Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1708/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 05 tháng 9 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CỦA NGÀNH XÂY DỰNG, NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG, NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG NĂM 2023

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019);

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ);

Căn cứ Thông tư số 02/2017/TT-VPCP ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 199/TTr-SNN-TCCB ngày 14 tháng 8 năm 2023, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 43/TTr-STTTT ngày 22 tháng 8 năm 2023, Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 161/TTR-SXD ngày 28 tháng 8 năm 2023, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 110/TTr-SLĐTBXH ngày 29 tháng 8 năm 2023, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tại Tờ trình số 49/TTr-BQLKKT ngày 30 tháng 8 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính:

1. Ngành Xây dựng

a) Thủ tục hành chính: Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

b) Thủ tục hành chính: Cấp chứng chỉ năng lực lần đầu hoạt động xây dựng hạng II, hạng III.

c) Thủ tục hành chính: Cấp gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng chứng chỉ hạng II, hạng III.

2. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Thủ tục hành chính: Đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp.

b) Thủ tục hành chính: Cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công.

3. Ngành Thông tin và Truyền thông

a) Thủ tục hành chính: Cấp lại giấy phép hoạt động in.

b) Thủ tục hành chính: Cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp.

4. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Thủ tục hành chính: Cấp, gia hạn Chứng chỉ hành nghề thú y thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh (gồm tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y; khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật; buôn bán thuốc thú y).

b) Thủ tục hành chính: Hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

c) Thủ tục hành chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ.

(Có Phụ lục phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính kèm theo)

Điều 2. Giao các Sở, ban, ngành:

1. Ban Quản lý Khu kinh tế gửi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định này cho Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

2. Sở Xây dựng gửi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 1 Quyết định này cho Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội gửi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.

4. Sở Thông tin và Truyền thông gửi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại khoản 3 Điều 1 Quyết định này cho Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại điểm a khoản 4 Điều 1 Quyết định này cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 23/9/2022, Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày 22/3/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số Điều tại 02 Nghị quyết trên để đảm bảo thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính tại điểm b điểm c khoản 4 Điều 1 Quyết định này.

7. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời công bố, công khai ngay các thủ tục hành chính sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đơn giản hóa.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Xây dựng; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ Xây dựng;
- Cục KSTTHC - Văn phòng Chính phủ;
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Các phòng, đơn vị thuộc Văn phòng;
- Lưu: VT, PVHCC, ĐM.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số: 1708/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

I. NGÀNH XÂY DỰNG

1. Thủ tục hành chính: Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

1.1. Nội dung đơn giản hóa

Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ là: Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt (các văn bản pháp lý kèm theo); Hồ sơ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt; hồ sơ thiết kế xây dựng của bước thiết kế xây dựng trình thẩm định.

Lý do: Nội dung này đã quy định tại thủ tục hành chính 1.009972 “Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng /Điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng” (Đã được thẩm định trước khi thực hiện Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở/điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở).

1.2. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 102.439.194 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 80.293.851 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 22.145.343 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 21,62%.

1.3. Kiến nghị thực thi

Sửa điểm b, khoản 3 Điều 37 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng - bỏ nội dung “kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt” (đã được sửa đổi tại khoản 11 Điều 12 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023).

Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 37 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

2. Thủ tục hành chính: Cấp chứng chỉ năng lực lần đầu hoạt động xây dựng hạng II, hạng III.

2.1. Nội dung đơn giản hóa:

Về hiệu lực của chứng chỉ năng lực khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ: Giảm từ 10 năm xuống 5 năm.

Lý do: Theo quy định tại Khoản 5, Điều 83, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì hiệu lực của chứng chỉ năng lực khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ là 10 năm là quá dài. Cán bộ của các tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực thường xuyên thay đổi nên cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được năng lực của đơn vị trong 10 năm. Để thực hiện công tác quản lý năng lực hoạt động của các tổ chức được tốt hơn và tránh việc thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thì giảm hiệu lực từ 10 năm xuống 5 năm là hợp lý.

2.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi khoản 5, Điều 83, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau: “Chứng chỉ năng lực có hiệu lực 05 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ. Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó”.

3. Thủ tục hành chính: Cấp gia hạn chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng chứng chỉ hạng II, hạng III.

3.1. Nội dung đơn giản hóa:

Về hiệu lực của chứng chỉ năng lực khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ: Giảm từ 10 năm xuống 5 năm.

Lý do: Theo quy định tại Khoản 5, Điều 83, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì hiệu lực của chứng chỉ năng lực khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ 10 năm là quá dài. Cán bộ của các tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực thường xuyên thay đổi nên cơ quan quản lý nhà nước không thể kiểm soát được năng lực của đơn vị trong 10 năm. Để thực hiện công tác quản lý năng lực hoạt động của các tổ chức được tốt hơn và tránh việc thực hiện nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra thì giảm hiệu lực từ 10 năm xuống 5 năm là hợp lý.

3.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi khoản 5, Điều 83, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau: “Chứng chỉ năng lực có hiệu lực 05 năm khi cấp lần đầu hoặc cấp điều chỉnh hạng chứng chỉ hoặc gia hạn chứng chỉ. Trường hợp cấp điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hoặc cấp lại do chứng chỉ cũ còn thời hạn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng hoặc ghi sai thông tin thì ghi thời hạn theo chứng chỉ được cấp trước đó”.

II. NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

1. Thủ tục hành chính: Đăng ký nội quy lao động của doanh nghiệp

1.1. Nội dung đơn giản hóa: Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ là các văn bản của công dân có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có)

Lý do: Đây là thành phần hồ sơ không thực sự cần thiết, không cụ thể, không bắt buộc. Vì vậy không cần đưa vào thành phần hồ sơ yêu cầu tổ chức, cá nhân nộp gây tốn kém chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân.

1.2. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 8.833.500 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 7.474.500 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 1.359.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 15,38%.

1.3. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi, bổ sung Điều 120 Bộ luật Lao động năm 2019 theo hướng bãi bỏ Khoản 4.

2. Thủ tục hành chính: Cấp trích lục hoặc sao hồ sơ người có công

2.1. Nội dung đơn giản hóa: Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ là bản sao một số giấy tờ hoặc toàn bộ hồ sơ người có công đối với cơ quan, tổ chức

Lý do: Yêu cầu này là không cần thiết do cơ quan, tổ chức bị thất lạc hồ sơ mới đề nghị trích lục hoặc sao hồ sơ người có công. Vì vậy không cần đưa vào thành phần hồ sơ yêu cầu cơ quan, tổ chức nộp gây tốn kém chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của cơ quan, tổ chức.

2.2. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 815.400 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 543.600 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 271.800 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 33,33%.

2.3. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi Điểm b Khoản 3 Điều 129 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

III. NGÀNH THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

1. Thủ tục hành chính: Cấp lại giấy phép hoạt động in

1.1. Nội dung đơn giản hóa

Đề nghị cắt bỏ thành phần hồ sơ là: Giấy phép hoạt động in (đối với trường hợp giấy phép bị hư hỏng).

Lý do: Yêu cầu này là không cần thiết do trong Đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động in, của tổ chức đã thể hiện rõ nội dung (làm mất, hỏng...) giấy phép hoạt động in được cơ quan có thẩm quyền cấp và hiện nay giấy phép hoạt động in được giải quyết và lưu trữ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC vì vậy không cần thiết bổ sung thêm thành phần hồ sơ giấy phép bị hư hỏng, từ đó góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức đến giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước.

1.2. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 2.753.300 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 1.907.130 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 846.170 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 30,73%.

1.3. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.

2. Thủ tục hành chính: Cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp

2.1. Nội dung đơn giản hóa

Đề nghị cắt bỏ thành phần hồ sơ là: Trường hợp giấy phép bị hư hỏng thì gửi kèm theo bản giấy phép bị hư hỏng.

Lý do: Yêu cầu này là không cần thiết do trong Đơn đề nghị cấp lại giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp đã thể hiện rõ nội dung, trình tự theo quy định về cấp lại giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được giải quyết và lưu trữ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, chính vì vậy không cần thiết bổ sung thêm nội dung kèm theo bản giấy phép bị hư hỏng, từ đó góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức đến giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước.

2.2. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 3.805.200 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 2.631.930 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 1.173.270.đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 38,83%.

2.3. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 23h Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng).

III. NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1. Thủ tục hành chính: Cấp, gia hạn Chứng chỉ hành nghề thú y thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh (gồm tiêm phòng, chữa bệnh, phẫu thuật động vật; tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y; khám bệnh, chẩn đoán bệnh, xét nghiệm bệnh động vật; buôn bán thuốc thú y).

1.1. Nội dung đơn giản hóa

Về thành phần hồ sơ: Bỏ thành phần hồ sơ “Bản chụp giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người được cấp Chứng chỉ hành nghề thú y”.

Lý do: Nhằm đẩy mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, hiện nay thủ tục cấp, gia hạn Chứng chỉ hành nghề thú y thuộc thẩm quyền cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh đã được tỉnh Hà Giang cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần. Đồng thời hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh..

Việc bỏ thành phần hồ sơ Bản chụp giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân của người được cấp Chứng chỉ hành nghề thú y giúp công dân tiết kiệm được thời gian, việc thực hiện TTHC trở nên đơn giản, thuận tiện hơn, đồng thời vẫn đảm bảo cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC có thể khai thác đầy đủ các thông tin của cá nhân.

1.2. Lợi ích của phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính trước khi đơn giản hóa: 314.559.000 đồng.

- Chi phí tuân thủ thủ tục hành chính sau khi đơn giản hóa: 312.724.800 đồng.

- Chi phí tiết kiệm: 1.834.200 đồng.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 0,58%.

1.3. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi điểm d, Khoản 2, Điều 109 Luật Thú y năm 2015.

2. Thủ tục hành chính: Hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý

2.1. Nội dung đơn giản hóa

Về Hội đồng thẩm định dự án: Đề nghị chỉnh sửa quy định thành lập Hội đồng thẩm định dự án theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ).

Về số lượng hồ sơ: Bỏ quy định đơn vị chủ trì liên kết nộp 11 bộ phô tô có dấu đỏ và 01 bản điện tử ghi hồ sơ trên ổ USB (dạng PDF không cài đặt mật khẩu).

Lý do: Đề phù hợp với quy định thành lập Hội đồng thẩm định dự án theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ; số hóa hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ; gửi hồ sơ trực tuyến theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ và tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho tổ chức, cơ quan nhà nước.

2.2. Lợi ích của phương án đơn giản hóa: Chưa tính do thủ tục hành chính chưa được công bố và tổ chức thực hiện theo quy định.

2.3. Kiến nghị thực thi

Sửa đổi khoản 3 Điều 2a Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 23/9/2022 của HĐND tỉnh Quy định nội dung hỗ trợ; mẫu hồ sơ; trình tự, thủ tục, lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang (đã được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 22/3/2023 của HĐND tỉnh Hà Giang) hoặc thay thế bằng Nghị quyết mới cho phù hợp.

3. Thủ tục hành chính: Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ

3.1. Nội dung đơn giản hóa:

Đề nghị không quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ.

Lý do: Ngày 24/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó tại Khoản 22, Điều 1, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 40, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ không có quy định giao UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cấp tỉnh quyết định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ.

3.2. Kiến nghị thực thi: Bãi bỏ thủ tục hành chính “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ” quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 23/9/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nội dung hỗ trợ; mẫu hồ sơ; trình tự, thủ tục, lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hà Giang hoặc thay thế bằng Nghị quyết mới cho phù hợp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1708/QĐ-UBND thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của ngành Xây dựng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành Thông tin và Truyền thông, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn áp dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang năm 2023

  • Số hiệu: 1708/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/09/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản