Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC DỰ TRỮ
NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 172/QĐ-TCDT

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC TRỰC THUỘC CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC KHU VỰC

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC

Căn cứ Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 2446/QĐ-BTC ngày 05 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Chi cục Dự trữ Nhà nước là tổ chức trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, thực hiện chức năng quản lý trực tiếp hàng dự trữ nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

2. Chi cục Dự trữ Nhà nước có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Chi cục Dự trữ Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Trình Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực:

a) Kế hoạch tài chính, dự toán ngân sách nhà nước;

b) Kế hoạch nhập, xuất hàng dự trữ nhà nước;

c) Kế hoạch sửa chữa thường xuyên, đảm bảo trang bị, cơ sở vật chất - kỹ thuật;

d) Kế hoạch, chương trình công tác tháng, quý, năm.

2. Tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình công tác sau khi đã được phê duyệt.

3. Tổ chức thực hiện công tác mua, bán hàng dự trữ nhà nước theo phân công, phân cấp của Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

4. Thực hiện nhập, xuất hàng dự trữ nhà nước theo quyết định của Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; kiểm tra, giám sát chặt chẽ số lượng và chất lượng hàng nhập, xuất kho dự trữ theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng dự trữ nhà nước theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đảm bảo an toàn về số lượng, chất lượng hàng dự trữ nhà nước được giao trực tiếp quản lý.

6. Tiếp nhận, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giải pháp công nghệ bảo quản tiên tiến trong công tác bảo quản theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

7. Thực hiện công tác bảo vệ, tuần tra, canh gác, các biện pháp phòng chống cháy nổ, phòng chống bão lụt đối với các kho hàng dự trữ nhà nước; đảm bảo an toàn hàng dự trữ nhà nước trong mọi tình huống.

8. Lập hồ sơ kho hàng để theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng hàng dự trữ; chấp hành chế độ thống kê, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình quản lý hàng dự trữ nhà nước và các hoạt động của đơn vị theo quy định.

9. Tổ chức thực hiện công tác tài chính, kế toán; thực hiện nhiệm vụ của đơn vị dự toán cấp 3 của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

10. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về dự trữ nhà nước; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật dự trữ nhà nước trong quá trình tiếp nhận, sử dụng hàng dự trữ nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

11. Kiến nghị với Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quản lý nội bộ; báo cáo các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vượt quá thẩm quyền quản lý của Chi cục Dự trữ Nhà nước.

12. Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước được ban hành các quy định, quy chế quản lý nội bộ trên cơ sở quy định chung của Nhà nước, của Tổng cục Dự trữ Nhà nước và của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

13. Kiểm tra việc chấp hành công vụ; giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc chấp hành nhiệm vụ, công vụ của công chức thuộc đơn vị.

14. Quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức thuộc đơn vị theo quy định của Nhà nước và theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức của cấp có thẩm quyền.

15. Quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật.

16. Thực hiện nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực giao.

Điều 3. Lãnh đạo Chi cục Dự trữ Nhà nước

1. Chi cục Dự trữ Nhà nước có Chi cục trưởng và một số Phó Chi cục trưởng.

Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Chi cục Dự trữ Nhà nước; Phó Chi cục trưởng chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

2. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Các bộ phận nghiệp vụ giúp việc cho Chi cục trưởng, gồm:

a) Bộ phận Tài vụ - Quản trị;

b) Bộ phận Kỹ thuật bảo quản.

2. Các kho dự trữ.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ phận nghiệp vụ

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận Tài vụ - Quản trị:

a) Chủ trì lập kế hoạch tài chính ngân sách hàng năm của Chi cục trình cấp có thẩm quyền và tổ chức thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt;

b) Tổ chức thực hiện chế độ kế toán, thống kê, báo cáo quyết toán tình hình sử dụng vốn dự trữ và các khoản kinh phí do cơ quan cấp trên cấp phát theo quy định;

c) Lập hồ sơ, chứng từ mua bán, nhập, xuất hàng dự trữ; thực hiện theo dõi, đối chiếu nhập, xuất kho thường xuyên, bảo đảm khớp đúng hàng và tiền theo quy định;

d) Tổ chức lưu trữ hồ sơ, tài liệu, chứng từ kế toán ban đầu về hàng dự trữ nhà nước do đơn vị trực tiếp quản lý;

đ) Chịu trách nhiệm quản lý nội vụ, công tác văn thư và lưu trữ các văn bản hành chính; quản lý mọi tài sản, trang thiết bị thuộc quyền quản lý của Chi cục theo quy định;

e) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước giao.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận Kỹ thuật bảo quản:

a) Xây dựng kế hoạch bảo quản và trang cấp thiết bị bảo quản, kế hoạch sửa chữa nhỏ kho hàng, thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất của Chi cục trình cấp có thẩm quyền và triển khai thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt;

b) Tổ chức thực hiện công tác kiểm tra kho, chuẩn bị kho trước khi nhập hàng; thực hiện quản lý chất lượng hàng dự trữ trước khi nhập, xuất kho và trong quá trình lưu kho dự trữ; chịu trách nhiệm về chất lượng hàng dự trữ nhập kho theo quy định;

c) Tổ chức thực hiện định mức kinh tế - kỹ thuật được giao; lập hồ sơ kỹ thuật kho hàng; từng đơn vị hàng dự trữ để theo dõi và quản lý chất lượng;

d) Hướng dẫn thủ kho bảo quản thực hiện công tác bảo quản thường xuyên, định kỳ theo quy chuẩn kỹ thuật của từng loại hàng dự trữ;

đ) Chịu trách nhiệm vận hành, sử dụng hệ thống thiết bị công nghệ bảo quản, các thiết bị bảo quản, thiết bị đo kiểm theo quy chuẩn kỹ thuật và công nghệ bảo quản;

e) Triển khai các giải pháp kỹ thuật và công nghệ bảo quản, các ứng dụng công nghệ thông tin tại đơn vị theo quyết định của cấp có thẩm quyền; kịp thời xử lý các trường hợp đột xuất khác để bảo đảm an toàn chất lượng hàng dự trữ;

g) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chi cục trưởng giao.

3. Cơ cấu tổ chức của các Bộ phận nghiệp vụ:

a) Bộ phận nghiệp vụ có Trưởng Bộ phận; riêng Bộ phận Tài vụ - Quản trị, Phụ trách kế toán của Chi cục đồng thời làm nhiệm vụ Trưởng Bộ phận.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng Bộ phận thực hiện theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ của Tổng cục Dự trữ Nhà nước;

b) Các Bộ phận nghiệp vụ làm việc theo chế độ tổ, nhóm làm việc.

Điều 6. Kho dự trữ

Kho dự trữ là tập hợp các kho hàng được quy hoạch tập trung tại một địa điểm nhất định, làm nhiệm vụ trực tiếp bảo quản, giữ gìn hàng dự trữ nhà nước.

Chi cục Dự trữ Nhà nước có một hoặc một số kho dự trữ.

Lãnh đạo kho dự trữ có Trưởng kho. Trưởng kho chịu trách nhiệm trước Chi cục trưởng về các hoạt động của kho dự trữ, đồng thời phải đảm nhận công tác chuyên môn tại kho dự trữ.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Trưởng kho thực hiện theo quy định của Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Điều 7. Biên chế và kinh phí hoạt động

1. Biên chế của Chi cục Dự trữ Nhà nước do Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực giao hàng năm trong tổng biên chế được Tổng cục Dự trữ Nhà nước giao.

2. Kinh phí hoạt động của Chi cục Dự trữ Nhà nước được cấp từ nguồn kinh phí chung của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực. Chi cục trưởng có trách nhiệm lập dự toán chi theo quy định trình Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực để tổng hợp vào dự toán chung của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

Điều 8. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 139/QĐ/DTQG-TCCB ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Cục trưởng Cục Dự trữ quốc gia.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, Chánh Văn phòng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước và Chi cục trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 8;
- Bộ Tài chính (Vụ TCCB, để theo dõi);
- Cổng TTĐT Dự trữ Nhà nước;
- Lưu VT, TCCB.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Phan Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 172/QĐ-TCDT năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực do Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 172/QĐ-TCDT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/12/2009
  • Nơi ban hành: Tổng cục Dự trữ Nhà nước
  • Người ký: Phạm Phan Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản