- 1Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính
- 2Nghị định 48/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Nghị định 92/2017/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
- 5Thông tư 02/2017/TT-VPCP hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Quyết định 304/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1738/QĐ-UBND | Bình Thuận, ngày 16 tháng 8 năm 2022 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 2953/TTr-SYT ngày 29 tháng 7 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận (Phụ lục đính kèm).
Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị có liên quan dự thảo văn bản thực thi phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính không thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh sau khi được Bộ Y tế thông qua.
Điều 3. Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| CHỦ TỊCH |
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA SỞ Y TẾ TỈNH BÌNH THUẬN
(kèm theo Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 16 tháng 8 năm 2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
a) Bãi bỏ quy định về điều kiện cho phép hoạt động đối với đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước, thể hiện tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 30/2014/TT-BYT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo: “Nếu đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó đồng ý bằng văn bản”.
Đồng thời bãi bỏ quy định về thành phần hồ sơ thể hiện tại điểm g khoản 1 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT, yêu cầu cần phải nộp: Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
- Lý do:
Thông tư số 30/2014/TT-BYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Bộ Y tế có liên quan không có quy định (hoặc hướng dẫn) hồ sơ gửi đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để có được văn bản đồng ý của cơ sở đó gồm những giấy tờ gì; hình thức văn bản xin ý kiến như thế nào. Trong thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước để có được văn bản đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bằng cách gửi toàn bộ hồ sơ được quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến sẽ tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo để xin văn bản đồng ý của cơ sở. Sau khi có văn bản đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì gửi văn bản này cùng toàn bộ hồ sơ đến Sở Y tế.
Thông tư số 30/2014/TT-BYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Bộ Y tế có liên quan không có quy định về thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải trả lời đồng ý hoặc không đồng ý cho đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở của mình kể từ ngày nhận được đề nghị. Do đó, trách nhiệm và thời hạn ban hành văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trả lời đồng ý hoặc không đồng ý kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo không được xác định rõ.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8, điểm c khoản 3 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT thì Giám đốc Sở Y tế có thẩm quyền cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại các cơ sở thuộc Sở Y tế và sau khi có được văn bản đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, các tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ đến Sở Y tế để được giải quyết. Quy định này không cần thiết, hoàn toàn có thể phân cấp cho Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thuộc Sở Y tế giải quyết.
b) Bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT: “Văn bản phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với đoàn trong nước, nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động”.
- Lý do: Quy định trên không hợp lý, không khả thi vì theo quy định tại khoản 2 Điều 2 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT định nghĩa: “Đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là một nhóm nhân viên y tế trong nước, nước ngoài do cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài tổ chức để khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cho nhân dân”. Định nghĩa này xác định đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là một nhóm nhân viên y tế, do cá nhân hoặc tổ chức trong nước tập hợp lại, tổ chức thành đoàn đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Các nhân viên y tế trong đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo có thể cùng làm việc một tổ chức, có thể làm việc ở các tổ chức khác nhau và có thể có nhân viên y tế hiện không làm việc trong tổ chức nào (chỉ cần đáp ứng theo các quy định về điều kiện nhân sự tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 30/2014/TT-BYT). Do đó, trong trường hợp các nhân viên y tế trong đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là những người làm việc ở các tổ chức khác nhau hoặc trong trường hợp đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo do một cá nhân hảo tâm làm nhiệm vụ tập hợp, tổ chức đoàn khám bệnh, chữa bệnh thì rất khó xác định chủ thể phân công, bổ nhiệm, giá trị pháp lý của văn bản phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đối với đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Chưa kể đến hình thức của văn bản phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật như thế nào là phù hợp.
Ngoài ra, thông tin về người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo đã được yêu cầu thể hiện rõ tại “Danh sách thành viên khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT và “Kế hoạch tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT.
c) Bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT: “Văn bản chứng minh nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo”.
- Lý do: Quy định trên không rõ ràng, không cần thiết. Vì không rõ văn bản chứng minh nguồn tài chính ổn định gồm những nội dung gì; hình thức văn bản như thế nào; thẩm quyền ký, thẩm quyền xác thực tính chính xác, hợp pháp của nguồn tài chính trong văn bản ra sao; mặt khác, trong mẫu “Kế hoạch khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” ban hành theo Phụ lục 3 kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT đã có những thông tin về kinh phí (tài chính); tổ chức, cá nhân tổ chức đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo mà mình hoàn toàn tự nguyện thực hiện.
d) Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT; sửa đổi cách thức thực hiện (nơi gửi hồ sơ và đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề nghị cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh) như sau:
- Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thuộc Sở Y tế cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.
- Đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước gửi hồ sơ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên nơi dự kiến tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
- Lý do: Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT thì Giám đốc Sở Y tế cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế. Đồng thời, tại điểm c, khoản 3 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT quy định hồ sơ đề nghị cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh gửi đến Sở Y tế.
Quy định này không cần thiết, không thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hảo tâm. Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho người bệnh. Điều kiện để đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế thực chất là những điều kiện chuyên môn. Mà các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế từ tuyến huyện trở lên (Các Trung tâm Y tế, các Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện chuyên khoa thuộc Sở Y tế) có đủ năng lực pháp lý, năng lực chuyên môn để kiểm tra, xác định sự phù hợp giữa các điều kiện chuyên môn của đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo với kế hoạch cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; xác định sự phù hợp giữa năng lực chuyên môn với khả năng của chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người bệnh; đồng thời đủ năng lực, điều kiện để xác định sự cần thiết cho nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ kỹ thuật mà đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo dự kiến sẽ cung cấp. Do đó, hoàn toàn có thể phân cấp, giao cho Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thuộc Sở Y tế cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.
đ) Bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của văn bản cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế (bổ sung vào cuối điểm c khoản 4 Điều 10).
- Lý do: Trong các quy định của Thông tư số 30/2014/TT-BYT không có quy định về thời hạn hiệu lực của văn bản cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
e) Sửa đổi, bổ sung nội dung trong mẫu đơn “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
- Bãi bỏ các dòng ghi những giấy tờ phải nộp trong mẫu đơn “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” sau:
Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Văn bản phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
Văn bản chứng minh nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Lý do: Bảo đảm phù hợp với nội dung đơn giản hóa tại các điểm a, c, d khoản 1.1 Mục 1 Phụ lục này.
- Sửa đổi, bổ sung nội dung yêu cầu thông tin của tổ chức đối với trường hợp tổ chức đề nghị cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Lý do: Mẫu đơn tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT được quy định chung cho đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước, ngoài nước và cá nhân đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo. Về nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo có 06 yêu cầu (nội dung), gồm: 1) Họ và tên; 2) Ngày, tháng, năm sinh; 3) Chỗ ở hiện nay; 4) Giấy chứng minh nhân dân/Hộ chiếu; 5) Điện thoại và email; 6) Chứng chỉ hành nghề số, nơi cấp. Nội dung yêu của mẫu đơn có khá đầy đủ thông tin kê khai áp dụng cho cá nhân đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; nhưng không có những nội dung thông tin cần thiết cho trường hợp tổ chức đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
- Sửa đổi, bổ sung dòng về chữ ký, đóng dấu ở vị trí dưới cùng trong mẫu đơn.
Lý do: Dòng về chữ ký, đóng dấu thể hiện trong mẫu đơn không hợp lý (mẫu đơn ghi: Đại diện (Ký và đóng dấu nếu là tổ chức)); vì mẫu đơn này còn được dùng cho cá nhân hảo tâm chủ trì tổ chức đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; trong trường hợp này, cá nhân không đại diện cho tổ chức nào.
- Bổ sung nội dung yêu cầu cung cấp thông tin của người chịu trách nhiệm chuyên môn trong trường hợp người ký đơn đề nghị không phải là người chịu trách nhiệm chuyên môn.
Lý do: Để áp dụng trong trường hợp người đại diện của tổ chức ký đơn đề nghị cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo không phải là người chịu trách nhiệm chuyên môn.
g) Sửa đổi, bổ sung mẫu tờ khai “Danh sách thành viên khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
- Sửa nội dung trong ô “Họ và tên người hành nghề” thành: Họ và tên người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh (phải dùng từ “trực tiếp” vì trong đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo có thể có một hoặc nhiều người tham gia đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo nhưng không trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh mà thực hiện các nhiệm vụ, công việc cần thiết khác).
Lý do: Trong mẫu tờ khai, ngoài ô số thứ tự, liệt kê 05 nội dung phải kê khai, gồm: 1) Họ và tên người hành nghề; 2) Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp; 3) Phạm vi hoạt động chuyên môn; 4) Thời gian đăng ký khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo; 5) Vị trí chuyên môn.
Việc dùng thuật ngữ “người hành nghề” trong ô nội dung “Họ và tên người hành nghề” không hợp lý, không chuẩn xác, không thống nhất với các quy định của Thông tư số 30/2014/TT-BYT và với chính tiêu đề của mẫu tờ khai. Tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Thông tư về điều kiện nhân sự có quy định: “Các thành viên khác của đoàn trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề. Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với phạm vi chuyên môn được phân công”; tại điểm c khoản 1 Điều 10 của Thông tư về thành phần hồ sơ, có quy định: “Bản kê khai danh sách các thành viên tham gia khám bệnh, chữa bệnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này”; tại tiêu đề của tờ khai (Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT) ghi là: “Danh sách thành viên khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo”. Như vậy, rõ ràng thuật ngữ được sử dụng chính thức, đầy đủ và hợp lý trong văn bản Thông tư số 30/2014/TT-BYT và tiêu đề mẫu tờ khai là người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
- Bổ sung nội dung trong ô ghi “Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp”: Hoặc tên văn bằng, chứng chỉ và số ký hiệu văn bằng, chứng chỉ chuyên môn được cấp của người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề.
Lý do: Thông tin yêu cầu cung cấp trong ô này chưa đầy đủ, vì tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Thông tư về điều kiện nhân sự có quy định: “Trường hợp thành viên trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh thì phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp với phạm vi chuyên môn được phân công” và tại điểm đ khoản 1 Điều 10 quy định về thành phần hồ sơ phải có “Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ chuyên môn của người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh”. Như vậy, trong danh sách những người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh có thể có những người không có chứng chỉ hành nghề nhưng nội dung của ô này trong mẫu tờ khai chưa đầy đủ.
- Bãi bỏ ô nội dung “Thời gian đăng ký khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” trong mẫu tờ khai này.
Lý do: Nội dung yêu cầu kê khai không cần thiết, trùng lắp; vì khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo theo thủ tục này đã có thời gian đăng ký được xác định tại mẫu “Kế hoạch tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” thuộc Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT.
Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
a) Bãi bỏ: Khoản 5 Điều 5; điểm b khoản 1 Điều 10; điểm g khoản 1 Điều 10 và điểm h khoản 1 Điều 10.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 8 như sau: Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế từ tuyến huyện trở lên cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 3 Điều 10 như sau: Đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế từ tuyến huyện trở lên nơi dự kiến tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
d) Bổ sung vào cuối điểm c khoản 4 Điều 10: Quy định cụ thể thời hạn hiệu lực của văn bản cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế.
đ) Sửa đổi, bổ sung mẫu đơn: “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
- Bãi bỏ các dòng ghi những giấy tờ phải nộp trong mẫu đơn “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” sau:
Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Văn bản phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
Văn bản chứng minh nguồn tài chính ổn định.
- Bổ sung nội dung yêu cầu về các thông tin cần kê khai của tổ chức trong mẫu đơn đối với trường hợp tổ chức đề nghị cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
- Bổ sung nội dung yêu cầu cung cấp thông tin của người chịu trách nhiệm chuyên môn trong trường hợp người ký đơn đề nghị không phải là người chịu trách nhiệm chuyên môn (gồm họ và tên người chịu trách nhiệm chuyên môn và thông tin về Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh).
- Sửa đổi, bổ sung dòng về chữ ký, đóng dấu ở vị trí dưới cùng của mẫu đơn như sau:
| Người đề nghị/hoặc đại diện tổ chức đề nghị |
e) Sửa đổi, bổ sung nội dung trong mẫu tờ khai “Danh sách thành viên khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
- Sửa nội dung trong ô “Họ và tên người hành nghề” thành: Họ và tên người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh.
- Bổ sung yêu cầu nội dung trong ô ghi “Số chứng chỉ hành nghề đã được cấp” như sau: Hoặc tên và số ký hiệu văn bằng, chứng chỉ chuyên môn được cấp của người trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh nhưng không thuộc diện phải có chứng chỉ hành nghề.
- Bãi bỏ ô nội dung “Thời gian đăng ký khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” trong mẫu tờ khai này.
1.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 32.097.067 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 21.536.107 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 10.560.960 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau khi đơn giản hóa là: 32,9%.
Ngoài ra, việc thực hiện phương án đơn giản hóa giúp cho tổ chức, cá nhân hảo tâm thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ (giảm số lượng giấy tờ, thông tin phải kê khai, dễ thực hiện hơn) và thực hiện các bước trong quy trình đề nghị cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế (giảm đầu mối liên hệ để có kết quả giải quyết); giảm tổng thời gian bình quân thực hiện thủ tục hành chính từ khi chuẩn bị hồ sơ gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến khi có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo ít nhất 05 ngày; đồng thời, đối với cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính, việc thực hiện phương án đơn giản hóa, phân cấp giúp giảm bước trung gian, giảm đầu mối giải quyết thủ tục hành chính.
a) Bãi bỏ quy định về điều kiện cho phép hoạt động đối với cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, thể hiện tại khoản 5 Điều 7 Thông tư số 30/2014/TT-BYT ngày 28/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo: “Nếu đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó đồng ý bằng văn bản”.
Đồng thời bãi bỏ quy định về thành phần hồ sơ thể hiện tại điểm d khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT, yêu cầu cần phải nộp: Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cá nhân trong nước, nước ngoài dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
- Lý do:
Thông tư số 30/2014/TT-BYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Bộ Y tế có liên quan không có quy định (hoặc hướng dẫn) hồ sơ gửi đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để có được văn bản đồng ý của cơ sở đó gồm những giấy tờ gì; hình thức văn bản xin ý kiến như thế nào.
Thông tư số 30/2014/TT-BYT và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Bộ Y tế có liên quan không có quy định về thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải trả lời đồng ý hoặc không đồng ý cho cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở của mình kể từ ngày nhận được đề nghị. Do đó, trách nhiệm và thời hạn có văn bản của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trả lời đồng ý hoặc không đồng ý kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo không được xác định rõ.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8, điểm c khoản 3 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT thì Giám đốc Sở Y tế có thẩm quyền cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại các cơ sở thuộc Sở Y tế và sau khi có được văn bản đồng ý của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dự kiến tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, cá nhân phải nộp hồ sơ đến Sở Y tế để được giải quyết. Quy định này không cần thiết, hoàn toàn có thể phân cấp cho Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thuộc Sở Y tế giải quyết.
b) Bãi bỏ thành phần hồ sơ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT: “Văn bản chứng minh nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo”.
- Lý do: Quy định trên không rõ ràng, không cần thiết. Vì không rõ văn bản chứng minh nguồn tài chính ổn định gồm những nội dung gì; hình thức văn bản như thế nào; thẩm quyền ký, thẩm quyền xác thực tính chính xác, hợp pháp của nguồn tài chính trong văn bản ra sao; mặt khác, trong mẫu “Kế hoạch khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” ban hành theo Phụ lục 3 kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT đã có những thông tin về kinh phí (tài chính); cá nhân trong nước, nước ngoài đề nghị được tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn tài chính bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo mà mình hoàn toàn tự nguyện thực hiện.
c) Sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT; sửa đổi cách thức thực hiện (nơi gửi hồ sơ và đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề nghị cho phép đoàn khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo trong nước tổ chức khám bệnh, chữa bệnh) như sau:
- Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thuộc Sở Y tế cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.
- Cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo gửi hồ sơ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên nơi dự kiến tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Lý do: Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT thì Giám đốc Sở Y tế cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế. Đồng thời, tại điểm c, khoản 3 Điều 10 của Thông tư số 30/2014/TT-BYT quy định hồ sơ đề nghị cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo gửi đến Sở Y tế.
Quy định này không cần thiết, không thuận lợi cho cá nhân hảo tâm. Khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo là hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí cho người bệnh. Điều kiện để cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại các cơ sở y tế thuộc Sở Y tế thực chất là những điều kiện chuyên môn. Mà các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế từ tuyến huyện trở lên (Các Trung tâm Y tế, các Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện chuyên khoa thuộc Sở Y tế) có đủ năng lực pháp lý, năng lực chuyên môn để kiểm tra, xác định sự phù hợp giữa các điều kiện chuyên môn của cá nhân trong nước, nước ngoài khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo với kế hoạch cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; xác định sự phù hợp giữa năng lực chuyên môn với khả năng của chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, bảo đảm an toàn, hiệu quả cho người bệnh; đồng thời đủ năng lực, điều kiện để xác định sự cần thiết cho nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ kỹ thuật mà cá nhân trong nước, nước ngoài dự kiến sẽ cung cấp. Do đó, hoàn toàn có thể phân cấp, giao cho Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên thuộc Sở Y tế cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.
d) Bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của văn bản cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế (bổ sung vào cuối điểm c khoản 4 Điều 10).
- Lý do: Trong các quy định của Thông tư số 30/2014/TT-BYT, không có quy định về thời hạn hiệu lực của văn bản cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
đ) Sửa đổi, bổ sung nội dung trong mẫu đơn “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
- Bãi bỏ các dòng ghi những giấy tờ phải nộp trong mẫu đơn “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” sau:
Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cá nhân trong nước, nước ngoài dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Văn bản chứng minh nguồn tài chính ổn định bảo đảm cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Lý do: Bảo đảm phù hợp với nội dung đơn giản hóa tại các điểm a, b, c, khoản 2.1 Mục 2 Phụ lục này.
- Sửa đổi, bổ sung dòng về chữ ký, đóng dấu ở vị trí dưới cùng trong mẫu đơn.
Lý do: Dòng chữ “đại diện” thể hiện trong mẫu đơn không hợp lý, vì mẫu đơn này khi dùng cho cá nhân trong nước, nước ngoài tự mình khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo thì có thể cá nhân không đại diện cho tổ chức nào.
Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
a) Bãi bỏ: Khoản 5 Điều 7; điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 10.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 8 như sau: Thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế từ tuyến huyện trở lên cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 3 Điều 10 như sau: Cá nhân trong nước, nước ngoài gửi 01 bộ hồ sơ đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế từ tuyến huyện trở lên nơi dự kiến tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
d) Bổ sung vào cuối điểm c khoản 4 Điều 10: Quy định cụ thể thời hạn hiệu lực của văn bản cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài thực hiện khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Sở Y tế.
đ) Sửa đổi, bổ sung mẫu đơn: “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BYT như sau:
- Bãi bỏ các dòng ghi những giấy tờ phải nộp trong mẫu đơn “Đơn đề nghị cho phép khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo” sau:
Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cá nhân trong nước, nước ngoài dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
Văn bản cho phép của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi cá nhân trong nước, nước ngoài dự kiến tổ chức hoạt động khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo.
- Sửa đổi, bổ sung dòng về chữ ký ở vị trí dưới cùng của mẫu đơn như sau:
| Người đề nghị/hoặc đại diện tổ chức đề nghị |
2.3. Lợi ích của phương án đơn giản hóa:
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 760.229 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 503.021 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 257.208 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau khi đơn giản hóa là: 33,8%.
Ngoài ra, việc thực hiện phương án đơn giản hóa giúp cho cá nhân hảo tâm thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ (giảm số lượng giấy tờ, thông tin phải kê khai, dễ thực hiện hơn) và thực hiện các bước trong quy trình đề nghị cho phép cá nhân trong nước, nước ngoài tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế (giảm đầu mối liên hệ để có kết quả giải quyết); giảm tổng thời gian bình quân thực hiện thủ tục hành chính từ khi chuẩn bị hồ sơ gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến khi có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo ít nhất 05 ngày; đồng thời, đối với cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính, việc thực hiện phương án đơn giản hóa, phân cấp giúp giảm bước trung gian, giảm đầu mối giải quyết thủ tục hành chính./.
- 1Quyết định 3473/QĐ-UBND năm 2020 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa
- 2Quyết định 3178/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Khám bệnh, chữa bệnh và Dược phẩm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế tỉnh Bình Định
- 3Quyết định 2407/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Dược; An toàn Thực phẩm và dinh dưỡng; Khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long
- 4Quyết định 1633/QĐ-UBND năm 2023 thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Y tế tỉnh Điện Biên
- 1Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính
- 2Nghị định 48/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
- 3Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4Nghị định 92/2017/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
- 5Thông tư 02/2017/TT-VPCP hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7Quyết định 3473/QĐ-UBND năm 2020 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa
- 8Quyết định 3178/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Khám bệnh, chữa bệnh và Dược phẩm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Y tế tỉnh Bình Định
- 9Quyết định 2407/QĐ-UBND năm 2021 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Dược; An toàn Thực phẩm và dinh dưỡng; Khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long
- 10Quyết định 304/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 11Quyết định 1633/QĐ-UBND năm 2023 thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực Khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Sở Y tế tỉnh Điện Biên
Quyết định 1738/QĐ-UBND năm 2022 thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế tỉnh Bình Thuận
- Số hiệu: 1738/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/08/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Lê Tuấn Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/08/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực