ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2006/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 05 tháng 5 năm 2006 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09-NQ/TU NGÀY 29/7/2004 CỦA TỈNH ỦY TỈNH TRÀ VINH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2004 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2010;
Theo Đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp và Chánh Văn phòng UBND tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ-TU ngày 29/7/2004 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2010.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Công nghiệp và Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã căn cứ Quyết định này thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09-NQ/TU NGÀY 29/7/2004 CỦA TỈNH UỶ TRÀ VINH VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH TRÀ VINH ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2006/QĐ-UBND ngày 05/5/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
I. Đánh giá tổng quát tình hình phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh:
Từ sau tái lập tỉnh năm 1992, ngành công nghiệp tỉnh Trà Vinh có điểm xuất phát rất thấp, trải qua các mốc giai đoạn phát triển 1992 - 1995: tốc độ tăng bình quân 15,58%; 1996 - 2000 tăng 5,40%; 2001-2005 dự kiến tăng bình quân 23,21%, đã thể hiện sự tăng trưởng ngày càng cao của toàn ngành công nghiệp. Theo đó tỷ trọng giá trị (GDP) công nghiệp được tăng dần trong tổng số GDP toàn tỉnh, lấy mốc năm 1992 GDP công nghiệp chiếm khoảng 5%, năm 2005 dự kiến GDP công nghiệp sẽ chiếm 9,92% trong tổng giá trị GDP toàn tỉnh;
Các cơ sở sản xuất, đã phát triển cả chiều rộng, lẫn chiều sâu, với nhiều ngành nghề đa dạng, nhiều loại hình sản xuất, đã thể hiện sự thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đặc biệt từ các năm gần đây, một số nhà máy mó'i được đầu tư và cải tiến công nghệ, mở rộng sản xuất như: Than hoạt tính, chế biến thủy, hải sản, chế biến dừa, mía đường, nước khoáng, dược phẩm, may mặc xuất khẩu..., một số ngành nghề truyền thống như: Đan đát thảm lát, sản xuất gạch ngói, lương thực, thực phẩm... cũng được khôi phục và phát triển, đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong nông thôn cũng như tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp;
Tuy nhiên, ngành công nghiệp tỉnh Trà Vinh đang còn gặp nhiều khó khăn do một số lĩnh vực then chốt như Nông nghiệp, thuỷ sản đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển công nghiệp còn quá ít, đồng thời có nhiều ngành nghề, lĩnh vực còn áp dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu; trình độ lao động kỹ thuật thấp, trình độ quản lý còn hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, nhiều sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh, thị trường không ổn định, đã cản trở nhiều đến sự phát triển chung của doanh nghiệp và của ngành. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách về quản lý kinh tế nói chung và quản lý ngành nói riêng còn nhiều bất cập giữa các ngành, các vùng lãnh thổ. Chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Thủ tục đầu tư đã từng bước được đổi mới nhưng vẫn chưa tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Cơ sở hạ tầng trong những năm qua tuy đã được chú trọng đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu;
Hiện tại tỉnh chỉ mới đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I Cụm phát triển công nghiệp Long Đức, bước đầu đã có 05 doanh nghiệp đầu tư với giá trị sản lượng sản xuất chưa đáng kể;
Những thành tựu mà ngành công nghiệp đã đạt được, cùng với những dự án, chương trình đang triển khai, sẽ từng bước tạo điều kiện cho nền kinh tế của tỉnh nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng phát triển, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế tỉnh nhà.
II. Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2010:
1. Phương hướng chung:
Tập trung khai thác nguồn nội lực, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài, thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm sản xuất tại địa phương với các thị trường trong và ngoài nước;
Chú ý đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, bắt kịp với yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của các thị trường trên thế giới. Từ đó, chủ động tạo thị phần ổn định cho các sản phẩm có tính chiến lược của từng doanh nghiệp nói riêng và của tỉnh ta nói chung;
Quan tâm thu hút các dự án đầu tư có trình độ công nghệ kỹ thuật cao, bố trí hợp lý các dự án thu hút nhiều lao động, khuyến khích các loại hình doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thu hồi vốn nhanh; củng cố và từng bước hình thành các làng nghề, các Khu, Cụm, điểm công nghiệp để có điều kiện đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp và có điều kiện xử lý, bảo vệ môi trường thiên nhiên, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, địa phương.
2. Nhiệm vụ trọng tâm:
Tập trung chỉ đạo phát triển 3 nhóm chương trình ưu tiên đầu tư sau đây:
- Chương trình phát triển công nghiệp chế biến từ nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương (nông- thủy sản) bao gồm: Chế biến lương thực, thực phẩm; chế biến thủy- hải sản (chế biến tôm, chế biến cá và các loại sản phẩm thủy hải sản khác); chế biến đường, các sản phẩm sau đường; chế biến toàn diện cây dừa; chế biến thức ăn gia súc, gia cầm; thức ăn nuôi thủy sản;
- Chương trình phát triển công nghiệp thu hút nhiều lao động, bao gồm: Công nghiệp dệt, may, da; vật liệu xây dựng bao gồm: gạch tuy nen, gạch không nung và các vật liệu xây dựng mới. Đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng hiện đại hóa công nghệ thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, gốm, sứ cho tiêu dùng nội địa, chú ý các mặt hàng gốm sứ mang tính đặc trưng của tỉnh và hướng tới cho xuất khẩu; đóng, sửa tàu thuyền phục vụ cho vận tải và đánh bắt hải sản xa bờ. Chú ý tập trung cho đóng mới tàu, thuyền có công suất và tải trọng lớn; cơ khí phục vụ xây dựng nhà ở, giao thông nông thôn, phục vụ nông nghiệp, thủy - hải sản; cơ khí gia công sửa chữa, các ngành nghề thủ công: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đan đát, dệt chiếu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa.. .cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;
- Chương trình phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, bao gồm: Ngành hóa chất như: Sản phẩm nhựa composite, than hoạt tính; vật liệu mới như: gạch chất lượng cao, vật liệu nhẹ, vật liệu lắp ghép...; gia công lắp ráp điện, điện tử; dược phẩm với công nghệ cao, sản xuất thuốc đặc trị; cơ khí phục vụ nông nghiệp, xây dựng, giao thông và cơ khí lắp ghép...
3. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2010:
a) Năm 2005:
- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 ước đạt 1.726 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2001-2005) là 23,21%, chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ VII đề ra tăng trên 17%;
- Tỷ trọng giá trị tăng thêm GDP công nghiệp, xây dựng năm 2005 chiếm 17.72% (công nghiệp 10,09%, xây dựng 7,63%, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần VII chiếm 14% trong cơ cấu GDP của tỉnh);
- Giải quyết việc làm mới cho 3.000 - 4.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp đến năm 2005 là: 22.000 - 23.000 người, chiếm 4,65% trong tông sô lao động của địa phương.
b) Từ năm 2006 đến 2010:
- Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức cao, bình quân (2006 -2010) trên 17%. Đến năm 2010 đạt trên 3.820 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994);
- Tỷ trọng giá trị tăng thêm GDP công nghiệp, xây dựng đến năm 2010 chiếm trên 27,7% (công nghiệp 16,03%, xây dựng 11,67% trong cơ cấu GDP của tỉnh);
- Giải quyết việc làm mới cho 17.000 - 18.000 lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong ngành công nghiệp đến năm 2010 là 39.000 - 40.000 người, chiếm trên 7% trong tổng số lao động của địa phương.
III. Triển khai, cụ thể hóa các giải pháp thực hiện:
1. Giải pháp về vốn:
Từng doanh nghiệp phải chủ động phát huy nội lực của mình, tạo tích lũy vốn từ quá trình sản xuất kinh doanh của đơn vị, đồng thời mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết, cổ phần hóa doanh nghiệp, tham gia giao dịch cổ phiếu trên thị trường tài chính...nhằm mục đích mở rộng kêu gọi các nguồn vốn tham gia đầu tư vào doanh nghiệp của mình, trên cơ sở có dự án đầu tư tốt, có chiến lược kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Qua đó, có thể tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi, vay tín dụng ngân hàng để triển khai dự án đầu tư;
Tăng cường nguồn vốn của Quỹ bảo lãnh Tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia bảo lãnh hỗ trợ cho các dự án đầu tư vừa và nhỏ thu hồi vốn nhanh giải quyết được việc làm cho nhiều lao động;
Đặc biệt quan tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn cũng như các dự án đổi đất lấy hạ tầng ở các Khu, Cụm, điểm, công nghiệp, làng nghề nông thôn....Tranh thủ các nguồn vốn ODA, vốn Trung Ương, ngân sách của tỉnh, đầu tư qui hoạch, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu và tiêu dùng nội địa;
Riêng vốn ngân sách nhà nước hằng năm dành 1 tỷ lệ nhất định đầu tư hạ tầng ở một số công trình trọng điểm phục vụ sản xuất công nghiệp và lập quỹ khuyến công để có chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp ở các lãnh vực ưu tiên và cần thiết theo chính sách ưu đãi của tỉnh;
Ưu tiên giải ngân nguồn vốn vay đối với các dự án đầu tư chế biến nông - thuỷ sản xuất khẩu như: Chế biến lương thực; Chế biến nấm rơm; chế biến cá nước ngọt; tôm càng xanh; các sản phẩm từ cây dừa; cây lác, lục bình, tre, trúc....Giao Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phân bổ nguồn vốn và có kế hoạch báo cáo với ƯBND tỉnh trong từng năm;
Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh việc giải ngân nguồn vay cho các dự án đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để từng bước hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo tiền đề cho các doanh nghiệp tham gia hội nhập kinh tế Quốc tế trong thời gian tới.
2. Giải pháp về thị trường:
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, để mở rộng và tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước thông qua các liên kết, ký kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới. Có chính sách hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia. Giao Sở Thương mại - Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch và đầu tư, các doanh nghiệp liên kết với các đơn vị liên quan ngoài tỉnh để đề xuất biện pháp đẩy mạnh các hoạt động này;
Mặt khác, từng doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn và kế hoạch tạo thị phần cho doanh nghiệp mình, biết chọn đúng nhu cầu, chọn đúng thị trường đế quảng bá sản phẩm và sẵn sàng đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng;
Ngoài những sản phẩm xuất khẩu, cần quan tâm xây dựng và phát triển những sản phẩm đáp ứng thị trường nội địa, các sản phẩm hàng hóa phải ngày càng nâng cao về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu, chú ý đăng ký bảo hộ về quyền sở hữu công nghiệp, mã số, mã vạch để có thể cung ứng cho các siêu thị trên toàn quốc, cũng như tiêu thụ tại địa phương thông qua các hệ thống đại lý, cửa hàng, các trung tâm chợ thị xã, thị trấn và chợ nông thôn;
Chú ý sử dụng các chính sách khuyến mãi, hậu mãi luôn hướng đến mục tiêu phục vụ khách hàng để ngày càng nâng cao uy tín nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu của mình nhằm cạnh tranh và mở rộng thị phần.
3. Giải pháp về nguồn nguyên liệu chủ lực của địa phương cho sản xuất công nghiệp:
- Về thủy hải sản: Với vị trí địa lý tiếp giáp biển Đông, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, đã tạo ra tiềm năng, lợi thế lớn, ở cả 3 vùng nước mặn, lợ, ngọt, tỉnh ta cần phát triển mạnh việc khai thác đánh bắt, quy hoạch phát triển các mô hình, trang trại nuôi tôm sú, nuôi cá nước ngọt... sẵn sàng đáp ứng cho các nhu cầu thu mua chế biến công nghiệp tại cho cũng như cung ứng cho các đối tác ngoài tỉnh;
Đồng thời để phát huy tiềm năng này, giao Sở Thủy sản chủ trì rà soát lại quy hoạch để có kế hoạch đầu tư hạ tầng, dịch vụ phục vụ đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao phục vụ cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa;
- Về các loại cây cho chế biến công nghiệp:
+ Cây dừa: quy hoạch phát triển và chế biến đến năm 2015, đã được phê duyệt, cần được triển khai thực hiện theo đề án, giao Sở Công nghiệp phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch cụ thể hàng năm để thực hiện mục tiêu của quy hoạch đề ra, “đến năm 2010, tập trung cải tạo thâm canh, thay đổi giống dừa có năng suất cao trên diện tích vườn dừa hiện có (12.880 ha) và đến 2015, trồng mới 5.000 ha, nâng tổng số vườn dừa lên trên 17.500 ha, sản lượng đạt trên 100 triệu tấn/năm”;
+ Cây mía: hiện có 7.016 ha với sản lượng khoảng 700.000 tấn/năm, thừa khả năng cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đường với công suất hiện tại, trước mắt cần cải tạo giống mía có năng suất cao, trồng rãi vụ để kéo dài vụ mía đường nhằm đáp ứng theo kế hoạch sản xuất của nhà máy. Nhà nước tổ chức liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất với nông dân, phải có sự đầu tư, qui hoạch để nông dân yên tâm phát triển ổn định vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp;
+ Cây lúa: với diện tích 235.000 ha trồng lúa từ 2-3 vụ cho sản lượng hàng năm trên 1 triệu tấn, đã có thừa lúa hàng hóa cho xuất khẩu; nhưng thị trường này thường không ổn định, cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các đại lý thu mua với các nhà máy xay xát, lau bóng và các công ty cung ứng lúa gạo xuất khẩu cả trong và ngoài tỉnh nhằm tạo đầu ra cho lúa gạo của địa phương và xây dựng mô hình sản xuất lúa đặc sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
- Một số cây công nghiệp ngắn ngày khác như: đậu phộng, bắp lai, cói, lác... sẽ được điều chỉnh kịp thời theo nhu cầu của thị trường thu mua chế biến công nghiệp. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại quy hoạch để có kế hoạch phát triển ổn định các loại cây trồng làm nguyên liệu cho chế biến công nghiệp;
- Về vật nuôi như: phát triển theo hướng sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo, siêu thịt, siêu trứng đàn gia cầm, mà chủ yếu phát triển theo hướng tập trung xây dựng mô hình trang trại xa dân cư, bảo đảm các điều kiện vệ sinh, phòng dịch chống lây lan dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư.
4. Giải pháp khoa học công nghệ :
Chú trọng phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật công nghệ ở từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, xác định được những khâu chủ yếu trong dây chuyền sản xuất để đổi mới, đầu tư mới thiết bị, công nghệ phải phù hợp với trình độ và nhu cầu sản xuất; ưu tiên đầu tư, đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các ngành hàng, các khâu quan trọng của dây chuyền sản xuất tạo ra sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhằm nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm. Khi đầu tư mới, nhất thiết lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với khả năng quản lý và đâu tư, phát huy ngay hiệu quả, có khả năng thu hồi vốn nhanh để tiếp tục tái đầu tư;
Giao Sở Khoa học và công nghệ chủ trì xem xét việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ, trang thiết bị tiên tiến và hiện đại. Đồng thời khuyến khích việc nghiên cứu ứng dụng tại chỗ các đề tài khoa học, sáng kiến thiết thực phục vụ sản xuất và có đề xuất các chính sách hỗ trợ hiệu quả thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời thực hiện nghiêm quyền sở hữu công nghiệp cho các chủ sở hữu.
5. Giải pháp về môi trường:
Giao Sở Tài nguyên và môi trường tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường, ngoài các quy định đối với dự án sản xuất phải đăng ký và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sở Tài nguyên và môi trường phải thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất trong quá trình sản xuất đối với các cơ sở có chất thải gây ô nhiễm, kiên quyết thực hiện các biện pháp xử phạt theo quy định tại Nghị định số 12/2004/NĐ-CP ngày 12/5/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
6. Giải pháp về nhân lực:
Lao động ở tỉnh ta còn dồi dào, nhưng chủ yếu là lao động phổ thông còn chiếm số đông, do vậy cần tập trung cao vào công tác đào tạo, thông qua nhiều hình thức đào tạo tập trung chính quy hoặc đào tạo theo địa chỉ tại các trường của địa phương, liên kết với các viện, trường Trung ương, tỉnh bạn hoặc bồi dưỡng kiến thức, kèm cặp tại cơ sở... nhằm đáp ứng kịp thời cho các yêu cầu tuyển dụng của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các cấp trình độ khác nhau về tay nghề kỹ thuật;
Đồng thời có chiến lược qui hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển tương lai, đòi hỏi trình độ của lao động ngày càng cao ở tất cả các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, ngành nghề kỹ thuật cao để sẵn sàng cung ứng cho các dự án ngành công nghiệp triển khai trên địa bàn;
Các trường, cơ sở đào tạo phải luôn tiếp cận với nhu cầu, nắm vững kịp thời xu hướng đầu tư vào các ngành nghề sản xuất công nghiệp để có kế hoạch đào tạo. Các Sở ngành có liên quan đến mục tiêu đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phải có sự phối hợp đồng bộ như: Sở Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng hoàn thành phổ cập trung học cơ sở và từng bước phổ cập giáo dục phổ thông trung học ở một số phường thị trấn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sớm hoàn thành trường Dạy nghề của tỉnh và mở rộng nâng cấp các trung tâm dạy nghề ở các huyện, thị, tiếp tục đầu tư mở rộng năng lực đào tạo của Trường Cao đẳng cộng đồng, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn, để phấn đấu nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề lên trên 35%;
Đồng thời có chính sách thu hút nguồn nhân lực của các tỉnh lân cận trong khu vực, chính sách sử dụng, phân công, bố trí hợp lý và thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại để không ngừng nâng cao kiến thức đáp ứng kịp thời với yêu cầu của thực tiễn;
Giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo lập kế hoạch đào tạo cán bộ đại học, sau đại học ở trong và ngoài nước để đào tạo ở những lĩnh vực cần thiết bằng ngân sách nhà nước, trên cơ sở lựa chọn, những người trẻ có đủ đức, tài và triển vọng phục vụ cho sự phát triển của tỉnh nhà.
7. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng:
- Tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức, giai đoạn I, để phục vụ các doanh nghiệp đi vào sản xuất, đặc biệt quan tâm xây dựng nhà máy xử lý nước thải; sớm hoàn thành Cảng sông Long Đức giai đoạn I, đưa vào hoạt động trong năm 2005, đồng thời triển khai thi công đường vành đai ra Khu công nghiệp, các công trình hạ tầng liên hoàn này tạo ra một lợi thế để thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Long Đức;
- Từng bước hình thành các Cụm công nghiệp Cầu Quan (Tiểu cần), Cổ Chiên (Càng Long), Vàm Bến Cát (Cầu Kè), các Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các huyện, thị xã và các làng nghề truyền thống ở xã Đức Mỹ (Càng Long), Hàm Giang (Trà Cú)...;
- Tranh thủ và hỗ trợ tích cực cho các dự án đầu tư của Trung ương trên địa bàn tỉnh như: nâng cấp hệ thống cầu đường của các quốc lộ 53, 54, 60 đạt tiêu chuẩn H-30, dự án mở đường giao thông thủy bên sông Hậu vào kênh Quan Chánh Bố, dự án cảng biển, nhà máy nhiệt điện... sẽ tạo nên những lợi thế mới rất quan trọng để phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh ta nói chung;
Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng nguồn điện phục vụ cho sản xuất. Trong đó, tập trung ưu tiên kéo điện phục vụ cho khu vực Long Đức TXTV; kéo mới cải tạo nâng cấp lưới điện hiện có đảm bảo cho sản xuất CN - TTCN và làng nghề, nhẩt là các cụm, điểm CN - TTCN của các địa phương . Đồng thời, chú trọng đến việc lắp đặt kịp thời trạm biến thế cho doanh nghiệp.
8. Tổ chức sắp xếp lại sản xuất:
Kiên quyết thực hiện chương trình kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp lại hoặc giải thể các doanh nghiệp không có khả năng củng cố, hay cổ phần hóa. Đồng thời tăng cường hỗ trợ xử lý các vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cổ phần hoạt động có hiệu quả, phát huy được vai trò làm chủ của người lao động trong doanh nghiệp;
Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, khuyến khích thành lập các tổ chức đầu mối, các hiệp hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ‘các hình thức hợp tác có phân công theo từng công đoạn chuyên môn hóa và hoàn, chỉnh sản phẩm trong cùng một ngành hàng đối với các hộ ngành nghề nông thôn;
Hỗ trợ các cơ sở trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm thông qua các chương trình kinh tế - xã hội, các trung tâm tư vấn và chuyển giao công nghệ....
9. Về cải cách thủ tục hành chánh và cơ chế chính sách:
Tiếp tục thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, theo hướng hợp lý nhât, nhanh, gọn, rõ ràng và tạo ra môi trường thuận lợi, thông thoáng, làm cho các nhà đầu tư luôn yên tâm, thoải mái khi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở phối hợp, nhất quán giữa các ngành liên quan, nhằm mục đích chung là hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư. Phát huy vai trò của các trung tâm xúc tiến đầu tư, trung tâm xúc tiến thương mại, trung tâm Khuyến công... tạo điều kiện cho các trung tâm này phát huy tác dụng và hiệu quả hơn. Tiếp tục hình thành Ban quản lý các khu, cụm, điểm công nghiệp địa phương để chỉ đạo quá trình hình thành các khu, cụm ,điểm công nghiệp ở các huyện, thị tạo khu đất tập trung cho sản xuất CN - TTCN ở các địa phương;
Giao Sở Công nghiệp xây dựng trình UBND Tỉnh phê duyệt chương trình khuyến công của địa phương (2006 - 2010) và kế hoạch khuyến công hàng năm, tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt để khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức; cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN - TTCN trên địa bàn tỉnh;
Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách ưu đãi của tỉnh đã ban hành cho các nhà đầu tư đủ điều kiện hưởng ưu đãi. Giao Sở Tài chính hướng dẫn cơ chế giải ngân và theo dõi quyết toán nguồn vốn cấp ưu đãi đúng theo quy định hiện hành.
Trên cơ sở kế hoạch'triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TU ngày 29/7/2004 của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh, các ngành, UBND các huyện, thị xã có kế hoạch của ngành mình, địa phương mình, tổ chức thực hiện những lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ đã được phân công để cùng phối hợp chỉ đạo, tác động, thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra và đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững;
Giao Sở Công nghiệp chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi quá trình triển khai thực hiện, có sơ tổng kết và đề xuất biện pháp chủ đạo cho lãnh đạo UBND tỉnh, kịp thời ban hành điều chỉnh chủ trương, chính sách cụ thể phù hợp với tình hình phát triển thực tế của ngành công nghiệp, tăng cường trách nhiệm chỉ đạo của các ngành và địa phương có liên quan trong tổ chức thực hiện Kế hoạch này./.
- 1Quyết định 199/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 2Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND đẩy mạnh phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020
- 3Quyết định 1692/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Nghị định 121/2004/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
- 3Quyết định 199/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 4Nghị quyết 15/2011/NQ-HĐND đẩy mạnh phát triển Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020
- 5Quyết định 1692/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020
Quyết định 17/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về đẩy mạnh phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2010
- Số hiệu: 17/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 05/05/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh
- Người ký: Trần Hoàn Kim
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/05/2006
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định