- 1Thông tư liên tịch 22/2005/TTLT-BNG-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa phương do Bộ Ngoại giao - Bộ Nội vụ cùng ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2006/QĐ-UBND | Tân An, ngày 24 tháng 4 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V THÀNH LẬP SỞ NGOẠI VỤ TỈNH LONG AN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2005/TTLT-BNG-BNV ngày 22/12/2005 của liên Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa phương;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2004/NQ HĐND K7 ngày 09/12/2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VII, kỳ họp thứ 4 về việc phê chuẩn cơ cấu và quyết định thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Long An;
Theo đề nghị tại văn bản số 36/PNV-TC ngày 09/02/2006 của Trưởng phòng Ngoại vụ và ý kiến đề xuất tại văn bản số 119/SNV-TCCC ngày 11/4/2006 của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Long An trên cơ sở tổ chức lại Phòng Ngoại vụ trực thuộc UBND tỉnh hiện có.
Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại giao, biên giới lãnh thổ quốc gia theo quy định của pháp luật.
Sở Ngoại vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản giao dịch theo quy định.
Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Ngoại vụ thực hiện như sau:
1. Nhiệm vụ, quyền hạn:
1.1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch tổng thể, dài hạn và hàng năm về hoạt động đối ngoại, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
1.2. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của tỉnh để báo cáo Bộ Ngoại giao tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
1.3. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị, văn bản phân công, phân cấp quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản đó;
1.4. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đối ngoại, kế hoạch tổng thể về hoạt động đối ngoại của địa phương đã được duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở.
1.5. Tổ chức và quản lý các hoạt động của đoàn ra và đoàn vào:
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý các hoạt động của đoàn ra và đoàn vào.
- Tổ chức tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh; Tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh; giúp UBND tỉnh theo dõi, quản lý các đoàn đi nước ngoài của cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý.
1.6. Công tác lãnh sự:
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan thực hiện công tác xuất nhập cảnh của người Việt Nam và người nước ngoài trên địa bàn tỉnh;
- Phối hợp với cơ quan liên quan xử lý những vấn đề nhạy cảm, phức tạp nảy sinh trong công tác lãnh sự tại địa phương;
- Hướng dẫn, quản lý hoạt động của các cá nhân, tổ chức nước ngoài liên quan đến nhân thân, tài sản, đi lại, làm ăn, sinh sống, học tập, công tác du lịch, kinh doanh, và đầu tư trên địa bàn tỉnh tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
1.7. Công tác với các tổ chức phi chính phủ và cá nhân nước ngoài:
- Phối hợp với cơ quan liên quan, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và cá nhân nước ngoài tại địa phương theo quy định của pháp luật;
- Tiếp nhận và triển khai các dự án giúp đỡ nhân đạo của các tổ chức phi chính phủ và cá nhân theo quy định của pháp luật;
1.8. Công tác biên giới lãnh thổ quốc gia:
- Là cơ quan thường trực của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác biên giới lãnh thổ quốc gia; giúp UBND tỉnh đánh giá tình hình quản lý công tác lãnh thổ quốc gia, đề xuất ý kiến và các biện pháp quản lý thích hợp; tham gia xây dựng phương án giải quyết vấn đề biên giới của tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức khảo sát đơn phương, song phương theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác phân giới, cắm mốc theo yêu cầu của Uỷ ban nhân dân tỉnh;
- Theo dõi, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Ngoại giao tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về biên giới quốc gia, quy chế quản lý biên giới trên đất liền và các tranh chấp nảy sinh trên đất liền thuộc địa bàn tỉnh;
- Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biên giới lãnh thổ quốc gia; hướng dẫn, kiểm tra và quản lý các văn bản, tài liệu, bản đồ và hồ sơ về biên giới thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
1.9. Công tác kinh tế đối ngoại:
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chương trình hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn và thẩm tra các đối tác nước ngoài vào làm ăn và đầu tư tại địa phương theo sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Tham gia công tác xúc tiến thương mại, du lịch, xây dựng môi trường đầu tư phù hợp với đặc điểm của địa phương;
1.10. Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài:
- Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện chính sách về công tác người Việt Nam ở nước ngoài tại địa phương theo sự hướng dẫn của Bộ Ngoại giao (Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài);
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh trong việc hỗ trợ, hướng dẫn thông tin, tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ có quan hệ với địa phương;
1.11. Tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế:
Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý các hoạt động về tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết và thoả thuận quốc tế theo quy định của pháp luật; báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên khi có vấn đề liên quan đến chính trị đối ngoại;
1.12. Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ban, ngành tiến hành các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh khi có yêu cầu;
1.13. Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan trong việc thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin về tình hình chính trị- an ninh, kinh tế quốc tế và khu vực có tác động đến địa phương và đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh phương hướng và giải pháp thực hiện;
1.14. Thực hiện chương trình cải cách hành chính theo mục tiêu và nội dung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
1.15. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng thuộc Sở; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Sở và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối ngoại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước làm công tác đối ngoại của địa phương;
1.16. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Ngoại giao về tình hình thực hiện nhiệm vụ đối ngoại được giao tại địa phương theo quy định của pháp luật;
1.17. Thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động đối ngoại thuộc thẩm quyền của Sở theo quy định của pháp luật;
1.18. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh;
1.19. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;
2. Cơ cấu tổ chức và biên chế:
2.1. Sở Ngoại vụ có Giám đốc phụ trách chung và có 02 Phó Giám đốc giúp Giám đốc phụ trách một số lĩnh vực do Giám đốc phân công;
Cơ cấu tổ chức Sở gồm:
- Văn phòng Sở.
- Thanh tra Sở.
- Phòng Nghiệp vụ.
- Phòng Nghiệp vụ biên giới.
Giám đốc Sở Ngoại vụ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, Thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở.
2.2. Biên chế:
Biên chế của Sở Ngoại vụ là biên chế quản lý nhà nước do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ sau khi thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Ngoại vụ, Thủ trưởng các Sở ngành, Đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Thông tư liên tịch 22/2005/TTLT-BNG-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa phương do Bộ Ngoại giao - Bộ Nội vụ cùng ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Quyết định 51/2008/QĐ-UBND thành lập Sở Ngoại vụ thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
- 4Quyết định 195/QĐ-UBND năm 2012 về thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định
- 5Quyết định 678/QĐ-UBND năm 2010 thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Nông
- 6Quyết định 1105/QĐ-UBND năm 2013 thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Yên Bái
Quyết định 17/2006/QĐ-UBND thành lập Sở Ngoại vụ tỉnh Long An
- Số hiệu: 17/2006/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/04/2006
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Đỗ Hoàng Việt
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 04/05/2006
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực