Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17-CT

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀVIỆC THÀNH LẬP VÀ PHÊ CHUẨN LUẬN CHỨNG KINH TẾ - KỸ THUẬT RỪNG CẤM QUỐC GIA BA VÌ - HÀ NỘI

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Xét tờ trình số 498-TT-UB ngày 05 tháng 02 năm 1990 và tờ trình bổ sung số 5280-TT-UB ngày 05 tháng 12 năm 1990 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc xin thành lập và phê chuẩn luận chứng kinh tế - kỹ thuật rừng cấm quốc gia Ba Vì - Hà Nội;
Xét đề nghị của Bộ Lâm nghiệp (công văn số 2186-VP ngày 01 tháng 3 năm 1990) và của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước (công văn số 669-UB-XD-NL ngày 15 tháng 5 năm 1990) về việc phê chuẩn luận chứng kinh tế - kỹ thuật rừng cấm quốc gia này.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay thành lập rừng cấm quốc gia Ba Vì trực thuộc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và phê chuẩn luận chứng kinh tế - kỹ thuật của rừng cấm quốc gia này với những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu như sau:

1- Tên công trình: Rừng cấm quốc gia Ba Vì - Hà Nội.

2- Hình thức đầu tư: Trồng mới và bảo vệ. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội là chủ quản đầu tư. Giám đốc rừng cấm quốc gia Ba Vì là chủ đầu tư.

3- Địa điểm và phạm vi quản lý:

Rừng cấm quốc gia Ba Vì - Hà Nội là một quả núi đất ở độ cao từ 100m đến độ cao 1.296m so với mặt biển (tính từ chân đến đỉnh núi) nằm gọn trong địa phận của huyện Ba Vì - Hà Nội.

a) Toạ độ địa lý:

Từ 21o01' đến 21o07' vĩ độ Bắc.

105o18' đến 105o25' kinh độ Đông.

b) Ranh giới:

- Phía Bắc giáp các xã: Ba Trại, Ba Vì, Tản Lĩnh, huyện Ba Vì.

- Phía Nam giáp huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hà Sơn Bình.

- Phía Đông giáp xã Vân Hoà, huyện Ba Vì.

- Phía Tây giáp xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì.

(Có bản đồ xác định ranh giới cụ thể tỉ lệ 1/25.000 kèm theo quyết định này).

c) Diện tích:

Tổng diện tích rừng cấm quốc gia Ba Vì: 7.377 ha.

Trong đó gồm có:

- Diện tích quy định cũ (theo quyết định số 41-TTg ngày 24-01-1977 của Thủ tướng Chính phủ): 2.140ha.

- Diện tích bổ sung mới: 5.237ha, trong đó có các đơn vị:

+ Lâm trường Thanh niên: 1.669 ha

+ Lâm trường Ba Vì: 1.300 ha

+ Trung tâm giáo dục hướng nghiệp lâm nghiệp: 550 ha

+ Xí nghiệp Kanh Kina: 240 ha

+ Khu K9: 250 ha

+ Trạm nghiên cứu lâm sinh: 210 ha

+ Xã Tản Lĩnh (gồm Núi Mơ và Núi Cua): 120 ha

+ Xã Ba Vì (phần đất trống, trọc): 898 ha.

4- Chức năng, nhiệm vụ của rừng cấm quốc gia:

Rừng cấm quốc gia Ba Vì - Hà Nội là đơn vị kinh tế và sự nghiệp khoa học, có chức năng chủ yếu là trồng, bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, di tích lịch sử, nghiên cứu khoa học kết hợp mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học, tham quan học tập du lịch. Nhiệm vụ chủ yếu như sau:

a) Bảo tồn toàn bộ hệ sinh thái tự nhiên còn nguyên vẹn của rừng cấm.

b) Trồng mới, phục hồi, bảo vệ rừng, các nguồn zen động, thực vật rừng quý hiếm, các đặc sản rừng và các di tích văn hoá lịch sử, cảnh quan của rừng cấm.

c) Tổ chức nghiên cứu thực nghiệm, nghiên cứu khoa học cơ bản với mục đích phục vụ bảo tồn thiên nhiên và môi sinh.

d) Tổ chức các hoạt động dịch vụ khoa học, giáo dục hướng nghiệp và tham quan du lịch.

5- Các phần khu chức năng:

a) Khu bảo vệ nguyên vẹn: có chức năng chủ yếu là duy trì và bảo vệ những điều kiện tự nhiên nguyên thuỷ nhất, bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và di tích lịch sử đã có.

Diện tích (tính từ cốt 400m trở lên): 2.140 ha.

Trong đó:

- Diện tích rừng tự nhiên hiện còn: 1.600 ha

- Diện tích cần bảo vệ, phục hồi rừng: 300 ha

- Diện tích trồng mới: 240 ha.

b) Khu phục hồi, phát triển: có chức năng chủ yếu là phục hồi phát triển rừng, các nguồn quý hiếm, tiến hành nghiên cứu thí nghiệm lâm sinh và tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử.

Diện tích (tính từ cốt 400m trở xuống): 5.000 ha.

Trong đó:

- Diện tích đã có rừng: 2.000 ha

- Diện tích trồng mới theo các mô hình rừng (rừng sinh thái đa tác dụng, rừng cây ăn quả...): 3.000 ha.

c) Khu quản lý, dịch vụ: xây ở dưới chân núi Ba Vì là một nhà làm việc, trong đó có một số phòng nghiên cứu thí nghiệm và trưng bày thực vật, động vật rừng Ba Vì, và nhà đủ ở cho cán bộ, công nhân. Diện tích xây phải tính toán rất chặt chẽ, tiết kiệm.

6- Đầu tư xây dựng cơ bản: Trong 5 năm (1991 - 1995) hoàn thành các công việc:

- Xác định từng khu vực cây, con tổng hợp có lưu ý đến trong tương lai các tổ chức có thể làm nhà nghỉ mát.

- Trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ thực vật và các động vật để tiến đến sinh đẻ, phát triển thêm.

- Làm trục đường giao thông từ Xuân Khanh đến cốt 400m rải nhựa (mặt đường 3,5m, nền đường 5,5m) và các đường đi bộ.

- Làm một số chòi gác.

- Mắc đường dây thông tin từ trung tâm quản lý đến các chòi gác.

- Làm các công trình đơn giản để bảo vệ các nguồn nước hiện có.

- Củng cố định canh, định cư 7 xã ở bìa rừng.

- Mua một số thiết bị cần thiết phục hồi trồng cây, chăm sóc, bảo vệ, nghiên cứu thực vật và động vật.

7- Vốn đầu tư:

Tổng vốn đầu tư trong 5 năm (1991 - 1995) khoảng 5,7 tỉ đồng đến 6,2 tỉ đồng tính theo giá đầu năm 1991, chủ yếu để trồng, chăm sóc rừng, xây dựng đường, làm các chòi gác, đường dây thôngtin, các vấn đề cụ thể khác do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tính toán chặt chẽ, nhưng nhà quản lý, dịch vụ và các phòng trưng bày, thí nghiệm không quá 500m2.

Trong đó phân bổ:

- Trồng mới và bảo vệ rừng từ 3,4 - 3,7 tỉ đồng.

- Làm các việc khác từ 2,3 - 2,5 tỉ đồng.

8- Phân giao nhiệm vụ:

a) Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm:

- Xác định ranh giới cụ thể của rừng cấm quốc gia Ba Vì, trên bản đồ và trên thực địa; chỉ đạo việc lập hồ sơ quản lý đất đai; tài nguyên và các công trình.

- Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cụ thể của rừng cấm quốc gia Ba Vì thật gọn, nhẹ và có hiệu lực. Trước mắt, cần tập trung tổ chức lại sản xuất, sắp xếp bố trí lại bộ máy quản lý và lực lượng lao động của các đơn vị quốc doanh trong khu vực quản lý của rừng cấm thành các đơn vị dịch vụ trực thuộc Giám đốc rừng cấm quốc gia, bảo đảm sớm ổn định về mặt tổ chức để đi vào hoạt động bình thường.

- Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp và các ngành có liên quan, chỉ đạo xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ và hoạt động của rừng cấm quốc gia.

- Quy định trách nhiệm và mối quan hệ của các cấp chính quyền và nhân dân trong vùng tham gia xây dựng và bảo vệ rừng cấm quốc gia. Trước mắt, chấm dứt ngay tình trạng phá hoại tài nguyên thực vật, động vật trong khu vực rừng cấm.

- Phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, thi công các công trình cụ thể, bảo đảm hoàn thành các công trình theo đúng tiến độ thời gian và chất lượng quy định.

b) Bộ Lâm nghiêp: Có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Giám đốc rừng cấm quốc gia xây dựng, quản lý rừng cấm theo đúng nhiệm vụ thiết kế và quy chế quản lý, bảo vệ rừng cấm quốc gia.

Điều 2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Thống đống Ngân hàng Nhà nước và thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Đồng Sĩ Nguyên

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17-CT năm 1991 thành lập và phê chuẩn luận chứng kinh tế - kỹ thuật rừng cấm Quốc gia Ba Vì - Hà Nội do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 17-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/01/1991
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Đồng Sĩ Nguyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản