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất, không đủ thời gian để họp hoặc xin ý kiến Ban Vận động thì Thường trực Ban Vận động gồm: Trưởng ban, các Phó trưởng Ban trao đổi, thống nhất quyết định và Báo cáo lại Ban Vận động trong thời hạn 30 ngày.

4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo; kiểm tra, giám sát

- Ban Vận động cứu trợ Trung ương thường xuyên giữ mối liên hệ với Ủy ban nhân dân và Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh để nắm tình hình thiệt hại; kết quả vận động, phân bổ, sử dụng tiền, hàng hóa (hiện vật) và công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả tại địa phương.

- Ban Vận động cứu trợ Trung ương phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tổ chức phổ biến, thông tin rộng rãi các nội dung về ý nghĩa đợt vận động, thời gian, địa chỉ, số tài khoản tiếp nhận; kết quả phân bổ và sử dụng tiền, hàng hóa (hiện vật) cứu trợ; danh sách các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ Nhân dân, địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng.

- Định kỳ hoặc đột xuất Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiến hành hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị tiếp nhận, phân phối tiền, hàng hóa (hiện vật) cứu trợ; tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác vận động, cứu trợ ở Trung ương để đánh giá, rút kinh nghiệm, xây dựng báo cáo gửi Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Điều 5. Nhiệm vụ của các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương

1. Trưởng ban Vận động cứu trợ Trung ương:

- Tổ chức, điều hành chung các hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương; chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương; phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện.

- Giữ mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với Ban Thường trực và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

- Là chủ tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

- Thành lập Tổ giúp việc Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

- Ủy quyền cho Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vận động cứu trợ Trung ương trong các trường hợp cần thiết.

2. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vận động cứu trợ Trung ương:

- Phụ trách Tổ giúp việc Ban Vận động cứu trợ Trung ương; chỉ đạo Tổ giúp việc chuẩn bị nội dung các cuộc họp; xây dựng kế hoạch triển khai vận động, tiếp nhận, dự kiến phân bổ tiền, hàng cứu trợ; theo dõi, tổng hợp, thống kê kết quả của các cuộc vận động trong phạm vi toàn quốc.

- Trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác tiếp nhận, quản lý tiền, hàng hóa (hiện vật) cứu trợ tại cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Triệu tập, chủ trì các cuộc họp, ký các văn bản khi được Trưởng ban ủy quyền; ký ủy nhiệm chi tài khoản Ban Vận động cứu trợ Trung ương khi được Trưởng Ban ủy quyền.

3. Phó Trưởng ban Vận động cứu trợ Trung ương gồm: Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ như sau:

- Đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính giúp Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng đảm bảo đúng chế độ, chính sách.

- Đồng chí Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Ban Vận động cứu trợ Trung ương việc theo dõi và tổng hợp danh sách các hộ nghèo bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng.

4. Các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương:

- Các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm tham gia đầy đủ các hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương và thực hiện nhiệm vụ do Trưởng ban Vận động cứu trợ Trung ương phân công. Đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác cứu trợ; chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ, ngành mình tham mưu xây dựng, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách nâng cao hiệu quả công tác cứu trợ quy định tại Điều 25, Nghị định số 93.

- Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương

Thành viên là lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại và công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả của mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng.

Thành viên là lãnh đạo Bộ Y tế có trách nhiệm giúp Ban Vận động cứu trợ Trung ương tiếp nhận các trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc chữa bệnh; kiểm tra, hướng dẫn các địa phương trong việc xử lý các vấn đề liên quan về dịch bệnh do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng gây ra.

Thành viên là lãnh đạo Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tổ chức vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế, cá nhân người nước ngoài hỗ trợ Nhân dân trong nước bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng; đề xuất Ban Vận động cứu trợ Trung ương hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng theo quy định tại khoản 3, Điều 4 của Quy chế này.

Thành viên là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề do thiên tai, dịch bệnh, sự cố gây ra về ô nhiễm môi trường, cung cấp điện, nước sinh hoạt, cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và bình ổn thị trường.

Thành viên là lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo và chịu trách nhiệm truyền thông về công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hàng cứu trợ của cơ quan, đơn vị mình để thực hiện các hoạt động từ thiện, giúp đỡ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; báo cáo kết quả công tác cứu trợ của đơn vị mình về Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

Thành viên là lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có trách nhiệm thường xuyên thông tin kết quả vận động, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng cứu trợ trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ về Ban Vận động cứu trợ Trung ương.

Điều 6: Điều kiện đảm bảo hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương

1. Kinh phí hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương do ngân sách nhà nước đảm bảo và thực hiện theo đúng các quy định tài chính hiện hành.

2. Các cơ quan, bộ, ngành có thành viên trong Ban Vận động cứu trợ Trung ương có trách nhiệm đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất cho việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Ban Vận động cứu trợ Trung ương thuộc cơ quan, bộ, ngành đó.

3. Ban Vận động cứu trợ Trung ương được sử dụng con dấu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đúng quy định của Nhà nước.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 7. Trưởng ban, Phó trưởng ban và các thành viên Ban Vận động cứu trợ, bộ phận thường trực Tổ giúp việc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Điều 8. Trong quá trình thực hiện Quy chế, những vấn đề phát sinh hoặc cần sửa đổi, bổ sung do Ban Vận động cứu trợ Trung ương thống nhất, đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xem xét, quyết định.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1764/QĐ-MTTW-BVĐ năm 2023 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Vận động cứu trợ Trung ương

  • Số hiệu: 1764/QĐ-MTTW-BVĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/01/2023
  • Nơi ban hành: Ban Vận động cứu trợ Trung ương
  • Người ký: Lê Tiến Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/01/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản