Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1710/2007/QĐ-UBND | Hạ Long, ngày 22 tháng 5 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23/6/1994 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02/4/2002;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 09/2004/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 09/6/2004 của Liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân các cấp quản lý nhà nước về lao động, thương binh và xã hội ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân cấp quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH |
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1710/2007/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này quy định việc phân cấp quản lý nhà nước về lao động đối với Ủy ban nhân dân các cấp trong tỉnh. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn thuộc quyền quản lý và theo sự phân cấp.
Điều 2. Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quản lý nhà nước về lao động là nắm cung cầu lao động để xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, phân bổ và sử dụng nguồn lao động; hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật lao động; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài; nghiên cứu khoa học về lao động, thống kê, thông tin về lao động và thị trường lao động, về mức sống, thu nhập của người lao động; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động; giải quyết các tranh chấp lao động theo quy định.
2. Phân cấp quản lý nhà nước về lao động là việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm về quản lý lao động đối với Ủy ban nhân dân các cấp.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện phân cấp quản lý lao động:
1. Bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lao động.
2. Phân cấp quản lý nhà nước về lao động phải bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nhân sự và các điều kiện cần thiết để thực hiện được các công việc được phân cấp.
3. Xác định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với công tác quản lý nhà nước về lao động, đồng thời bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động các cấp trong việc tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định và thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân cấp.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ LAO ĐỘNG
Điều 4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh) giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:
1. Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan xây dựng và đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các quyết định, quy định, các chỉ thị về lĩnh vực lao động theo chuyên môn nghiệp vụ của ngành để áp dụng trong phạm vi cả tỉnh.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác điều tra, nắm cung cầu và biến động cung cầu lao động, thực trạng lao động trên địa bàn tỉnh để xây dựng các biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn lao động; đồng thời tổng hợp, phân tích số liệu, dự báo tình hình để xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm của tỉnh về đào tạo nghề - giải quyết việc làm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;
3. Hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực lao động trên địa bàn tỉnh theo quy định. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ, đột xuất về lĩnh vực lao động theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
4. Thẩm định, kiểm tra các đề án, dự án về giải quyết việc làm theo quy định; tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động và quản lý các tổ chức giới thiệu việc làm theo quy định.
5. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp nhà nước (kể cả các doanh nghiệp đã chuyển đổi hình thức sở hữu thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh;
6. Tiếp nhận đăng ký sử dụng lao động và theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng lao động của các doanh nghiệp quy định tại khoản 5 Điều 4 Quy định này;
7. Tiếp nhận, thẩm định và công nhận đăng ký thang lương, bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh;
8. Cấp, thu hồi giấy phép lao động đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;
9. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật lao động; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan giải quyết tranh chấp lao động theo đúng quy định.
10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lao động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Phòng Nội vụ - Lao động Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố (Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện) giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa bàn thuộc quyền quản lý có trách nhiệm:
1. Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các chính sách, chế độ và pháp luật của nhà nước về lao động.
2. Thực hiện việc điều tra, thống kê, nắm nguồn lao động, thực trạng lao động, cung cầu lao động và quản lý nguồn lao động, theo dõi sự biến động tăng, giảm lao động hàng năm trên địa bàn; đồng thời tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình xây dựng chương trình, kế hoạch 5 năm, hàng năm về đào tạo nghề - giải quyết việc làm của địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
3. Thống kê số lao động trên địa bàn có nhu cầu học nghề, tìm việc làm, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết đáp ứng nhu cầu của người lao động;
4. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức cung cấp thông tin cho người lao động về thị trường lao động, cung cầu lao động, tuyển sinh học nghề, tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
5. Tiếp nhận đăng ký sử dụng lao động và theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng lao động của các doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp quy định tại khoản 5 Điều 4 Quy định này), các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình có thuê mướn lao động trên địa bàn thuộc quyền quản lý;
6. Thực hiện công tác thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về lao động với Ủy ban nhân dân cùng cấp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
7. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp dân doanh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình có thuê mướn lao động đóng trên địa bàn thuộc quyền quản lý;
8. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện pháp luật về chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động, vệ sinh lao động, dạy nghề, bảo hiểm xã hội;
9. Tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp, đơn vị quy định tại khoản 7 Điều 5 Quy định này;
10. Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật.
11. Thường xuyên nắm chắc tình hình doanh nghiệp, lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý; tham mưu với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng phương án tổng hợp theo dõi, đề phòng và chủ động ứng phó khi đình công xảy ra để giải quyết kịp thời, có hiệu quả. Khi xảy ra đình công, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, sớm ổn định tình hình và thông tin ngay với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để cùng chỉ đạo giải quyết.
Điều 6. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý nhà nước về lao động trên địa bàn thuộc quyền quản lý có trách nhiệm:
1. Thống kê nguồn lao động trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cấp huyện có giải pháp cân đối nguồn lao động, tạo việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động;
2. Báo cáo định kỳ, đột xuất về tình hình lao động trên địa bàn với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7.
1. Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này. Định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi địa bàn thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật và những nội dung phân công, phân cấp quản lý về lao động tại Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để nghiên cứu, giải quyết./.
- 1Quyết định 44/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng và đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 2Chỉ thị 24/2006/CT-UBND về quản lý nhà nước về lao động do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành
- 3Quyết định 211/QĐ-UBND năm 2015 bãi bỏ Quyết định 3294/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành
- 1Thông tư liên tịch 09/2004/TTLT-BLĐTBXH-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban Nhân dân các cấp quản lý Nhà nước về lao động, thương binh và xã hội ở địa phương do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Bộ Nội vụ cùng ban hành
- 2Bộ luật Lao động 1994
- 3Bộ Luật Lao động sửa đổi 2002
- 4Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 5Quyết định 44/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng xây dựng và đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành
- 6Chỉ thị 24/2006/CT-UBND về quản lý nhà nước về lao động do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành
- 7Quyết định 211/QĐ-UBND năm 2015 bãi bỏ Quyết định 3294/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành
Quyết định 1710/2007/QĐ-UBND quy định phân cấp quản lý Nhà nước về lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- Số hiệu: 1710/2007/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/05/2007
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Hồng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/06/2007
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra