Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 168/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT

Hà Nội, ngày 16 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2025

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THỦY SẢN

Căn cứ Quyết định số 57/2014/QĐ-TTg ngày 22/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 1588/QĐ-BNN-TCCB ngày 09 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân cấp cho Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy sản một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định 332/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trường thủy sản đến năm 2020;

Căn cứ quyết định 3246/QĐ-BNN-KHCN ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Quyết định 1259/QĐ-BNN-KHCN ngày 04 tháng 6 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chương trình khung nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1197/QĐ-BNN-KH ngày 07/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông báo kết luận số 5228/TB-BNN-VP ngày 23/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 472/QĐ-TCTS-KHTC ngày 07 tháng 7 năm 2016 của Tổng cục Thủy sản về việc phân công thực hiện các nhiệm vụ triển khai tái cơ cấu trong lĩnh vực thủy sản tại Quyết định số 1197/QĐ-BNN-KH ngày 07/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông báo kết luận số 5228/TB-BNN-VP ngày 23/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình khung nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển Thủy sản giai đoạn 2017-2025” với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Định hướng các nhiệm vụ khoa học công nghệ tập trung vào giải quyết những vấn đề quan trọng để thúc đẩy phát triển nuôi, trồng, khai thác hiệu quả bền vững và giảm tổn thất sau thu hoạch các đối tượng chủ lực (cá tra, tôm nước lợ, nhuyễn thể, cá rô phi, cá ngừ, mực, cá nổi) và một số loài thủy đặc sản, quý hiếm (tôm hùm, rong biển, cá biển, hải sâm, chình mù, bạch tuộc...) phục vụ tái cơ cấu ngành và thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

- Tạo ra các đàn bố mẹ hậu bị chất lượng cao (sạch bệnh, kháng một số bệnh thường gặp; tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao; thích ứng với các điều kiện môi trường và biến đổi khí hậu) các đối tượng nuôi trồng chủ lực và một số loài thủy đặc sản, quý hiếm; đáp ứng tối thiểu 75% nhu cầu con giống cho nhu cầu sản xuất.

- Làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng các đối tượng chủ lực (tôm, cá tra...) và một số loài thủy đặc sản, quý hiếm hiệu quả, an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh thực phẩm và phù hợp với các điều kiện sinh thái khác nhau.

- Đưa ra được các giải pháp kỹ thuật và quản lý để kiểm soát và phòng trị hiệu quả một số bệnh thường gặp trên các đối tượng nuôi chủ lực như: Bệnh đốm trắng, gan tụy cấp, vi bào tử trùng... trên tôm nước lợ; gan thận mủ trên cá tra; bệnh sữa trên tôm hùm.

- Làm chủ được quy trình sản xuất 3-5 sản phẩm xử lý cải tạo môi trường thủy sản; 3-5 loại thức ăn thủy sản; 2-3 sản phẩm phòng, trị hiệu quả một số bệnh thường gặp trên cá tra, tôm nước lợ, tôm hùm.

- Đưa ra được các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cho các đối tượng nuôi chủ lực: Tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, rô phi đảm bảo giảm chi phí sản xuất, tăng độ an toàn và hiệu quả sản xuất bền vững phù hợp với chuỗi cung ứng toàn cầu.

2.2. Lĩnh vực khai thác, nguồn lợi và bảo quản sau thu hoạch

- Xây dựng được phương pháp, quy trình điều tra, đánh giá biến động nguồn lợi hải sản và dự báo ngư trường khai thác hải sản phù hợp điều kiện Việt Nam.

- Đề xuất được các giải pháp kỹ thuật và quản lý để áp dụng phương pháp quản lý nguồn lợi và nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái ở một số vùng biển phù hợp.

- Cung cấp luận cứ khoa học cho việc thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển, bãi đẻ, khu ương dưỡng giống tự nhiên (fisheries refugia) ở các vùng biển và khu bảo tồn nội địa.

- Xây dựng được quy trình công nghệ khai thác cá ngừ đại dương bằng tàu lưới vây đuôi, câu vàng, câu tay; khai thác cá nổi nhỏ, mực bằng lưới chụp, lưới vây; khai thác một số đối tượng đặc sản: cá chình mù, bạch tuộc bằng lồng bẫy,... ở vùng biển xa bờ.

- Thiết kế được hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm giảm >20% tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch và tăng >25% hiệu quả kinh tế so với mô hình truyền thống.

- Tạo ra 02-03 quy trình công nghệ chiết xuất, chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng từ sinh vật biển phục vụ công nghiệp y dược và thực phẩm.

- Đưa ra được 02-03 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng trong khai thác các đối tượng chủ lực, đặc sản: cá ngừ đại dương, mực, bạch tuộc, chình mù,... phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

II. Nội dung chương trình

1. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

- Tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm nước lợ Việt Nam sau khi được Thủ tướng phê duyệt.

- Triển khai có kết quả cao các chương trình khoa học công nghệ đối với sản phẩm quốc gia cá da trơn và tôm nước lợ trong đó tập trung vào nghiên cứu chọn tạo giống các loài chủ lực: Tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, cá rô phi, một số loài cá biển theo các tình trạng tăng trưởng nhanh, sạch bệnh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với các mô hình nuôi ở các vùng sinh thái khác nhau.

- Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi trồng thương phẩm một số loài chủ lực, thủy đặc sản, quý hiếm bảo đảm hiệu quả kinh tế, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi hữu cơ, sinh thái, hạn chế sử dụng kháng sinh đối với tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm.

- Nghiên cứu nguyên nhân, tác nhân và các giải pháp chẩn đoán, phòng trị hiệu quả một số bệnh thường gặp: Gan thận mủ trên cá tra, đốm trắng, gan tụy cấp và vi bào tử trùng trên tôm nước lợ, bệnh sữa trên tôm hùm; các giải pháp kỹ thuật kiểm soát môi trường vùng, cơ sở sản xuất giống, vùng và cơ sở nuôi thương phẩm nhằm hạn chế bùng phát và lây lan dịch bệnh.

- Nghiên cứu, xây dựng công nghệ sản xuất thức ăn, chế phẩm sinh học xử lý cải tạo môi trường, thuốc thủy sản thay thế các chất kháng sinh bị cấm, giảm hệ số thức ăn, tăng năng suất nuôi cho tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá rô phi.

- Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý để phát triển chuỗi giá trị các đối tượng chủ lực: Tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, rô phi.

2. Lĩnh vực khai thác, nguồn lợi và bảo quản sau thu hoạch

- Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp và quy trình điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản (ở các vùng biển và các thủy vực nội đồng) và dự báo ngư trường khai thác hải sản phù hợp điều kiện Việt Nam.

- Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật và quản lý để áp dụng phương pháp quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái đối với một số vùng biển phù hợp.

- Nghiên cứu cơ sở khoa học để thành lập và đề xuất giải pháp quản lý một số khu bảo tồn, khu ương dưỡng giống thủy sản tự nhiên; Nghiên cứu và đề xuất giải pháp kỹ thuật phục hồi một số hệ sinh thái thủy sinh, sinh cảnh, nơi cư trú và tái tạo quần đàn một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

- Nghiên cứu hoàn thiện và cơ giới hóa một số công nghệ khai thác hải sản vùng biển xa bờ Việt Nam (lưới vây, câu, chụp, rê).

- Nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ và thiết bị bảo quản trên tàu phù hợp với từng loại nghề khai thác để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch một số đối tượng chủ lực, đặc sản, có sản lượng lớn ở các vùng biển xa bờ: cá ngừ đại dương, cá thu, mực đại dương, mực ống, cá nổi nhỏ....

- Nghiên cứu công nghệ chiết xuất một số chất có hoạt tính sinh học cao từ nguồn sinh vật biển phục vụ sản xuất các sản phẩm y dược, mỹ phẩm và chế biến một số sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

- Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý để phát triển chuỗi giá trị một số sản phẩm thủy sản từ khai thác.

III. Sản phẩm chủ yếu

1. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

- Các đàn bố mẹ hậu bị chất lượng (sạch bệnh/kháng bệnh, tăng trưởng nhanh, thích nghi với các điều kiện môi trường) phục vụ sản xuất đủ giống mới cho nuôi thương phẩm cá tra, tôm nước lợ, cá rô phi, nhuyễn thể.

- Quy trình kỹ thuật sản xuất giống các đối tượng chủ lực khỏe mạnh, sạch bệnh/kháng bệnh, tỷ lệ sống cao (cá tra >30%, cá rô phi >45%, tôm nước lợ >25%, cá biển >25%, nhuyễn thể >15%) và quy trình sản xuất giống một số loài đặc sản, quý hiếm: rong biển, cá cảnh biển và loài bản địa khác. Quy trình công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với tôm nước lợ, cá tra, tôm hùm; công nghệ nuôi hữu cơ, sinh thái; công nghệ nuôi bằng hệ thống tuần hoàn (Ras); Công nghệ Biofloc....

- Biện pháp phòng tránh và phác đồ điều trị một số thường gặp như: Bệnh đốm trắng và gan tụy cấp trên tôm nước lợ, bệnh gan thận mủ trên cá tra, bệnh sữa trên tôm hùm,...; các giải pháp kỹ thuật và quản lý môi trường vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm nhằm hạn chế bùng phát và lây lan dịch bệnh.

- Công thức thức ăn phù hợp cho từng giai đoạn phát triển cho tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi, cá biển, nhuyễn thể; Quy trình kỹ thuật sản xuất một số sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, tăng cường sức khỏe cho thủy sản nuôi.

- Các giải pháp quản lý để phát triển chuỗi giá trị các đối tượng chủ lực: Tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, rô phi.

2. Lĩnh vực khai thác, nguồn lợi và bảo quản sau thu hoạch

- Quy trình điều tra, đánh giá biến động và dự báo nguồn lợi thủy sản (ở các vùng biển và các thủy vực nội đồng) phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.

- Hệ thống các giải pháp kỹ thuật và quản lý nguồn lợi, hoạt động khai thác, bảo vệ hệ sinh thái thủy sản và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

- Quy trình chiết xuất một số chất có hoạt tính sinh học từ nguồn sinh vật biển.

- Hệ thống thiết bị và quy trình công nghệ sơ chế, bảo quản trên tàu cá ngừ đại dương, mực đại dương, mực ống đảm bảo giảm >20% tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch và tăng >30% hiệu quả kinh tế so với mô hình truyền thống.

- Các giải pháp quản lý để phát triển chuỗi giá trị các đối tượng chủ lực: tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, rô phi.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế

- Đầu mối phối hợp với Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc xây dựng triển khai nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

- Tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục thành lập Hội đồng khoa học công nghệ nhiệm kỳ 2017-2025 của Tổng cục Thủy sản để điều phối thống nhất các hoạt động nghiên cứu của ngành theo Chương trình khung này.

- Chủ trì xây dựng và trình Tổng cục Danh mục các nhiệm vụ khoa học theo định hướng nội dung của Chương trình này.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, rà soát, báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh Chương trình cho phù hợp điều kiện thực tế.

2. Các đơn vị thuộc Tổng cục

- Hàng năm, căn cứ vào Chương trình này đề xuất, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực quản lý của đơn vị.

- Phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế rà soát, đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh Chương trình phù hợp điều kiện thực tế.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố

Căn cứ vào định hướng nội dung tại Chương trình này, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp thành phố phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

4. Các Tổ chức khoa học và công nghệ

Căn cứ vào định hướng nội dung tại Chương trình này, đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp thành phố và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau khi được phê duyệt.

5. Các Doanh nghiệp, Hội và Hiệp hội

Căn cứ vào chương trình khung đề xuất, đặt hàng các nhiệm để ứng dụng vào sản xuất thủy sản.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Tổng cục Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;
- Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính;
- Trung tâm khuyến nông Quốc gia;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố;
- Các tổ chức khoa học và công nghệ;
- Doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội liên quan;
- Lưu VT, KHCN&HTQT (90 bản).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Trần Đình Luân

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 168/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT năm 2017 về phê duyệt chương trình khung khoa học công nghệ phục vụ phát triển thủy sản đến năm 2025 do Tổng cục Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 168/QĐ-TCTS-KHCN&HTQT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/02/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuỷ sản
  • Người ký: Trần Đình Luân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản