Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/2001/QĐ-UB | Đồng Hới, ngày 31 tháng 5 năm 2001 |
V/V BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2001 - 2005
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị HĐND tỉnh khóa 14, kỳ họp thứ 4 về phương hướng nhiệm vụ năm 2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại Du lịch và các ngành liên quan,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành chương trình phát triển du lịch Quảng Bình giai đoạn 2002 - 2005 ( có chương trình kèm theo)
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2001.
Điều 3: Sở Thương mại - Du lịch có trách nhiệm phối hợp với các ngành các cấp tỉnh, UBND các huyện và thị xã để tổ chức và triển khai thực hiện chương trình; Hướng dẫn, theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện để báo cáo UBND tỉnh.
Điều 4: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch, Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện thị và các địa phương đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | T/M UBND TỈNH QUẢNG BÌNH |
PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỜI KỲ 2001 - 2005
TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TRONG THỜI GIAN QUA
I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA DU LỊCH TRONG NHỮNG NĂM QUA
Thời gian từ 1996 đến 2000 số lượng khách du lịch đến Quảng Bình tăng nhanh, bình quân tăng 35%/ năm. Phong Nha, Bãi biển Nhật Lệ - Quang Phú, đá Nhảy đã trở thành những điểm du lịch yêu thích của du lịch, đặc biệt là du khách trong nước, năm 1996 có 48.481 lượt khách, trong đó có 1.040 lượt khách quốc tế, năm 1999 số lượt khách đã tăng lên 135.680 với 2.336 lượt khách quốc tế, năm 2000 Quảng Bình đưa đón 240.053 lượt khách, tăng 70% so với năm 1999, trong đó có 3.637 lượt khách quốc tế.
Cùng với số lượng du khách tăng nhanh, doanh thu từ hoạt động du lịch cũng tăng khá, năm 1996 doanh thu từ du lịch là 12.343 triệu đồng, năm 1999 doanh thu đã tăng lên 16.003 triệu đồng, năm 2000 đạt 18.483 triệu đồng, trong đó doanh thu bán vé tham quan động tại khu Du lịch Phong Nha năm 1999 đạt 1.258 triệu đồng, năm 2000 đã tăng lên 1.930 triệu đồng nhờ tăng thêm sản phẩm Du lịch Đông Tiên Sơn. Quý I năm 2001, Quảng Bình đạt đón 39.709 lượt khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2000.
Tong những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư từ nguồn ngân sách xây dựng một số cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng về đường, điện, một số công trình phục vụ du lịch ở Động Phong Nha, động Tiên Sơn, Bãi tắm Nhật Lệ, Quang Phú đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút được nhiều du khách đặc biệt là du khách trong nước. Các đơn vị hoạt động du lịch cũng đã đầu tư nâng cấp hoặc xây mới một số khách sạn bằng nguồn vốn vay và tự có như: Khách sạn Đồng Hới, Khách sạn Phương Đông, và Khách sạn Phong Nha. Hiện nay, trên địa bàn Quảng Bình có 35 cơ sở lưu trú với 611 phòng, trong đó có 50% số phòng có tiện nghi khá đầy đủ, vào mùa du lịch các Khách sạn, nhà nghỉ hầu như khai thác hết phòng.
Lực lượng trong ngành du lịch - khách sạn hiện nay có 490 người trong đó có 39 người có trình độ đại học, 85 trung cấp, 178 người được bồi dưỡng nghiệp vụ tại chỗ, 85 người biết ngoại ngữ. Các doanh nghiệp đã cố gắng tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chủ yếu bằng các khóa ngắn hạn.
Nguyên nhân đạt được tốc độ cao nói trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu như: Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhận thức đứng vai trò vị trí của du lịch, tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh nhà nên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả; sự giúp đỡ hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp hoạt động du lịch.
- Tuy đã tập trung vốn ngân sách đầu tư cho khu Du lịch như Phong Nha, Nhật Lệ, song vốn đầu tư còn quá thấp chưa xứng với tiềm năng và tầm quan trọng của một ngành kinh tế tổng hợp; các di tích văn hóa lịch sử chưa được trùng tu, tôn tạo nhiều; các khu vui chơi giải trí hầu như chưa được đầu tư xây dựng. Vốn các thành phần kinh tế khách chưa được huy động cho đầu tư phát triển du lịch, chủ yếu mới đầu tư nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống ở quy mô rất nhỏ. Chưa có dự án, công trình phát triển liên doanh, liên kết với các đối tác ngoại tỉnh và nước ngoài. Phần lớn khách sạn xây dựng từ lâu nay hư hỏng, xuống cấp nhưng không được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới nên chất lượng phục vụ kém.
- Sản phẩm du lịch còn quá ít và nghèo nàn, đơn điệu. Hầu hết khách du lịch đến Quảng Bình chỉ thăm động Phong Nha, động Tiên Sơn và về Đồng Hới tắm biển. Nhiều chuyến du lịch khách chỉ đi về trong một ngày, chủ yếu các du khách đi công tác kết hợp với du lịch. Thời gian lưu trú của du khách ngắn, và có xu hướng giảm xuống. Chỉ đạt 1,2 ngày trong năm 2000. Từ đó, dẫn đến doanh thu thấp, hiệu quả chưa cao. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho doanh thu về du lịch không tăng nhanh cùng với tốc độ tăng lượng du khách đến.
- Đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác du lịch chưa ngang tầm đòi hỏi của yêu cầu và nhiệm vụ, vừa thiếu lại vừa yếu cả về trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, phương thức và thái độ phục vụ, trình độ ngoại ngữ còn thấp kém, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.
- Công tác quảng bá du lịch chưa được đẩy mạnh, các đơn vị kinh doanh du lịch còn chưa hiểu hết tầm quan trọng của công tác quảng bá du lịch, còn ỷ lại vào các cơ quan quản lý Nhà nước.
- Thị trường Du lịch Quảng Bình chủ yếu là khách nội địa, nhưng các đơn vị kinh doanh du lịch chưa tìm mọi cách đáp ứng nhu cầu thích đáng của Du khách. Kinh doanh lữ hành chưa được chú trọng, đặc biệt là trong việc liên doanh với các đơn vị kinh doanh lữ hành ở ngoài tỉnh để cùng khai thác các tour. Các doanh nghiệp chưa thực sự năng động sáng tạo, thiếu mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị với nhau.
- Việc kết hợp giữa phát triển Du lịch với tổ chức sản xuất hàng lưu niệm phục vụ du khách để thực hiện xuất khẩu tại chỗ chưa làm tốt. Vì vây chưa khuyến khích khách Du lịch mua hàng lưu niệm và chưa tạo điều kiện cho sản xuất trong tỉnh phát triển. Doanh thu về bán hàng lưu niệm hầu như không đáng kể.
- Các lễ hội ở Quảng Bình có quy mô nhỏ và chưa trở thành điểm thu hút du khách.
Nguyên nhân chính của những tồn tại yếu kém, về chủ quan trước hết do nhận thức chưa đầy đủ đường lối chủ trương phát triển Du lịch của Đảng và Nhà nước; khai thác, kinh doanh Du lịch chưa nắm bắt kịp tư tưởng chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng Cục Du lịch; tổ chức bộ máy chưa hợp lý, đội ngũ cán bộ chưa thực sự năng động sáng tạo. Về khách quan, hạ tầng cơ sở còn thiếu và yếu như đường giao thông, sân bay; thời tiết khắc nghiệt, nền kinh tế tỉnh nhà đang phát triển ở mức thấp nên việc đầu tư vào du lịch còn hạn chế.
PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH THỜI KỲ 2001-2005
I. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN:
1. Thuận lợi:
- Ngày nay trong xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa, Du lịch nước ta được coi là ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Bình đang là điểm Du lịch mới và hấp dẫn. Trước hết phải kể đến Khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Sắp đến, khi được công nhận là di sản Thiên nhiên thế giới thì Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ có bước phát triển vượt bậc, được các nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm hơn. Các tiềm năng Du lịch như suối nước khoáng Bang, bãi biển Nhật Lệ, Quang Phú, Bảo Ninh, Đá Nhảy, Đường Hồ Chí Minh, cụm du lịch Đèo Ngang - Hòn La, các di tích văn hóa lịch sử... là những địa điểm có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch và cũng là những địa chỉ hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
- Cơ sở vật chất hạ tầng được cải thiện; khi Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh được hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho du lịch Quảng Bình phát triển, nhất là khu Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng và tuyến Du lịch đường Hồ Chí Minh.
- Việc cửa khẩu ChaLo trở thành cửa khẩu Quốc tế và đường 12 được nâng cấp tạo tiền đề để mở mang các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, du lịch nói riêng và đón du khách Quốc tế từ Lào và Đông Bắc Thái Lan vào Quảng Bình.
- Phát triển du lịch được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Tổng cục Du lịch, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và các địa phương.
- “Khu du lịch sinh thái hang động Phong Nha-Kẻ Bàng” đã được Tổng cụ Du lịch đưa vào một trong 20 Khu du lịch trọng điểm của cả nước. Quy hoạch phát triển miền Trung đang được tiến hành với sự giúp đỡ của Tổng Cục Du lịch và Tổ chức JICA (Tổ chức Hợp tác Quốc tế của Nhật Bản).
2. Khó khăn:
- Nền kinh tế của Quảng Bình đang còn khó khăn, phát triển ở mức thấp, ngân sách của tỉnh hạn hẹp nên đầu tư cho du lịch còn hạn chế. Vốn tích lũy của nhân dân trong tỉnh còn thấp nên việc huy động vốn tư nhân và các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển du lịch rất khó khăn.
- Các doanh nghiệp hoạt động du lịch ở Quảng Bình chưa đủ mạnh, cơ sở vật chất còn thiếu, chất lượng chưa cao, vốn hạn hẹp, đội ngũ cán bộ, nhân viên còn thiếu kinh nghiệm trong nghiệp vụ chuyên môn kể cả trong quản lý và phong cách, phương thức phục vụ.
- Thời tiết khắc nghiệt, mùa du lịch ở Quảng Bình thường ngắn dẫn đến tình trạng vào mùa du lịch thì khách sạn không đủ chỗ, trong khi đó vào mùa đông thì các khách sạn hầu như không có khách.
- Quảng Bình ở xa các trung tâm du lịch trong nước, chưa có sân bay, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc còn yếu, chưa có cảng lớn. Những khó khăn này làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ngành Du lịch nói riêng.
II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhiệm kỳ 2001-2005 đã xác định: “Phát triển nhanh Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tăng cường đầu tư phát triển Du lịch, trước hết là các tuyến, các điểm như: Khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Đồng Hới, Đá Nhảy. Mở thêm các tuyến Du lịch Đèo Ngang-Hòn Lo, Thạch Bàn-Suối nước khoáng nóng Bang, đường Hồ Chí Minh...,mở thêm các tua du lịch trong, ngoài nước. Xây dựng,nâng cấp các khu vui chơi giải trí, khách sạn. Coi trọng công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ, tăng cường giữ gìn trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái”.
III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH:
1. Mục tiêu chung:
Phát triển du lịch góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng Du lịch - Dịch vụ trong GDP của tỉnh, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo nguồn thu ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển, đảm bảo an toàn cho du khách, giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa, gắn liền bảo vệ môi trường sinh thái bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
2. Mục tiêu cụ thể:
- Tăng đầu tư cho phát triển du lịch để mở thêm một số tuyến du lịch, điểm du lịch, khôi phục các làng nghề truyền thống, khôi phục có chọn lựa những giá trị văn hóa, phát triển du lịch văn hóa, trên cơ sở đó đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm tăng thời gian lưu trú của du khách; chú trọng cả đầu tư phát triển nguồn nhân lực (cán bộ quản lý, kinh doanh, tiếp viên, hướng dẫn viên du lịch); đầu tư xây dựng và nâng cấp các khách sạn, nhà hàng.
- Phấn đấu đến năm 2005 Quảng Bình sẽ đón trên 500.000 lượt khách, trong đó có 25.000 lượt khách quốc tế; Tăng bình quân 20%/năm.
- Doanh thu từ du lịch: phấn đấu đến năm 2005 đạt 45.000 triệu đồng, tăng bình quân 20%/năm.
IV. KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÁC KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH, TUYẾN DU LỊCH:
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong những năm tới cần tập trung đầu tư phát triển du lịch nhiều hơn nữa bằng nhiều nguồn vốn. Trong thời gian 2001 - 2005, Quảng Bình cần tập trung đầu tư những hạng mục ở tại các khu du lịch, điểm du lịch trong tỉnh theo thứ tự ưu tiên như sau:
1. Khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng:
Trong năm năm tới, đây là khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Phải tập trung đầu tư cho khu du lịch này, trước mắt cần đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đã có, đồng thời đầu tư mới tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch hang độ, du lịch văn hóa lịch sử, thám hiểm, gắn du lịch sinh thái với du lịch đường Hồ Chí Minh. Cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái. Một số hạng mục cần đầu tư:
- Xây dựng đường cho người đi bộ và xe không động cơ dọc bờ sông Son ở phía tây từ Trung tâm đón khách lên hang Phong Nha.
- Nghiên cứu đầu tư, từng bước mở thêm các tuyến du lịch sinh thái gắn với các điểm du lịch trên đường Hồ Chí Minh. Trong năm năm tới cần nghiên cứu để mở tuyến du lịch sinh thái bằng đường bộ hoặc bằng đường sông ở khu vực Phong Nha.
- Lập các dự án đầu tư để tranh thủ các nguồn vốn từ Tổng Cục Du lịch.
- Trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử: Bến phà Xuân Sơn, Bến phà B Nguyễn Văn Trỗi, đường 20 quyết thắng. Kết hợp du lịch văn hóa lịch sử với du lịch sinh thái, du lịch thám hiểm.
- Liên doanh liên kết với các đối tác trong nước và nước ngoài để phát triển du lịch tại Phòng Nha - Kẻ Bàng. Trước mắt, xây dựng cáp treo, khu vui chơi, các nhà khách mini, lều vải cho khách nghỉ ngơi.
2. Khu Du lịch thị xã Đồng Hới, Đá Nhảy:
Thị xã Đồng Hới là trung tâm tỉnh lỵ, nơi hội tụ đưa đón du khách từ các tuyến du lịch trong nước và nước ngoài. Hướng phát triển là:
- Đầu tư hoàn chỉnh bãi tắm Nhật Lệ và bãi tắm Quang Phú. Tăng cường công tác quản lý bãi tắm Nhật Lệ - Quang Phú, kiện toàn bộ máy Ban Quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách, vệ sinh môi trường.
- Nâng cấp các cơ sở lưu trú, nhà hàng hiện có, tăng công suất sử dụng phòng lên trên 60%. Hoàn thành và đưa vào sử dụng Khách sạn Công đoàn.
- Tìm đối tác trong nước, ngoài nước để trực tiếp đầu tư, liên doanh hoặc kết hợp các dự án trong nước để xây dựng quần thể du lịch tại Quang Phú, Hải Thành (bao gồm Khách sạn đạt tiêu chuẩn sao, Khu nhà nghỉ bình dân, nhà hàng, bể bơi, sân chơi thể thao, các loại hình vui chơi trên biển...).
- Xây dựng Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Đài chiến thắng hoặc Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ. Trùng tu, tôn tạo một số di tích văn hóa lịch sử, nạo vét canh đào quanh thành và xây dựng đường đi dạo gắn với trồng cây xanh và xây dựng các công viên loại nhỏ.
- Nghiên cứu để từng bước đầu tư xây dựng công viên trung tâm thị xã Đồng Hới làm nơi vui chơi giải trí cho cả khách du lịch và dân cư thị xã Đồng Hới.
- Phát triển văn hóa ẩm thực phục vụ du khách với các món ăn đặc sản mang đậm màu sắc Quảng Bình.
- Đóng mới một số tàu, thuyền du lịch để du ngoạn trên sông Nhật.
- Nghiên cứu mở tuyến du lịch sinh thái ở phía Tây Đồng Hới (Khe Lồ Ô, Ba Rền, rừng thông).
- Cải tạo nâng cấp các cơ sở phục vụ du lịch hiện có tại Đá Nhảy, xây dựng các công trình theo quy hoạch đã được duyệt. Tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư phát triển du lịch tại Đá Nhảy. Chú trọng trồng cây xanh, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái.
3. Khu Du lịch suối Bang:
Mục tiêu chung là sớm hoàn thành quy hoạch vùng Bang nhằm gắn việc xây dựng khu du lịch Suối Bang với nghỉ dưỡng và chữa bệnh kết hợp tham quan: Lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh, Nhà Lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số hạng mục cần đầu tư:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện vào điểm du lịch suối nước nóng Bang.
- Xây dựng cơ sở hồ tắm nước khoáng nóng, nhà an dưỡng, nghỉ ngơi, chữa bệnh gắn với du lịch sinh thái.
- Hoàn chỉnh Khu lưu niệm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Xây dựng đền thờ, tôn tạo Lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hưu Cảnh, xây dựng bãi đỗ xe, trồng cây xanh, nâng cấp đường vào khu Lăng mộ.
4. Khu Du lịch Đèo Ngang - Hòn La:
Trên cơ sở xây dựng Khu kinh tế Hòn La theo quy hoạch của tỉnh, cần tiến hành khảo sát, lập quy hoạch về du lịch, xây dựng khu nghỉ dưỡng tắm biển Quảng Đông, đồng thời đầu tư trùng tu tôn tạo di tích Hoành Sơn Quan, đền Liễu Hạnh Công chúa, khảo sát các tuyến Du lịch đến các đảo trong Vịnh Hoàn La.
5. Tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh:
Tuyến du lịch này Tổng Cục Du lịch đang khảo sát, lập dự án để đưa vào khai thác Du lịch “Đường Hồ Chí Minh - Con đường Huyền thoại”. Trên cơ sở Đề án của Tổng Cục Du lịch Quảng Bình gắn với các địa danh Cha Lo, Cổng Trời, Khe Ve, Phà Xuân Sơn, Long Đại, Làng Ho, Chỉ huy sở Đoàn 559... Tuyến Du lịch này gắn với việc khai thác các khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Bang, Đồng Hới - Đá Nhảy, Đèo Ngang - Hòn la.
6. Tuyến Du lịch Minh Hóa - Tuyên Hóa:
Tuyến Du lịch này sẽ thu hút trực tiếp khách du lịch quốc tế từ Lào, Đông Bắc Thái Lan vào Quảng Bình qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo; gắn với du lịch đường Hồ Chí Minh về Quy Đạt, Đồng Lê và nối kết với Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng hay Khu du lịch Đèo Ngang - Hòn La. Cần chú trọng xây dựng điểm du lịch văn hóa ở Minh Hóa gắn với Lễ hội Rằn tháng 3 Minh Hoá.
(Lộ trình đầu tư, một số dự án đầu tư và các tuyến du lịch có phụ lục kèm theo).
MỘT SỐ GIẢI PHÁP VÀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH
I. CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUẢNG BÌNH:
1. Quy hoạch và quản lý quy hoạch:
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, làm nền tảng để du lịch phát triển. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh, phải khẩn trương tiến hành xây dựng mới, bổ sung hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch chi tiết ngay trong năm 2001 các Khu du lịch đã được xác định. Đây là những khu du lịch chủ yếu, có vị trí thuận lợi và tiềm năng để phát triển du lịch lâu dài. Cùng với quy hoạch tổng thể và chi tiết, việc tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch có một vị trí rất quan trọng, từ quản lý đất đai đến quản lý đường nét kiến trúc độc đáo, giữ vững được cảnh quan môi trường sinh thái bền vững. Mỗi công trình xây dựng phục vụ du lịch nên có những nét riêng biệt làm cho công trình độc đáo, hấp dẫn khách du lịch. Cần có những biện pháp hữu hiệu xử phạt những hành vi vi phạm, xử lý những công trình xây dựng không tuân theo quy hoạch được duyệt.
2. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp và xây dựng mới những khu du lịch, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, trùng tu, tôn tạo, các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa:
Hàng năm cần tăng thêm mức đầu tư phát triển các khu du lịch, điểm, tuyến du lịch, khu vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch. Do nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào du lịch còn hạn hẹp, vì thế phải có chính sách khuyến khích để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong tỉnh, trong nước và nước ngoài đầu tư vào du lịch.
Việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa là nền tảng chủ yếu tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn. Vì vậy cần có lượng vốn lớn của Nhà nước, của Trung ương và địa phương, cũng như nguồn vốn ODA được kế hoạch hóa đầu tư hàng năm, trước hết tập trung cho các công trình chính gắn với phát triển du lịch.
Phải có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích mạnh mẽ mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và kinh doanh du lịch, tạo môi trường thuận lợi để đầu tư và kinh doanh du lịch phát triển.
Do các nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp nên trước mắt cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và tăng thêm sản phẩm du lịch ở Khu du lịch sinh thái hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, tiếp đó là khu du lịch thị xã Đồng Hới, đồng thời chuẩn bị tích cực phát triển du lịch ở Bang và Đèo Ngang - Hòn La.
3. Tuyên truyền và quảng bá du lịch:
Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch Quảng Bình, tăng thời lượng phát trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình của Trung ương cũng như của địa phương. Nâng cao nhận thức của người dân về du lịch, tuyên truyền phổ biến cho cán bộ, nhân dân thấy được Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng, mang lại doanh thu, ngoại tệ, lợi nhuận, việc làm và hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp tục in tờ gấp về du lịch Quảng Bình, bản đồ du lịch Quảng Bình để tuyên truyền quảng cáo. Xây dựng và phát hành đĩa CD giới thiệu tiềm năng, các tuyến, điểm du lịch của Quảng Bình, tranh thủ sự hỗ trợ của Tổng Cục Du lịch để đưa Du lịch Quảng Bình lên mạng Internet nhiều hơn, cập nhật các thông tin, các bài viết quảng bá du lịch Quảng Bình kịp thời. Xây dựng các panô quảng cáo lớn dọc quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và tại Đèo Ngang, Hạ Cờ.
Công ty Du lịch cùng các đơn vị hoạt động du lịch cần phải chủ động trong công tác tuyên truyền quảng bá du lịch cho tỉnh nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Tại các điểm du lịch, các khách sạn cần có bản đồ, tờ gấp quảng cáo, các thông tin về du lịch để cung cấp miễn phí cho du khách.
4. Phát triển sản phẩm du lịch nhằm tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn:
Mục tiêu chung của giải pháp này là cần tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, mang đặc thù Quảng Bình và có chất lượng để thu hút du khách, tăng thời gian lưu trú, tăng hiệu quả đầu tư.
- Sản phẩm du lịch hang động: Tham quan động Phong Nha, động Tiên Sơn là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch. Ngoài ra Quảng Bình còn có một hệ thống hang động kỳ vĩ có thể phát triển thành sản phẩm du lịch trong tương lai. Trước mắt giao cho Công ty Du lịch lập dự án khả thi xây dựng cáp treo tại Phong Nha - Tiên Sơn để tăng thêm tính hấp dẫn cho khách du lịch.
- Sản phẩm du lịch sinh thái: Đây là hướng phát triển quan trọng, cần tập trung vào Du lịch sinh thái rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng, đường 20, đường Hồ Chí Minh, Tây Đồng Hới,; Thắng cảnh Đèo Ngang, cửa biển Nhật Lệ.
- Sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh nước khoáng nóng Bang; Du lịch tắm biển Nhật Lệ, Quang Phú, Quảng Đông, Đá Nhảy, Bảo Ninh; Du lịch trèo lặn động cát Quang Phú, gắn với các trò chơi: Càu trượt, lướt ván, câu cá....
- Sản phẩm văn hóa - du lịch: Tham quan du lịch lịch sử: Thành Đồng Hới, lũy Đào Duy Từ, Quảng Bình Quan, đền thờ và lăng mộ Lể Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sông Gianh lịch sử, bến đò mẹ Suốt, xã Anh hùng Cảnh Dương, Cự Nấm. Khai thác du lịch một số lễ hội truyền thống, du lịch thưởng thức múa hát dân ca Quảng Bình trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang.
- Văn hóa ẩm thực: Khôi phục và nâng cao chất lượng kỹ thuật chế biến các món ăn mang đậm truyền thống Quảng Bình. Bên cạnh các món ăn hải sản biển có chất lượng, mặt bằng giá rẻ, cần phát triển các món ăn dân gian, phù hợp với nhiều đối tượng du khách.
5. Thị trưởng du lịch:
Cần xúc tiến mạnh công tác thị trường du lịch. Đối với du lịch Quảng Bình khách nội địa là chính (chiếm trên 90% lượt khách). Do đặc điểm địa lý, du lịch Quảng Bình trước hết phải gắn kết chặt chẽ với thị trường du lịch của các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Nghệ An. Có kế hoạch liên kết với các thị trường du lịch có tiềm năng lớn như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Nguồn khách quốc tế đến Quảng Bình chủ yếu đi từ các tua du lịch ở các thị trường nói trên, đồng thời phối hợp với tỉnh Khăm Muộn - Lào đẩy mạnh xúc tiến thị trường du lịch Lào, đông bắc Thái Lan. Về lâu dài cần chú trọng thị trường Trung Quốc và Nhật bản vì đây là những thị trường khách quốc tế có tiềm năng nhất.
6. Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ:
Đào tạo nguồn nhân lực Du lịch phải được coi là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của du lịch. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo dài hạn, đào tạo lại, bồi dưỡng ngắn hạn và đi tham quan học tập trong nước, ngoài nước cho đội ngủ cán bộ lao động hiện có, trước hết là đội ngủ cán bộ quản lý, cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp để nâng cao trình độ cán bộ ngày càng trưởng thành về chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật. Phấn đấu năm năm tới phần lớn cán bộ chủ chốt, cán bộ quản lý của ngành, của các doanh nghiệp hoạt động du lịch, đạt các tiêu chuẩn của Tổng Cục Du lịch quy định. Hàng năm cần có các khóa bồi dưỡng ngắn hạn tại chỗ để nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho đội ngủ tiếp viên, lễ tân, hướng dẫn viên du lịch.
Để nâng cao chất lượng phục vụ, phải nhanh chóng đầu tư mới và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phải ngày càng hoàn hảo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
7. Giữ gìn môi trường sinh thái:
Giải phải giữ gìn môi trường sinh thái có tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của Du lịch vì khách du lịch hiện nay đang có thiên hướng quay về với thiên nhiên, với môi trường trong sách không bị ô nhiễm.
Phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường sinh thái, trồng cây xanh tại các nơi du lịch. Trước mắt phải làm tốt xử lý rác thải, nước thải tại các bãi biển ở Nhật Lệ, Quang Phú, khu du lịch Phong Nha.
Tăng cường công tác bảo vệ rừng, nhất là những vùng được quy hoạch là tuyến du lịch sinh thái, chú trọng việc bảo vệ thạch nhũ trong các hang động.
Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân và du khách ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không khai thác du lịch quá khả năng cho phép, đồng thời có những quy định xử phạt hành chính những đơn vị, cá nhân vi phạm việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái.
8. Bảo đảm tình liên ngành liên vùng cho việc hoạch định kế hoạch và phát triển du lịch bền vững:
Du lịch là một hoạt động mang tính đa ngành cao, muốn du lịch phát triển và thực hiện những mục tiêu đề ra, tự thân ngành Du lịch không thể làm được mà đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và các địa phương dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh.
Trên cơ sở những quy định hiện hành, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất cao giữa các ngành, các địa phương nhằm đưa du lịch phát triển mạnh mẽ hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động du lịch mở rộng kinh doanh; trong đó các doanh nghiệp Nhà nước phải đủ mạnh, giữ vai trò chủ đạo ở một số điểm, tuyến du lịch chính, khuyến khích các thành phần kinh tế làm du lịch cả trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Đối với những điểm du lịch nhỏ cần phân cho cấp xã gắn với chỉ đạo của UBND huyện, thị xã để quản lý, khai thác. Cùng với việc phát triển du lịch, các ngành nhất là Công an, Bộ đội, Bộ đội Biên phòng cần phối hợp chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh, chóng những hành vi tiêu cực, phá hoại đồng thời đảm bảo an toàn, thoải mái cho khách du lịch.
Ngành Thương mai - Du lịch cần phải chủ trì phối hợp chặt chẽ và thống nhất, nhất là giữa các ngành Văn hóa - Thông tin, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Công an, Bộ đội Biên phòng, Giao thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dân tộc miền núi và các địa phương trong việc thực hiện các đường lối chủ trương phát triển du lịch của tỉnh.
9. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với du lịch:
Tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước về Du lịch. Các Sở, ban, ngành, UBND các cấp chỉ đạo, hướng, kiểm tra thực hiện chính sách phát triển du lịch; chỉ đạo các doanh nghiệp nhất là Công ty Du lịch thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh du lịch; tạo điều kiện thuận lợi và giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp các đối tác trong và ngoài nước đến đầu tư kinh doanh du lịch.
II. CÁC CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH VÀ HỔ TRỢ:
- Trong khuôn khổ của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và Luật khuyến khích Đầu tư trong nước, Quảng Bình ưu đãi cho các doanh nghiệp, đối tác đầu tư trong và ngoài nước mức cao nhất về quyền lợi và mức thấp nhất về nghĩa vụ trong khu do luật định.
- Hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp trong công tác lập quy hoạch, khảo sát các tuyến, điểm du lịch mới, khen thưởng các doanh nghiệp, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động du lịch.
- Ưu tiên vay vốn ưu đãi, giảm thuế trong các năm đầu cho các dự án, công trình đầu tư phát triển du lịch, sản xuất hàng lưu niệm.
- Ưu tiên dành những khu đất có vị trí thuận lợi (trong quy hoạch), những tuyến, điểm du lịch có khả năng sinh lợi cao, thời gian thu hồi vốn nhanh cho các thành phần kinh tế, các đối tác đầu tư kinh doanh du lịch.
- Từng bước áp dụng chính sách một giá (cho người trong nước cũng như người nước ngoài) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình như giá thuê phòng ở khách sạn, giá các dịch vụ ở khách sạn, giá vé tham quan các điểm du lịch.
- Hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác tập huấn, đào tạo và đào tạo lại đội ngủ cán bộ, công nhân viên, đồng thời có chính sách khuyến khích, ưu đãi các nhà khoa học, các chuyên gia, các kỹ thuật viên, nhân viên có tay nghề cao đến làm việc trong lĩnh vực du lịch tại Quảng Bình.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp điện, nước đến các Khu du lịch nhằm thu hút đầu tư, giảm chi phí đầu tư ban đầu cho các đối tác đến đầu tư phát triển du lịch.
- Các ngành Thương mại và Du lịch, Văn hóa - Thông tin, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Công an, Bộ đội Biên phòng, Xây dựng, Giao thông, Tài chính - Vật giá các ngành liên quan và các địa phương cần phối hợp quản lý Nhà nước toàn diện các hoạt động du lịch; tham mưu cho Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh các chủ trương, chính sách phát triển du lịch. Sở Thương mai và Du lịch chủ trì phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện tốt Chương trình phát triển du lịch thời kỳ 2001 - 2005 của tỉnh.
- Căn cứ vào Quy hoạch của tỉnh và Quy hoạch Du lịch, Sở xây dựng phối hợp với các ngành, các địa phương sớm lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch. Trước hết ưu tiên cho những khu du lịch có khả năng đưa vào đầu tư khai thác ngay. Đối với những điểm du lịch chưa có khả năng khai thác trong thời gian trước mắt cũng cần phải có quy hoạch.
- Căn cứ vào phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phát triển du lịch hàng năm và 5 năm của tỉnh và địa phương mình, các ngành, các địa phương cần có kế hoạch và biện pháp cụ thể xây dựng các dự án để triển khai thực hiện Chương trình Du lịch của tỉnh.
- Sở Thương mại và Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Sở Văn hóa Thông tin và các ban ngành liên đề xuất các chính sách cụ thể khuyến khích đầu tư phát triển du lịch của Quảng Bình.
- Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở Thương mại và Du lịch, Văn hóa - Thông tin, Xây dựng và các đơn vị liên quan lập kế hoạch khảo sát, đầu tư chi tiết cho các tuyến, điểm du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh doanh trong toàn tỉnh.
- UBND các huyện thị xã chủ động đề xuất, xây dựng và quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, làng văn hán khôi phục các Lễ hội truyền thống làng nghề truyền thống đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh du lịch.
- Trên cơ sở Chương trình phát triển du lịch của tỉnh, Công ty Du lịch có trách nhiệm tổ chức khai thác tốt các cơ sở sẵn có, đồng thời chủ động lập các dự án đầu tư và kêu gọi các đối tác liên doanh trong và ngoài nước đầu tư phát triển các khu du lịch điểm du lịch quan trọng của tỉnh.
- Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Thương mại và Du lịch, Sở Văn hóa - Thông tin lập đề án mô hình Tổ chức bộ máy quản lý, khai thác du lịch thích hợp và cơ chế phối hợp quản lý kinh doanh, dịch vụ du lịch của các thành phần ở các khu du lịch, điểm du lịch cũng như phân cấp cho từng địa phương huyện, xã quản lý theo từng mô hình./.
I. LỘ TRÌNH ĐẦU TƯ VÀ CÁC DỰ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH:
Giai đoạn 2001 - 2003: Trong giai đoạn này tập trung vào các dự án trọng điểm như sau:
1. Khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng:
- Cáp treo
- Khu dịch vụ, vui chơi
- Mở tuyến du lịch sinh thái
2. Tuyến du lịch Đèo Ngang - Hòn La:
- Xây dựng bãi tắm.
- Khu dịch vụ phục vụ du lịch nam Hòn Lan
3. Khu vui chơi giải trí tại thị xã Đồng Hới:
4. Khu du lịch tại biển Đồng Hới:
- Khách sạn 3 sao
- Khu thể thao, khu dịch vụ
5. Khu du lịch suối bang:
- Bể bơi chung và các bể bơi riêng biệt ngâm nước khoáng
- Các nhà nghỉ độc lập
- Khu điều dưỡng, chữa bệnh
- Bãi đỗ xe, lối đi
- Nhà nghỉ cho cán bộ, CNV
- Hệ thõng cung cấp nước (cả nước khoáng và nước sinh hoạt)
7. Khu du lịch Đá Nhảy:
- Khu dịch vụ phục vụ du lịch
- Các nhà nghỉ dạng đặc biệt
Giai đoạn 2003 - 2005: Các dự án đầu phát triển du lịch trong giai đoạn này chủ yếu như sau:
1. Làng Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng:
- Các nhà sàn độc lập
- Khu Lễ tân - Dịch vụ
- Khu lâm viên
- Trồng cây xanh, hoa, cây ăn quả
- Mở tuyến du lịch sinh thái
2. Công viên trung tâm tại Đồng Hới:
3. Tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh:
- Các điểm đón khách du lịch
- Nhà nghỉ, nhà hàng.
II. CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG, TÔN TẠO DI TÍCH LỊCH SỬ:
Ngoài các dự án phát triển nêu trên, Nhà nước đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng và tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử. Những dự án này tạo tiền đề cho du lịch phát triển, đồng thời là môi trường thuận lợi nhằm kêu gọi đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước. Những dự án chính cần triển khai là:
1. Xây dựng đường cho người đi bộ, xe thô sơ dọc theo sông Son bờ phía tây từ Trung tâm đón khách đến động Phong Nha.
2. Cung cấp nước sách cho Khu Phong Nha - Kẻ Bàng.
3. Nâng cấp đường 20, xây dựng đường điện lên km16.
4. Xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế Hòn La.
5. Tôn tạo đền Công chú Liễu Hạnh, Hoành Sơn Quan.
6. Xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, điện, cung cấp nước tại bãi biển Nhật Lệ - Quang Phú theo quy hoạch được duyệt.
7. Xây dựng sân bay Đồng Hới.
8. Trùng tu, tôn tạo Thành Đồng Hới, Cửa Đông, hồ quanh thành.
9. Xây dựng Tượng đài, bến đò Mẹ Suốt.
10. Xây dựng mới Bảo tàng Quảng Bình.
11. Xây dựng Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
12. Tôn tạo khu Lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
13. Xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu suối Bang (đường, điện lên mỏ).
14. Ton tạo các di tích lịch sử dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.
III. CÁC TUYẾN DU LỊCH:
Đồng Hới là điểm đến của các tua, tuyến du lịch trong và ngoài nước đến Quảng Bình cũng là nơi xuất phát các tuyến du lịch đi đến các khu du lịch, điểm du lịch trong tỉnh. Các tuyến du lịch xuất phát từ Đồng Hới bao gồm:
1. Đồng Hới - Phong Nha - Đá Nhảy - Đồng Hới.
2. Đồng Hới - Hòn La - Cha Lo - Đồng Hới.
3. Đồng Hới - Hòn La - Cha Lo - Phong Nha - Đồng Hới.
4. Đồng Hới - Bang.
5. Đồng Hới - Bang - Phong Nha - Đồng Hới.
6. Tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh.
- 1Quyết định 3524/QĐ-UBND năm 2011 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục thể thao, giáo dục, đời sống và y tế do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/10/2011 đã hết hiệu lực thi hành
- 2Quyết định 1982/QĐ-UBND năm 2007 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trong lĩnh vực kinh tế, tư pháp, văn thư lưu trữ và lĩnh vực khác do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/7/1989 đến ngày 30/6/2006 đã hết hiệu lực
- 3Quyết định 20/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- 4Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2014 phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch
- 5Quyết định 1008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 1Quyết định 3524/QĐ-UBND năm 2011 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin, thể dục thể thao, giáo dục, đời sống và y tế do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/01/2001 đến ngày 31/10/2011 đã hết hiệu lực thi hành
- 2Quyết định 1982/QĐ-UBND năm 2007 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực trong lĩnh vực kinh tế, tư pháp, văn thư lưu trữ và lĩnh vực khác do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành từ ngày 01/7/1989 đến ngày 30/6/2006 đã hết hiệu lực
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 2Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996
- 3Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) 1998
- 4Quyết định 20/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
- 5Kế hoạch 45/KH-UBND năm 2014 phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch
- 6Quyết định 1008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Quyết định 17/2001/QĐ-UB về Chương trình phát triển Du lịch Quảng Bình giai đoạn 2001-2005
- Số hiệu: 17/2001/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 31/05/2001
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
- Người ký: Phan Lâm Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra