Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2007/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH KHU VỰC BẢO VỆ, KHU VỰC CẤM TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI, CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;

Căn cứ Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 03 năm 2005 của Chính Phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an thành phố,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày và được đăng báo Cần Thơ chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

QUY ĐỊNH

KHU VỰC BẢO VỆ, KHU VỰC CẤM TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI, CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 05 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này được áp dụng cho các khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi hình, chụp ảnh; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, ban ngành trong việc giữ gìn trật tự công cộng, bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định pháp luật.

Tất cả tổ chức, cá nhân, kể cả tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến thành phố Cần Thơ phải tuân thủ theo đúng Quy định này.

Điều 2. Trách nhiệm của tổ chức và cá nhân

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đến thành phố Cần Thơ có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng và Thông tư số 09/2005/TT-BCA ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 38/2005/NĐ-CP (sau đây gọi là Nghị định 38 và Thông tư 09); phát hiện, tố cáo mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự công cộng hoặc xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, của người nước ngoài; có trách nhiệm tham gia hỗ trợ các cơ quan chức năng, ngăn chặn kịp thời và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

Điều 3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự công cộng

Cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự công cộng; về khiếu nại, tố cáo; về quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc đảm bảo trật tự công cộng; các quy định về khu vực bảo vệ, khu vực cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh để mọi người biết và tự giác chấp hành.

Điều 4. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định về trật tự công cộng

Thủ trưởng cơ quan ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi quản lý của mình thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định về đảm bảo trật tự công cộng; kịp thời ngăn chặn, giáo dục và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

Điều 5. Xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Việc xử lý vi phạm quy định về trật tự công cộng phải thực hiện theo đúng Nghị định số 38 của Chính phủ và Thông tư số 09 của Bộ Công an về việc đảm bảo trật tự công cộng, quy định của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Chỉ áp dụng biện pháp cưỡng chế sau khi đã áp dụng các biện pháp giáo dục, thuyết phục nhưng người vi phạm vẫn cố tình có hành vi gây rối trật tự công cộng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Khu vực bảo vệ

Là trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, công trình kiến trúc quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng của thành phố Cần Thơ (có danh mục kèm theo).

Điều 7. Khu vực cấm tập trung đông người

Là các khu vực, địa điểm phục vụ chung cho mọi người như hành lang khu vực vỉa hè, lòng đường, trụ sở của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng khác... nhằm mục đích đưa ra yêu cầu kiến nghị hoặc khiếu nại, tố cáo có số lượng người tập trung từ 05 người trở lên về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, gia đình, tổ chức hoặc nhằm đưa ra những vấn đề có liên quan đến đời sống chính trị - xã hội, đến quyền và lợi ích của tổ chức cá nhân khác mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Khu vực cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh

Là các khu vực bảo vệ gồm cơ quan Đảng, Nhà nước, các kỳ họp quan trọng và các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, các công trình quan trọng về an ninh quốc gia; vị trí quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng đóng trên địa bàn đã được đặt các biển cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP VÀ CÁC SỞ, BAN NGÀNH

Điều 9. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố

1. Chỉ đạo việc ban hành quy định các khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định về đảm bảo trật tự công cộng.

2. Ủy quyền Công an thành phố tiếp nhận hồ sơ của người đăng ký hoặc đại diện cho tổ chức đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ, có trách nhiệm quyết định việc cho phép hoặc không cho phép tiến hành các hoạt động đó và phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ đăng ký biết.

3. Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong công tác chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng; giám sát và xử lý theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng tập trung đông người để thực hiện các hành vi quá khích gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Khi xảy ra hoạt động tập trung đông người trái phép, có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm đảm bảo trật tự công cộng và xử lý người vi phạm.

Điều 10. Trách nhiệm của Công an thành phố

1. Thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ của người đăng ký hoặc đại diện cho tổ chức đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng theo sự ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, tham mưu đề xuất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

2. Chủ động trong công tác nắm tình hình, nhất là các hoạt động tập trung đông người gây rối và các hoạt động vi phạm pháp luật khác ảnh hưởng đến trật tự công cộng, có biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do tín ngưỡng và các quyền dân chủ khác của công dân để lôi kéo, kích động hoặc cưỡng ép người khác tham gia các hoạt động tập trung đông người trái phép, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ hoặc các hành vi khác ảnh hưởng đến trật tự công cộng, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Căn cứ Nghị định 38, Thông tư 09, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thống nhất kích thước, màu sắc và địa điểm lắp đặt các biển báo hiệu theo quy định. Trường hợp cần bổ sung, thay đổi địa điểm lắp đặt các biển báo hiệu phải được sự chấp thuận của Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo trật tự công cộng trên địa bàn thành phố và tổ chức triển khai thực hiện cho các lực lượng thuộc Công an và Quân sự thành phố tham gia công tác giữ gìn trật tự công cộng trên địa bàn.

5. Khi xảy ra hoạt động tập trung đông người trái phép, tiến hành các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo trật tự công cộng. Trường hợp đã giáo dục, thuyết phục và yêu cầu giải tán nhưng người vi phạm vẫn không chấp hành hoặc có hành vi gây rối trật tự công cộng thì tiến hành lập biên bản và yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm; nếu có hành vi chống người thi hành công vụ thì xử lý theo quy định của pháp luật để đảm bảo trật tự công cộng. Nếu phát hiện người vi phạm có mang theo vũ khí, vật liệu nổ hoặc các vật dụng nguy hiểm khác nhằm mục đích chống chính quyền, chống người thi hành công vụ, gây ảnh hưởng trật tự công cộng thì thu giữ ngay để phục vụ công tác xử lý vi phạm; nếu có hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, tùy từng trường hợp cụ thể chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố

1. Triển khai, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc có kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền nơi đóng quân tăng cường công tác tuần tra, canh gác, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo an ninh quốc phòng nói chung và trật tự công cộng trên địa bàn thành phố. Sẵn sàng thực hiện các biện pháp đảm bảo trật tự công cộng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

2. Chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an và lực lượng chức năng có liên quan đóng trên địa bàn hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các hoạt động gây rối trật tự công cộng phức tạp trên địa bàn thành phố.

Điều 12. Trách nhiệm ngành thông tin, liên lạc

Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Bưu điện thành phố, các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan thông tấn báo chí đóng trên địa bàn thành phố tổ chức chỉ đạo nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt kịp thời, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm soát thông tin đúng định hướng của Đảng và Nhà nước; các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng, về quyền khiếu nại, tố cáo và nghĩa vụ công dân trong việc bảo đảm trật tự công cộng để mọi người biết và tự giác chấp hành.

Điều 13. Trách nhiệm các sở, ban ngành

1. Giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

2. Thanh tra thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ khiếu kiện tập trung đông người. Trong trường hợp xảy ra các vụ khiếu kiện tập trung đông người thì tiến hành kiểm tra, phân loại xử lý kịp thời các nội dung khiếu kiện, không để phát sinh điểm nóng gây mất trật tự công cộng trên địa bàn.

3. Sở, ban ngành khi xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải chú ý đến các yêu cầu về đảm bảo trật tự công cộng và tổ chức thực hiện các quy định về đảm bảo trật tự công cộng; đồng thời, phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể để hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả không để thiếu sót dẫn đến khiếu nại, tố cáo, gây rối làm ảnh hưởng xấu đến trật tự công cộng. Khi xảy ra các trường hợp tập trung đông người, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với các bộ phận khác tiến hành vận động thuyết phục nhân dân nhằm đảm bảo trật tự công cộng trên địa bàn.

Điều 14. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn

Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trong công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng.

Xử lý theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng tập trung đông người để thực hiện các hành vi quá khích gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.

Khi phát hiện có hiện tượng tổ chức tập trung đông người bất hợp pháp phải chỉ đạo ngay các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phân tán tại chỗ, không để các đối tượng cầm đầu tập hợp đông người trước các cơ quan Đảng và Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết phải báo cáo ngay với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp để được chỉ đạo xử lý kịp thời.

Khi xảy ra việc tập trung đông người bất hợp pháp tại địa bàn quản lý thì áp dụng ngay các biện pháp cần thiết; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan để bàn biện pháp xử lý. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền hoặc khả năng xử lý phải báo cáo ngay với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp để được chỉ đạo kịp thời.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện tiếp nhận hồ sơ của người đăng ký hoặc đại diện cho tổ chức đăng ký hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng trong trường hợp hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng chỉ diễn ra trong phạm vi một huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh sẽ diễn ra các hoạt động đó.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự công cộng thì được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Các trường hợp vi phạm các quy định về trật tự công cộng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16.

1. Giao Công an thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các sở, ban ngành có liên quan tổ chức triển khai hướng dẫn thực hiện quy định này.

2. Giao Giám đốc Công an thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thống nhất đặt các biển cấm đúng vị trí, địa điểm theo quy định.

3. Thủ trưởng sở, ban ngành thuộc Ủy ban nhân dân thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và thực hiện quy định này./.

 

DANH MỤC

KHU VỰC BẢO VỆ, KHU VỰC CẤM TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI, CẤM GHI ÂM, GHI HÌNH, CHỤP ẢNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

I. Khu vực bảo vệ

1. Trụ sở Văn phòng Thành ủy thành phố;

2. Trụ sở Hội đồng nhân dân thành phố;

3. Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố;

4. Trụ sở Kho bạc Nhà nước thành phố;

5. Trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố;

6. Trụ sở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố;

7. Trụ sở Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ;

8. Trụ sở Đài Phát sóng - Phát thanh VN2;

9. Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành phố Cần Thơ;

10. Trụ sở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố;

11. Trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ;

12. Trụ sở Công an thành phố;

13. Trụ sở Trại tạm giam - Công an thành phố;

14. Tượng đài Bác Hồ (bến Ninh Kiều)

15. Tượng đài Châu Văn Liêm (Ô Môn);

16. Trụ sở Ủy ban Dân tộc, cơ quan thường trực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ;

17. Sân bay quốc tế - Cần Thơ;

18. Cầu Cần Thơ;

19. Cảng Cần Thơ;

20. Cảng Cái Cui;

21. Tổng kho xăng dầu Miền Tây, quận Ô Môn (Khu chế xuất - công nghiệp Trà Nóc 2);

22. Cụm Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc;

23. Cụm Trung tâm nhiệt điện Ô Môn.

II. Khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh

1. Trụ sở Văn phòng Thành ủy thành phố;

2. Trụ sở Hội đồng nhân dân thành phố;

3. Trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố;

4. Trụ sở Kho bạc Nhà nước thành phố;

5. Trụ sở Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố;

6. Trụ sở Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố;

7. Trụ sở Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ;

8. Trụ sở Đài Phát sóng - Phát thanh VN2;

9. Trụ sở Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành phố Cần Thơ;

10. Trụ sở Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố;

11. Trụ sở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ;

12. Trụ sở Công an thành phố;

13. Trụ sở Trại tạm giam - Công an thành phố;

14. Tổng kho xăng dầu Miền Tây, quận Ô Môn (Khu chế xuất - công nghiệp Trà Nóc 2);

15. Cụm Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc;

16. Cụm Trung tâm nhiệt điện Ô Môn.

17. Trụ sở Ủy ban Dân tộc, cơ quan thường trực khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 17/2007/QĐ-UBND quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người, cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh do Thành phố Cần Thơ ban hành

  • Số hiệu: 17/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/05/2007
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Võ Thanh Tòng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản