Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

 

 

 

Số: 1684/QĐ-TLĐ

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2006

 

 

QUY ĐỊNH

QUYỀN TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ  TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA CÔNG ĐOÀN.

Căn cứ Luật Công đoàn năm 1990 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ
Đoàn Chủ Tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính  đôí với đơn vị sự nghiệp của công đoàn như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN.

Đối tượng thực hiện quy định này là các đơn vị sự nghiệp dự toán độc lập trong hệ thống công đoàn, do các cấp  công đoàn có thẩm quyền ra quyết định thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và taì khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật kế toán, bao gồm:

- Báo, Nhà xuất bản, Tạp chí.

- Trường Công đoàn, Trường Dạy nghề.

- Cung Văn hoá, Nhà Văn hoá Lao động.

- Trung tâm Giới thiệu việc làm; Nhà khách Tổng Liên đoàn, Văn phòng Tư vấn pháp Luật.

Viện nghiên cứu KHKT- BHLĐ thực hiện theo quy định tại Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ quy đinh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

II- QUYỀN TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ .

1- Về tổ chức bộ máy:

- Đơn vị sự nghiệp do các công đoàn cấp trên cơ sở có thẩm quyền thành lập được quyền thành lập mới, sáp nhập, giải thể các tổ chức sự nghiệp trực thuộc mình quản lý sau khi có ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

- Chức năng, nhiệm vụ cụ thể và quy chế hoạt động của các tổ chức trực thuộc do Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quy định.

2- Về biên chế:

- Đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo  kinh phí hoạt động được quyền quyết định biên chế. Riêng biên chế khung cho số  cán bộ quản lí là Giám đốc; phó Giám đốc; kế toán trưởng; trưởng, phó khoa, phòng chuyên môn nghiệp vụ do cơ quan quản lí cấp trên duyệt theo thẩm quyền.

- Đối với đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo 1 phần kinh phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp do ngân sách đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nhu cầu công việc thực tế, định mức chỉ tiêu biên chế và khả năng tài chính của đơn vị, thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm gửi cơ quan quản lý cấp trên  phê duyệt theo thẩm quyền.

3- Về quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức:

- Được quyết định tuyển dụng cán bộ, viên chức theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển theo Quyết định số 1204/QĐ-TLĐ ngày 21/7/2004 của ĐCT TLĐ về Quy chế tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.

- Trực tiếp quản lý và quyết định việc bố trí, điều động, hợp đồng lao động, nâng lương, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, hưu trí và thực hiện chính sách cán bộ, viên chức trong đơn vị theo Quy định phân công, phân cấp quản lý cán bộ công chức, viên chức công đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 1205/QĐ-TLĐ ngày 21/7/2004 của ĐCT TLĐ.

III- VỀ QUYỀN TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TỰ ĐẢM BẢO KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG VÀ ĐƠN VỊ TỰ ĐẢM BẢO MỘT PHẦN KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG.

1- Nguồn tài chính theo điều 14, mục II, chương III Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và  điểm 1 mục VIII Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của bộ Tài chính được quy định bổ sung:

Kinh phí do ngân sách Nhà nước và ngân sách công đoàn cấp.

2- Tiền lương, tiền công  theo  điểm 1,3 điều 18, mục II, chương III, Nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và  tiết 3.1, 3.3 điểm 3 mục VIII Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của bộ Tài chính được hướng dẫn thực hiện bổ sung như sau:

2.1-  Đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động nộp thuế theo phương thức khoán hoặc được cơ quan thuế chấp thuận cho lập báo cáo và nộp  thuế  như doanh nghiệp, được  xây dựng  đơn giá tiền lương như doanh nghiệp Nhà nước ( Bao gồm lương theo cấp bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp lương, thu nhập tăng thêm). Đơn giá tiền lương do đơn vị xây dựng, cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp phê duyệt.

2.2- Khi Nhà nứơc điều chỉnh tiền lương, nâng mức lương tối thiểu thì khoản tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp lương tăng thêm theo chế độ Nhà nước quy định, đơn vị được điều chỉnh theo chế độ Nhà nước. Nguồn kinh phí chi trả tiền lương tăng thêm do đơn vị tự bảo đảm từ các nguồn thu sự nghiệp và các khoản khác theo quy định .

Trường hợp sau khi đã sử dụng các nguồn thu trên , nhưng vẫn không bảo đảm đủ tiền lương cơ bản tăng thêm theo chế độ Nhà nước quy định ( trừ tiền lương của CBCC, lao động  bộ phận SX, KD, Dịch vụ đã thực hiện khoán tiền lương, hưởng lương sản phẩm,..) , phần còn thiếu  sẽ được ngân sách Nhà nước và ngân sách công đoàn của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp  xem xét, cấp bổ sung để đảm bảo mức lương tối thiểu chung theo quy định.

3- Về sử dụng kết quả tài chính trong năm theo tiết a, b điểm 1, điều 18, mục II, chương III nghị định số 43/2003/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và   điểm 4 mục VIII Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của bộ Tài chính được quy định bổ sung như sau:

3.1-  Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lí cấp trên trực tiếp  tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên  trực tiếp quyết định.

Trường hợp Thu nhập ( Lương cơ bản và thu nhập tăng thêm) của CBCV tại đơn vị thấp hơn mức thu nhập ( Lương cơ bản và thu nhập tăng thêm) theo kế hoạch tài chính do cơ quan quản lí cấp trên trực tiếp phê  duyệt trong kế hoạch tài chính hàng năm thì không phải trích  nộp  cơ quan quản lí cấp trên trực tiếp.

Số tiền nộp đơn vị quản lí cấp trên trực tiếp được sử dụng như sau: 70% nộp ngân sách công đoàn, 30% bổ sung quỹ cơ quan .

3.2- Mức trả thu nhập tăng thêm cho người lao động tại đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm kinh phí hoạt động và đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động do đơn vị đề nghị  lên cơ quan quản lí cấp trên trực tiếp  phê duyệt.

IV- QUYỀN TỰ CHỦ, TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP DO NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG.

Nguồn tài chính theo điểm 1, điều 21, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ và điểm 1 mục IX Thông tư số 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính được quy định bổ sung: Kinh phí do ngân sách Nhà nước và ngân sách công đoàn cấp.

V- PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CỦA CÔNG ĐOÀN.

1- Phân cấp quản lý tài chính:

1.1- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam chịu trách nhiệm quản lý đơn vị sự nghiệp của công đoàn. Trực tiếp quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TLĐ.

1.2- LĐLĐ tỉnh-TP trực thuộc TW, CĐ ngành TW, CĐ Tổng công ty trực thuộc TLĐ trực tiếp quản lý  các đơn vị sự nghiệp do LĐLĐ,CĐ ngành TW, CĐ TCty trực thuộc TLĐ đề nghị thành lập và theo phân cấp của Tổng Liên đoàn.

2- Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp.

2.1- Tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị sự nghiệp có thu thực hiện quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của Nhà nước và TLĐ.

2.2- Thẩm định, phê duyệt dự toán thu- chi của đơn vị sự nghiệp. Bao gồm: Thu hoạt động sự nghiệp, chi hoạt động thường xuyên và không thường xuyên, Khấu hao TSCĐ, Tiền lương và mức thu nhập tăng thêm, mức trích nộp cấp trên của đơn vị tự bảo đảm kinh phí phí hoạt động, kinh phí ngân sách CĐ cấp đảm bảo chi thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động và đơn vị ngân sách cấp toàn bộ kinh phí hoạt động, cấp bổ sung kinh phí đảm bảo tiền lương theo chế độ Nhà nước quy định theo điểm 2.2 mục III của Quy định này.  Ra quyết định phân loại và giao quyền tự chủ về tài chính  cho đơn vị sự nghiệp  theo quy định của Nhà nước và của TLĐ.

Tổng hợp dự toán của đơn vị sự nghiệp của công đoàn báo cáo UBND tỉnh, thành phố ( đối với ngân sách của địa phương ), báo cáo TLĐ ( đối với ngân sách nhà nước TW) tổng hợp đề nghị ngân sách Nhà nước cấp kinh phí chi hoạt động thường xuyên và không thường xuyên cho đơn vị sự nghiệp của CĐ. Sau khi có ý kiến của cơ quan tài chính các cấp ( Đối với đơn vị sự nghiệp của CĐ ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên) ra quyết định phân loại và giao quyền tự chủ về tài chính cho đơn vị sự nghiệp của công đoàn theo quy định của Nhà nước và TLĐ.

2.3- Phê duyệt báo cáo Quyết toán thu-chi đơn vị sự nghiệp (Quý, năm- Biểu số B 11/TLĐ ); tổng hợp báo cáo Quyết toán thu-chi hoạt động sự nghiệp   ( năm) báo cáo về TLĐ ( Biểu số B12/TLĐ). Lập biên bản  thẩm định, gửi về TLĐ biên bản thẩm định và báo cáo tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước cấp đã sử dụng ( Mẫu số B02-H)

2.4- Tổng hợp báo cáo BCHCĐ cùng cấp kết qủa hoạt động của đơn vị sự nghiệp công đoàn cùng với báo cáo thu-chi ngân sách công đoàn hàng năm.

2.5- Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ thu- chi- quản lý tài chính, chế độ  kế tóan theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn.

3-Trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp của CĐ.

3.1- Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế  và tài chính theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn.

3.2- Lập dự toán ( Mẫu số B17-TLĐ), dự án; báo cáo quyết toán thu chi hoạt động sự nghiệp lên cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan tài chính ( mẫu số B09/TLĐ và mẫu số B02-H, kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp)

3.2- Xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ chi tiêu nội bộ, chế độ thu- chi- quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp, nộp thuế và nộp cơ quan quản lý cấp trên  trực tiếp theo quy định của Nhà nước và TLĐ. Tổ chức công tác kế toán theo Luật kế toán và hướng dẫn của TLĐ.

VI- KHOẢN THI HÀNH.

1- Quy định này thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm 2007, thay thế quy định số 204/QĐ-TLĐ ngày 17/2/2004 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu. Các nội dụng khác  thực hiện theo Nghị định số 43/2006/CĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư  số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 17/2/2004 của Chính phủ.

2- Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, LĐLĐ các tỉnh - TP trực thuộc TW, CĐ ngành TW, CĐ TCty trực thuộc TLĐ và các đơn vị sự nghiệp của công đoàn chịu trách nhiệm thi hành quy định này.

3- Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ảnh về TLĐ để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Đặng Ngọc Tùng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1684/QĐ-TLĐ năm 2006 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp của công đoàn do Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 1684/QĐ-TLĐ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/11/2006
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Đặng Ngọc Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản