Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1682/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 05 tháng 7 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG DUY TRÌ VÀ CỦNG CỐ CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ HÀNH CHÍNH CÔNG TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ và Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động duy trì và củng cố Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2025.

Điều 2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Chương trình hành động kèm theo Quyết định này để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UNDP;
- UBMTTQ tỉnh;
- CVP, PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NC, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Chính

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

DUY TRÌ VÀ CỦNG CỐ CHỈ SỐ HIỆU QUẢ QUẢN TRỊ VÀ HÀNH CHÍNH CÔNG (PAPI) CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2020-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1682/QĐ- UBND ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị)

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (sau đây gọi là Chỉ số PAPI) là bộ chỉ số đo lường và theo dõi hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công của hệ thống hành chính nhà nước dựa trên trên đánh giá và trải nghiệm của người dân.

Việc đánh giá, xếp hạng Chỉ số PAPI hàng năm đối với các tỉnh, thành phố được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODHS) trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và một số đơn vị thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Chỉ số PAPI đo lường mức độ hiệu quả trong công tác quản trị và hành chính công ở cấp tỉnh hàng năm đối với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước được thực hiện từ năm 2011 với 06 nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; Năm 2018, bổ sung thêm 02 nội dung: Quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Kết quả Chỉ số PAPI của tỉnh Quảng Trị từ năm 2015 đến năm 2018 đạt được là: Năm 2015 đạt 38,2 điểm, xếp thứ 6/63; năm 2016 đạt 38,1 điểm, xếp thứ 7/63; năm 2017 đạt 37,6 điểm, xếp thứ 15/63; năm 2018 đạt 46,09 điểm, xếp thứ 6/63. Kết quả trên cho thấy từ năm 2015 - 2018, Chỉ số PAPI của tỉnh được xếp hạng trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có điểm số cao trong cả nước; các nội dung thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình với người dân, kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt nhóm điểm cao nhất trong cả nước trong nhiều năm; nội dung Cung ứng dịch vụ công đạt nhóm điểm trung bình cao. Năm 2018, Chỉ số PAPI được đánh giá với 8 nội dung thành phần, kết quả của tỉnh tăng 9 bậc so với năm 2017, tuy nhiên, một số nội dung có giảm điểm nhẹ là: Công khai minh bạch, cung ứng dịch vụ công; nội dung Thủ tục hành chính công có tăng điểm nhưng vẫn thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất; nội dung Quản trị điện tử (nội dung mới bổ sung năm 2018) thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp.

Để duy trì và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020- 2025, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong việc phục vụ nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

- Chú trọng thực hiện có hiệu quả các nội dung đánh giá của Chỉ số PAPI để duy trì và nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh đã đạt được.

- Có kế hoạch, giải pháp để duy trì các nội dung đạt điểm nhóm cao nhất trong cả nước; nâng cao điểm số các nội dung thuộc nhóm điểm trung bình thấp, nhóm điểm thấp nhất.

- Đạt điểm nhóm cao nhất trong cả nước đối với các nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công.

- Chú trọng cải thiện thái độ phục vụ trong cung cấp dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giữ vững an ninh trật tự; có các giải pháp để thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường để phấn đấu tăng dần điểm số của nội dung Cung ứng dịch vụ công và Quản trị môi trường.

- Tăng cường cải cách thủ tục hành chính công, trong đó chú trọng cải thiện dịch vụ hành chính về chứng thực, xác nhận; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng và các thủ tục hành chính cấp xã; phấn đấu tăng điểm số nội dung Thủ tục hành chính công từ 5% trở lên so với năm 2018 (Ước đạt từ 7.5 điểm trở lên).

- Cải thiện, nâng cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tạo cơ hội và khuyến khích người dân cập nhật tin tức trong nước qua sử dụng internet tại địa phương; phấn đấu tăng điểm số nội dung Quản trị điện tử từ 15% trở lên so với năm 2018 (Ước đạt từ 3.5 điểm trở lên).

- Bảo đảm sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục, y tế đạt từ 85% trở lên.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Đẩy mạnh và cải thiện các nội dung và tiêu chí thành phần theo đánh giá Chỉ số PAPI hiện hành, cụ thể như sau:

1. Tham gia của người dân ở cấp cơ sở

a) Tri thức công dân về tham gia: Nâng cao sự hiểu biết của người dân về chính sách hiện hành, về vị trí lãnh đạo; Thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.

b) Cơ hội tham gia: Tăng cường sự tham gia của người dân vào các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đoàn thể; các tổ chức xã hội, hội, nhóm, câu lạc bộ tự lập.

c) Chất lượng bầu cử: Nâng cao chất lượng bầu cử đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội, bầu trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố; tuyên truyền, phổ biến cụ thể, đầy đủ đến người dân về hình thức bầu cử, kết quả bầu cử, người trúng cử; nâng cao nhận thức của người dân về bầu cử và đảm bảo tính dân chủ trong bầu cử.

d) Đóng góp tự nguyện: Nâng cao hiệu quả của công tác đóng góp tự nguyện ở cơ sở, ghi chép và công khai các khoản đóng góp tự nguyện tại địa phương; người dân phải được tham gia đóng góp ý kiến đối với các công trình xây mới/tu sửa ở địa phương có sự đóng góp tự nguyện của người dân; tăng cường sự giám sát của Ban Thanh tra nhân dân hoặc Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đối với các công trình xây mới/tu sửa tại địa phương.

2. Công khai, minh bạch

a) Tiếp cận thông tin: Thường xuyên tạo cơ hội thuận lợi cho người dân được tiếp cận thông tin hữu ích, đảng tin cậy về chính sách, pháp luật từ chính quyền địa phương qua nhiều hình thức để đảm bảo thông tin đến được với người dân sớm nhất và chính xác nhất.

b) Danh sách hộ nghèo:

- Công khai kịp thời những thông tin về chính sách xã hội cho người nghèo để nhân dân biết, nhân dân bàn, giám sát thực hiện. Đổi mới phương thức bình chọn hộ nghèo theo hướng công khai, minh bạch, đúng đối tượng, công khai danh sách hộ nghèo đã được xét chọn tại trụ sở UBND cấp xã và tại khu dân cư.

- Thực hiện nghiêm, đúng quy trình, thủ tục và đảm bảo về thời gian việc xét hộ nghèo để thụ hưởng các chế độ, chính sách đúng quy định. Tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp những hộ thực tế rất nghèo nhưng không được đưa vào danh sách hộ nghèo và những hộ thực tế không nghèo nhưng lại được đưa vào danh sách hộ nghèo. Xử lý nghiêm những cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện không đúng các quy định về chính sách cho hộ nghèo theo quy định của nhà nước.

c) Thu, chi ngân sách cấp xã

- Công khai thu, chi ngân sách cấp xã và các khoản thu khác ở khu dân cư; việc công khai phải lựa chọn hình thức và vị trí phù hợp để đảm bảo cho người dân có thể đọc được các thông tin trong báo cáo thu, chi ngân sách cấp xã.

- Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã, các đoàn thể quần chúng, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Đảm bảo người dân tin về tính chính xác của thông tin được niêm yết. Kịp thời ngăn chặn và xử lý những dấu hiệu tiêu cực phát sinh trong quản lý tài chính, tài sản công.

- Tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ tài chính cho Chủ tịch UBND cấp xã, kế toán, thủ quỹ; hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ tài chính ở cấp xã.

d) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá bồi thường thu hồi đất

- Đẩy mạnh các hình thức công khai để người dân tiếp cận được thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện thời của địa phương; Chính quyền địa phương tạo cơ hội để người dân đóng góp ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, đặc biệt là các ý kiến về ảnh hưởng của kế hoạch/quy hoạch sử dụng đất đối với hộ gia đình. Công khai kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư.

- Thông báo cụ thể cho người dân biết về lý do thu hồi đất và đất bị thu hồi phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích quy hoạch; Công khai với người dân mức giá đền bù, số hộ, diện tích đất, loại đất bị thu hồi, tài sản, cây trồng cùng với mức giá đền bù.

- Công khai bảng giá đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt để người dân tiếp cận thông tin một cách dễ dàng nhất.

- Định kỳ kiểm tra việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để kịp thời chấn chỉnh.

3. Trách nhiệm giải trình với người dân

a) Mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền:

Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp xúc với chính quyền; nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền đối với người dân và hoạt động của Bộ phận tiếp công dân tại cấp xã để người dân tin cậy và dễ dàng liên hệ với chính quyền khi cần thiết. Cử cán bộ HĐND, UBND và các Đoàn thể, công chức chuyên môn cấp xã tiếp công dân để có phương án, kết quả trả lời rõ ràng; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đối với trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố để nâng cao hiệu quả giải quyết khúc mắc của người dân.

b) Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân: Chú trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời; đảm bảo các nội dung khiếu nại, tố cáo được chính quyền phúc đáp thỏa đáng, giảm các khiếu nại, tố cáo vượt cấp)

c) Tiếp cận dịch vụ tư pháp: Nâng cao hiểu biết của người dân đối với việc sử dụng tòa án địa phương và các biện pháp phi tòa án khi có tranh chấp dân sự.

4. Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

a) Kiểm soát tham nhũng trong chính quyền địa phương

- Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; CBCC các cơ quan chính quyền tuyệt đối không dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng.

- Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân; đảm bảo người dân không phải chi thêm tiền để thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp phép xây dựng; chứng thực, xác nhận; các thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã.

- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản có liên quan về phòng, chống tham nhũng bằng nhiều hình thức để người dân hiểu, giám sát và phản ánh những biểu hiện tham nhũng.

- Công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

b) Kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công

- Đối với lĩnh vực Y tế:

+ Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện quy tắc ứng xử của CBCCVC trong các đơn vị sự nghiệp y tế theo quy định hiện hành. Đảm bảo người dân không phải chỉ thêm tiền để được quan tâm hơn khi đi khám, chữa bệnh.

+ Cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám, chữa bệnh nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

+ Tổ chức việc lấy ý kiến đánh giá của người bệnh, người nhà người bệnh về thái độ của đội ngũ y, bác sỹ đối với người bệnh trong khám, chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả dân chấm điểm M.Score tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện trong tỉnh.

- Đối với lĩnh vực Giáo dục:

+ Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, giáo viên.

+ Rà soát, ban hành các văn bản chỉ đạo của ngành về phòng, chống tham nhũng ở một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao như: tuyển sinh, tuyển dụng, điều động, luân chuyển viên chức, bổ nhiệm cán bộ quản lý...;

+ Thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng viên chức trong ngành giáo dục; tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục. Tuyển sinh đầu vào đúng quy định.

+ Định kỳ, tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh, học sinh về thái độ của giáo viên đối với học sinh; chất lượng giảng dạy của giáo viên; việc dạy thêm, học thêm; các khoản đóng góp ngoài quy định. Đảm bảo phụ huynh học sinh tiểu học không phải chi thêm tiền để con em được quan tâm hơn.

c) Công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công

- Tổ chức các kỳ thi tuyển công chức công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo cơ hội cho tất cả mọi người có đủ điều kiện được tham gia; việc tuyển dụng phải đảm bảo cơ hội, quyền lợi ngang nhau cho tất cả các thí sinh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi tuyển.

- Đảm bảo mối quan hệ giữa cá nhân của người dự tuyển và người có chức quyền trong công tác tuyển dụng là không quan trọng đối với kết quả trúng tuyển.

- Xử lý nghiêm những trường hợp nhận hối lộ, nhũng nhiễu trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức.

d) Quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền địa phương

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Bảo vệ và tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc tố cáo hành vi tham nhũng đúng địa chỉ, đúng đối tượng; Phát huy tinh thần tố giác của cán bộ, nhân dân đối với các hành vi tham nhũng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng tại địa phương; Xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách.

- Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp, các hội quần chúng, các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

- Công khai báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng hàng năm của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Thủ tục hành chính công

- Nâng cao hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận Một cửa, Một cửa liên thông cấp huyện, cấp xã và Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian đối với các TTHC về lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp, hộ tịch,... đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

- Chất lượng dịch vụ hành chính ở UBND cấp xã phải đảm bảo theo các tiêu chí quy định.

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và CBCC trực tiếp giải quyết TTHC đối với người dân, tổ chức. Cơ quan hành chính có thẩm quyền giải quyết TTHC chịu trách nhiệm xin lỗi người dân, tổ chức đối với các hồ sơ trễ hẹn và nêu rõ lý do trễ hẹn và hẹn lại thời gian trả hồ sơ theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đời sống người dân như: cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng thực, xác nhận... nhằm đảm bảo sự hài lòng của người dân trong việc giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Đảm bảo người dân không phải qua nhiều cửa để thực hiện TTHC về cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Đảm bảo TTHC phải được công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn quy định, tạo thuận lợi cho cá nhân và tổ chức tìm hiểu và thực hiện TTHC.

6. Cung ứng dịch vụ công

a) Y tế công lập

- Nâng cao chất lượng các bệnh viện công lập, trung tâm y tế tuyến huyện để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân; giảm sức ép cho y tế tuyến trên; đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp một số trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

- Nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, quy định về y đức, tinh thần và thái độ phục vụ người bệnh, quy tắc ứng xử của đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám chữa bệnh nhằm giảm thiểu TTHC; không ngừng cải tiến quy trình khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân;

- Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế, nâng cao tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cải cách TTHC trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, từ khâu cấp phát thẻ đến thanh toán chế độ bảo hiểm y tế. Thực hiện tốt công tác chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người nghèo.

- Thường xuyên thực hiện đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công.

b) Giáo dục tiểu học công lập

- Tăng cường đầu tư, bảo quản và sử dụng tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường theo tiêu chuẩn Quốc gia, đạt chuẩn cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

- Phân bổ hợp lý sĩ số học sinh trên mỗi lớp, đảm bảo cung cấp nhà vệ sinh sạch sẽ, hệ thống nước sạch đảm bảo vệ sinh cho học sinh. Nhà trường công khai các khoản thu, chi do phụ huynh đóng góp, đảm bảo không phân biệt đối xử giữa nhóm học sinh có đóng góp và không đóng góp hoặc mức độ đóng góp.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, đảm bảo cho việc dạy và học theo quy định. Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với bậc tiểu học, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong dạy thêm, học thêm và các trường hợp phân biệt đối xử đối với học sinh không tham gia học thêm.

- Có biện pháp tích cực để phòng, chống bạo lực học trong nhà trường.

- Định kỳ triển khai khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục tiểu học công lập.

c) Cơ sở hạ tầng căn bản

- Đầu tư mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng cấp nước tại các đô thị. Đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước sạch cho nhân dân.

- Nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và điện phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là đề án, dự án liên quan đến khu vực nông thôn.

- Chú trọng hệ thống giao thông ở khu vực dân cư. Bảo đảm cung ứng tốt dịch vụ thu gom rác thải ở các vùng đô thị và các diêm tập trung dân cư ở vùng nông thôn.

d) An ninh, trật tự khu dân cư

- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; các chương trình, mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; không để xảy ra các hoạt động theo kiểu xã hội đen và các loại tội phạm mới.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hiện các chương trình phối hợp hoạt động giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đảm bảo mức độ an toàn của người dân tại địa phương ngày càng được nâng cao.

7. Quản trị môi trường

- Nghiêm túc thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Khuyến khích người dân cung cấp thông tin, bằng chứng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tại địa phương.

- Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các trường hợp CBCC các cơ quan quản lý nhà nước nhận hối lộ của doanh nghiệp với mục đích trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường.

- Chú trọng bảo vệ chất lượng không khí, chất lượng nguồn nước sinh hoạt (nguồn nước uống, giặt giũ, bơi lội) tại địa phương.

- Xây dựng kế hoạch và giải pháp để khuyến khích các cơ quan, đơn vị và người dân tăng cường trồng cây, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng tại địa phương để bảo vệ môi trường.

8. Quản trị điện tử

- Căn cứ điều 25 Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018, tập trung xây dựng Công dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa tập trung, thống nhất để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, giải quyết TTHC.

- Nâng cấp hệ thống cổng thông tin điện tử của chính quyền các cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể lấy đủ thông tin chi dẫn, biểu mẫu (nếu có) từ cổng thông tin điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính về các lĩnh vực đất đai, xây dựng, tư pháp, hộ tịch,....

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền các cấp.

- Khuyến khích người dân sử dụng internet để tiếp cận thông tin, tin tức tại địa phương.

- Có kế hoạch thiết lập, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các khu công cộng để hỗ trợ người dân truy cập internet; khuyến khích người dân lắp đặt hệ thống internet tại nhà (nếu đủ điều kiện thực hiện) để nâng cao tỷ lệ kết nối internet tại nhà của người dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị và nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động này, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động này, đồng thời chịu trách nhiệm chính về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền phụ trách theo quy định.

- Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm kết hợp đưa nội dung báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo Chương trình này vào Báo cáo công tác cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị gửi Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Nội vụ

- Làm đầu mối tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Chương trình hành động này của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và một số cơ quan liên quan; định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo UBND tỉnh.

- Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nội dung phù hợp với Chỉ số PAPI hàng năm để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động này.

- Tăng cường công tác kiểm tra về kỷ luật, kỷ cương hành chính để kịp thời phát hiện và đề xuất xử lý nghiêm các CBCCVC có biểu hiện và hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết công việc, cung cấp các dịch vụ công đối với người dân và tổ chức.

3. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí hợp lý để triển khai thực hiện Chương trình hành động này.

4. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền chính sách bảo hiểm y tế trong nhân dân; ban hành các văn bản hướng dẫn liên ngành, quy chế phối hợp để tiếp tục nâng cao tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ người dân trong việc thanh toán các chế độ bảo hiểm y tế.

5. Công an tỉnh

Thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy; giữ vững an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các giải nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng để góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến Chương trình hành động này và đưa tin, bài phản ánh về kết quả triển khai thực hiện để nhân dân biết, giám sát và tích cực hưởng ứng thực hiện./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1682/QĐ-UBND năm 2019 về Chương trình hành động duy trì và củng cố Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020-2025

  • Số hiệu: 1682/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Nguyễn Đức Chính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản