Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1699/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 20 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO KHÁNH SƠN VÀ KHÁNH VĨNH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 9213/KH-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch số 9209/KH-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 4894/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025;

Căn cứ Quyết định số 3561/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025).

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1721/TTr-SXD ngày 05 tháng 6 năm 2023 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 và văn bản số 1868/SXD-QLN ngày 15/6/2023 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tổ chức triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ: XD, TC, LĐ-TB&XH, KH&ĐT (b/c);
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN tỉnh;
- Đoàn TNCS HCM tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Báo KH; Đài PT và TH Khánh Hòa;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Các Phòng: KT, KGVX;
- Lưu: VT, SV, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thiệu

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN CÁC HUYỆN NGHÈO KHÁNH SƠN, KHÁNH VĨNH THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TỈNH KHÁNH HÒA GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1699/QĐ-UBND ngày 20/7/2023 của UBND tỉnh)

I. MỞ ĐẦU

1. Khái quát chung

Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, gồm 09 huyện, thị xã, thành phố (thành phố Nha Trang, huyện Khánh Sơn, thành phố Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh, huyện Trường Sa, huyện Cam Lâm, huyện Vạn Ninh), trong đó huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn thuộc huyện nghèo nằm trong danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022, Cả 02 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đều thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Khánh Hòa.

- Khánh Vĩnh nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 35km về phía tây. Huyện có địa thế rộng và hết sức phức tạp, phía Đông giáp với huyện Diên Khánh, phía Bắc giáp với thị xã Ninh Hòa, phía Nam giáp với huyện Khánh Sơn, phía Tây giáp với tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Lâm Đồng.

Toàn huyện có 13 xã và 01 thị trấn. Dân số toàn huyện có khoảng 42.028 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 73,31%, gồm 28 dân tộc anh em, chủ yếu là dân tộc Raglai, T’Rin, Êđê, Tày, Kinh. Diện tích tự nhiên trên 1.167km2, trong đó rừng và đất rừng chiếm hơn ¾ diện tích.

- Khánh Sơn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố Cam Ranh 40 km, cách thành phố Nha Trang 100 km. Là huyện miền núi vùng cao ngăn cách với đồng bằng của tỉnh bởi con đèo Khánh Sơn, phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh, Đông Bắc giáp Diên Khánh, Đông giáp thành phố Cam Ranh, phía Nam và phía Tây giáp tỉnh Ninh Thuận.

Toàn huyện có 07 xã và 01 thị trấn, dân số trung bình năm 2021 là 26,318 người, trong đó: nữ 13.152 người chiếm 49,97%, nông thôn 21.527 người chiếm 81,80%, Xã có dân số đông nhất là xã Ba Cụm Bắc 5.448 người, ít nhất là xã Ba Cụm Nam 1.546 người.

Trong những năm qua, được sự đầu tư của Trung ương, của Tỉnh, cùng với sự nỗ lực, quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương; trên cơ sở tận dụng và phát huy những lợi thế, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn khắc phục mọi khó khăn đã đạt được một số kết quả nhất định.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, chưa đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện hiện nay còn rất cao; số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 02 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn có nhu cầu hỗ trợ nhà ở vẫn còn khá nhiều, chủ yếu tập trung ở các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc lập Đề án Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Khánh Sơn và Khánh Vĩnh) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 phù hợp chủ trương của Đảng và Nhà nước.

2. Sự cần thiết lập Đề án

Triển khai nhiệm vụ của Kế hoạch số 9213/KH-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh về Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch số 9209/KH-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025.

Triển khai thực hiện Dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại điểm c khoản 2 Điều 8 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 về thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đề án là cơ sở để huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo minh bạch, tiết kiệm, đúng đối tượng. Qua đó, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn các huyện nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, cũng cố niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp; góp phần hoàn thành Nghị quyết của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; góp phần quan trọng trong thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng được cũng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.

3. Cơ sở pháp lý lập đề án.

- Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

- Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

- Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch số 9213/KH-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh ngày 28/9/2022 về Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 11/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; Kế hoạch số 9209/KH-UBND ngày 28/9/2022 của UBND tỉnh Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025.

- Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

- Quyết định số 3561/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh Phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025)

- Quyết định số 99/QĐ-CTUBND ngày 12/01/2023 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Điều chỉnh Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 534/QĐ-CTUBND ngày 09/3/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc Phê duyệt Điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025.

- Thông báo số 43/TB-UBND ngày 15/3/2023 Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Thông báo số 180/TB- UBND ngày 05/5/2023 của UBND tỉnh kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo, đề xuất hỗ trợ kinh phí xây nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Quyết định số 372/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 của UBND huyện Khánh Vĩnh về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 939/QĐ-UBND ngày 02/6/2023 của UBND huyện Khánh Sơn về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh.

II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN 02 HUYỆN KHÁNH VĨNH, KHÁNH SƠN

1. Nhận xét, đánh giá thực trạng nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 02 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (Báo cáo số 3450/BC-UBND ngày 19/10/2022 của UBND huyện Khánh Sơn; Báo cáo số 442/BC-UBND ngày 10/10/2022 của UBND huyện Khánh Vĩnh)

a) Về số lượng nhà ở: khoảng 5.475 nhà (huyện Khánh Vĩnh); khoảng 6.000 nhà (huyện Khánh Sơn)

b) Về chất lượng nhà ở: Phần lớn nhà ở của các hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ để xây dựng từ các nguồn như quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ, các mạnh thường quân, ngân sách hỗ trợ từ các chương trình, đề án, chính sách.... Kết cấu chính: Móng xây đá chẻ kết hợp giằng móng, tường xây gạch mái lợp tole.

2. Đánh giá tác động của các yếu tố khí hậu đối với nhà ở về đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc trên địa bàn 02 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn.

Phần lớn nhà ở trên địa bàn 02 huyện được xây dựng theo mô hình nhà định canh định cư cũ, hay nhà cho hộ nghèo. Khi vào mùa mưa, hoặc có gió lốc thì các nhà ở trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt hay bị tốc mái tole nên chưa đảm bảo an toàn.

3. Nhận xét, đánh giá chung về thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã và đang thực hiện tại địa phương.

Nhìn chung, 02 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn cơ bản thực hiện tốt các chương trình, chính sách về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, gồm: Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2); Chương trình hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ vế chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (huyện Khánh Vĩnh).

a) Về ưu điểm:

- Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở thực hiện hiệu quả cũng như vai trò của Ủy ban MTTQVN huyện và các hội, đoàn thể được phát huy.

- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường, thực hiện liên tục và có hiệu quả. Các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được Trung ương và địa phương chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, giải quyết được các khó khăn về nhà ở của người dân.

- Sự chung tay của toàn xã hội để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ từ Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân,...

- Công tác rà soát, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở thực hiện kịp thời, đầy đủ, không bỏ sót đối tượng theo quy định.

- UBND cấp xã cùng các đoàn thể địa phương làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, giúp các hộ nghèo làm thủ tục để giải quyết hỗ trợ, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

b) Về các hạn chế, tồn tại:

- Số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn còn nhiều; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn huyện tập trung chủ yếu ở hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

- Nhu cầu cần hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 02 huyện tương đối nhiều, nên việc cân đối nguồn lực từ ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, định mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Trung ương còn thấp, ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, phụ thuộc từ nguồn kinh phí được cấp từ trung ương. Kinh phí hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đôi khi chưa đáp ứng mong muốn của người dân, hộ dân phải huy động thêm nguồn lực từ của gia đình, họ hàng, dòng tộc, cộng đồng để xây dựng nhà ở đảm bảo phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình. Khi triển khai các chương trình đa phần mang tỉnh hỗ trợ cần có nguồn đối ứng, trong khi đó, nguồn lực của bản thân hộ nghèo tham gia đối ứng cùng với ngân sách hỗ trợ thấp hoặc không có.

- Tính chủ động của người nghèo còn hạn chế, trình độ dân trí còn thấp, ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống của một bộ phận hộ nghèo chưa cao, vẫn còn tồn tại một số suy nghĩ không muốn tự xây dựng nhà để ở mà trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, cộng đồng.

III. ĐÁNH GIÁ PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ NGUỒN LỰC CỦA ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ THỰC HIỆN NHẰM HỖ TRỢ NHÀ Ở ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO

1. Về phương thức huy động nguồn lực: Từ nguồn ngân sách hỗ trợ (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đối ứng), nguồn vay tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, huy động nguồn lực hợp pháp từ các mạnh thường quân, từ các tổ chức chính trị xã hội, ... hoặc tự nội lực của hộ gia đình để đối ứng.

2. Về quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo: thực hiện quản lý nguồn lực hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

3. Về thực hiện việc quản lý sử dụng, cấp phát, thanh toán nguồn vốn cấp, vay tín dụng ưu đãi cũng như các nguồn vốn huy động khác: tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

4. Về cách thức hỗ trợ (người dân tự làm hoặc do các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng sau đó bàn giao cho hộ dân...): khi triển khai thực hiện thì tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ lựa chọn cách thức hỗ trợ phù hợp cho hộ dân.

Quá trình thực hiện chính sách đã được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân, huy động được sự tham gia giúp đỡ, đóng góp của toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo tự xây dựng nhà ở cho chính mình. Đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của hộ nghèo đồng bào dân tộc: chủ động đứng ra xây dựng nhà, giám sát việc xây dựng và làm công việc bảo quản, sửa chữa nhà.

5. Đánh giá chung về việc thực hiện huy động vốn và quản lý nguồn lực của địa phương trong quá trình thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã thực hiện trong thời gian qua.

Trên cơ sở các chương trình, chính sách, đề án được duyệt, Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phối hợp cùng huy động nguồn lực để hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Các địa phương tổ chức thực hiện công tác vận động được cộng đồng dân cư, dòng họ góp công, góp của hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tuy nhiên, do nhu cầu cần hỗ trợ nhà ở còn nhiều, chi phí xây dựng nhà ở không ít, khả năng đối ứng, chi phí tự chủ của bản thân hộ nghèo, hộ cần nghèo thấp hoặc không có, nên việc huy động nguồn lực xã hội tham gia chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Việc quản lý, cấp phát, thanh toán nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, ngân sách địa phương, vay tín dụng ưu đãi, cũng như các nguồn vốn huy động khác,... được phân cấp về UBND cấp huyện quản lý và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Công tác giải ngân, thanh quyết toán được thực hiện đúng quy định, có sự giám sát của người dân, đoàn thể. Đến nay chưa ghi nhận trường hợp khiếu nại, tố cáo về công tác này.

IV. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu, nguyên tắc hỗ trợ

a) Mục tiêu: Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (danh sách theo Phụ lục 1, 2 đính kèm), đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững, đảm bảo các quy định về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

b) Nguyên tắc hỗ trợ:

- Bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình.

- Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

- Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

- Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện.

(Theo Điều 2 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng)

2. Yêu cầu về diện tích và chất lượng nhà ở

a) Sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, đảm bảo “3 cứng” (nền - móng cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên, có khả năng chống, chịu thiên tai.

b) Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Cụ thể:

- “Nền - móng cứng” là nền - móng nhà làm bằng các loại vật liệu có tác dụng làm tăng độ cứng của nền như: vữa xi măng - cát, bê tông, bê tông cốt thép, xây gạch/đá, gạch lát, gỗ;

- “Khung - tường cứng” bao gồm hệ thống khung, cột, tường. Tùy điều kiện cụ thể, khung, cột được làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc; tường xây gạch/đá hoặc làm từ gỗ bền chắc;

- “Mái cứng” gồm hệ thống đỡ mái và mái lợp. Tùy điều kiện cụ thể, hệ thống đỡ mái có thể làm từ các loại vật liệu: bê tông cốt thép, sắt, thép, gỗ bền chắc. Mái làm bằng bê tông cốt thép, lợp ngói. Trường hợp mái bằng tôn lợp giả ngói, tôn lạnh, tôn cách nhiệt, tôn cán sóng và có kết cấu đỡ chắc chắn (khung sắt, gỗ...) liên kết bền chặt với tường xây, cột bê tông cốt thép thì mái tôn trong trường hợp này được coi là vật liệu bền chắc;

Tùy điều kiện thực tế, các bộ phận nhà ở có thể làm bằng các loại vật liệu có chất lượng tương đương có sẵn tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo thời hạn sử dụng.

(Theo Điều 4 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng)

3. Đối tượng được hỗ trợ nhà ở

a) Đối tượng

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm.

- Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.

b) Tiêu chí được hỗ trợ nhà ở

Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở thuộc một trong các trường hợp sau:

1. Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở thuộc loại không bền chắc (trong ba kết cấu chính là nền - móng, khung - tường, mái thì có ít nhất hai kết cấu được làm bằng vật liệu không bền chắc).

2. Diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ nghèo, hộ cận nghèo nhỏ hơn 8m2.

3. Chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc tổ chức xã hội khác.

(Theo khoản 2 Điều 1 và Điều 3 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng)

4. Phạm vi áp dụng:

Tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Khánh Vĩnh, Khánh Sơn (giai đoạn 2021- 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025 (theo khoản 1 Điều 1 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng)

5. Xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trên địa bàn tỉnh:

Tổng hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở 02 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh: 1.832 hộ

a) Tổng số hộ nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành): 1.306 hộ

b) Tổng số hộ cận nghèo thuộc diện đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (tính đến thời điểm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 có hiệu lực thi hành): 526 hộ

TT

Huyện

1.306 hộ nghèo

526 hộ cận nghèo

Tổng hộ nghèo, hộ cận nghèo
(hộ)

Nhà ở xây mới
(căn)

Nhà ở sửa chữa
(căn)

Nhà ở xây mới
(căn)

Nhà ở sửa chữa
(căn)

 

Tổng

01

1.305

273

253

1.832

1

Khánh Vĩnh

01

580

53

86

720

2

Khánh Sơn

00

725

220

167

1.112

6. Phân loại đối tượng ưu tiên

a) Thực hiện thứ tự ưu tiên theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng, Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cùng mức độ ưu tiên, việc hỗ trợ được thực hiện theo thứ tự sau:

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, dột nát (làm bằng các vật liệu nhanh hỏng, chất lượng thấp) có nguy cơ sập đổ, không đảm bảo an toàn;

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở (là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở riêng, hiện đang ở cùng bố mẹ nhưng đã tách hộ, ở nhờ nhà của người khác, thuê nhà ở - trừ trường hợp được thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước);

- Hộ nghèo, hộ cận nghèo có đông nhân khẩu.

b) Phân loại đối tượng ưu tiên

Phân loại đối tượng

Tổng số hộ
(hộ)

Khánh Vĩnh
(hộ)

Khánh Sơn
(hộ)

Tổng cộng

1.832

720

1.112

Hộ nghèo dân tộc thiểu số

1.305

580

725

Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng

00

00

00

Hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội

03

03

00

Hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

05

05

00

Hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai

00

00

00

Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn lại

519

132

387

7. Nguồn vốn thực hiện

Căn cứ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/012022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Căn cứ Điều 12 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 và điểm a khoản 2 Điều 8 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ khoản 2 Điều 4 và Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; theo đó, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước.

- Vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương: 0 đồng (theo quy định Điều 12 Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg: tỉnh Khánh Hòa thuộc các tỉnh tự cân đối ngân sách, sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động hợp pháp khác để thực hiện).

- Vốn sự nghiệp ngân sách địa phương phân bổ cho các huyện nghèo: Hỗ trợ xây mới nhà ở 40 triệu đồng/hộ; hỗ trợ sửa chữa nhà ở 20 triệu đồng/hộ (theo quy định Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND).

- Vốn huy động hợp pháp khác: Vận động các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng, doanh nghiệp, dòng họ giúp đỡ và nguồn tự chủ của hộ gia đình.

8. Xác định tổng số vốn thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện

Căn cứ các mẫu thiết kế nhà ở và dự toán kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa do Sở Xây dựng lập kèm theo tại văn bản số 3752/SXD-QLN ngày 18/11/2022, được UBND tỉnh thống nhất tại văn bản số 308/UBND-KT ngày 10/01/2023.

- Trường hợp xây dựng mới 01 căn nhà diện tích 30 m2 thì cơ bản cần có số vốn tối thiểu khoảng: 104 triệu đồng/căn, trong đó:

Nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ: 40 triệu đồng/căn;

Nguồn huy động hợp pháp khác: 64 triệu đồng/căn.

- Trường hợp sửa chữa nhà ở: Tùy thuộc nhu cầu sửa chữa thực tế của từng hộ gia đình, tự chủ động hoặc phối hợp chính quyền địa phương dự trù kinh phí sửa chữa nhà ở.

Nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ: 20 triệu đồng/căn;

Nguồn huy động hợp pháp khác: Tùy điều kiện thực tế tại địa phương, địa phương phối hợp hộ gia đình thực hiện huy động vốn hợp pháp khác để sửa chữa nhà ở.

Tổng số vốn cần có để thực hiện và phân khai nguồn vốn thực hiện:

TT

Nội dung

NHU CẦU HỖ TRỢ NHÀ Ở

Tổng số vốn cần có để thực hiện
(triệu đồng)

Ngân sách Trung ương

Ngân sách địa phương
(Vốn sự nghiệp)

Nguồn vốn huy động hợp pháp khác (nhà ở xây mới huy động 64 triệu đồng/hộ)

Tổng số hộ
(hộ)

Xây mới nhà ở
(căn)

Sửa chữa nhà ở
(căn)

Tổng cộng
(triệu đồng)

Nhà ở xây mới hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ

Nhà ở sửa chữa hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ

A

B

1=2 3

2

3

4=6 9

5

6=7 8

7

8

9

 

TỔNG CỘNG

1.832

274

1.558

59.656

0

42.120

10.960

31.160

17.536

1

Khánh Vĩnh

720

54

666

18.936

0

15.480

2.160

13.320

3.456

2

Khánh Sơn

1.112

220

892

40.720

0

26.640

8.800

17.840

14.080

9. Cách thức thực hiện

a) Bình xét và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025:

(1) Tại cấp thôn và tương đương (viết tắt là cấp thôn)

- Công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã phối hợp Trưởng thôn tổ chức họp để phổ biến nội dung chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và Thông tư này đến các hộ dân; lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở;

- Trên cơ sở danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, tổ chức bình xét, đề xuất danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng) gửi về Ủy ban nhân dân cấp xã để xem xét, rà soát. Cuộc họp bao gồm Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và đại diện của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thôn; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát;

- Hộ được đưa vào danh sách đề nghị hỗ trợ phải được trên 50% số người tham dự cuộc họp đồng ý (theo hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín).

(2) Tại cấp xã

- Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo được đề xuất hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày;

- Hết thời hạn niêm yết công khai, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, thẩm định, tổng hợp và gửi về Ủy ban nhân dân cấp huyện danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

(3) Sau 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp và phê duyệt danh sách báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp phải điều chỉnh lại danh sách thì phải phê duyệt lại và báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

(4) Sở Xây dựng căn cứ danh sách do UBND huyện phê duyệt, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập và trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn (theo mẫu tại Phụ lục vu kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng)

Sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án, UBND tỉnh gửi Đề án về Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(5) Trường hợp phát sinh khiếu nại, tố cáo trong quá trình phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở thì việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.

b) Cấp vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ làm nhà ở: theo Quyết định số 02/QĐ-TTG: Tỉnh Khánh Hòa không thuộc tỉnh được Trung ương hỗ trợ nguồn vốn thực hiện.

c) Thực hiện xây dựng nhà ở

(1) Thiết kế mẫu nhà ở

a) Các địa phương tổ chức giới thiệu các mẫu thiết kế (kèm theo dự toán kinh phí, dự trù vật liệu chủ yếu) ban hành kèm theo văn bản số 308/UBND-KT ngày 10/01/2023 của UBND tỉnh và văn bản số 3752/SXD-QLN ngày 18/11/2022 của Sở Xây dựng để người dân tham khảo, lựa chọn. Tôn trọng nguyện vọng của người dân, không bắt buộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở theo thiết kế mẫu.

c) Tùy theo điều kiện cụ thể, người dân có thể xây dựng theo kinh nghiệm, truyền thống, phù hợp với điều kiện kinh tế, sinh hoạt của gia đình, nhưng phải đảm bảo tiêu chí tối thiểu về diện tích, chất lượng theo quy định.

(2) Tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở

a) Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong danh sách được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở ký cam kết xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị cung ứng vật liệu để xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (nếu có nhu cầu), đề xuất lựa chọn mẫu nhà, phương thức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở (theo mẫu tại Phụ lục II kèm theo Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng);

b) Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật) không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận để thống nhất phân công các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này.

c) Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã khi hoàn thành các phần việc theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ xây dựng nhà ở mới, hoàn thành từ 30% khối lượng công việc trở lên đối với những hộ sửa chữa nhà ở hiện có) hoặc hoàn thành toàn bộ công trình để tổ chức nghiệm thu làm cơ sở thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ;

d) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, giám sát và giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong quá trình xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đảm bảo tiến độ và chất lượng; lập biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn và biên bản xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng (theo mẫu tại Phụ lục III và Phụ lục IV kèm theo Thông tư số 01/2Q22/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng).

(Theo Điều 7 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng)

10. Tiến độ thực hiện

- Năm 2022, Quý II/ 2023: Thực hiện việc rà soát, bình xét, lập danh sách các đối tượng có nhu cầu hỗ trợ nhà ở; thẩm định, phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở tại huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; thực hiện lập, phê duyệt đề án.

- Từ Quý III/ 2023 - 31/12/2025:

Thực hiện hỗ trợ cho 1.832 hộ nghèo, hộ cận nghèo, cụ thể:

Tiến độ thực hiện giai đoạn 2023-2025

Tổng số hộ được hỗ trợ giai đoạn 2023- 2025

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2015

Số hộ được hỗ trợ

Xây mới nhà ở
(căn)

Sửa chữa nhà ở
(căn)

Số hộ được hỗ trợ

Xây mới nhà ở
(căn)

Sửa chữa nhà ở
(căn)

Số hộ được hỗ trợ

Xây mới nhà ở
(căn)

Sửa chữa nhà ở
(căn)

KHÁNH VĨNH

720

693

27

666

21

21

00

06

06

00

KHÁNH SƠN

1.112

470

110

360

514

95

419

128

15

113

Tổng

1.832

1.163

137

1.026

535

116

419

134

21

113

Kết thúc thực hiện Đề án.

11. Tiến độ huy động vốn dự kiến hàng năm

Ngân sách trung ương/ địa phương

Giai đoạn 2023 - 2025 (đồng)

Kế hoạch thực hiện vốn hàng năm

 

 

Năm 2023 (triệu đồng)

Năm 2024 (triệu đồng)

Năm 2025 (triệu đồng)

Ngân sách trung ương

-

0

0

0

Ngân sách địa phương

42.120

26.000

13.020

3.100

Vốn huy động hợp pháp khác

17.536

8.768

7.424

1.344

Tổng cộng

59.656

34.768

20.444

4.444

(Chi tiết cụ thể trình bày tại Phụ lục 3 đính kèm)

12. Tổ chức thực hiện

a) Ủy ban nhân dân tỉnh

Phê duyệt “Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Khánh Vĩnh, Khánh Sơn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025”

Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tổ chức thực hiện việc rà soát, bình xét, lập danh sách, phân loại đối tượng ưu tiên, bố trí vốn và triển khai thực hiện đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích và có hiệu quả.

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn vận động cộng đồng ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở.

a) Sở Xây dựng

Lập đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025 đối với huyện Khánh Vĩnh, huyện Khánh Sơn theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt.

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 -2025 theo đúng mục tiêu và yêu cầu.

Phổ biến các địa phương áp dụng các mẫu thiết kế nhà ở hộ nghèo ban hành kèm văn bản số 308/UBND-KT ngày 10/01/2023 của UBND tỉnh; văn bản số 3752/SXD-QLN ngày 18/11/2022 của Sở Xây dựng; hướng dẫn các thôn, xã xác định thực trạng về nhà ở và chất lượng về nhà ở sau khi được hỗ trợ.

Phối hợp với các sở, ngành có liên quan lập kế hoạch vốn thực hiện chính sách (bao gồm tất cả các nguồn vốn) trình UBND tỉnh; báo cáo tiến độ thực hiện, kết quả giải ngân hàng năm gửi về Bộ Xây dựng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan theo quy định.

b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Hướng dẫn UBND huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh rà soát các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu về nhà ở, tiến hành kiểm tra, xác minh và lập danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo quy định.

Phối hợp Sở Xây dựng và các Sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 02 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

c) Sở Tài chính

Trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng về nhu cầu vốn sự nghiệp thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; nhu cầu vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hằng năm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính thực hiện cân đối, tham mưu UBND tỉnh bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện Đề án.

Phối hợp, hướng dẫn sử dụng, thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp thực hiện đề án theo quy định.

d) Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh

Thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến người dân bằng hình thức phù hợp. Tổ chức công bố công khai các tiêu chí, đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Tổng hợp và phê duyệt theo thẩm quyền danh sách hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2021-2025 được hỗ trợ trên địa bàn theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 01/2022/TT-BXD.

Kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách giảm nghèo cấp huyện để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án.

Lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán các nguồn vốn thực hiện theo hướng dẫn của Sở Tài chính.

Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra UBND các xã trực thuộc thực hiện rà soát, bình xét, lập danh sách hộ gia đình dự kiến được hỗ trợ về nhà ở đảm bảo đúng đối tượng, nguyên tắc hỗ trợ.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đảm bảo chính sách đến được từng hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở thuộc diện đối tượng được hỗ trợ; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực; đảm bảo các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở đạt chất lượng theo quy định sau khi được hỗ trợ theo quy định.

Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hàng quý (trước ngày 05 tháng cuối của quý), hàng năm (trước ngày 05 tháng 12 hàng năm) và đột xuất (nếu có) về tiến độ, kết quả thực hiện, gửi về Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo Mẫu báo cáo hàng quý, hàng năm tại Phụ lục V và VI ban hành kèm Thông tư số 01/2022/TT-BXD.

Chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn vận động cộng đồng giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà ở.

e) Ủy ban nhân dân cấp xã

Rà soát, thẩm định, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở trình Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp phê duyệt theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 01/TT-BXD;

Nghiệm thu, xác nhận khối lượng xây dựng hoàn thành theo giai đoạn (hoàn thành phần móng đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng mới hoặc hoàn thành từ 30% khối lượng công việc xây dựng trở lên đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thực hiện sửa chữa nhà ở hiện có) và xác nhận hoàn thành công trình đưa vào sử dụng để làm cơ sở giải ngân vốn hỗ trợ theo quy định;

Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, giám sát các hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng vốn hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đúng mục đích, đảm bảo nhà ở phải được xây dựng hoàn chỉnh để đưa vào sử dụng; vận động các tổ chức, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới hoặc sửa chữa nhà ở; phát huy cao nhất khả năng huy động nguồn lực từ cộng đồng, các nhà cung ứng vật liệu và hộ gia đình; tận dụng, khai thác vật liệu tại chỗ như cát, đá, sỏi, gỗ theo quy định của pháp luật để đảm bảo giảm giá thành xây dựng nhà ở.

f) Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Thông tư 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ Xây dựng và các văn bản thực hiện có liên quan để các đơn vị, đoàn thể, nhân dân biết và giám sát thực hiện.

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa tổ chức tuyên truyền vận động từ cộng đồng xã hội và các doanh nghiệp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

g) Tỉnh đoàn Khánh Hòa

Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tuyên truyền, phổ biến chính sách; tham gia vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ủng hộ một phần kinh phí, hoặc ủng hộ vật liệu xây dựng hoặc ngày công lao động để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Chỉ đạo các cán bộ Đoàn tham gia phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật,...).

h) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Tiếp tục phát huy cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tích cực vận động tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; đồng thời, thực hiện chức năng giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng mục tiêu và yêu cầu.

V. KẾT LUẬN

Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 -2025 mang đến cho người dân nghèo, cận nghèo một phần kinh phí cần thiết để tạo dựng lại nơi ở đảm bảo cuộc sống lâu dài, bền vững, tạo điều kiện an cư, lạc nghiệp và góp phần thoát nghèo theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội./.

(Kèm theo Phụ lục 1, 2, 3)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1699/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 1699/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Đinh Văn Thiệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản